| Hotline: 0983.970.780

Làng không thưa kiện

Thứ Tư 06/04/2011 , 10:31 (GMT+7)

Nhiều người gọi làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là làng không thưa kiện vì ở đây chưa thấy kiện cáo bao giờ.

Nhường nhịn, vị tha trong cuộc sống hằng ngày là chuyện không phải ai cũng làm được. Vậy mà, người dân làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị luôn ứng xử với nhau có văn hoá như vậy. Nhiều người gọi Câu Nhi là làng không thưa kiện.

"Là ông quan tốt thì phải làm gì?"

Bước vào làng Câu Nhi dễ dàng nhìn thấy hình ảnh kiến trúc của ngôi nhà thờ họ tộc uy nghi nằm bên phải và ngôi chùa cổ kính nằm bên trái phần đất đầu làng. Hai công trình văn hoá ấy như là biểu tượng trường tồn cho gia phong của một vùng đất luôn sống với tinh thần tôn sư trọng đạo dù đã trải qua bao nhiêu dâu bể cuộc đời. Truyền thống văn hoá đáng quý ấy luôn được dân làng Câu Nhi gìn giữ, lấy làm quy chuẩn cho mọi ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.

Câu Nhi đẹp không hẳn vì có nhiều đền chùa miếu rêu phong. Mà ẩn mình trong cái đẹp ấy là những tầng văn hoá thâm sâu, khiêm tốn mà tự tin, bình dị, đủ sức đối đầu với làn sóng đô thị hoá đang cuồn cuộn mỗi ngày. Ở làng quê này, người dân thường nhắc nhở, bảo ban nhau phải sống như tổ tiên ước nguyện. Người nói thì phải có người biết lắng nghe để thấu hiểu nhau. Cái đạo làm người luôn được người dân mở đầu trong mỗi câu chuyện hàng ngày.

Những đứa trẻ ở Câu Nhi đều được ông bà các em kể cho nghe về tấm gương cụ Bùi Dục Tài, người con yêu của làng. Những năm cuối thế kỷ 15, gia đình của ông Bùi Dục Tài rất nghèo khổ, cha mẹ suốt ngày lam lũ lao động những vẫn không lo đủ miếng ăn cho các con, nên sinh ra nợ nần chồng chất. Nhiều lần Bùi Dục Tài thấy quan lại đến đòi nợ cha mẹ. Không có tiền trả, cha mẹ ông khất nợ nên bị tên quan lại quát mắng. Thương cha mẹ, Bùi Dục Tài không cần đi thưa kiện vì chuyện vô lễ của một tên quan lại ít học, mà hỏi cha mình: “Cha ơi, để làm được quan có đạo đức thì cần phải làm gì?". Cha ông nói: "Phải học con ạ". Bùi Dục Tài lại trả lời cha: "Tưởng chuyện gì khó lắm, nếu học giỏi mới được làm quan thì con sẽ đi học để mai sau về giúp quê nhà".

Chưa từng đến trường bao giờ nhưng chỉ sau một thời gian dùi mài kinh sử, Bùi Dục Tài đã thi đỗ tiến sĩ tại khoa thi vào năm 1502, dưới thời vua Lê Hiển Tông để trở thành tiến sĩ đầu tiên của xứ Đàng Trong. Ngôi làng nghèo ven sông Ô Lâu được dịp nức tiếng với hình ảnh ngày tiến sĩ Bùi Dục Tài trở về quê nhà vinh quy bái tổ. Thi đỗ đạt cao, ông ra làm quan giữ đến chức Tả Thị lang Bộ Lại, giúp được nhiều việc cho nhân dân, đất nước. Lớn lên với những lời dạy dỗ thấm đấm tình người và đầy trách nhiệm với cộng đồng như vậy, dân làng Câu Nhi luôn nhắc nhở nhau sống phải biết để lại tiếng thơm cho đời, sống nhẹ nhàng, đừng bao giờ giữ hận thù trong lòng.

Chưa bao giờ nghe chuyện kiện cáo

Ông Bùi Văn Nhị, hậu duệ của cụ Bùi Dục Tài, khuôn mặt rạng ngời khi chúng tôi hỏi đến chuyện lối sống của con cháu trong làng. Cụ nói: “Đức tính tốt nhất của người dân làng Câu Nhi là sống mẫu mực, không hề thưa kiện lẫn nhau. Cuộc sống làng xã có bao điều phức tạp nhưng mỗi lần có chuyện chưa vừa ý, dân làng tôi thường bảo ban nhau nhẹ nhàng mà thay đổi cho tiến bộ hơn. Mỗi lần làm việc gì lớn hay nhỏ dân làng tôi cũng nhìn lên cụ Bùi Dục Tài như một tấm gương sáng về nhân cách sống”.

Ông Lục cho biết, dân làng Câu Nhi với hơn 500 gia đình, sống bằng nông nghiệp là chính song từ việc nhỏ đến việc lớn họ luôn có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Người dân ít bon chen, giành giật dù đời sống kinh tế chưa thật sung túc. Có lẽ luôn sống nhẹ nhàng, trọng tình nên người dân vùng này rất trường thọ. Như ông Bùi Văn Nhị đã ngoài 82 tuổi nhưng còn hai người chị ruột tuổi trên 90 mà vẫn minh mẫn, sức khoẻ. Những cụ già trong làng như các “báu vật sống”, là hình ảnh hoàn hảo về một cuộc sống không bon chen, đức độ để con cháu nói theo. Nhà của cụ Nhị có đến 8 người con nhưng lúc nào anh em cũng thuận hoà.

Từ nhiều năm nay, bằng những khát vọng mà cha ông gửi gắm, học sinh con em của làng không ngừng tiến bước để Câu Nhi luôn xứng đáng với tiền nhân. Ông Lê Văn Lục, Bí thư Đảng uỷ xã Hải Tân, người từng có gần mười năm làm chủ tịch xã đã ghi trong “bộ nhớ” của mình tên tuổi mười tiến sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước là con em của Câu Nhi. Đó là những tiến sĩ: Bùi Thị Quy, Hoàng Hữu Hoà, Đào Bá Dương, Lê Chí Quế, Bùi Văn Minh, Lê Chí Dũng... Ông Lục cho biết ít thấy làng nào người dân luôn sống thượng tôn pháp luật như Câu Nhi, trong làng chưa bao giờ nghe chuyện thưa kiện lẫn nhau. Bà con luôn lấy cái đạo làm đầu trong mỗi câu chuyện”.

Ông Lục khoe Câu Nhi còn có một con người tài hoa khác là cố Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Trần Hoàn. Đất và nước sông quê đã hun đúc, sinh thành một nghệ sĩ tài hoa như ông để viết nên những bản nhạc bất hủ dù giữa chiến tranh khói lửa nhưng vẫn mượt mà biêng biếc màu xanh của dòng sông quê nhà, khó ai sánh bằng. Ông Lục giọng sảng khoái: “Câu Nhi đúng là đất của văn vật nên con người sống luôn biết kính trên nhường dưới”.

Lý giải cho sự thành công về nền tảng đạo đức xã hội của làng Câu Nhi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Câu Nhi có địa cuộc rất độc đáo. Làng được hình thành, phát triển trên một phương vị hướng về chính Nam, lấy sông Ô Lâu làm yếu tố minh đường. Theo thuật phong thủy, khí là cha, mẹ là nước, khí là bản thể của nước, nước là cái khí hữu hình, nơi có nước chứng tỏ nơi ấy có khí, dòng nước sâu, nguồn dài xa là khí vượng, phúc lộc cho làng càng lớn. Dòng sông Ô Lâu đoạn uốn lượn mềm mại và đẹp nhất ôm gần trọn làng Câu Nhi vào lòng. Yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" này đã làm cho làng Câu Nhi toả sáng hơn những ngôi làng khác.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.