| Hotline: 0983.970.780

Làng mua lúa, bán gạo

Thứ Hai 07/04/2014 , 10:34 (GMT+7)

Ở xứ Nghệ, nhắc đến làng Đông Kỷ (Diễn Kỷ, Diễn Châu) ai ai cũng biết đấy là điểm mua lúa bán gạo, bởi nơi đây có nghề hàng xáo.

Thế nhưng khi hỏi về nghề này có từ bao giờ thì không ai biết rõ, họ chỉ nhớ con trai, con gái trong làng từ lâu đã gắn bó với lúa gạo để kiếm lời.

MUA LÚA "CHUI"

Trên cung đường QL 1A, đoạn qua cầu Bùng đến khu công nghiệp nhỏ Diễn Hồng (Diễn Châu, Nghệ An) kéo dài 1km có vô số tấm biển đại lý, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Qua đây lúc nào, tôi cũng nghe tiếng máy xay xát chạy ầm ầm; xe tải nuối đuôi chờ bốc lúa, gạo. Ở ngay đầu làng có nguyên một tấm biển ghi “Làng nghề hàng xáo Đông Kỷ” đã khiến tôi tò mò.

Lần này qua đây, tôi dừng chân nghe vào làng tìm hiểu. Gặp người dân, tôi hỏi về nghề buôn bán lúa gạo thì ai cũng bác bỏ cụm từ buôn lúa gạo, họ bảo rằng: "Đây là nghề hàng xáo, năm 2007 làng được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận làng nghề hàng xáo hẳn hoi".

Gặp cụ Hoàng Thị Thanh (80 tuổi) xóm Đông Kỷ, cụ liền đọc thuộc làu mấy câu thơ như sau: “Mẹ làm hàng xáo chợ làng/Quanh năm cái đấu cái sàng trên tay/Cuộc đời như thúng gạo đầy/Đong đong bán bán mỗi ngày một vơi/Đói nghèo đeo bám lấy người/Xoay tròn số phận chưa thôi xoay tròn/Sướng thì lọt khổ thì còn/Sàng thưa thưa mãi đấu mòn thêm…”.

Cụ không biết thơ của ai, nhưng những vần thơ đó nói trúng và đúng về nghề nên cụ nhớ. “Đấy cái nghề của chúng tôi đó khi xưa, còn nay làm hàng xáo có máy móc hết rồi”, cụ Thanh nói với tôi.

Cụ Thanh đến với nghề từ năm 14 tuổi. Tuổi nhỏ, cụ chẳng được học hành, cuộc sống gia đình nghèo khó. Lớn lên cụ theo mẹ, theo chị trong gia đình quàng đôi gánh trên vai đi thu mua lúa. Đất nước thống nhất, cụ có của ăn của để rồi sắm cho mình chiếc xe đạp thay cho đôi quang gánh để chở lúa, gạo.

Giờ ở tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Thanh vui mừng, vì 4 người con thì nay ai cũng đều làm hàng xáo, thừa kế thừa nghề cụ để lại. Để nhắc nhở con cháu duy trì nghề, chiếc xe đạp, đôi quang gánh, thúng mủng, cối, nong nia, giần sàng… những vật “bất ly thân” của nghiệp hàng xáo, cụ vẫn cất giữ đấy.

Có phải cả đời gắn bó với nghề hàng xáo, suốt ngày tiếp xúc với bụi, cám bám đầy mà nay mái tóc cụ đã bạc phơ. Điều này cụ không lý giải được, nay nghề hàng xáo cụ không còn làm nữa nhưng hằng ngày cụ vẫn không rời khỏi hạt lúa, hạt gạo. Bởi nghiệp của cụ được con cái thừa kế phát triển, nên cụ giúp con cháu đóng lúa, gạo vào bao.

“Ngày đó, nắng cũng như mưa, trong làng cứ một tốp 5 - 7 người đi hết xã này qua xã khác, hết huyện này qua huyện khác lùng từng nhà dân có bán lúa để thu mua. Đêm xuống thì cùng chồng, con xay, giã để có gạo đem ra chợ bán”, cụ Thanh kể lại.

Người làm nghề hàng xáo phải thức khuya dậy sớm hơn cả những nghề khác. Một ngày, họ phải đậy từ lúc gà gáy, đã phải dạy quang gánh đi chợ bán gạo, đong thóc từ xa có khi tối mịt mới về. Nếu ở nhà, phải xay lúa, giã gạo, sàng sẩy luôn tay luôn chân. Nhiều khi phải giã gạo đến gần sáng mệt lả người nhưng cũng cố làm để cho kịp phiên chợ.

Chặng đường làm nghề hàng xáo, cụ Thanh nhớ nhất là giai đoạn bao cấp. Thời đó mọi hoạt động mua bán đều thông qua hợp tác xã (HTX), tưởng rằng làng nghề này sẽ chết, vậy mà người dân vẫn bám lấy nghề. Lúc đó, mọi hoạt động thu mua lúa thông qua HTX, cánh hàng xáo phải thu mua lén lút của người dân. Do đó, dân làm nghề hàng xáo là mua chui, mua lủi trong đêm tối...

Vào giai đoạn đó, làm nghề hàng xáo như cụ Thanh có nhiều lúc mất vốn lẫn lãi. Bởi Nhà nước “cấm vận” thu mua lúa, cán bộ HTX ráo riết săn lùng, nếu phát hiện sẽ bị tịch thu hết, đẩy vào cảnh trắng tay.

“Không làm thì lấy gì nuôi con nên buổi tối chúng tôi đi mua, trời tối như mực cứ đong chừng cho bao, thúng gánh về. Vì thế có nhiều lần mua nhằm lúa trộn đá, trộn đất hoặc cảnh lúa chắc trộn lúa lép. Đất, đá thì mình lọc ra, còn lúa lép giã lấy cám ăn trừ bữa...”, cụ Thanh nói về nghề hàng xáo giai đoạn bao cấp.

TỶ PHÚ HÀNG XÁO

Ở làng Đông Kỷ, chuyện con cái nối nghiệp nghề cha mẹ để lại gần như 100%, cũng vì thế, nay nơi đây nổi tiếng là vùng buôn bán gạo lớn nhất nhì xứ Nghệ. Một trong những chủ đại lý cung cấp lúa gạo tại làng Đông Kỷ, anh Lương Quốc Lúc (46 tuổi, tổ trưởng tổ dân cư làng nghề Đông Kỷ) cho biết, mẹ của anh là bà Trần Thị Tâm, một tay hàng xáo nổi tiếng trong vùng.

Anh Lúc học hết tiểu học thì nghỉ học theo mẹ làm nghề. Gắn bó mấy chục năm nay anh Lúc trở thành người buôn bán lớn của vùng. Gạo của anh không chỉ cung cấp cho trong vùng, mà còn lên các huyện miền núi như Anh Sơn, Con Cuông… Có những loài gạo quê ngon, anh lại đưa ra Hà Nội, đưa vào TP Vinh.

Hiện mỗi ngày anh không hạch toán được mình bán đi bao nhiêu gạo, thu mua bao nhiêu lúa, anh chỉ nhớ tháng ít vài chục tấn, có tháng hàng trăm tấn gạo. Đến mùa vụ, anh thu mua nhiều nơi ở các huyện về cất trữ, sau đó xay xát đóng bao cung ứng cho thị trường.

Làng nghề Đông Kỷ có hơn 60 hộ gia đình tham gia kinh doanh lúa gạo. Ngoài việc thu mua lúa các huyện trong vùng, thì cánh hàng xáo nơi đây cũng chở gạo từ miền Nam về với số lượng lớn. Nghề hàng xáo được người dân làng Đông Kỷ hoạt động với phương châm: Thành công bền vững gắn với nghĩa tình, giữ gìn chữ tín.

Ngoài ngôi nhà 2 tầng khang trang, anh Lúc xây một kho chứa hàng trăm tấn gạo. Vào thời điểm mùa vụ, anh tạo công ăn việc làm cho vài chục người giúp anh bốc, dỡ gạo, lúa. Người đứng máy xay lúa, người đánh bóng gạo cho hạt gạo đẹp. Những chiếc xe tải lớn với trọng tải hơn 50 tấn thường xuyên đậu trước các cửa hàng của anh Lúc để thu mua, đưa gạo, lúa đi và đến.

Anh Lúc tâm sự: “Bây giờ, làng nghề hàng xáo không còn giữ được nguyên bản như ngày xưa. Những người dân làm hàng xáo nhạy bén hơn, vừa thu mua lúa các nơi về xay xát vừa kinh doanh, buôn bán mua gạo, lúa từ trong miền Nam ra. Mỗi tháng, gia đình anh có doanh thu hơn 2 tỷ, thu nhập trung bình dao động vài chục triệu đồng/tháng”.

Ngoài anh Lúc làm nghề hàng xáo, 4 anh chị em của anh cũng nối nghiệp nghề do mẹ để lại. Nay ai cũng có một đại lý thu mua, cung cấp lúa gạo. Nghề làm hàng xáo ngoài chuyện bán gạo thì người dân còn tận thu được nhiều tấm, cám…

 Họ đầu tư chăn nuôi lợn, gà, mỗi năm thu được vài trăm triệu từ nguồn chăn nuôi. Đơn cử như nhà anh Lúc, mỗi năm xuất hơn gần 10 tấn lợn, nguồn thức ăn tận dụng từ lúa gạo, nhưng thời điểm nay giá lợn thấp, nên anh Lúc đang bỏ trống chuồng nuôi.

Hỏi về tài sản các hộ gia đình ở Đông Kỷ thì không một người dân nào nói nhiều hay ít. Họ bảo mỗi cơ sở ít thì vài tỷ bạc, gồm máy móc, nhà kho, gạo chất trong kho. Mới đây có mấy hộ xây thêm nhà máy chế biến thức gia súc vài tỷ đồng. Ngoài ra, có nhà sắm mấy chiếc xe tải giá trị vài trăm triệu đồng/xe; nhiều người vào TP Vinh mua đất, xây nhà cho con cái ở. Trong làng ô tô con xuất hiện càng nhiều, nhà cao tầng mọc san sát.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.