| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề cần những “cú hích”

Thứ Hai 20/09/2010 , 11:15 (GMT+7)

Mặc dù đã và đang đem lại những lợi ích to lớn, song hầu hết các làng nghề hiện vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Nghề tạc tượng làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội)
Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội đã chiếm tới gần 60% tổng số làng nghề toàn quốc. Hiện hàng chục nhóm ngành nghề đang phát triển mạnh như gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, dệt lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuôn Ngọ… tạo giá trị sản xuất hơn 7.600 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên làng nghề Thủ đô cũng đang đầy rẫy khó khăn.

Tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội”, bà Đào Thu Vịnh, PGĐ Sở Công thương Hà Nội cho rằng, mặc dù làng nghề đã và đang đem lại những lợi ích to lớn, song do từ khi ra đời đến nay, hầu hết các làng nghề vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Do đó nhiều làng nghề mai một, những nét tinh hoa, tinh xảo thể hiện trên sản phẩm không còn nhiều. Nhất là với thực trạng hiện nay, số lượng các trường trên địa bàn nhiều nhưng số trường chuyên dạy nghề cho các làng nghề lại rất hạn chế.

Thêm vào đó, số lao động tham gia làm nghề nhiều, đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ nhưng chủ yếu là học nghề theo phương pháp truyền nghề, người thợ chủ yếu làm theo mẫu đặt hàng của nước ngoài, và mỗi khi hợp đồng kết thúc, thợ làm nghề lại không có việc làm. Bởi vậy, nhiều nghề đã đi vào mai một không có người làm nghề; nhiều làng chỉ coi nghề là nghề phụ, không thiết tha với nghề... Thực tế này đã cho thấy, nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nội trước đây đã có vị trí đáng kể trên thị trường châu Mỹ, châu Âu... nhưng nay không đủ khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan.

Phân tích về những khó khăn của các làng nghề hiện nay, bà Đào Thu Vịnh cho biết, hầu hết các làng nghề trên địa bàn Hà Nội phát triển còn thiếu tính bền vững, trong khi hạ tầng cơ sở lại chưa thể đáp ứng được nên đã gây ra những hệ lụy như ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí... Hơn nữa, sản phẩm của làng nghề ngày ngày đơn điệu, ít tính sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, việc chạy theo lợi nhuận đang khiến các làng nghề mất dần nét truyền thống, các sản phẩm thiếu đơn điệu, thiếu sáng tạo...

Bà Vịnh đề xuất, phát triển làng nghề phải theo hướng hài hoà giữa sản xuất với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, góp phần xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. TS Đào Thế Anh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Ngoài việc bảo tồn phát triển làng nghề cũng cần lưu ý tới việc kết hợp du lịch để thu hút khách. Để việc này phát huy hiệu quả cần có các thông tin về hành trình làng nghề, đề xuất các tuyến du lịch làng nghề Hà Nội đặc trưng, tiêu biểu để quảng bá, giới thiệu thu hút khách…

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, qua khảo sát một loạt các làng nghề trên địa bàn Hà Nội cho thấy, vướng mắc lớn nhất hiện nay ở các làng nghề là địa điểm. Nhất là trong bối cảnh dân cư phát triển mạnh, càng tạo nên sức ép về đất đai dành cho làng nghề. Ngoài ra, Hà Nội là địa phương có lượng dân cư đông đúc, trong khi, chất thải làng nghề, làm nghề không đảm bảo khiến môi trường quanh các làng nghề càng có xu hướng ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều năm nay, các làng nghề cứ loay hoay với những mẫu mã, sản phẩm cũ, không có sự sáng tạo thì rất khó phát triển.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, phát triển làng nghề phải hoạch định rõ chiến lược bảo tồn làng nghề truyền thống, nghề nào, vùng nào cần bảo tồn... không thể bảo tồn tràn lan được. “Nếu không có chiến lược bảo tồn cụ thể thì không sớm hay muộn, chúng ta sẽ mất nghề truyền thống, mất đi những tinh hoa của làng nghề được xây dựng qua hàng nghìn năm”, ông Hùng nhận định. Song bảo tồn không phải để niêm phong trong kho, để trưng bày, mà bảo tồn phải gắn với phát triển du lịch, sản xuất, để mọi người cùng biết và tìm đến, mong muốn dùng sản phẩm của làng nghề. Ngoài ra, theo ông Hùng, việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho nghề và sản phẩm của làng nghề bấy lâu chúng ta còn bỏ ngỏ.

Bảo tồn và phát triển làng nghề vừa giải quyết lao động, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, vừa giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp. Song cũng đã bao năm nay, từ Trung ương tới địa phương vẫn còn loay hoay với câu hỏi, làm thế nào để không những bảo tồn mà phải phát triển được nghề? Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nội do Sở Công thương xây dựng, “thai nghén” đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.

Trên phạm vi cả nước, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho biết, Bộ NN-PTNT đang xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển làng nghề để sắp tới trình Chính phủ. Cũng theo Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, Hà Nội đã thông qua chương trình phát triển nông thôn mới với vốn đầu tư 32.000 tỷ đồng, trong đó có nội dung đầu tư chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn. Bộ NN-PTNT chủ trương chỉ giữ lại 1/3 số lao động hiện nay để làm nông nghiệp; còn 2/3 sẽ làm trong các làng nghề. “Vấn đề khó khăn mấu chốt của làng nghề hiện nay là quỹ đất ngày càng eo hẹp; xử lý môi trường; đào tạo lớp nghệ nhân lưu truyền; cải tiến mẫu mã sản phẩm; tìm thị trường xuất khẩu; và tạo những sản phẩm thích ứng với tiêu dùng hiện đại” - ông Hùng bày tỏ.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.