| Hotline: 0983.970.780

Làng nước ơi, ruộng đất của chúng tôi đâu?

Thứ Năm 23/02/2017 , 08:38 (GMT+7)

Cuộc thông báo kết luận về dồn điền đổi thửa (DĐĐT) người đứng ngoài xỉa xói, nói với vào trong còn kẻ ngồi trong nhấp nhổm như chân phải bỏng. Nhà văn hóa Trung Chính (xã Gia Hòa, Gia Viễn, Ninh Bình) như một cái ngòi nổ mà cả thôn là một khối thuốc nổ sẵn sàng bung phá bất cứ lúc nào…

DĐĐT hay là sửa sai cho việc chia đất năm 1993?

Dồn điền đổi thửa là một chủ trương lớn của Nhà nước để hạn chế manh mún về đất đai, tiện lợi cho quá trình sản xuất hàng hóa.

16-49-06_dsc_7352
Ruộng đất bị bỏ hoang sau DĐĐT
 

Nguyên tắc chính của nó là dồn nhiều thửa của một hộ thành 1-2 thửa nhưng không được nhân cớ đó “chia lại” hay xáo trộn về ruộng đất. Tuy nhiên khi thực hiện ở thôn Trung Chính (xã Gia Hòa) thì DĐĐT lại bị biến thành cuộc sửa sai cho việc chia ruộng đất từ năm 1993.

Công bằng ở đâu chưa thấy nhưng mất an ninh, trật tự thì thấy rõ. Rất nhiều hộ bị thiếu đi cả trăm, thậm chí ngót ngàn m2 vì cái cớ ngày xưa chia sai, chia sót giờ phải lấy ra để bù cho những khẩu còn thiếu.

Đáng thương nhất là trường hợp của ông Bùi Phú Sáu. Bị động kinh từ nhỏ nên tuy đã lấy vợ nhưng ông vẫn ở chung với bố mẹ, thỉnh thoảng lại đi chữa bệnh. Năm 1993, ông được chia 634m2 ruộng gồm 360 m2 đất hai lúa, 274m2 đất một lúa sau đó được cấp sổ đỏ.

Trợ cấp thương tật chỉ được mấy trăm ngàn/tháng lại phải cáng đáng nuôi 2 con nên gia đình ông trông cậy cả vào 634m2 ruộng được giao.

Thế nhưng trong đợt DĐĐT năm 2015 vì lấy cớ hồi 1993 ông Sáu không có hộ khẩu gốc (tạm vắng vì để chữa bệnh) nên địa phương thu hồi luôn đất của ông… Kiện lên xã, lên huyện rồi lên tận tỉnh, nhiều bận do suy nghĩ quá mà ông Sáu lăn đùng ra trong cơn động kinh quằn quại khiến người thân phải dìu về. Thương cho hoàn cảnh của ông, nhiều bà con tự nguyện đứng ra làm nhân chứng chuyện hồi xưa ông không bị cắt khẩu bởi có cắt khẩu thì phải có chuyển khẩu, vậy ông chuyển khẩu đi đâu?

Trường hợp ông Hiển, sau chia ruộng đất 313 ông có đi chơi trong Nam một thời gian nhưng “đi ăn cỗ về mất chỗ”, sau DĐĐT bị rút mất diện tích dù giấy tờ chứng nhận vẫn còn.

Vì khiếu nại nhiều quá, hôm 7/2/2017 cán bộ xã đứng ra họp dân của thôn: Vậy chúng tôi sẽ trả lại ruộng cho ông Bùi Phú Sáu, Bùi Phú Hiển, bà con ai đồng ý thì giơ tay? Ai cũng đồng ý cả. Cứ tưởng ngày một ngày hai sẽ được lấy lại ruộng cũ, bà vợ ông Sáu mới vội đi mua 2 kg thóc giống mất hơn 200.000 để gieo cho kịp thời vụ. Thế mà đợi mãi, đợi mãi không thấy trả lại đất đành phải vùi hủy đám mạ quá lứa đi.

Dư luận cho rằng cách làm trên có phần đi ngược lại với tinh thần theo hướng dẫn 774 về DĐĐT của Sở NN-PTNT Ninh Bình: “Tôn trọng quyền lợi của chủ sử dụng đất đã được giao theo Nghị định 64-CP của Chính phủ, Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, Quyết định 313/QĐ-UB của UBND tỉnh”; Theo kế hoạch số 11 về thực hiện DĐĐT của UBND huyện Gia Viễn cũng ghi rõ: “DĐĐT là để sắp xếp lại vị trí sử dụng đất chứ không phải là chia lại ruộng đất.

Trên cơ sở diện tích nông nghiệp các hộ đang sử dụng ổn định để DĐĐT, không đặt vấn đề xem lại những nội dung đã thực hiện trước đây; việc đổi ruộng đất là thực hiện quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất theo nguyên tắc tự nguyện…”.
 

Tháo “ngòi nổ” chục cuộc chưa xong

Ngót chục cuộc họp của xã, huyện về vấn đề giải quyết hậu DĐĐT ở thôn Trung Chính đều không thành công mà cuộc họp thông báo kết quả xác minh đơn kiến nghị của 8 hộ do Chủ tịch huyện Gia Viễn đứng ra chủ trì ở nhà văn hóa thôn ngày 21/2 vừa qua là một ví dụ.

16-49-06_dsc_7354
Ảnh: Dương Đình Tường
 

Nội dung chính của cuộc họp là giải quyết kiến nghị của 8 hộ dân cho rằng UBND xã chỉ đạo ông Trưởng Tiểu ban DĐĐT thôn Trung Chính lấy ruộng trong sổ đỏ của họ chia cho người khác là trái với quy định của pháp luật.

Cũng xin phải nói thêm rằng số người bị rút bớt diện tích ruộng ở thôn còn nhiều hơn thế nhưng hiện có 8 hộ đứng ra kiên quyết đòi quyền lợi bởi phần đa đều tưởng DĐĐT là chia lại, sửa lại những cái sai của thủa trước.

Xin trở lại với buổi thông báo kết luận của UBND huyện, ở phần xác minh: Đối với diện tích đất 313 (đất ruộng giao 20 năm từ thời điểm 1993 theo quyết định 313 của tỉnh) của 8 hộ có đơn: Hộ ông Phạm Văn Khoa tổng diện tích đất 313 trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 2.927 m2, tổng diện tích UBND xã Gia Hòa giao sau DĐĐT là 2.121 m2, giảm 806m2 do tại thời điểm chia ruộng năm 1993 hộ ông Khoa có 3 khẩu theo bình quân giao ruộng năm 1993 của xã chỉ được giao 720m2 x 3 = 2.160m2 nhưng UBND xã đã giao cho hộ ông với diện tích đất của 4 khẩu (thêm khẩu Phạm Văn Tuấn là cháu của ông Khoa).

Qua xác minh tại thời điểm giao ruộng 1993 Tuấn không có hộ khẩu thường trú tại địa phương… Hộ ông Trần Quang Thanh, tổng diện tích đất 313 là 4.634m2, sau DĐĐT xã giao cho 3.938m2, giảm 696 m2, lý do tại thời điểm giao ruộng năm 1993 hộ ông có 6 khẩu, diện tích được giao 720m2 x 6 = 4.320m2 tuy nhiên năm 1996 trong quá trình đo đạc để cấp giấy chứng nhận, diện tích thực tế lại tăng 314 m2…

Hộ ông Bùi Phú Hiển, tổng diện tích 313 là 1.943 m2 sau DĐĐT là 1.230 m2, giảm 713 m2 lý do tại thời điểm giao ruộng 1993 có 2 khẩu được 1.440m2 nhưng khi đo đạc để cấp giấy quyền sử dụng diện tích lại tăng 503m2…

Căn cứ vào đó, huyện kết luận: “8 công dân phản ánh việc Tiểu ban DĐĐT thôn Trung Chính điều chỉnh đất ruộng trong sổ đỏ của gia đình họ là có thật. UBND xã Gia Hòa đã chỉ đạo các thôn, đội thực hiện nghiêm các quy định về DĐĐT.

Tiểu ban DĐĐT thôn Trung Chính đã tiến hành rà soát số hộ, số khẩu, điều chỉnh diện tích đất 313 của một số hộ gia đình (trong đó có 8 hộ nêu trên) đúng với diện tích được giao năm 1993 để xây dựng phương án DĐĐT là đúng với các quy định hiện hành và đã được các hộ gia đình trong thôn thống nhất. Việc thực hiện phương án giao ruộng cho nhân dân đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy định.

Tuy nhiên, khi rà soát lại số hộ, số khẩu và diện tích đất 313 đã phát hiện sai sót nhưng trước khi điều chỉnh diện tích đất thực tế UBND xã Gia Hòa chưa thực hiện việc điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

Kết luận này không được các hộ trong đơn kiến nghị đồng tình bởi theo họ nếu chuyện DĐĐT ở Trung Chính làm đúng sao lại xảy ra khiếu kiện liên miên? Nếu áp dụng theo cách này nhân rộng ra cả ngàn thôn trên địa bàn tỉnh thì sẽ có cả ngàn điểm nóng. “Phen này còn đánh nhau to”. Anh Trần Quang Lưu - một trong 8 hộ có đơn bảo: “Nếu có chủ trương DĐĐT mà được lấy bớt đất trong sổ đỏ ra chia lại cho người khác thì huyện hãy ra quyết định thu hồi đất đi xem có đúng quy định không?”.

Ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình: Làm cái gì cũng phải thuận lòng dân!

16-49-06_dsc_7362
 

Năm 1993 Ninh Bình thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ, Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy và Quyết định 313 của UBND tỉnh chia ruộng đất cho người dân theo số khẩu. Bởi ruộng đất manh mún quá nên năm 2003-2005 tỉnh tổ chức cuộc DĐĐT lần 1.

Sau 10 năm từ 2014-2016 lại tổ chức DĐĐT lần 2 vì ruộng đất manh mún. DĐĐT lần 2 khác lần 1 ở chỗ gắn với quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng, làm lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Tỉnh hỗ trợ 1 triệu/ha để các địa phương lập phương án, chỉnh trang đồng ruộng và cấp đổi giấy chứng nhận. Hiện có 91/119 xã cơ bản thực hiện xong.

Về chuyện DĐĐT ở thôn Trung Chính tôi sẽ đặt lịch làm việc cụ thể với địa phương rồi báo cáo với tỉnh, mời Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tư pháp tỉnh vào cuộc để xác định về khẩu còn thiếu sót không được cấp đất năm 1993 hay khẩu được cấp khống, cấp thừa đất là lỗi do gia đình hay chính quyền, số lượng bao nhiêu.

Nếu phát hiện chính xác là sai sót thì có hồi tố lại không? Nếu hồi tố thì bằng cách nào giải quyết đất cho những người đó? Chỉ có hai cách, thứ nhất là san bớt đất của các hộ khác ra chia cho các khẩu thiếu (thực tế cách này Gia Hòa đang thực hiện -P V). Nhưng dân có đồng tình, tự nguyện không?

Cách hai là rà soát lại quỹ đất 5% rồi bàn với dân, với xã giao cho những khẩu còn thiếu. Dù thực hiện theo cách nào cũng phải được dân đồng thuận. Họ có thể hiến hàng trăm m2 đất cho các mục đích công ích nhưng tại sao chỉ có một ít diện tích như thế này lại khục khặc mãi là điều cần xem xét.

Trong phương án DĐĐT chúng tôi không lường đến chuyện có sai sót khi chia đất theo khẩu từ năm 1993. Nguyên tắc chung là chết không lấy ra mà sinh không được ruộng, giữ ổn định khi DĐĐT, chỉ quy mỗi hộ khi trước 5-7 mảnh thành 1-2 mảnh để dễ sản xuất.

Giả sử khi phát hiện ra sai sót của chuyện chia đất ngày trước thôn phải báo xã, xã báo huyện, huyện nếu thấy vượt thẩm quyền thì báo tỉnh. Anh có hỏi rằng khi DĐĐT sổ đỏ có giá trị pháp lý không thì xin nói rằng nó có giá trị pháp lý, cần phải được tôn trọng.

 

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.