| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề bánh được mùa

Thứ Hai 20/01/2014 , 11:45 (GMT+7)

Dịp tết là thời điểm ăn nên làm ra của các làng nghề truyền thống ở những vùng quê, trong đó có làng nghề bánh tráng.

Dịp tết là thời điểm ăn nên làm ra của các làng nghề truyền thống ở những vùng quê, trong đó có làng nghề bánh tráng. Càng về cuối năm nhu cầu tiêu thụ càng mạnh, hàng làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu của khách.

Về làng nghề chuyên làm bánh tráng Thạnh Hưng (xã Thạnh Hưng, Giồng Riềng, Kiên Giang) vào những ngày cuối năm thấy ai nấy đều tất bật. Những người làm luôn tay, xe cộ tấp nập chở hàng đi giao.

Ông Nguyễn Điệp, một người làm nghề bánh tráng cho biết: “Làng nghề này đã được hình thành cách đây cả trăm năm. Ban đầu, chỉ vài hộ làm để sử dụng trong gia đình, nhưng sau đó nhờ có vị thơm ngon và dẻo đặc trưng, nên bánh tráng ở đây dần dần được nơi khác đặt mua và trở thành đặc sản nổi tiếng của cả vùng”.

Theo ông Diệp, nghề làm bánh tráng của gia đình được duy trì theo hình thức “cha truyền con nối”. Ông học nghề từ cha mẹ, rồi dâu rể của ông lại nối gót nghiệp cha ông. “Trước đây, làm bánh tráng chủ yếu bằng thủ công, tạo việc làm những lúc nông nhàn. Bây giờ có máy móc hỗ trợ nhưng các công đoạn chính như tráng bánh, phơi, cắt, đóng gói vẫn làm bằng tay. Những tháng cuối năm, gia đình phải mướn thêm người làm mới kịp hàng để giao, càng gần Tết càng hút hàng mạnh”, ông Điệp phấn khởi.

Hiện tại, làng nghề bánh tráng Thạnh Hưng chủ yếu SX tập trung ở hai ấp Thạnh Trung và Thạnh Tân với hơn 100 hộ tham gia. Có gia đình 3 - 4 đời làm bánh tráng. Tuy thu nhập không cao so với nghề khác nhưng được cái là xoay vòng vốn nhanh, giúp trang trải nhiều thứ sinh hoạt hàng ngày.

Theo những người thợ ở làng nghề này cho biết, người làm giỏi 1 ngày tráng thủ công được khoảng 2.500 - 3.000 cái. Cứ mỗi bao gạo 50 kg, làm ra sản phẩm lời từ 200.000 - 300.000 đồng. Ngoại trừ những cơ sở lớn làm việc quanh năm, còn lại làm vào những lúc nông nhàn là chính. Tuy nhiên, vào dịp Tết thì nhà nào làm nghề này cũng tất bật từ khuya cho tới chiều tối mới được nghỉ tay.

So với các nghề khác, nghề này thu nhập không cao nhưng nhưng xoay vòng vốn rất nhanh, nguồn nguyên liệu bột gạo có sẵn tại địa phương, SX mang tính quy mô hộ gia đình nên mỗi nhà chỉ cần 2 - 3 người là có thể làm được, kể cả trẻ em và người lớn tuổi.

Tương tự, làng bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) là làng nghề đã có hơn 30 năm nay. Ở đây có tất cả khoảng 40 lò bánh tráng, hoạt động liên tục suốt năm, cung cấp bánh đủ loại cho khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Hằng năm, mùa bánh tráng Tết thường bắt đầu từ cuối tháng 11 ÂL và kết thúc vào khoảng 27, 28 tháng Chạp. Vì thế, làng bánh tráng Thuận Hưng vào những ngày này cường độ làm việc tăng gấp 4 - 5 lần so với những ngày thường. Bởi hầu hết các lò bánh đã có đơn đặt hàng.


Bánh tráng ở các làng nghề truyền thống được làm bằng thủ công nên chất lượng luôn thơm ngon

Chị Thái Thị Lệ Hồng, chủ lò bánh Bé Hai nói: “Lượng đơn đặt hàng năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái. Đây là một tin vui cho bánh tráng Thuận Hưng. Mỗi ngày, chúng tôi thức dậy từ 2, 3 giờ sáng làm việc đến 3, 4 giờ chiều mà vẫn không kịp đáp ứng các đơn đặt hàng”.

Với 3 nguyên liệu chính gồm bột gạo, muối, đường bánh tráng ở đây gồm 4 loại: Bánh tráng trắng (nhúng), bánh tráng dẻo (mặn), bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa. Tùy vào loại bánh mà người tráng thêm nguyên liệu vào để tạo hương vị đặc trưng.

Ở TP Cần Thơ, bánh tét lá cẩm của cơ sở Năm Hòa (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) là một đặc sản khá nổi tiếng. Bởi ngoài những nguyên liệu và cách nấu như bánh tét truyền thống, trong quá trình trộn nếp, bánh tét lá cẩm được trộn thêm nước lá cẩm để tạo màu tím nhẹ, rất dịu cho đòn bánh khi chín.

Dì Năm Hòa, chủ cơ sở Năm Hòa, cho biết: Trong những ngày tết, mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ từ 400 - 500 đòn, tăng gấp 7 - 8 lần ngày thường. Ngoài thị trường tiêu thụ chính là TP Cần Thơ, bánh tét lá cẩm còn được ưa chuộng ở các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh... Chính vì thế, hiện nay, cơ sở Năm Hòa đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu (nếp, đậu, dừa...) và nhân lực... sẵn sàng cho đợt cao điểm vào 14 - 20 tháng Chạp tới.

Còn tại Trà Vinh, bánh tét Trà Cuôn được nhiều người biết đến. Nơi đây SX ra loại bánh này đã nổi danh sang tận nước ngoài, một địa chỉ khá phổ biến với những chiếc bánh thơm ngon, hảo hạng, chinh phục nhiều thực khách trong dịp tết. Bánh tét Trà Cuôn ngoài hương vị độc đáo còn có thể bảo quản được lâu (7 - 8 ngày). Nhiều kiều bào về quê ăn tết còn mang bánh tét Trà Cuôn sang tận trời Tây để kiều bào xa quê thưởng thức hương vị độc đáo của quê nhà.

Bánh tráng Thuận Hưng có giá từ 35.000 - 150.000 đồng/100 bánh; bánh tét lá cẩm từ 30.000 - 100.000 đồng/đòn. Năm nay, giá nguyên liệu đầu vào như gạo, nếp, đường, đậu... đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên bánh tráng Thuận Hưng mỗi loại tăng từ 5.000 - 20.000 đồng/100 trăm cái, bánh tét Năm Hòa tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/đòn. Tuy nhiên, theo những người SX, không vì thế mà 2 sản phẩm đặc trưng trên kém phần thu hút người tiêu dùng trong những ngày tết.

Còn đặc sản bánh phồng Phú Mỹ ở huyện Phú Tân, An Giang đang rộn ràng ngày đêm để kịp làm ra những sản phẩm đẹp phục vụ thị trường tết. Theo nhiều cụ cao niên ở đây cho biết, từ khi người dân biết trồng nếp thì cái bánh phồng cũng bắt đầu xuất hiện, đến nay cũng ngót gần 100 năm. Qua bao nhiêu thăng trầm, đổi thay của thời gian, chiếc bánh phồng vẫn gắn với hạt nếp Phú Tân, gắn bó với cuộc sống của người dân xứ cù lao chân chất, nghĩa tình.

Chỉ riêng làng bánh phồng ấp Thượng 3, mỗi năm có thể sử dụng khoảng 1.000 tấn nếp để chế biến hàng vạn chiếc bánh phồng các loại. Làng nghề hiện có trên 50 cơ sở làm bánh, giải quyết việc làm thường xuyên khoảng 300 lao động. Trong đó, các hộ nổi tiếng có truyền thống làm bánh phồng là gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm...

Chị Hà Thị Sen, người đã có mấy chục năm gắn bó với nghề làm bánh phồng cho biết, bánh phồng Phú Tân bây giờ không chỉ cung ứng cho thị trường trong tỉnh mà còn bán sang các tỉnh, thành phố khác kể cả nước bạn Campuchia. Nhà chị Sen cũng như hàng chục hộ dân ở ấp Thượng 3 này thì nghề làm bánh phồng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làm loại bánh này không đòi hỏi kỹ thuật tay nghề cao, nhưng cần ở lòng yêu nghề, thiết tha với loại bánh mộc mạc, dân dã. Thế mới thấy, trước sự xuất hiện của rất nhiều sản phẩm bánh ta, bánh Tây… nhưng chiếc bánh phồng vẫn giữ nguyên giá trị của nó, bởi hương vị đặc trưng, độc đáo không lẫn vào đâu được.

Tuy vậy, làm bánh phồng cũng khá công phu. Từ 12 giờ khuya, thợ làm bánh bắt đầu lục đục thức dậy nhóm lò nấu bếp. Chị Sen kể, nếp làm bánh phải là loại đẹp, ít lẫn gạo thì đem nướng mới phồng, mới ngon. Sau khi lựa sạch đem ngâm từ 3 - 4 đêm cho mềm rồi cho ra thúng để ráo. Lại cho vào thùng lớn rồi đổ nước ngập ngâm. Sau đó, mới cho ra thúng để ráo rồi đem nấu, rồi quết, rồi vắt thành bột vừa tay để cán bánh. Trước đây, người làm bánh quết bột bằng chày tay, nay đã có máy kéo chày thay thế nên người làm bánh đỡ nhọc công và sản phẩm được cải thiện rõ nét cả về chất lượng lẫn số lượng.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất