| Hotline: 0983.970.780

"Làng nghề hậu khủng hoảng"

Thứ Ba 16/11/2010 , 11:13 (GMT+7)

Trải qua bao năm khó khăn vật lộn giữ nghề, hiện số phận các làng nghề ở nước ta ra sao?

Cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 kéo dài đến đầu năm 2010 khiến trên 60% các làng nghề truyền thống ở nước ta bị thiệt hại nặng nề, hàng triệu lao động mất việc làm hoặc phải chuyển sang nghề khác. Trải qua bao năm khó khăn vật lộn giữ nghề, hiện số phận các làng nghề ở nước ta ra sao?

Gốm Hương Canh những ngày cuối đời

Hiện làng gốm Hương Canh chỉ còn lại duy nhất ba hộ sản xuất

Làng Hương Canh (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) thời kỳ bao cấp vốn nổi tiếng với nghề chum vại. Khi nền kinh tế thị trường xuất hiện, làng nghề chuyển dần sang làm mặt hàng gốm trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa công nghiệp. Là một làng nghề có nội lực không quá mạnh nên khi cơn bão khủng hoảng tràn qua như một quả đấm bồi vào một cơ thể vốn yếu ớt khiến nghề gốm của làng... vỡ vụn.

Vì đâu nên nỗi?

Hương Canh ngày nay nhà cao tầng mọc san sát, các khu công nghiệp nhiều như nấm sau mưa. Nhưng điều muốn nhìn thấy là các lò nung, cửa hàng bán gốm tạo bộ mặt làng xưa kia thì họa hoằn mới thấy. Thăm xưởng gốm của gia đình ông Nguyễn Thanh, một trong những nghệ nhân còn sót lại của làng vại Hương Canh xưa. Trong không gian không thể chật chội hơn được nữa, ông Thanh tận dụng mọi khoảng trống để ủ đất, nặn, phơi, đốt gốm. Nhà ông Thanh nằm chen chúc giữa khu dân cư đông đúc, đường ngõ dẫn vào nhiều người ví von như một con chuột cống chạy qua đã hết lối. Xưởng gốm bằng vũng trâu đằm là vậy nhưng ông Thanh đắng đót cho biết, nhà ông lớn nhất làng rồi, các xưởng khác còn thê thảm hơn nhiều.

Khi chúng tôi nhắc đến việc bảo tồn nghề gốm Hương Canh, ông Thanh nhăn mặt, thở dài nói: “Không giữ được nghề nữa đâu anh ạ! Ngày xưa cả làng làm gốm nhộn nhịp như hội nhưng giờ chỉ còn vỏn vẹn ba hộ theo nghề. Còn tôi nên con cháu nó mới làm, chứ một mai tôi chết đi chắc chúng nó cũng bỏ luôn”. Được biết, xưởng gốm nhà ông Thanh lớn nhất xã mỗi tháng cũng cho ra lò được khoảng trên dưới 1.000 sản phẩm. Tuy nhiên, mọi công đoạn làm gốm đều do gia đình ông tự túc. Vợ ông Thanh là bà Giang Thị Nhạn năm nay đã gần bước sang tuổi 70 nhưng vẫn là thợ vẽ chính, hiện vẫn chưa có ai kế nghiệp bà.

Ông Thanh cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc nghề gốm Hương Canh “dặt dẹo” như hiện nay là do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mấy năm trước gây nên. Nhưng ông cũng giải thích cặn kẽ là khi đó gốm Hương Canh đã như một ông lão già nua ốm quặt, ốm quẹo rồi, cuộc khủng hoảng kinh tế như một cú đấm bồi khiến nghề gốm Hương Canh khụyu hẳn.

Có chung quan điểm với ông Thanh, nghệ nhân Nguyễn Tất Thành ở xóm Đồng Mước cho biết, do không cạnh tranh được với gốm ngoài thị trường, đặc biệt là gốm của Trung Quốc vừa đẹp lại vừa rẻ nên gốm Hương Canh chết kỹ. Bên cạnh đó, có một thời gian dài sau bao cấp, cả làng Hương Canh đổ xô đi làm ngói bán khiến lượng đất sét của làng bị cạn kiệt. Mặt khác, nghề gốm vất vả ngày công lại thấp nên lớp thanh niên kế cận đi làm công nhân khiến gốm Hương Canh cứ mai một và thất truyền.

Mua bò nhưng không có chuồng

Bài toán làm thế nào để khôi phục lại làng gốm Hương Canh, để từ đó tạo công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn, theo lời ông Tạ Ngọc Bích - Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh thì địa phương cũng đang rất bí. Ông Bích cho biết, không chỉ lãnh đạo thị trấn mà ngay cả lãnh đào huyện Bình Xuyên và tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất quan tâm, trăn trở về việc khôi phục lại làng gốm Hương Canh. “Lãnh đạo tỉnh và huyện đã cho phép chúng tôi quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề từ mấy năm trước, nhưng do chưa có nhà đầu tư nên vẫn phải để đó mấy năm qua, thành thử ba hộ làm gốm còn lại vẫn đang phải hoạt động cầm chừng”- ông Bích nói.

Ông Bích cho biết thêm, hàng năm Sở Công thương và các tổ chức phi chính phủ cũng hỗ trợ giúp đỡ mở các lớp tập huấn dạy nghề gốm cho thanh niên nông thôn, nhưng ông Bích thừa nhận là hiệu quả chẳng được là bao. Nghệ nhân Nguyễn Thanh bức xúc cho rằng, nghề gốm đòi hỏi phải có mặt bằng rộng để còn ủ đất, phơi gốm, kho trưng bày sản phẩm thì chất men gốm mới đẹp, lúc đó mới dám nghĩ đến chuyện cạnh tranh với thị trường và giữ nghề. Đằng này, mặt bằng sản xuất của gia đình ông cũng như hai hộ còn lại rộng chưa đầy 200 mét vuông thì có muốn làm lớn cũng đành chịu.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh: Trong khi nơi để các em làm việc chưa có mà năm nào cũng mở lớp dạy nghề cho cả trăm người thì khác nào mua bò nhưng không làm chuồng. Cứ với cái đà giật gấu vá vai như hiện nay thì chỉ dăm năm nữa làng gốm Hương Canh chỉ còn trong hoài niệm.
Ông Thanh tâm sự: “Năm 2003 chúng tôi mừng như người chết đuối vớ được cọc vì xã có thông báo quy hoạch cụm làng nghề để vực dậy nghề gốm. Nhưng đợi dài cổ từ năm này sang năm khác mà chẳng thấy tăm hơi đâu, nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng trăm tỉ đồng với đối tác nước ngoài tiếc đứt ruột mà không dám nhận vì mặt bằng sản xuất không có”.

Ông Thanh tiếp lời: “Sốt sắng hỏi chính quyền địa phương về dự án cụm làng gốm thế nào thì họ trả lời là chưa quy hoạch được. Năm sau ra hỏi họ lại nói quy hoạch được rồi nhưng đang đợi trên phê duyệt. Năm sau nữa lại ra hỏi tiếp thì câu trả lời là trên phê duyệt rồi nhưng chưa có nhà đầu tư… Chúng tôi chẳng biết thủ tục quy hoạch, xin đất như thế nào chứ như thế này đến khi có mặt bằng chắc gốm Hương Canh đã trở thành dĩ vãng”.

Theo lời tâm huyết của nghệ nhân Nguyễn Thanh, thay vì năm nào cũng mở một vài lớp dạy nghề gốm cho mấy chục con em trong xã thì các bác ở trên nên cho các hộ một cái mặt bằng sản xuất mới nói chuyện bảo tồn được. “Thực tế hiện nay là năm nào cũng mở lớp dạy nghề, học xong rồi các em không biết làm ở đâu? Nhiều đứa sắp tốt nghiệp chúng vui ra mặt bảo, bác ơi cháu sắp ra trường rồi bác xem có việc gì không cho cháu làm với. Nói thật với anh lúc đó tôi rơi nước mắt mà không làm gì được”.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất