| Hotline: 0983.970.780

Làng "7 không"

Thứ Năm 25/07/2013 , 09:48 (GMT+7)

Điện, đường, trường, trạm, đất sản xuất, hộ khẩu và CMND, tất cả đều không có! Đó là thực trạng đời sống của hàng ngàn mảnh đời cơ cực ở dọc dải rừng phòng hộ ven biển thuộc huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu từ 25 năm nay.

Điện, đường, trường, trạm, đất sản xuất, hộ khẩu và CMND, tất cả đều không có! Đó là thực trạng đời sống của hàng ngàn mảnh đời cơ cực ở dọc dải rừng phòng hộ ven biển thuộc huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu từ 25 năm nay.

>> Làng không đăng ký kết hôn
>> ''Sống chui'' giữa quê hương
>> Làng không giấy tờ tùy thân

3 ĐỜI CƠ CỰC

Vượt chặng đường 270 cây số từ TP.HCM đến TP Bạc Liêu, thêm hơn 1 giờ đồng hồ chạy trên tỉnh lộ 31, tôi đến xã ven biển Vĩnh Hậu. Rẽ trái theo con đường cấp phối chừng hơn cây số nữa là đường đê biển. Từ đây phóng tầm mắt xuống những cánh rừng phòng hộ ven biển, thấy lúp xúp những căn nhà lá nhỏ, nằm rải rác dưới tán cây rừng.


Đường đến xóm dân cư trong rừng phòng hộ Bạc Liêu

Khoảng 25 năm trước, một số hộ dân nghèo không nhà, không ruộng bắt đầu tìm đến mưu sinh ở khu vực rừng phòng hộ ven biển thuộc các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu và Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, hình thành những cụm dân cư sống tự do.

Một trong số những người đầu tiên đến đây là ông Tô Văn Hiệp và người em ruột Tô Văn Chiến. Đến nay, suốt dọc dải rừng phòng hộ hơn 5.000ha này đã có hơn 800 hộ với khoảng 2.500 nhân khẩu. Tất cả họ đều dựa vào con tôm, con cá, những sản vật của rừng, biển.

Có lẽ, “đại gia đình” ông Hiệp rất “nổi tiếng” bởi không chỉ đến đây sớm nhất mà còn vì toàn bộ hơn trăm người trong xóm quần cư ở khu vực kênh Mương 7, xã Vĩnh Thịnh này đều là con cháu của 2 anh em ông. Chính vì thế, tôi chẳng khó khăn gì trong việc hỏi đường.



Những căn nhà trong rừng phòng hộ Bạc Liêu

Căn chòi nhỏ xíu của ông Tô Văn Chiến, 64 tuổi, nằm sát kênh Mương 7 được chắp vá, che chắn bằng đủ thứ vật liệu, từ phên liếp tre đến vải bạt, áo mưa…, bên trong trống huơ trống hoác, chẳng có vật dụng gì đáng giá. Giờ này, hầu hết mọi người đều đang “lặn ngụp” trong rừng để kiếm ăn. Nhưng, ông Chiến do bị bệnh cả tháng nay nên ở nhà.

Vừa nhìn thấy tôi, ông hỏi ngay: “Chú là nhà báo phải không?”. Tôi ngạc nhiên chưa kịp hỏi lại thì ông cười nói tiếp: “Mấy xóm này “nổi tiếng” lắm, tiếp nhà báo hoài hà. Ở đây ngoài kiểm lâm, cán bộ xã ra chỉ có nhà báo thôi chứ chẳng ai đến làm gì”. Thấy tôi nhìn quanh căn chòi, như hiểu ý, ông Chiến nói: “Chỉ mong trời yên gió lặng, đừng mưa gió đùng đùng để vào rừng, ra biển kiếm đủ ngày 2 bữa ăn là mừng rồi. Chẳng dám mong gì hơn nữa”.

Xóm Mương Bảy có 20 hộ với hơn 100 thành viên thì tất cả đều là con cháu của 2 anh em ông Hiệp, Chiến. “Lúc tôi mới ra đây thì có 7 đứa con, sau đó sanh thêm thằng Đức, năm nay nó 25 tuổi, có vợ, 3 con rồi”. Nói rồi ông ngoái cổ ra ngoài gọi lớn: “Bên thằng Út có đứa nào ở nhà không bay? Qua đây chút coi”.


Những cư dân trong rừng phòng hộ ở xã Vĩnh Hậu, Hòa Bình, Bạc Liêu

Chừng 2 phút sau, một thanh niên áng chừng 30 tuổi bước vào: “Dạ, có chi hông ba?”. Ông Chiến nói với tôi: “Đây là thằng Út. Nó là đứa lanh lẹ nhất trong nhà đấy. Có gì nhà báo hỏi chuyện nó nghen”.

Đức cho biết, nếu trời không mưa bão thì mỗi sáng sớm vợ chồng anh lại cùng đứa con lớn đeo giỏ, xách bao lưới, len lỏi vào rừng, chộp, bỏ vào giỏ bất cứ con gì, từ tôm, cua, cá, tép, rắn, chuột... “Một ngày như vậy kiếm được bao nhiêu?”, tôi hỏi. “Vô chừng lắm. May thì cả nhà kiếm được trăm ngàn, còn không thì 3 – 4 chục. Hôm nào mưa gió, không vào rừng được là đói”.


Anh Thạch Nam, cư dân trong rừng phòng hộ đang đan lọp bắt cua

Gần 1 giờ chiều, dải rừng mênh mông cũng không làm giảm ánh nắng gay gắt và hơi nóng hầm hập. Rất nhiều người không chịu nổi nắng nóng đã lục tục về. Em Nguyễn Tố Linh, năm nay đã 15 tuổi nhưng nhìn em chỉ ngang đứa trẻ lên 10. Bộ quần áo lem luốc bùn đất, khuôn mặt xanh xao mướt mồ hôi.

Em bảo đã theo mẹ lội rừng, xuống kênh mò cua bắt cá từ năm 7 tuổi. “Sáng giờ con và má bắt được mớ ốc, mấy con cua. Chắc đủ tiền ăn hôm nay”, Linh nói.

3 ĐỜI THẤT HỌC

Đã 25 năm trôi qua, kể từ khi dựng chòi lập nghiệp ở rừng phòng hộ, nhưng tài sản lớn nhất của hàng trăm gia đình ở đây chỉ là đàn con, cháu, thậm chí cả chắt lít nhít… thất học. Do ở tự do trong rừng phòng hộ nên tất cả những người sống trong các xóm này đều không có bất kỳ một loại giấy tờ tùy thân nào. Vì vậy, những đứa trẻ sinh ra đều không có giấy khai sinh, và dĩ nhiên, không được đi học.

“Ở đây cực khổ, vất vả, thiếu thốn đủ thứ, không có đường đi, không có điện, không có nước sạch, không có chợ búa, không có trạm y tế, thậm chí không có cả đất để chôn. Nhưng còn dựa vào rừng, biển mà kiếm cơm. Chứ đi chỗ khác thì biết làm gì, ở đâu, chỉ có nước chết đói”, bà Nguyễn Thị Lan, 58 tuổi, cho biết.

Nói về chuyện thất học, ông Chiến bảo: “Cả đàn con 8 đứa của tôi, chỉ mỗi thằng út biết đọc. Còn các anh chị của nó chỉ nhìn được số trên những tờ tiền. Tui buồn nhất là trong số 20 đứa cháu cũng chỉ có 4 đứa đi học”.

Ông Chiến cho biết, ở xóm kênh Mương Bảy này, hầu như là mù chữ hoặc chỉ biết đánh vần. Vợ ông Chiến, bà Lê Thị Anh nói thêm: “Trường học mới có cách đây mấy năm gì đó thôi chứ ngày xưa làm gì có mà đi học. Nhưng trường cách 6-7 cây số, mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa đi học cũng cực lắm”.

Một điểm chung ở những xóm dân cư nghèo này là nhà nào cũng từ 5 – 8 đứa con! Không ít gia đình có đến 10 đứa con, vài chục cháu nội, ngoại. “Năm nay tui 58 tuổi. Vợ chồng tui có 10 đứa con, đứa lớn nhất năm nay đã 39 tuổi và cũng có 6 đứa con rồi. Đứa con út của tui chỉ bằng tuổi đứa cháu nội thứ 3. Cả đàn con chẳng đứa nào có giấy tờ khai sinh, chẳng được một ngày đi học. Giờ phải ráng cho mấy đứa cháu đi học để biết đọc, biết viết”, anh Thạch Nam, một trong những hộ đông con nhất nói.


Những đứa trẻ đang tuổi đi học đang lang thang vào rừng mò cua bắt ốc

Còn ông Hai Hưng, người có 10 con thì bảo: "Tám đứa con của tui, cũng chỉ có thằng Út là biết đọc, biết viết, mấy đứa còn lại một chữ bẻ đôi cũng không có. Tui còn 12 đứa cháu nội, 9 đứa cháu ngoại, chỉ có mấy đứa được đi học đến lớp 2, lớp 3 rồi cũng phải nghỉ ở nhà đi kiếm ăn. Do trường học ở xa, lại quá nghèo, đông con nên đành chấp nhận cho tụi nó ở nhà mò cua, bắt ốc chứ biết như thế là không có tương lai".

Quả thật, không phải người dân nơi đây không biết, không quan tâm đến chuyện học của con cháu mình, nhưng “cái khó bó cái khôn”, cuộc sống quá khó khăn, việc kiếm ăn để no bụng cấp thiết hơn cả. Bên cạnh đó, điều kiện tối thiểu như giấy khai sinh, hộ khẩu không có, làm bữa nào ăn bữa ấy... như vậy thì chuyện học trở thành “xa xỉ” đối với họ.

UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án đồng thời có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết "Về việc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng dự án khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu" với tổng vốn dự kiến hơn 388 tỷ đồng.

Theo đó, hơn 870 hộ dân đang sống trong khu vực rùng phòng hộ sẽ được cấp mỗi hộ 500m2 đất ở và đất sản xuất cùng một căn hộ trị giá 50 triệu đồng.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm