| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 30/05/2017 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 30/05/2017

Lặng người với bài tập làm văn chỉ có hai câu

Đó là một bài tập làm văn ở bậc tiểu học, có đề bài thuộc loại ngắn kỷ lục: Tả con chó nhà em. Và bài làm của một học sinh cũng ngắn kỷ lục: Nhà em không có nuôi chó.

Khi nào nhà em nuôi chó thì em sẽ tả. Bài văn được cô giáo phê: Cạn lời. Về nhà làm lại.

Bài văn đã gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi trên cộng đồng mạng xã hội và các diễn đàn giáo dục. Rất nhiều ý kiến đã tỏ ra tán thành với lời phê của cô giáo, rằng làm văn như thế thì đến cô giáo cũng cạn lời, không còn lời gì để nói nữa.

Thật ra, bài văn của em học sinh đó mang theo nhiều điều rất đáng suy gẫm. Ở bậc tiểu học, cái gì cũng có khuôn mẫu: Toán mẫu, văn mẫu. Học sinh chỉ cần làm đúng mẫu là sẽ được điểm cao. Mẫu là một thứ gì đó đóng kín thành khuôn. Ví như tả bà nội thì nhất định bà phải là người tóc trắng như bông, lưng phải còng và phải đeo kính lão. Tả ông nội thì nhất định là “đi phải chống gậy, khập khiễng khập khà”. Trong khi thời hiện đại này, rất nhiều bà nội mới ở tuổi trên 40, tóc còn đen nhánh. Hàng ngày bà vẫn phóng xe máy đi tập ghym, đến vũ trường hay lướt face. Rất nhiều ông nội còn tự lái ô tô đi làm xa hàng trăm cây số. Nhưng những em có ông nội, bà nội như thế mà không tả bà tóc trắng, ông phải chống gậy, thì sẽ bị điểm 0.

Thành ra, đặt ra văn mẫu rồi bắt trẻ làm theo chính là dạy trẻ nói dối. Ở bậc tiểu học đã vậy, còn các bậc trên, kể cả đại học, thì mỗi lời của thầy, của cô đều là “thánh chỉ”. Chỉ cần học sinh, sinh viên nói khác đi một chút thôi, chứ đừng nói đến phản biện, là đã khốn khổ rồi.

Chính vì thế mà trong khi các nước khác đưa việc đào tạo ra những con người sáng tạo, độc lập hoàn toàn trong tư duy, không phụ thuộc vào bất cứ khuôn mẫu nào, thành triết lý của nền giáo dục. Và chính triết lý đó đã khiến cho xã hội của họ trở thành một xã hội năng động. Ngược lại, triết lý giáo dục của ta, cũng như mục đích đào tạo của ta, là tạo ra những con người Robot. Những con người lấy ngoan ngoãn, tuyệt đối vâng lời cấp trên, làm mục tiêu phấn đấu và thăng tiến. Và những con người đó luôn luôn được xã hội đánh giá là mẫu mực, xuất sắc. Những khuôn mẫu, những lối mòn được xã hội mặc nhiên thừa nhận.

Chính vì thế mà khi một giáo sư đại học mặc quần đùi, áo lót lên lớp giảng bài, thì lập tức cả xã hội “nổi sóng” và dồn gạch đá về phía ông, chỉ vì ông dám thoát ra khỏi những thói quen, cũng chính là những cái gông, mà xã hội tự đeo cho mình.

Cô giáo, một “pan” của những bài văn mẫu, đã phê chữ “cạn lời” vào bài văn của em học sinh kia, là chuyện rất bình thường. Nhưng không thể phủ nhận rằng em là một trong số người rất hiếm hoi dám thể hiện chính kiến của mình, dám nói thẳng, nói thật, không chấp nhận những khuôn mẫu dối trá. 

Một xã hội càng nhiều người dám đối mặt với sự thật, thì xã hội đó càng trong sạch, minh bạch và năng động.

Bình luận mới nhất