| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn: Bùng nổ hàng lậu

Thứ Ba 23/12/2014 , 09:15 (GMT+7)

Chuẩn bị cho hàng Tết Nguyên đán Ất Mùi, hoạt động tại các cửa khẩu biên giới ở tỉnh Lạng Sơn sôi động hẳn. 

Ngoài các hoạt động thông thương tại khu vực hải quan thì tình hình buôn lậu qua biên giới diễn ra khá rầm rộ.

Cơ quan chức năng nói rằng, không bất lực trong chống buôn lậu nhưng thực tế vùng biên này đang bùng nổ đợt buôn lậu khá kinh hoàng cả về số lượng và quy mô. Giới buôn lậu đã thiết lập những đường dây khá bài bản và công khai.

Dọc hai bên tuyến đường từ Cốc Nam lên Tân Thanh, người dân đã dựng lên hàng chục lán để chứa chấp hàng lậu và hàng ngàn xe máy của đám cửu vạn.

Đe dọa lực lượng chức năng

Rời đường mòn 474, chúng tôi vượt qua khu Hang Chui, Thác Ném gần cánh tả cửa khẩu Cốc Nam để dò la và sững sờ khi lạc vào đường mòn qua làng Pò Cại (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng). Đây được coi là ổ tập kết và vận chuyển hàng lậu quy mô cực lớn do đầu nậu và cửu vạn vừa “khai trương”.

Theo ghi nhận của PV, các đối tượng buôn lậu chủ yếu mang vác hàng hóa qua các đường mòn vòng, tránh các mốc 1097, 1098 và mở rộng thêm trên các đường mòn qua mốc 1096, 1095 sau đó xuống khu vực Ma Mèo, Mỏ Đá, xí nghiệp đá mài thuộc địa bàn xã Tân Mỹ. Một số đường mòn khu vực Đồi Cao, Nà Han thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng.

Từng nhóm cửu vạn nối đuôi nhau trèo dốc vác trên vai những tải hàng nặng trĩu. Họ ì ạch vác hàng qua các khe núi đá, đến triền dốc đám cửu vạn bắt đầu lăn hàng cho trôi xuống chân đồi.

Tại đây, hàng được đội “xe bay” chằng buộc lên xe rồi phóng vun vút ra đường lớn chạy về hướng Đồng Đăng và TP Lạng Sơn. Cứ thế, chỉ trong vài giờ quan sát, chúng tôi ghi nhận hàng trăm lượt xe với cả nghìn tải hàng được vận chuyển khỏi cung đường thủ phủ hàng lậu này.

Điều dễ nhận thấy là thủ đoạn các đối tượng buôn lậu luôn thay đổi nhằm đối phó lực lượng chức năng. Chúng áp sát hàng hóa ngay đường biên giới, sẵn sàng mở thêm các đường mòn mới để vượt qua các điểm chốt chặn, tổ chức lực lượng ngăn cản cơ quan chức năng, sử dụng mọi phương tiện có thể để vận chuyển hàng lậu qua biên giới.

Sau khi vận chuyển vào nội địa, hàng hóa cơ bản được viết hóa đơn bán hàng. Hàng được vận chuyển nhỏ lẻ trên các loại xe ô tô 7 – 16 chỗ ngồi, xe mô tô 3 bánh dán logo thương binh và xe máy đi tiêu thụ. Trong đó đáng chú ý các đối tượng chạy xe 3 bánh rất liều lĩnh, thường xuyên chống đối việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.


Hàng lậu lũ lượt đỗ từ biên giới về thị trấn Đồng Đăng và TP Lạng Sơn sau đó xuôi về tứ xứ ở nội địa

Tại khu vực Ga Đồng Đăng xuất hiện nhóm đối tượng 30 – 50 người cho hàng hóa vào túi xách, buộc thành túm, bó nhỏ đưa lên tàu. Không chỉ có vậy, khi bắt giữ, một số đối tượng manh động dùng gạch đá tấn công, kích động cửu vạn cướp giật lại hàng hóa. Ngay cả khi đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia 389 do Đại tá Hồ Quang Thái – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 làm trưởng đoàn đang làm nhiệm vụ trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng cũng bị 2 thanh niên đi xe mô tô chạy lạng lách, chắn đường trước xe ô tô của đoàn.

Bọn chúng đã cùng với một số xe mô tô, ô tô cùng bám đuôi chặn phía trước, phía sau, vây kín xung quanh xe của đoàn đến địa điểm cây xăng số 7 thuộc xã Phú Xá huyện Cao Lộc. Tại đây, bọn chúng đã có những lời đe dọa, hành động khiêu khích, chửi bới lực lượng chức năng. Ngay sau khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã có mặt và tạm giữ xử phạt hành chính đối với các đối tượng gây rối trật tự công cộng nói trên.

Đâu là lỗ hổng?

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các Đồn biên phòng Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi cục Hải quan Tân Thanh, Cốc Nam đều cho rằng, chủ hàng lậu không bao giờ xuất hiện. Một số chủ hàng lậu mặc dù cơ quan chức năng xác định đúng đối tượng nhưng không sao bắt được vì bản thân họ không hề nhúng tay vào bất cứ công đoạn nào trong hành trình vận chuyển hàng.

Chính vì không bắt được quả tang nên tên cầm đầu vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, đại bộ phận hàng lậu tuồn qua biên giới đều do cư dân khu vực này và lao động tự do các nơi đến tham gia đội quân bốc vác hàng và lấy tiền theo trọng lượng 1 kg được trả 15.000 - 20.000đ.


Chiều 19/12, một đối tượng vận chuyển 65 chiếc điện thoại di động hãng Iphone 5 đi từ bên kia biên giới về đã được các chiến sỹ Đồn BP Hữu Nghị bắt giữ do hàng không rõ nguồn gốc

Đồn Biên phòng Tân Thanh và Hữu Nghị đã dựng 36 lán tại các điểm xung yếu trên khu vực biên giới. Mỗi lán bố trí cán bộ, chiến sỹ túc trực 24/24h canh chừng, ngăn chặn hoạt động vượt biên trái phép, vận chuyển hàng lậu.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn điều động lực lượng tại các Đồn BP ở nơi khác về tăng cường cho các Đồn BP Tân Thanh, Hữu Nghị. Riêng Đồn BP cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị quân số trực ở các lán được nâng lên 154 người. Đồn đã rào chắn bằng giây thép gai tại 60 điểm với tổng chiều dài 945 m.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn cho rằng, có một số vấn đề cốt lõi mà hiện nay chưa được giải quyết căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu. Quan điểm của ông Nghĩa được đa số lãnh đạo các cơ quan chức năng như Hải quan, Biên phòng đồng tình.

Ông Nghĩa cho rằng, công bằng mà nói, việc sản xuất hàng hóa trong nước hiện nay chưa nhiều, mẫu mã chưa đẹp và giá cả đắt đỏ. Trong khi đó sản phẩm của nước ngoài lại được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, giá rẻ và tiện lợi. Mặt khác, lao động miền núi, nhất là đồng bào vùng biên việc phát triển kinh tế cũng đang rất khó khăn nên đi làm cửu vạn là cách mà họ tìm kiếm cái ăn, cái mặc.

“Khi bắt giữ, cửu vạn đều khẳng định việc mình làm là vi phạm pháp luật nhưng không biết làm gì hơn để đảm bảo cuộc sống. Khi bị phát hiện, các cửu vạn thường bỏ chạy tán loạn trong rừng, hoặc là nài nỉ xin, hoặc giằng co tranh cướp lại hàng. Việc lập biên bản, xử phạt hành chính, tịch thu được tang vật lại là những tên “cai cửu” chứ không phải là tên trùm của lô hàng” – ông Nghĩa phân trần.

Một vấn đề khác liên quan đến chính sách vĩ mô còn vướng mắc mà theo ông Nghĩa và Trung tá Vũ Quốc Ân - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Thanh nếu không điều chỉnh thì khó mà xử phạt được hàng lậu. Cụ thể đó là khoản 2, điều 4 của Thông tư liên tịch 60 ngày 12/5/2011 liên Bộ: Tài Chính, Công thương và Công an hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

Nội dung của khoản 2 thể hiện: Sau khi lô hàng bị bắt giữ, trong 72 giờ đồng hồ nếu đối tượng xuất được hóa đơn của lô hàng thì đương nhiên lô hàng đó là hợp pháp. Về điều này, ông Nghĩa cho rằng 72 giờ là quá dài, quá đủ thời gian để cho đầu nậu lợi dụng hợp pháp hóa chứng từ hóa đơn.

Có ý kiến cho rằng, hàng chưa về đến bãi tập kết nhưng hóa đơn của lô hàng thì đã có tại bãi để chuẩn bị đối phó với cơ quan chức năng. Nghĩa là không chờ đến 72 giờ nữa.

Cũng theo ông Nghĩa, không chỉ có Thông tư 60 mà Thông tư 39 về thiết lập hóa đơn chứng từ cũng đang có những quy định chung chung, mập mờ, khó xử lý. Ông Nghĩa nêu dẫn chứng: Theo Thông tư 39 thì đơn vị tính hàng hóa không thể hiện rõ ràng. Quy định được tính bằng trọng lượng kg, theo ông Nghĩa là không khả thi, thiết thực. Chẳng hạn, cũng là một kiện hàng có trọng lượng 100kg. Nhưng 100kg của 1.000 chiếc đồng hồ đeo tay nó khác với 1.000 cái công tắc điện. Hay như, mặt hàng vải thì phải được tính bằng mét chứ sao lại tính bằng kg được?

Chính vì còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời nên việc kiểm soát và ngăn chặn hàng lậu qua biên giới tuồn vào nội địa vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Trong khi nhà nước thì thất thu, người tiêu dùng thì không biết đâu là sản phẩm tốt, đẹp.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất