| Hotline: 0983.970.780

Làng “phát lộc”

Thứ Hai 11/02/2013 , 15:01 (GMT+7)

Đã dăm năm nay, làng Đình Phùng (xã Minh Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình) được thiên hạ gọi bằng tên mới là làng “phát lộc”, kể từ ngày một nghề mới được hình thành, mang lại cho người làng nguồn thu nhập đáng kể.

Đã dăm năm nay, làng Đình Phùng (xã Minh Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình) được thiên hạ gọi bằng tên mới là làng “phát lộc”, kể từ ngày một nghề mới được hình thành, mang lại cho người làng nguồn thu nhập đáng kể.

Làng Minh Tân bám dọc quốc lộ 39A, giáp ranh giữa 2 huyện Đông Hưng và Hưng Hà, có chừng trên 300 hộ. Trước đây, hầu hết người làng làm nghề trồng, kinh doanh cây cảnh. Thời buôn bán cây cảnh còn sôi động, mỗi ngày có cả chục chuyến xe ra vào làng chở cây đến, mang cây đi. Những thương vụ tiền tỷ từ cây cảnh không hiếm.

Bây giờ, tuy thị trường cây cảnh gặp buổi chợ chiều, nhưng đi dọc làng Minh Tân, vẫn gặp hàng chục vườn cây rất hoành tráng đang “phục xuống chờ thời”. Vốn năng động và khéo tay, người Đình Phùng xoay sang trồng, uốn, tạo dáng và kinh doanh cây “phát lộc”.

“Phát lộc” là tên gọi một loài cây thuộc họ vạn niên thanh. Đó là một giống cây thân thảo, đốt rỗng, to bằng ngón tay người lớn, lá màu xanh thẫm, cây trưởng thành có thể dài trên dưới một mét, trồng trên đất hoặc ngắt cây cắm vào lọ chỉ có nước lã, cây vẫn sống rất khoẻ, vẫn nẩy lộc đâm chồi. Chính vì đặc điểm này mà không mấy nhà không có một vài nhánh cây cắm vào lộc bình trên ban thờ làm cảnh, và người ta quan niệm rằng để loại cây này trong nhà, thì gia chủ có lộc.


Tháp phát lộc đang nẩy lộc

Sản phẩm nhiều nhất, được thị trường ưa chuộng nhất của Đình Phùng hiện nay là tháp phát lộc. Dưới tay người Đình Phùng, những thân cây phát lộc trở thành những tòa tháp rất tinh xảo. Tháp thấp nhất, nhỏ nhất là 3 tầng rồi lần lượt 5 tầng, 7 tầng, 11 tầng, 13 và cao nhất, lớn nhất là 15 tầng, nghĩa là cấc tầng tháp toàn ứng với con số lẻ. Lẻ nghĩa là còn phát triển lên, sẽ phát triển lên cho hoàn thiện. Làm tháp toàn số tầng lẻ, cũng như mừng tuổi cho trẻ con ngày Tết, người ta chỉ mừng tiền lẻ chứ không mừng tiền chẵn, là đều cùng một ý nghĩa ấy cả.

Nguyên liệu làm tháp phát lộc, ngoài cây phát lộc, còn rất nhiều thứ khác. Đầu tiên là chậu tháp. Chậu làm bằng xi măng, có đắp những hình trang trí rồng phượng, con giống khác hay những chữ mang ý nghĩa chúc tụng tốt lành. Chậu sơn màu giả đá hay màu khác là tùy vào cảm hứng của người thợ khi làm chậu, kích thước chậu phù hợp với kích thước và số tầng của tháp, sao cho chân tháp vừa khít với lòng chậu.

Đặt một ống nhựa giữa lòng chậu làm lõi, cắt thân cây phát lộc thành từng đoạn tương ứng với độ dài của từng tầng. Tầng cao nhất của tháp được làm đầu tiên bằng cách ghép những đoạn cây phát lộc xung quanh ống nhựa sao cho những đoạn cây nhô cao hơn ống lõi chừng 3 - 4 cm. Chị Nguyễn Thị Trúc, chủ một cơ sở sản xuất tháp phát lộc cho biết: "Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, bọn em làm lõi bằng ống nứa, nhưng chỉ được một thời gian thì nứa mục, lại bị thối do ngấm nước, nên rất mau hỏng. Sau mới nghĩ ra làm lõi bằng ống nhựa, bền mà đẹp hơn nhiều".

Ghép xong tầng cao nhất, dùng loại dây nhựa mạ nhũ màu vàng quấn quanh, khâu lại để giữ ổn định cho tầng tháp rồi ghép tiếp, và cứ thế lần lượt ghép từ tầng cao nhất đến tầng thấp nhất, mỗi tầng cách nhau từ 5 - 7 cm. Khi tháp đã ghép xong, thì dùng xi măng trắng bịt đầu rỗng của những đoạn thân cây phát lộc. Toàn bộ công việc đều được làm thủ công chứ không có sự trợ giúp của bất cứ thứ máy móc nào. Ngắm những tòa tháp vô cùng tinh xảo được làm bằng những thân cây phát lộc này, chúng tôi không khỏi thốt lên lời thán phục.

Vì tháp phát lộc làm bằng thân cây phát lộc tươi, nên muốn cho tháp bền thì phải nuôi cây. Việc nuôi cây cũng vô cùng đơn giản: Chỉ cần đổ nước vào lõi nhựa, nước sẽ điều tiết đều trong đáy chậu chứa tháp, thế là cây sẽ sống, và từ các tầng thấp, lộc cây sẽ mọc ra.

Về nguyên tắc, cây không chết thì tháp vẫn còn, nhưng một tòa tháp thường chỉ phát triển đẹp trong 2 - 3 năm rồi thì nên thay tháp khác. Ngoài tháp, người Đình Phùng còn uốn, ghép cây phát lộc thành rất nhiều thứ khác như lộc bình hay con gà, con hươu... bằng cây phát lộc.

Ở Đình Phùng hầu như nhà nào cũng làm tháp phát lộc. Việc SX được tổ chức theo hộ, được duy trì quanh năm, nhưng bắt đầu từ tháng 10 hàng năm thì nhịp độ SX tăng lên gấp nhiều lần, để có hàng tung ra bán Tết. Trong mỗi hộ, với mỗi tòa tháp, ngoài lao động chính ra thì từ cụ già cho đến các cháu nhỏ ai cũng có việc để tham gia.


Làm lộc bình bằng cây phát lộc

Nghề làm tháp phát lộc đã góp phần thay đổi cả diện mạo đồng ruộng. Rất nhiều thửa ruộng đã không còn được dùng cấy lúa nữa mà chuyển sang trồng cây phát lộc làm nguyên liệu, bởi giá trị của chúng cao hơn trồng lúa rất nhiều. Ngoài tự trồng, người Đình Phùng còn phải đi rất nhiều nơi để mua cây làm nguyên liệu.

Nghề làm tháp phát lộc còn kéo theo nghề SX chậu tháp. Cũng giống như ở làng cá kho Nhân Hậu (Lý Nhân, Hà Nam), ngay từ bây giờ người ta đã phải chở hàng chục ngàn cái nồi đất từ tận Thanh Hóa về để có nồi kho cá, ở Đình Phùng, cả chục cơ sở chuyên SX chậu tháp bây giờ cũng đang làm ngày làm đêm mà không đủ chậu cung ứng cho nhu cầu.

Vào những ngày giữa tháng một ÂL này, mỗi ngày có hàng chục thương lái từ nhiều tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An... về Đình Phùng chở tháp đi. Hỏi chuyện anh Nguyễn Văn Huy, một thương lái ở Bắc Ninh, anh bảo: "Tôi lấy tháp ở đây về bán đã hai năm rồi. Giữa năm đặt hàng, chỉ cần nói số lượng mỗi loại, đặt cọc một phần tiền rồi đúng ngày về lấy. Hàng bán cũng được. Xét cho cùng, thì năm mới ai chả mong muốn rủi ro ra đi, tài lộc theo về, nên dù đang thời buổi khó khăn về kinh tế, thì một tòa tháp phát lộc vẫn là ưu tiên trong việc sắm Tết của mỗi gia đình. Không chỉ các gia đình, mà rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng tìm mua cho được một tòa tháp phát lộc, để mong được phát tài phát lộc.

Một tòa tháp 15 tầng loại cao, khách trả tại chỗ 2,5 triệu đồng không cần mặc cả, loại thấp 2,3 triệu đồng. Tháp 13 tầng loại cao có giá 1,9 triệu, loại thấp 1,8 triệu. Rẻ nhất, nhỏ nhất là loại tháp 3 tầng cũng có giá 40 ngàn đồng. Hỏi một tòa tháp 15 tầng loại cao lấy ở gốc 2,5 triệu đồng, thì về bán bao nhiêu, anh Huy chỉ lấp lửng: "Nó cũng còn tùy vào cái duyên của cả người mua lẫn người bán, biết thế nào mà nói trước. Một tòa tháp phát lộc, ngoài cái vỏ vật chất nó còn mang cái lõi tâm linh...".

Hỏi mấy chủ hộ SX tháp phát lộc ở Đình Phùng, rằng mỗi tòa tháp phát lộc, trừ chi phí nguyên liệu và công sá đi rồi, còn lãi bao nhiêu, ai cũng bảo: “Lấy công làm lãi ấy mà”, nhưng bằng vào giá cả nguyên liệu mà chúng tôi nắm được, thì tính ra mỗi tòa tháp 15 tầng loại cao, phần lãi của người SX không hề nhỏ.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất