| Hotline: 0983.970.780

Làn sóng ngư dân 'tố' ngân hàng chỉ định đơn vị đóng tàu chưa dừng lại

Thứ Bảy 24/06/2017 , 07:15 (GMT+7)

Trong khi câu chuyện tàu vỏ thép 67 kém chất lượng tại Bình Định đang đi đến hồi kết, thì làn sóng ngư dân “tố” ngân hàng chỉ định đơn vị đóng tàu vẫn chưa dừng lại. 

Những người lên tiếng không những “tố” ngân hàng đã chỉ định đơn vị đóng tàu đến mức “buộc” ngư dân, mà còn tiết lộ thêm nhiều câu chuyện liên quan đến sự bàng quan của cán bộ ngân hàng có liên quan đến vụ tàu vỏ thép 67 kém chất lượng.

 

Vay tiền của họ thì không dám làm theo ý mình

Đến bây giờ, ngồi nhớ lại quãng thời gian “chạy chọt” để hồ sơ đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67 của mình được “trôi chảy” tại BIDV phòng giao dịch huyện Hoài Nhơn (Bình Định), ngư dân Phan Lùn (36 tuổi) ở thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn), còn thấy ngán ngẩm. “Trắc trở, mệt mỏi lắm anh à!”, Phan Lùn nói. “Chuyện của các ngư dân khác thì anh biết rồi, nhưng chuyện của em thì chưa, có thể có gì đó khác hơn chăng?” - tôi hỏi.

13-09-59_1
Ngư dân Phan Lùn kể chuyện với PV

 Nhìn vào mắt của Lùn, tôi biết anh rất muốn trình bày câu chuyện của mình, nhưng có gì đó làm anh lo lắng.

Vậy nhưng hồi lâu sau, như không cầm được bức xúc, Phan Lùn bắt đầu bày tỏ: “Khi hồ sơ đóng tàu vỏ thép của tui được UBND tỉnh phê duyệt, tui mừng húm! Trong quá trình giao dịch với Ngân hàng BIDV phòng giao dịch huyện Hoài Nhơn, bao nhiêu khó khăn trắc trở tui cũng cố vượt qua để hồ sơ nhanh được giải quyết, nhưng không ngờ nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp, đau đầu lắm!”.

Theo lời kể của Lùn, ban đầu anh có ý định đóng tàu tại Cty Việt Tiến, bởi nhận thấy những con tàu vỏ thép do đơn vị này đóng cho ngư dân bạn cùng địa phương làm ăn rất hiệu quả. Thế nhưng người “cầm chịch” BIDV phòng giao dịch huyện Hoài Nhơn khi ấy là ông Khánh lại không “hài lòng” với quyết định trên của anh Lùn, mà ông bảo Lùn sang đóng tàu bên Cty TNHH MTV Nam Triệu (viết tắt Cty Nam Triệu), với lý do: “Công ty này của Công an, làm ăn chắc thiệt hơn!”.

Do Lùn cứ trù trừ chọn lựa, nên 1 năm sau hồ sơ của anh vẫn chưa được giải quyết. Cuối cùng, dù lòng không muốn, nhưng Lùn cứ phải làm theo chỉ định của ngân hàng, quyết định làm hợp đồng đóng tàu tại Cty Nam Triệu. “Mình vay tiền của họ (BIDV phòng giao dịch Hoài Nhơn) nên không thể làm theo ý mình, mà phải làm theo ý họ, nếu khăng khăng làm theo ý mình thì hồ sơ sẽ bị trục trặc. Bây giờ nhận được con tàu vỏ thép về rồi càng thêm lo, vì máy bị hư hỏng tùm lum. Cực chẳng đã bức xúc lắm tui mới nói chứ ngại lắm, sợ sau này phức tạp đủ thứ”, Phan Lùn bộc bạch.

Ngư dân Nguyễn Thư (55 tuổi) cũng ở thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99939 TS, cho biết thêm: Hồ sơ đăng ký đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67 của ông Thư nộp từ tháng 5/2014, mãi đến đầu năm 2016 mới được giải ngân vốn đóng tàu.

Giải thích nguyên nhân trễ, ngư dân Thư nói: “Đầu tiên ông Khánh, Trưởng phòng giao dịch BIDV huyện Hoài Nhơn, bảo tui đóng tàu tại Cty Đại Nguyên Dương. Tui không chịu, bởi lòng muốn đóng ở Cty Việt Tiến. Nhưng ông Khánh bảo Cty Việt Tiến “nhỏ tí” làm sao đóng tàu vỏ thép! Sau đó ông Khánh chuyển sang bảo tui đóng ở Cty Nam Triệu. Tui cũng không đồng ý. Vậy là hồ sơ của tui không được giải quyết. Lúc ấy ông Khánh nói thẳng là khi nào tui chịu đóng ở Cty Nam Triệu thì mới giải quyết hồ sơ. Ông Khánh nói như là buộc. Nóng ruột có tàu vỏ thép quá nên tui nhắm mắt làm cho xong”.
 

Biết tàu kém chất lượng vẫn làm ngơ

Khi mới nhập cuộc vụ tàu 67 kém chất lượng, tôi được nghe ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (SN 1961) ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99567 TS, kể chuyện: Trong quá trình tham gia giám sát đóng tàu tại Cty TNHH Đại Nguyên Dương, con trai ông Mạnh là ngư dân Nguyễn Văn Khỏe phát hiện con tàu vỏ thép của mình được đóng bằng thép Trung Quốc chứ không phải thép Hàn Quốc hay Nhật Bản như trong hợp đồng. Anh Khỏe bức xúc lấy máy điện thoại chụp ảnh để làm bằng chứng. Sau đó, anh Khỏe về lại địa phương và đến Ngân hàng BIDV phòng giao dịch huyện Phù Mỹ trình báo chuyện Cty Đại Nguyên Dương đánh tráo thép đóng tàu. Cứ ngỡ, là đơn vị cho vay tiền đóng tàu thì BIDV phòng giao dịch huyện Phù Mỹ sẽ có động thái can thiệp, nhưng rồi câu chuyện này lại rơi vào quên lãng. “Con tui đến ngân hàng báo việc con tàu đang đóng bị tráo vật liệu thép, BIDV phòng giao dịch huyện Phù Mỹ bảo sẽ trình báo vụ việc lên BIDV Chi nhánh Phú Tài, đơn vị cấp trên. Thế nhưng sau đó không thấy ai nhắc lại chuyện này, vậy là chuyện đó trôi luôn”, ông Mạnh nói.

13-09-59_2
13-09-59_3
Tàu gỗ mới đóng của ngư dân Phan Lùn đang lắp máy Mitsubishi chính hãng nguyên đai nguyên kiện.

Còn theo ngư dân Phan Lùn, khi mới nhận tàu, con tàu vỏ thép BĐ 99119 TS (811 CV) của anh trên đường chạy từ Hải Phòng về đã trục trặc, nhấn ga hết cỡ vẫn chỉ đạt tốc độ 6-7 hải lý/giờ. Về đến cửa biển Tam Quan máy tiếp tục bị trục trặc, phải sửa chữa mới chạy được.

“Khi bị trục trặc tui xuống kiểm máy thì mới phát hiện ra nó không phải máy Mitsubishi nguyên đai nguyên kiện như trong hợp đồng. Tui vốn làm nghề thợ máy thủy nên nhìn là biết đây là máy cơ giới, đầu của máy phát điện chứ không phải máy thủy. Trong khi con tàu nặng cả trăm tấn sao nó kéo nổi. Nhưng để chắc ăn, sau đó tui thuê 1 đơn vị độc lập ở TP.HCM về thẩm định, kết quả cho thấy máy không đồng bộ, là máy độ chế. Kết quả thẩm định tui còn giữ, nhưng bây giờ ngại trình ra cho cơ quan chức năng, vì sợ gặp rắc rối”, ngư dân Lùn cho biết.

Cũng theo lời kể của ngư dân Phan Lùn, lúc mới đưa tàu về mà máy đã hư, anh có mời ông Khánh, Trưởng phòng giao dịch BIDV huyện Hoài Nhơn xuống xem, chỉ nhìn bằng mắt thường mà ông Khánh đã có nhận định đây là máy dởm. “Ông Khánh không phải thợ máy nhưng nhìn vẻ bề ngoài thôi ông ấy cũng đã biết là máy dởm, bởi ngay cả màu sơn cũng đã rất khác với máy nguyên đai nguyên kiện. Tui vừa mua 3 máy Mitsubishi chính hãng về lắp vào 3 chiếc tàu gỗ mới đóng, nhìn chúng khác xa máy cùng hãng lắp vào tàu vỏ thép”, ngư dân Phan Lùn nói.

Những câu chuyện kể trên cho thấy, cán bộ Ngân hàng BIDV các phòng giao dịch thiếu trách nhiệm với cả đồng tiền mình cho vay. Bởi nếu tàu vỏ thép được đóng và lắp máy không đúng yêu cầu kỹ thuật thì ngư dân không thể vươn khơi đánh bắt. Không làm ăn được thì không có thu nhập, ngư dân khó lòng trả nợ cho ngân hàng theo định kỳ. Thực tế hiện nay đã có hàng chục ngư dân vay tiền đóng tàu vỏ thép ở Bình Định đã quá hạn nhưng không trả được nợ. Ấy vậy mà khi được ngư dân phản ánh chuyện bị đánh tráo vỏ thép và biết tỏng tàu được lắp máy dởm mà cán bộ ngân hàng vẫn làm ngơ!?

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.