| Hotline: 0983.970.780

Lan tỏa “cách mạng trắng”: Sức ép môi trường

Thứ Ba 25/11/2014 , 08:25 (GMT+7)

Bò sữa đang tạo nên cú hích rõ rệt cho đời sống nông dân. Nhưng hấp dẫn kinh tế khiến đàn bò phát triển quá nóng cũng đang tạo ra những hệ lụy về sức ép môi trường hết sức đáng ngại. /Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: Lan tỏa “cách mạng trắng”

Trong khi đó, chính sách dường như chưa thể theo kịp để mở đường trước nhu cầu phát triển bò sữa.

Trăn trở từ Vĩnh Thịnh

Là địa phương có mặt bò sữa sớm nhất ở Vĩnh Phúc từ năm 2000-2001, đến nay, Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường) đã trở thành vựa bò sữa chiếm 2/3 tổng đàn bò sữa toàn tỉnh. Ông Bùi Như Ý, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc bảo rằng, nếu để nói về những bức xúc, trăn trở về chương trình bò sữa thì Vĩnh Thịnh chính là bức tranh của “Vĩnh Phúc thu nhỏ”.

Chúng tôi đến thôn Khánh Nhi Ngược (xã Vĩnh Thịnh) đúng vào hôm thôn này bầu cử trưởng thôn mới. Ông Kiều Văn Ngọc, cựu trưởng thôn tái đắc cử khóa mới với hơn 95% số phiếu tán thành. Trăn trở mục tiêu lớn nhất của vị trưởng thôn này trong nhiệm kỳ mới, đó là làm sao đưa được toàn bộ đàn bò sữa của thôn ra ngoài khu dân cư. Ông Ngọc bảo, bò sữa đã giúp Khánh Nhi Ngược thoát nghèo, nhưng để làm giàu thật sự không thể không chuyển đàn bò ra vùng đất bãi.

Cũng như nhiều thôn khác ở xã Vĩnh Thịnh, lợi nhuận từ bò sữa khiến đàn bò thôn Khánh Nhi Ngược đang từng ngày bùng nổ về số lượng dường như không thể kiểm soát. Nếu như đầu năm 2013, cả thôn mới chỉ có khoảng 70-80 hộ nuôi bò sữa, với số lượng chỉ khoảng 100 con thì đến thời điểm này, đã có tới 160 trên tổng số 250 hộ dân trong thôn nuôi, với tổng số hơn 700 con bò sữa, tăng gấp 7 lần đầu con so với cách đây gần 2 năm.

Nếu như trung bình trước đây, mỗi hộ chỉ nuôi từ 1-2 con bò sữa thì nay, quy mô này đã tăng lên trung bình 4,5 con/hộ và sẽ không dừng lại. Bức xúc ở chỗ, gần như toàn bộ đàn bò sữa đều đang được nuôi ngay trong khu dân cư.

Người ta tận dụng tất cả những khoảng trống nào có thể trong khuôn viên gia đình vốn đã vô cùng chật hẹp như khoảng đất trồng rau bên vách nhà, sân giếng… để nuôi bò sữa.

Mặc dù cả thôn hiện có tới 90% hộ nuôi bò đã xây dựng hầm Biogas, tuy nhiên với lượng chất thải khổng lồ, hầm Biogas đã không thể xử lí hết, và chất thải buộc phải chảy tràn ra các con mương thoát nước rất chật hẹp trong làng, vốn chỉ được dùng cho tiêu thoát nước thải sinh hoạt.

Đến xã Vĩnh Thịnh bây giờ, gần như thôn nào cũng ngập tràn nước thải bò sữa, mùi hôi thối đã đành, những ngày mưa nước thải không thoát kịp, dềnh lên khốn khổ.

Thống kê của UBND xã Vĩnh Thịnh cho thấy, chỉ trong 2 năm 2013 – 2014, tổng đàn bò toàn xã đã tăng xấp xỉ gấp 2 lần, từ khoảng 2.000 con đầu năm 2013 tới trên 4.000 con (riêng bò sữa trên 3.200 con). Hiện tại, cả 16/16 thôn trong xã đều đã nuôi bò sữa. Nếu tính cả các hộ nuôi bò thịt thì gần như 100% hộ dân xã này nuôi bò.

“Với định mức 50kg cỏ/bò sữa/ngày, 1 ha cỏ sẽ nuôi được từ 13 đến 15 con bò sữa. Nhưng 13-15 con bò này không thể thả rông ra đồng như ở Úc được, mà phải có chỗ để xây chuồng trại. Một con bò sữa sẽ cần ít nhất 10m2 chuồng, 6m2 sân chơi, 6m2 công trình phụ trợ và 6m2 xử lí chất thải, vị chi 28m2/con. 
Mỗi hộ nuôi 7 con sẽ cần gần 200m2. Ở Vĩnh Phúc bây giờ đất vườn mỗi hộ gia đình nhiều cũng chỉ có 10 thước (240m2), xây cái nhà vừa chật, lấy đâu ra đất để nuôi bò. 
Vậy nên muốn tăng đàn thì buộc phải đưa ra đất bãi, xây chuồng, xây công trình… Mà đất bãi là đất nông nghiệp, chuyển sang cây trồng khác thì được, chứ hỏi ai dám ký cho dân xây công trình ở đó? Luật Đất đai có đề cập tới chuyện chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích khác, nhưng khác ở đây là gì, có cho phép chuyển sang chăn nuôi trang trại hay không thì không có hướng dẫn rõ" - Ông Nguyễn Như Ý – PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc.

Dự báo không bao lâu nữa, riêng đàn bò sữa xã này sẽ cán đích 6.000 – 7.000 con. Hiện tại, nếu tính một con bò sữa trưởng thành thải ra 25-30kg phân và 30-35 lít nước tiểu/ngày thì mỗi ngày Vĩnh Thịnh đang gánh khoảng 160 tấn chất thải chỉ riêng đối tượng bò này. Không chỉ ô nhiễm, mật độ và điều kiện nuôi quá tải ngay trong khu dân cư đã khiến bò sữa liên tục mắc bệnh, đặc biệt là bệnh LMLM.

Ông Nguyễn Văn Trường, PCT UBND xã Vĩnh Thịnh lo lắng cho biết, bệnh LMLM đã liên tục xảy ra trên đàn bò sữa nhiều năm nay mà không cách nào cắt đứt. Năm 2012, đã từng có nhiều con bò sữa trong xã chết vì bệnh LMLM khiến không ít hộ đổ nợ.

Vượt rào…

Quá tải vì ô nhiễm, nhưng lợi nhuận từ bò sữa khiến nông dân Vĩnh Thịnh không thể không tăng đàn, và họ không còn cách nào khác phải đưa bò sữa ra các vùng bãi vốn là đất nông nghiệp. Nhưng đưa bò sữa ra đất nông nghiệp thì phải xây chuồng trại, phải xây dựng công trình phụ trợ, nghĩa là phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, và phải có sự đồng ý của HĐND tỉnh, được UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên đến nay, chủ trương này vẫn chưa được tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận. Trên thực tế thời gian qua, trước bức bách về vấn đề môi trường, đã có hàng chục hộ dân ở Vĩnh Thịnh “vượt rào” xây dựng chuồng trại, đưa bò sữa ra vùng đất nông nghiệp ven sông Hồng.

Dĩ nhiên chính quyền xã biết, huyện biết, nhưng không có lí nào lại ngăn dân chuyển đổi đất nông nghiệp sang kết hợp trồng cỏ, nuôi bò để làm giàu.

Ông Lê Văn Hoạt, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Tường cho biết, từ năm 2010, xã Vĩnh Thịnh được sự đồng ý của huyện Vĩnh Tường cũng đã có quy hoạch xây dựng vùng chăn nuôi tập trung để đưa bò sữa ra ngoài khu dân cư.

Tuy nhiên, do quy hoạch này chỉ cho phép xây dựng các chuồng trại liền kề nhau mà không có đất trồng cỏ xung quanh trang trại nên người dân không mấy mặn mà do lo ngại về dịch bệnh.

Năm 2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý trên chủ trương cho phép Vĩnh Tường xây dựng dự án riêng để thí điểm đưa bò sữa ra ngoài khu dân cư dành riêng cho vựa bò sữa xã Vĩnh Thịnh giai đoạn 2014 – 2020.

Theo đó, trong 2 năm 2014 – 2015, sẽ thực hiện thí điểm 2 khu với dự kiến 34 hộ. Đến năm 2020, sẽ hình thành 15 khu nuôi bò sữa tập trung dọc các vùng đất bãi trong xã.

Các hộ nuôi bò sữa có quy mô 7 con trở lên có nhu cầu sẽ đăng ký và có phương án chăn nuôi, thực hiện các yêu cầu về xử lí môi trường…, nếu chưa có đất tại khu quy hoạch sẽ phải dồn đổi hoặc chuyển nhượng cho hộ khác. Đến thời điểm này, đã có khoảng 22 hộ tự nguyện đăng ký.

Tuy nhiên chưa biết đến bao giờ, dự án này mới có thể triển khai, bởi còn phải chờ chủ trương của cấp tỉnh. Cực chẳng đã, vừa qua, UBND huyện Vĩnh Tường đã tạm thời có văn bản hướng dẫn cho việc phát triển bò sữa ra ngoài khu dân cư cho các xã trong huyện.

“Từ một số hộ ở Vĩnh Thịnh, hiện đã có 16/29 xã trong huyện nuôi bò sữa, nếu tỉnh không sớm có cơ chế, quy hoạch và hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang chăn nuôi, sẽ hết sức rắc rối” – ông Lê Văn Hoạt ái ngại.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất