| Hotline: 0983.970.780

Làng cuốc lủi vẫn... đỏ lửa, lên men

Thứ Tư 16/01/2013 , 10:11 (GMT+7)

Hiện hơn 300 hộ dân Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng – Hải Dương) vẫn ngày đêm ủ men, đỏ lửa nấu rượu chẳng cần xin phép mặc cho Nghị định 94 của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1/1/2013.

Với truyền thống nấu rượu thủ công đã 300 năm, làng Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng – Hải Dương) là một trong những làng rượu nổi tiếng miền Bắc. Hiện hơn 300 hộ dân Phú Lộc vẫn ngày đêm ủ men, đỏ lửa nấu rượu chẳng cần xin phép mặc cho Nghị định 94 của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1/1/2013.

Phớt lờ Nghị định

Không chỉ có truyền thống lâu đời, Phú Lộc còn được nhiều người biết đến như là một nơi sản xuất rượu “khủng” nhất miền Bắc. Cả xã Cẩm Vũ hiện có khoảng hơn 400 hộ sản xuất, kinh doanh rượu. Trong đó, nguyên làng Phú Lộc đã chiếm tới 300 hộ sản xuất rượu quanh năm. Trung bình, mỗi ngày một hộ gia đình tại Phú Lộc nấu 20 lít rượu. Tính ra, một ngày tại làng rượu 300 năm tuổi này sản xuất được 6.000 lít rượu và một năm là… 2 triệu 190 nghìn lít. Một con số ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.


Những chiếc thùng phuy 220 lít đựng rượu

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 94/2012/NĐ – CP về việc sản xuất, kinh doanh rượu. Nếu chiếu theo Nghị định này thì bắt buộc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Gần 2 tuần Nghị định 94 có hiệu lực, chúng tôi về thăm làng Phú Lộc.

Đập vào mắt chúng tôi là cảnh nhà nhà ủ men, người người nhóm lò nấu rượu. Hộ đầu tiên chúng tôi ghé thăm là ông Vũ Như Thái, người đã tham gia nghề nấu rượu 30 năm nay. Ông Thái cho biết, thực ra gia đình đã biết tới Nghị định này của Chính phủ thông qua xem truyền hình, nghe đài, đọc báo… “Nhưng kệ, cứ nấu thôi, bao giờ người ta đến tận nhà bắt đăng kí thì chúng tôi mới phải làm”, ông Thái tặc lưỡi.


Vợ ông Vũ Như Thái đang bán rượu cho khách

Trong nếp nghĩ của ông Thái cũng như phần lớn những người nấu rượu ở Phú Lộc thì, nghề nấu rượu ở đây đã có mấy trăm năm tuổi, chất lượng luôn được đảm bảo, người dùng ưa chuộng thì hà cớ gì phải đăng kí với dán nhãn mác sản phẩm.

Gia đình ông Thái trung bình một ngày nấu được 200 lít rượu. Sau khi nấu, rượu được rót ra những chiếc thùng phuy màu xanh có thể tích 220 lít. Từ đây, rượu được phân phối các mối quen để nhập cho các công ty trong và ngoài tỉnh. Bà Hoàng Thị Liên – vợ ông Thái cho biết thêm, nếu bán lẻ tẻ cho khách đi đường, các quán nhậu trong vùng một ngày cũng được gần 50 lít.

Chạy dọc con đường liên xã Cẩm Vũ, có thể nhận thấy người dân ở đây vẫn vô tư nấu rượu chẳng cần giấy phép như chưa có… Nghị định. Ngay đến hộ gia đình ông Hoàng Văn Phú, Phó thôn Phú Lộc vẫn đang ngày đêm nấu rượu hết sức tưng bừng chẳng cần giấy phép.


Người dân vẫn hồn nhiên ủ men nấu rượu

Tuyên truyền và chờ đợi

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ. Ông Tiển cho hay, sau khi nắm bắt được nội dung do trên chỉ đạo, xã đã liên tục phổ biến Nghị định 94 đến người dân qua hệ thống loa phóng thanh vào cả buổi sáng và chiều. Trên thực tế, chính quyền xã mới đang triển khai Nghị định bằng hình thức tuyên truyền chứ chưa thực sự vào cuộc.

Thực tế kể từ khi Nghị định 94 được ban hành nhưng chính quyền xã Cẩm Vũ vẫn chưa tổ chức được một cuộc họp nào với những hộ sản xuất, kinh doanh rượu. Theo ông Tiển, việc đề ra các quy định trong sản xuất, kinh doanh rượu là hoàn toàn đúng nhưng chưa phù hợp. “Việc này để thực hiện được quả là rất khó. Người bán, người mua đã quen biết từ bao năm nay, cứ thế mà trao đổi. Nếu như giờ dán nhãn, mác thì sẽ đẩy giá thành lên cao”, ông Tiển nói.

Hiện cả xã Cẩm Vũ chỉ có duy nhất hộ kinh doanh do ông Hoàng Hữu Vũ đứng ra thành lập công ty lấy tên là Công ty TNHH Rượu Phú Lộc. Công ty rượu của ông Vũ nằm ngay trên đất của làng Phú Lộc với khuôn viên rộng 6.000m2.

Trước đây, những hộ nấu rượu ở Phú Lộc khi nấu xong thường nhập cho công ty này để xử lí, dán nhãn mác rồi tung ra thị trường. Nhưng từ khi công ty của ông Vũ có khả năng tự sản xuất rượu, đáp ứng nhu cầu của thị trường thì các hộ nấu rượu ở đây lại trở về với mô hình làm ăn manh mún, nhỏ lẻ.


Các loại rượu quê vẫn được chào bán tràn lan trên mạng

Mục 12, Điều 22 của Nghị Định 94/2012/NĐ – CP quy định:

Nghiêm cấm bán sản phẩm rượu cho người dưới 18 tuổi, bán qua mạng internet. Tuy nhiên, lướt qua một số trang bán hàng trên mạng, các sản phẩm như rượu Phú Lộc (Hải Dương), Làng Vân (Bắc Giang), Làng Vọc (Hà Nam), rượu mơ (Quảng Ninh)… vẫn được chào bán hết sức công khai.

Ông Hoàng Hữu Vũ không ngần ngại thừa nhận, rượu do công ty ông nấu bằng dây chuyền công nghệ hiện đại nhiều khi còn vượt quá tiêu chuẩn quy định về một số chất. “Ví dụ như nồng độ cồn, nồng độ an đê hít theo quy định là 0,45% nhưng khi đo được nó vượt lên 0,75%, có khi là gấp đôi”, ông Vũ bộc bạch.

Hiện tại, chất lượng cũng như vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại làng rượu Phú Lộc gần như được thả nổi. Theo ông Nguyễn Văn Tiển, sau gần 2 tuần Nghị định 94 có hiệu lực, vẫn chưa có hộ nào chịu lên Phòng Kinh tế - hạ tầng của huyện Cẩm Giàng để đăng kí giấy phép kinh doanh. “Nên quy tất cả về một mối, nếu như cả 400 trăm hộ đều đăng kí tên tuổi, nhãn mác sẽ dẫn tới loạn xạ, quá nhiều thương hiệu trong khi chỉ có một địa danh Phú Lộc”, ông Tiển đưa ra giải pháp.

Khi chúng tôi hỏi thời gian tới chính quyền xã có biện pháp gì mạnh tay hơn bắt buộc người dân chấp hành Nghị định 94 hay không, ông Tiển chỉ cười và bảo, cấp xã làm gì có thẩm quyền, chỉ biết tuyên truyền và chờ sự chỉ đạo tiếp theo của cấp trên.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất