| Hotline: 0983.970.780

Làng rèn thoi thóp

Thứ Ba 27/03/2012 , 10:24 (GMT+7)

Sau một thời vàng son, làng rèn Vực (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, TT- Huế) hơn 400 năm tuổi gần như tắt lửa...

Sau một thời vàng son, làng rèn Vực (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, TT- Huế) hơn 400 năm tuổi gần như tắt lửa, chỉ còn vài hộ dân thiết tha với nghề. Người thợ thiếu vốn, thiếu tay nghề; sản phẩm không tìm được đầu ra ổn định đã đẩy tiếng quai búa lùi xa phố xá…


Chưa được nâng cao tay nghề, thiếu vốn nên làng nghề lâm vào bế tắc 

Làng rèn tắt lửa

Nằm dọc quốc lộ 1A, làng rèn Vực khuất bóng bên đường ray xe lửa ồn ào. Xưa cả làng có hơn 100 lò rèn, là trung tâm của huyện lỵ Hương Thủy, cung cấp các sản phẩm nông cụ cho nhiều địa phương ở tỉnh TT- Huế. Qua thời gian, làng đã thu mình lại trong lòng phố xá, chỉ còn một góc nhỏ tại tổ 6, phường Thủy Châu.

Ngồi bên bếp than đã nguội lạnh nhiều ngày, anh Huỳnh Thế Anh, một thợ rèn làng Vực cho biết: “Cả tháng ni tui nghỉ việc, đến hôm nay mới có một số bà con tiểu thương ở chợ Thần Phù đặt làm chục cây dao lớn và nhỏ nên mới thổi lửa lên lại. Chưa bao giờ làng rèn Vực lại khó khăn như giai đoạn hiện nay anh à. Cả làng ngày trước có hơn 100 hộ dân làm nghề rèn, giờ tìm đỏ mắt cũng được hơn chục hộ, mà công việc cũng không thường xuyên lắm, chủ yếu nhận làm khi bà con tiểu thương ở chợ đặt làm thôi.”

Gia đình anh Thế Anh làm nghề rèn đến nay đã là đời thứ 4. Những năm trước giải phóng, làng rèn Vực phát triển rất thịnh đạt, việc làm không hết, làm một ngày có thể đủ chi tiêu cả mười ngày. Bước sang thời kỳ HTX, làng rèn vẫn được duy trì vì nguyên liệu và sản phẩm đã được bao tiêu, bà con vẫn còn mặn mà với nghề. Thế nhưng từ khi HTX giải thể, bà con làng rèn làm ra sản phẩm chủ yếu tự cung tự cấp, phục vụ nhu cầu SX trong vùng.

Ông Huỳnh Văn Quý, một thợ rèn ngán ngẩm cho biết: “Ở làng rèn Vực chỉ còn vài gia đình có bám trụ với nghề không chỉ để mưu sinh mà bà con luôn ý thức giữ lấy nghề của cha ông để lại. Chứ nói thật, giờ nghề rèn cũng mất giá lắm rồi. Tui tính nhé, bây giờ cả tháng, các thợ làng rèn ngồi chờ tiểu thương đặt gì thì dồn lại làm, làm xong nghỉ cả chục ngày vẫn chưa có việc làm trở lại thì lấy gì ăn? Có một số hộ cũng làm rồi mang ra chợ bán nhưng không được. Đa số con cháu của các hộ dân theo nghề rèn ở đây đều bỏ xứ đi làm gara, hàn the tứ tán khắp nơi chứ chẳng còn mặn mà gì với nghề”.

Bí đầu ra

Tiếp xúc với nhiều hộ gia đình theo nghề rèn ở làng Vực, họ co rằng sản phẩm rất bí đầu ra, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Theo tính toán của anh Huỳnh Thế Anh, một ngày anh rèn được chừng 4 cây dao, được các tiểu thương ở các chợ đặt hàng, giá mỗi cây chừng 25- 30 nghìn đồng. Tính các chi phí, công lao động, mỗi ngày anh kiếm được khoảng 100 nghìn đồng. Sản phẩm làm ra về mẫu mã cũng như chất lượng cũng không khác gì với mấy chục năm trước.

Thế nhưng các tiểu thương đặt mua chỉ 7-8 nghìn đồng/cây dao, nên sản phẩm không có sức cạnh tranh. Mặt khác, theo nhiều thợ rèn ở làng Vực, các sản phẩm lấy từ vùng miền khác được làm từ máy dập, máy khoan, cán, vừa nhanh, đỡ tốn sức lao động lại rất bền và đẹp, trong khi sản phẩm rèn làng Vực làm ra giá thành cao hơn nhiều. Đầu ra không ổn định là nguyên nhân khiến nhiều lò tắt ngúm.

Không phải bà con làng rèn không tính đến chuyện nâng cao tay nghề, đầu tư công nghệ vào SX, thế nhưng mọi cố gắng chỉ mới manh nha, một vài hộ nên thiếu tính đồng bộ, đầu tư lớn. Như thợ rèn Huỳnh Thế Tiến, chủ cơ sở rèn Trường Tiến. Năm 2008, nhận thấy nghề rèn ở quê hương đang “hấp hối” từng ngày, anh Tiến đã tự bỏ kinh phí ra các tỉnh phía Bắc tham quan, học hỏi nghề rèn của các địa phương, rồi trở về Huế bỏ cả trăm triệu đồng tự đầu tư máy dập phôi, giải quyết khâu nặng nhất của quy trình tạo ra sản phẩm rèn.

Việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại với phương pháp rèn truyền thống cùng với việc nâng cao tay nghề của người thợ đã thực sự nâng cao năng lực SX, tiết kiệm thời gian và sức lực của người thợ góp phần hạ giá thành, cải thiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm rèn. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động, cơ sở của anh phải kết hợp thêm nghề cơ khí.

Anh Tiến cho biết: “Mình nhận dập phôi rèn cho bà con, tính công dập 2.200 đồng/cây rựa. Khâu dập phôi là công đoạn nặng và quan trọng nhất, với giá thành đó cũng thấp, thế nhưng việc làm mình nhận cũng không nhiều bởi việc đầu tư chưa đồng bộ, sản phẩm bà con làm ra tính giá thị trường vẫn còn cao hơn nhiều so với sản phẩm các vùng khác. Mình đã đầu tư thêm máy cán, máy khoan để vừa phục vụ nghề cơ khí, mới mong duy trì được hoạt động của cơ sở”.

Ngoài sản phẩm thiếu đầu ra ổn định, nguyên nhân làng rèn khủng hoảng cũng bởi người thợ chưa chịu đổi mới tay nghề, làm chủ công nghệ.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.