| Hotline: 0983.970.780

Làng ... rỗng như chốn 'ăn nhờ ở đậu' của những người ly hương

Thứ Tư 07/03/2018 , 09:35 (GMT+7)

Một luồng dịch chuyển, nhưng theo chiều ngược lại: cuối năm thì từng dòng người hối hả đổ về quê, sau tết họ lại ào ạt rời quê đi tha phương kiếm sống...

dn4f35495-fzj141653194
Lao động nông thôn đang dạt ra thành phố vì thu nhập thấp, khó kiếm việc làm

Chuyện không có gì mới, nhưng nó cho thấy, dần dà thôn quê trở thành chỗ "ăn nhờ ở đậu" của chính những con người sinh ra từ đó...
 

I. Về quê ngày 14 tháng Giêng năm Tuất, định hôm sau lên TP Thái Bình (Thái Bình) dự ngày hội thơ Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức, nghe tin cụ Tuân trong họ mất ở tuổi 89, tôi đến chia buồn. Vừa thấy tôi, trưởng thôn Đỗ Văn Minh “phân công” luôn:

- May quá, bác mới về. Sáng mai bác đảm nhiệm cho cái việc đánh chiêng với. Chẳng còn ai nữa.

- Nhưng mà tôi bận. Với lại tôi có biết đánh chiêng thế nào đâu?

- Bận gì thì cũng hoãn lại. Nghĩa tử là nghĩa tận. Với người làng còn thế, huống chi đây là người trong họ. Đánh chiêng rất dễ, bác chỉ việc đi sau người đánh trống đại, đánh theo trống. Cứ sau tiếng tùng thì bác đánh. Tùng chậm thì đánh chậm, tùng nhanh thì đánh nhanh, có gì đâu mà bảo không biết. Sáng mai 7 giờ 30 đưa, nhưng bác phải đến từ 6 giờ 30. Bác đã nhận lời thì phải đến đúng giờ nhé, không là hỏng ráo mọi việc đấy.

Thế là đành lỡ hẹn với hội thơ để phục vụ đám tang. Điều đầu tiên tôi nhận thấy ở đám tang, là toàn người già, những người trẻ nhất trong đám cũng đã vào tuổi trên bốn mươi, mà tất cả những anh ở tuổi đó đều là những anh “có vấn đề” về sức khỏe.

Tất cả các công việc trong đám tang đều do người già đảm nhiệm. Dựng bàn thờ đặt linh vị là người già, nhạc tang là người già, đào huyệt là người già, lo cỗ bàn, tiếp khách cũng là người già. Trong đám chỉ lác đác dăm thanh niên. Hỏi chuyện, họ cho biết tất cả đều nằm trong danh sách gọi nhập ngũ, vài ngày nữa là lên đường.

-Nếu không thì làm gì chúng cháu còn ở nhà đến hôm nay hả bác? Ở nhà, làm gì được mà sống?

Trưởng thôn Đỗ Văn Minh cho biết, làng chỉ đông vui nhất, đầy đủ nhất bắt đầu từ ngày cúng ông Công ông Táo, tức là ngày 23 tháng Chạp. Từ ngày ấy, người làng đi làm ăn xa bắt đầu từ các nơi đổ về. Nhộn nhịp nhất là ngày 29- 30 tháng Chạp. Những ngày ấy, đường làng nườm nượp người, xe máy phóng tít mù, tiếng cười, tiếng chào hỏi nhau ríu rít. Và bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng Giêng, dòng người từ trong làng lại lũ lượt ra đi.

Trước đây, thường mùng 5, mùng 6 người làng mới “hóa vàng”, tức là đốt vàng mã tiễn tổ tiên trở lại cõi thiêng. Nhưng bây giờ, hầu như nhà nào cũng hóa vàng vào ngày mùng 3, để mùng 4 còn tiễn người đi làm, vì lịch nghỉ tết chỉ đến hết ngày mùng 4.
 

II. Làng Đông (huyện Thái Thụy) của tôi có 158 hộ dân, thì có tới 257 người đi làm ăn xa và đi học ở các trường đại học, cao đẳng, nghĩa là mỗi hộ dân bình quân có gần 2 người vắng nhà quanh năm. Nhiều nhà, cả hai vợ chồng đều đi làm xa, để con lại cho ông bà, như các cặp vợ chồng Thơm- Tư; Bích- Hòa, Lệ- Đoàn...

Trong số hơn hai trăm người rời làng đó, có hơn 30 người đang ở nước ngoài. Số còn lại là ở Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải phòng và TPHCM...Gần như tỉnh nào cũng có người làng tôi góp mặt. Lúc đầu chỉ thanh niên, rồi sau có cả trung niên. Thanh niên có tay nghề thì làm ở các doanh nghiệp, còn trung niên không nghề thì làm tự do, với đủ các việc: thợ xây, phu hồ, thợ mộc, bốc vác, đóng gạch...

1448446504-news-4647141640978
Lao động nông thôn dạt ra thành phố làm đủ mọi nghề kiếm sống (Ảnh minh họa)

Giờ trên facebook, người làng tôi đi xa lập hẳn 1 fanpage hội đồng hương làng Đông, thế là bốn phương tụ lại, mọi người lên đó tha hồ liên lạc, trao đổi với nhau dập dìu như trảy hội. Có khi cả đời chả gặp nhau, người Bắc kẻ Nam, người này về quê thì người kia đi rồi, nhận họ nhận hàng nhưng chú cháu, cô dì không biết mặt, ấy thế mà chuyện gì cũng đưa lên mạng chia sẻ, khá rôm rả.

Ở quê, hình như cơ hội kiếm tiền khó quá, thành ra phận người rẻ rúng. Người làng Đông vào Tây Nguyên trồng cà phê khá nhiều. Mấy năm trước, giá cà phê cao, mấy cặp vợ chồng trẻ nhờ trồng cà phê có tiền về làng đi thăm họ hàng ăn vận rủng rỉnh. Thế là, nhà ai cũng chèo kéo gửi con cháu đi vào Tây Nguyên, thậm chí chẳng hiểu vào xã, huyện, tỉnh nào, có mỗi bộ quần áo mặc trên người, bố mẹ đút túi cho đôi ba trăm thế là tống lên xe khách Nam tiến. Có khi đi trên đường bị bán sang Trung Quốc cũng thây kệ.

 Lúc đầu, người đi hầu hết là đàn ông, rồi sau cả phụ nữ. Đất canh tác trong làng khá rộng, bình quân 2 sào một nhân khẩu. Nhưng hiện giờ chẳng ai muốn “cấy 6 tháng mới được gặt” nữa, tất cả đều chỉ muốn “cấy ngày mùng 1, ngày 30 được gặt (ý nói làm công nhân hết tháng lĩnh lương)” hoặc là “sáng cấy, chiều gặt luôn (ý nói làm thuê, sáng làm, chiều được trả tiền)”, vừa không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà công cao hơn làm ruộng rất nhiều.

Thấp nhất là làm công nhân may, lương mỗi tháng 3 triệu, cũng cao gấp hai, gấp ba làm ruộng rồi. Ruộng đem cho thuê với giá chỉ vài chục kg/sào/vụ, thậm chí cho cấy không, để đi khỏi làng tìm việc. Hết ngày mùng 4 tháng Giêng, làng lại trở lại với cảnh đìu hiu, đến nhà nào cũng chỉ gặp toàn người già với trẻ con. Ốm đau, ma chay cũng chỉ còn toàn người già lo cho nhau.

Ngoài đồng, vẫn còn rất nhiều mảnh ruộng trống chưa có cây lúa nào. Những mảnh ruộng đang cấy muộn, thì người cấy cũng toàn người già. Thậm chí đang cấy dở mảnh ruộng, có ai gọi đi lên thành phố kiếm việc là bỏ ruộng luôn. Hỏi chuyện cụ Bé, gần 70 tuổi, đang cấy mảnh ruộng bên đường, cụ bảo:

- Ruộng này là của vợ chồng thằng Đoàn nhà tôi. Cả hai vợ chồng nó đều vào Nam từ mùng 4 Tết rồi. Nó để tiền lại, bảo tôi đi thuê người cấy. Trước đây công cấy mỗi sào là 250 ngàn. Nhưng nay, mỗi sào 400 ngàn mà tôi đi thuê mấy ngày không được, đành phải cấy lấy. Mỗi lần cúi xuống cắm cây mạ, cái lưng nó lại đau muốn sụm cả xuống...

Sáng hôm sau, 6 giờ 30 tôi có mặt ở đám tang. Tất cả các việc cần thiết như cầm cờ tang, đội cầu, trống cà rùng, đội bát âm cho đến đẩy xe tang, vẫn chỉ toàn người già. Nhấc thử cái chiêng. Chà, sao mà nặng thế, dễ đến bẩy, tám cân. Liệu chừng không xách nổi lên mà đánh, tôi đành kiếm một cái gậy xỏ vào dây chiêng, nhờ hai ông già khiêng dùm...

Đi giữa một đám tang toàn người già, hoàn toàn vắng bóng thanh niên, tôi cứ bâng khuâng nghĩ ngợi. Thái Bình là tỉnh lúa, mấy năm trước số người ở nông thôn còn chiếm tỷ lệ rất cao, có lẽ là cao nhất trong các tỉnh miền đồng bằng sông Hồng, nhưng bây giờ đã khác xa rồi. Đã rất nhiều năm nay, tỉnh tôi chủ trương biến nông dân thành những người “ly nông”, nhưng “bất ly hương”. Nhưng xem ra còn rất lâu, chủ trương đó mới biến thành hiện thực.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất