| Hotline: 0983.970.780

Làm thế nào để hài hòa lợi ích?

Thứ Ba 29/05/2012 , 10:55 (GMT+7)

Theo chúng tôi, vụ việc đang xảy ra ở Thụy Hải thật đáng tiếc, đã gây thiệt hại trực tiếp đến 4 nhóm người...

Bao giờ những khối bê tông ở cổng nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải được dỡ đi?

Trong các số báo 93, 94 (ngày 9 và 10/5/2012), báo NNVN đã có bài phản ánh việc từ ngày 8/8/2011 đến nay, một số người dân xã Thụy Hải (chủ yếu là ở thôn Quang Lang Đoài), huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã đổ bê tông, làm lều chắn cả hai cổng nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải (thuộc Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải) khiến nhà máy phải ngừng hoạt động.

>> Ô nhiễm môi trường hay tranh chấp nguyên liệu?

PV báo NNVN đã tiếp xúc với cả hai phía và đã ghi nhận được hai luồng ý kiến ngược nhau: Những người dân vây nhà máy cho rằng nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của họ. Do đã gửi đơn từ nhiều lần nhưng không được cấp nào giải quyết, nên cực chẳng đã họ phải ngăn cản không cho nhà máy hoạt động, kiên quyết yêu cầu Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải phải chuyển nhà máy đi nơi khác. Giám đốc nhà máy, ông Nguyễn Bắc Hà thì cho rằng nhà máy không gây ô nhiễm. Việc ngăn cản nhà máy hoạt động chỉ do một số, cụ thể là hơn 50 người gây ra. Ô nhiễm chỉ là cái cớ, sự thực chính là việc tranh chấp nguồn nguyên liệu, vì xưa nay nhà máy của ông mua cá nguyên liệu của ngư dân với giá từ 3,5 đến 4,5 ngàn đồng/kg. Nhà máy ngừng hoạt động, ngư dân bị một số “đầu nậu” ép giá, buộc phải bán cá nguyên liệu với giá chỉ từ 1,2 đến 1,5 ngàn đồng/kg cho họ.

Lãnh đạo huyện cho biết, ngay trong tuần (7-13/5/2012) sẽ tổ chức đối thoại với dân, vận động, thuyết phục bà con “giải phóng” cho nhà máy hoạt động bình thường, trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc. Nếu nhà máy gây ô nhiễm môi trường thì phải có biện pháp khắc phục triệt để, còn không, sẽ kiên quyết đóng cửa.

Thế nhưng, mãi đến ngày 25/5/2012, cuộc đối thoại mới được UBND tỉnh Thái Bình tổ chức tại hội trường UBND xã Thụy Hải. Chủ trì cuộc đối thoại là ông Phạm Văn Ca, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cùng một đội ngũ khá hùng hậu (lãnh đạo Sở TN&MT, lãnh đạo Sở Công an cùng một số sở, ban, ngành khác, lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Huyện ủy huyện Thái Thụy và lãnh đạo cùng các ban, ngành của UBND xã Thụy Hải).

Theo một lãnh đạo Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải, thì cuộc đối thoại đã không thành công do sự “bất hợp tác” của một số người dân đang ngăn cản hoạt động của nhà máy được mời đến. Những người này đã “không nghe, không chấp nhận” bất kỳ sự giải thích, vận động nào của phía chính quyền, một hai chỉ đòi Công ty phải di chuyển nhà máy đi nơi khác hoặc tháo dỡ thiết bị sản xuất chế biến bột cá, bán lại vỏ nhà máy cho một doanh nghiệp khác mà việc sản xuất của họ không gây ô nhiễm môi trường như may mặc, mây tre đan...

Cuối buổi đối thoại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Ca kết luận: Trước mắt, UBND tỉnh sẽ thu hồi giấy phép hoạt động dây chuyền 2 (có công suất chế biến 120 tấn cá nguyên liệu/ngày) của nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải. Yêu cầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là cấp xã tiếp tục vận động, thuyết phục để người dân dỡ lều, phá bê tông ngăn cổng để dây chuyền 1 của nhà máy hoạt động, để tỉnh có cơ sở kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, lấy đó làm căn cứ để quyết định có cho nhà máy tiếp tục hoạt động hay không. Yêu cầu UBND huyện Thái Thụy không chấp nhận cho đầu tư hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy sản đang sản xuất, yêu cầu phải có cam kết bằng văn bản, đưa ra lộ trình và biện pháp khắc phục những vi phạm về môi trường, kiên quyết xử lý những vi phạm nếu có. Yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, phân loại, xử lý các đối tượng gây rối trật tự công cộng, làm mất an ninh tại địa phương theo quy định của pháp luật. Về lâu dài, UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng và địa phương khảo sát để xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải xa khu dân cư.

Theo chúng tôi, vụ việc đang xảy ra ở Thụy Hải thật đáng tiếc, đã gây thiệt hại trực tiếp đến 4 nhóm người: Những người dân ở gần nhà máy thiệt hại vì môi trường ô nhiễm; Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải thiệt hại do nhà máy phải ngừng sản xuất; Công nhân nhà máy thiệt hại vì mất việc làm và cuối cùng, hàng ngàn ngư dân là những người phải gánh chịu phần thiệt hại nặng nề nhất do đang bán cá nguyên liệu cho nhà máy với giá cao, gần 10 tháng qua đã bị ép giá một cách thê thảm, ra khơi chuyến nào lỗ chuyến ấy. Trong vụ này, hành vi của những người dân ngăn cản nhà máy hoạt động là hoàn toàn trái pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thái Bình đã chậm chạp trong việc giải quyết đơn từ khiếu nại của dân. Phần Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải cũng có lỗi vì tự ý đưa dây chuyền 2 của nhà máy vào hoạt động khi chưa được phép của UBND tỉnh, gây ô nhiễm môi trường (chính việc này đã trở thành “giọt nước tràn ly” khiến người dân bức xúc kéo đến ngăn cản không cho nhà máy hoạt động).

Kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Ca, thay mặt UBND tỉnh Thái Bình, là rất thỏa đáng, là đã tính đến việc bảo đảm lợi ích cho cả 4 nhóm người trên. Thực hiện được triệt để những điều trong kết luận đó, thì lợi ích của các bên sẽ trở nên hài hòa. Nhà máy vẫn được tồn tại, tiếp tục sản xuất nếu đầu tư xử lý việc ô nhiễm môi trường một cách triệt để, khoa học, người dân Thụy Hải được trả lại môi trường trong lành, công nhân có việc làm và hàng ngàn ngư dân tiếp tục sống được do bán được cá nguyên liệu cho nhà máy với giá hợp lý.

Để làm được điều đó, điều cốt lõi là hai bên (người dân và Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải ) đều phải bình tĩnh, biết lắng nghe nhau, phải cùng có thiện chí, biết tôn trọng lợi ích của nhau trên cơ sở thượng tôn pháp luật và dưới sự chỉ đạo, giám sát của chính quyền.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.