| Hotline: 0983.970.780

Làng ba chiếc xe đạp

Thứ Tư 24/08/2011 , 10:13 (GMT+7)

Làng nghèo đến mức, như ông Nguyễn Văn Hạnh, trưởng thôn Cồn Cưỡi, nói: “Phải đi mượn đất mà làm ăn”. Làng bị bao vây giữa bốn bề nước mặn...

Đàn bò là tài sản lớn ở Cồn Cưỡi
Làng nghèo đến mức, như ông Nguyễn Văn Hạnh, trưởng thôn Cồn Cưỡi, nói: “Phải đi mượn đất mà làm ăn”. Làng bị bao vây giữa bốn bề nước mặn. Chính quyền xã chia cho 4 ha đất ở bên kia sông. Người đông, đất ít nên cuối cùng chỉ có 27 hộ được trồng cấy. Còn lại sống nhờ sông nước. Toàn thôn có chừng 900 người thì rặt là hộ nghèo.

>> Phận loòng coòng, chắt chắt...
>> Chìm nổi giữa dòng Gianh

Từng có 1 chiếc xe máy

Phần lớn các hộ dân Cồn Cưỡi (xã Quảng Tiên, Quảng Trạch, Quảng Bình) sống bám vào mặt tiền con đường (ông Hạnh gọi cho nó sang trọng là... đại lộ) rộng 2 mét và cách trục đường ấy chừng năm chục mét là bờ sông. Đi đến một ngôi nhà có vẻ bề thế nhất làng, ông Hạnh hắng tiếng gọi: “Ông Hiền có khách há”. Ông Hiền chạy ra, mắt hấp háy nhìn rồi tự giới thiệu: “Tui trước là trưởng thôn, làm lâu quá nên phải chuyển cho chú Hạnh làm cho nó đổi mới, giờ chỉ làm công an thôn thôi”.

Uống xong bát nước vối, ông Hiền, ông Hạnh lại “xin phép” kéo tôi đi thăm làng. "Cả làng có gần 1.000 dân nhưng chỉ có một đảng viên là tui thôi. Hơn chục năm nay mà vẫn rứa”, ông Hiền chép miệng. Mỗi lần sinh hoạt chi bộ, ông phải sang bên kia sông họp.

Theo ông Hiền sơ bộ thống kê thì làng cũng có những chuyện cũng lạ. Ví như làng có một đảng viên, một người học đại học, một người vừa thi đại học, một cái xe máy, một trường tiểu học. Hoặc làng 3 cái xe đạp, có 3 hộ buôn bán, có khúc sông rộng đúng...300 mét.

Tôi hỏi nhà ai có xe máy sang vậy? Ông Hạnh cười không mấy vui: “Xe có sang trọng cho mô. Hồi đó, có anh Thành đi làm ăn trong Nam, ra Tết có đưa về cái xe máy cũ chạy khắp. Ngày chạy, đêm cũng chạy làm chó cứ sủa inh lên. Được mấy hôm hết nhẵn xăng thế là thôi không chạy nữa. Sau Tết, anh Thành đi vào Nam thì đưa xuống đò sang bên đường Một (QL 1A) đón xe tốc hành mang đi luôn. Năm sau không thấy mang về nữa. Mới đây, ông Hiền có cậu con trai đi học nên mua chiếc xe máy Tàu nghe đâu hai, ba triệu gì đó. Đi đâu thì mang vác lên đò nên bực lắm. Lại còn hết xăng thì phải đi đò sang tận bên kia mới có. Thành ra xe cũng xếp góc nhà, nghe nói hỏng cái chi đó không chạy được nữa rồi nên bán được hơn triệu bạc".

Ghé thăm nhà chị Hoàng Thị Hướng là một trong ba hộ buôn bán hàng hoá ở thôn. Buổi trưa, vắng khách, chị Hướng uể oải dọn lại mấy thứ hàng treo trên sợi dây vắt qua cửa nhà. Nghe ông trưởng thôn giới thiệu là "nhà thương nghiệp", chị Hướng cứ cười mãi: “Ôi dào, bác cứ hay vui miệng. Mấy hộ buôn bán lặt vặt từ gói mì tôm đến hộp diêm, ngòi bút... chứ thương nghiệp với thương nghề gì. Chỉ có tí vốn còm, mà bà con còn mua chịu nợ từ đầu năm đến cuối năm mới trả đấy chứ. Thôi thì ai cũng nghèo, biết làm răng được”.

Nhà chị Nguyễn Thị Tuý ở kế bên, không buôn bán nhưng được cái may là có ruộng để trồng lúa. Hỏi chuyện lúa má, chị cứ thần người ra rồi chép miệng: “Có chi mà kể hè. Mỗi năm làm được 1 vụ, đất chai xấu, lại thêm không có nước mà tháo vô ruộng nên cây lúa cứ còi cọc như cóc giữa đồng. Năm được mùa thì hơn tạ thóc thôi. Thóc đó để dành khi mùa mưa gió vô có cái ăn. Còn lại thì làm cái chi kiếm được đồng bạc mua gạo mà ăn".

 Tài sản lớn nhất của người dân Cồn Cưỡi có lẽ là đàn trâu, bò lên đến 60 con (trung bình 5 nhà có 2 con trâu, bò). Không ai dám bán một con để lấy tiền tiêu. Đó như của để dành phòng lúc ốm đau, bất trắc thì còn có cái mà vin vào. Tôi hỏi sao không phát triển thêm đàn trâu, bò để có thêm thu nhập? Ông Hạnh bộc bệch: “Chừng đó là đủ rồi. Phát triển thêm lấy gì cho cho nó ăn. Ốc đảo ni có được mấy vạt cỏ mô. Cũng có người đưa cỏ về trồng mà không có nước tưới, bị hơi nước mặn táp vô nên cũng chết dần chứ không ra nổi lá cho bò ăn”.

"Làm răng cởi bỏ kiếp nghèo?"

Hỏi chuyện học hành của làng thì ông Hạnh nhường lời kể cho ông Hiền vì hiện nhà ông Hiền có con học cấp 3, đại diện cho ốc đảo này. Ông Hiền nhớ lại: “Từ ngày lớn lên đến bây chờ, chỉ có một lần làng tổ chức đưa anh Nguyễn Ngọc Đông vào Đại học Huế”. Sau đó, thêm mười năm nữa mới đến lượt anh chàng Nguyễn Văn Hoà (con ông Hiền) là người nối “sự nghiệp” học vấn của làng. Năm nay Hoà thi vào Trường Đại học Huế nhưng điểm cũng không được cao. Cu cậu đang tìm một trường trung cấp nghề nào đó để theo học. Hy vọng có thêm một người của làng được đào tạo ở một trường chuyên nghiệp.

Thi thoảng, rỗi việc Hoà xách chiếc xe đạp ra "đại lộ làng" làm mấy vòng cho đỡ cuồng chân. Chiếc xe tồng tọc, bánh sau chỉ có nan hoa với vành nhôm chứ không có xăm lốp cứ chạy và nảy côm côm trên con đường mấp mô. Đám con nít cũng khoái tợn, chạy hùa hùa bám theo hò hét như đánh trận. Có thằng cu chừng năm sáu tuổi, một tay kéo cạp quần tụt, một tay ngoắt lên bám chạy theo. Đến khi ống quần tụt bị vướng khiến cu cậu ngã phịch quay lơ giữa đám bụi. Chỉ có tiếng cười, chẳng khóc tẹo nào. Thằng anh lớn tuổi hơn chút vừa chạy theo xe vừa ngoái đầu lại quát: “Nhanh lên mà chạy chớ còn nằm đất chi”.

Theo ông Hạnh thì nhiều lần, người dân Cồn Cưỡi khẩn cầu có một chiếc cầu treo nối Cồn Cưỡi với thôn Trường Thọ đối diện. Bao lần tha thiết đề xuất, rồi ở trên huyện, tỉnh cũng cho người về khảo sát, đo đạc. Dân làng mừng lắm. Nhưng chờ mãi, rồi bặt âm.

Hỏi thì người ta bảo, dự án này chỉ đủ vốn làm cầu treo dài 200 mét thôi. Đo khoảng sông này thì thấy nó dài đến 300 mét. Vậy là 100 mét dài thêm không có nguồn nào bù vào nên dự án cầu treo không thể thực hiện được.

Đi một vòng quanh làng về, trưởng thôn Hạnh nhẩm tính: “Cồn Cưỡi có chừng 150 hộ với khoảng 900 nhân khẩu. Phải ước chừng thôi, chứ không thể nói được con số chính xác. Hơn 40 hộ rời làng đi làm ăn phiêu bạt. Chừng 40 hộ khác không có nhà trên đất liền, lênh đênh trên đò dọc các tuyến sông”. Những cư dân mới của Cồn Cưỡi chào đời theo dòng mưu sinh ấy, đăng ký khai sinh không cần thiết đối với họ. Bởi thế, dân số của làng khó mà nói được cụ thể. “Đứa mô may mắn được gia đình đưa gửi lên bờ đi học thì lúc đó mới biết tên và khai sinh thôi chứ bố mẹ cũng chỉ gọi tên kiểu như cu lớn, cu nậy, cu nhỏ hay chó, mèo chi đó”, ông Hạnh nói thêm.

Tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất được xem là nguyên nhân níu kéo cư dân làng nổi không thể vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Nhiều cái khó cho Cồn Cưỡi khó tìm được câu trả lời. Cấp nước vượt sông thì chưa thể vì quá tốn kém, còn tìm nguồn nước ngầm thì không có. Đất đai vừa ít, vừa manh mún lại phải nhờ trời khiến người dân không thể trông chờ vào mảnh ruộng, mảnh vườn để sinh sống. Trước đây, một số dự án đưa ngành nghề phụ như: khâu nón, mây tre đan…về làng nhưng rồi cũng thất bại, không trụ lại được lâu vì chính bản thân những làng nghề truyền thống này cũng đang phải đối mặt với sự mai một.

Ông Hiền nói như đúc rút điều gì đó: “Sự đời lâu nay vẫn vậy, đói nghèo, lạc hậu luôn song hành với sinh đẻ nhiều và ngược lại. Rồi thiếu học thì nhận thức người dân về nội quy của làng xã, về pháp luật cũng khó mà nâng cao. Rứa thì, làm răng để mà cởi bỏ, thoát được cảnh nghèo?". (Hết)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm