| Hotline: 0983.970.780

Làng gỗ thiếu thợ, thiếu tiền

Thứ Năm 29/12/2011 , 09:52 (GMT+7)

Hiện nay, làng nghề gỗ mỹ nghệ Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai) chỉ còn chưa tới 100 hộ, và sang năm nhiều khả năng sẽ còn nhiều hộ phải bỏ nghề.

SX đồ gỗ mỹ nghệ
Cách đây vài năm, làng nghề gỗ mỹ nghệ Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai), còn rất nhộn nhịp, với hàng trăm hộ tham gia sản xuất đồ mỹ nghệ từ gỗ. Nhưng nay, làng nghề này chỉ còn chưa tới 100 hộ, và sang năm nhiều khả năng sẽ còn nhiều hộ phải bỏ nghề.

Thiếu thợ, thiếu tiền

Điều đáng nói là nếu như sự tàn lụi của các làng nghề khác, chủ yếu là do khó tiêu thụ sản phẩm, thì hiện nay, làng nghề Bình Minh vẫn thường xuyên có nhiều khách hàng trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng với số lượng lớn. Anh Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở Thành Nhân cho biết mấy năm nay, đơn đặt hàng cho cơ sở này rất nhiều, ngày nào cũng làm mà không hết việc. Một số cơ sở lớn khác ở Bình Minh cũng vậy.

Vừa rồi có khách hàng ở Trung Đông đến đặt hàng với khối lượng lớn. Mỗi tháng phải giao cho họ mấy container các sản phẩm mỹ nghệ nhỏ. Thế nhưng không một cơ sở nào đáp ứng nổi. Ngay cả khi tập hợp sản phẩm của tất cả các cơ sở lớn lại, cũng chỉ được 1 container mỗi tháng. Thế là không ai dám nhận đơn đặt hàng ấy.

Năng lực hạn chế của làng nghề Bình Minh hiện nay, trước hết là do các cơ sở đều rất thiếu người làm, nhất là những lao động có tay nghề giỏi. Do thu nhập của người lao động không cao, trong khi làm mộc thường phải chịu nhiều bụi bặm, nên nhiều thợ gỗ đã lần lượt bỏ nghề, xin đi làm công nhân cho các nhà máy, xí nghiệp. Ngay cả cơ sở Thành Nhân, do có nhiều đơn đặt hàng mà có thể trả lương cho thợ tới 5- 6 triệu đồng/tháng (nếu làm tăng ca thu nhập lên 7-8 triệu đ/tháng), nhưng cũng khó giữ được thợ.

Năm ngoái, cơ sở Thành Nhân có 30 thợ thì năm nay chỉ còn khoảng 20 thợ. Thợ cũ bỏ đi, các cơ sở buộc phải kiếm tìm thợ mới, nhưng công việc này cũng rất khó. Bởi thợ mới học việc, chỉ toàn làm hỏng sản phẩm, do đó các cơ sở không thể trả lương cao ngay được, mà chỉ có thể trả khoảng 70.000 đồng/ngày. Trong khi đó, nếu đi làm công nhân, họ sẽ có ngay khoản lương 3 triệu đồng/tháng. Vì thế, tìm được người chịu học nghề gỗ mỹ nghệ là rất khó.

Đã thế, để đào tạo ra người thợ giỏi phải mất rất nhiều thời gian. Theo anh Nhân, thợ làm việc 5-7 năm vẫn ở dạng “chỉ đâu đánh đấy”. Để có được một người thợ giỏi tay nghề, có thể độc lập làm việc, các cơ sở phải đào tạo tới cả chục năm trời.

Thiếu vốn để mở rộng sản xuất, cũng đang là một hạn chế lớn của làng nghề Bình Minh. Theo phản ánh của các chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ ở làng nghề này, họ gần như không thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Một số cơ sở lớn có vay được vốn ngân hàng, nhưng lãi suất lại quá cao. Chủ một cơ sở cho biết lãi suất vay ngân hàng là 20%, cộng với 10% phải lót tay để người bên ngân hàng duyệt cho vay, thành ra lãi suất thực tế lên tới 30%. Không chỉ lãi suất cao, giá các loại vật tư, vật liệu mấy năm qua cũng tăng mạnh, trong khi đó, giá các sản phẩm gỗ mỹ nghệ mấy năm nay gần như không tăng.

 Sở dĩ giá bán không tăng là do phần lớn các cơ sở phải bán hàng thông qua trung gian là các công ty thương mại, do đó luôn bị các công ty này ép giá. Bởi thế, những cơ sở nào trót vay được tiền ngân hàng, cũng lao đao khốn khổ. Còn các cơ sở nhỏ không kiếm đâu ra vốn liếng, đành phải làm gia công cho các cơ sở khác, hoặc phải bỏ nghề.

Lối ra nào?

Như đã nói ở trên, làng nghề gỗ mỹ nghệ Bình Minh vẫn có tương lai phát triển vì đơn đặt hàng vẫn nhiều, các cơ sở lớn vẫn thường xuyên có công ăn việc làm, khách hàng trong và ngoài nước ngày càng ưa chuộng các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng nghề. Bởi thế, việc khôi phục và phát triển lại làng nghề đang là nỗi trăn trở của những người có tâm huyết.

Chủ một cơ sở lớn ở đây thổ lộ “Không thể cứ làm nhỏ lẻ mãi được. Chúng tôi sẽ phải tăng cường liên kết với nhau, sẽ cùng nhau lập hội. Mục tiêu của chúng tôi là tạo nên sức mạnh chung cho cả làng nghề, qua đó có thể thuyết phục được các khách hàng lớn, kể cả khách hàng nước ngoài, đầu tư tiền bạc để phát triển nghề gỗ mỹ nghệ nơi đây”.

Trong đó, mong muốn nhất hiện nay của họ là làm sao để các cơ sở có thể bán được hàng trực tiếp mà không phải qua trung gian, qua đó sẽ có được giá bán tốt, có lợi nhuận. Để làm được điều này, khoảng trên 10 cơ sở lớn ở Bình Minh đã bắt đầu liên kết với nhau nhằm có thể nhận các đơn hàng lớn của khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài. Theo đó, mỗi cơ sở sẽ làm chuyên về một dòng sản phẩm. Nhưng sự liên kết này vẫn bộc lộ ra nhiều hạn chế.

Chẳng hạn, có những đơn hàng lớn, đặt chuyên về một dòng sản phẩm nào đó thì các cơ sở lại không thể chia nhau cùng làm được. Nếu cơ sở nào liều nhận đơn hàng rồi thuê các cơ sở nhỏ làm gia công thì lại rất khó kiểm soát được chất lượng. Anh Nguyễn Thành Nhân cho biết, nhiều cơ sở làm gia công họ làm không kỹ và chờ đến sát ngày giao hàng, mới mang hàng tới cho mình, khiến mình không có thời gian kiểm tra lại. Những lần như thế, thường bị khách hàng kêu ca về chất lượng và bắt phải sửa lại sản phẩm, tốn rất nhiều thời gian, công sức, lô hàng đó cầm chắc lỗ.

Nhưng liên kết vẫn là con đường mà các cơ sở mỹ nghệ lớn ở Bình Minh đang quyết tâm bắt chặt tay nhau hơn nữa, thậm chí họ còn mong muốn thành lập một Hiệp hội nghề nghiệp để bảo vệ lẫn nhau và cùng nhau làm ăn lớn.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất