| Hotline: 0983.970.780

Làng song sinh ở Trung Quốc

Thứ Năm 25/10/2012 , 10:06 (GMT+7)

Trong vòng 50 năm qua, làng Lạc Sơn, tỉnh Hồ Nam đã sản sinh ra 98 cặp song sinh - tỉ lệ cao nhất trước nay ở Trung Quốc.

Trong vòng 50 năm qua, ngôi làng này đã sản sinh ra 98 cặp song sinh - tỉ lệ cao nhất trước nay ở Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn chưa biết điều gì đã khiến ngôi làng trên núi này có nhiều cặp sinh đôi đến vậy.

>> Ngôi làng kỳ bí với tập tục ''huyền quan''
>> Chung sống cùng cá sấu
>> Ngôi làng trong tổ mối

Tỉ lệ song sinh trên thế giới chỉ vào khoảng 1% đến 2%, nhưng ở làng Lạc Sơn, tỉnh Hồ Nam thì tỉ lệ này lại tới mức 5%.

Không chỉ những cư dân sinh sống ở đây lâu năm mới có con sinh đôi, ngay cả 20 hộ dân mới chuyển đến cũng có 20 cặp sinh đôi. Điều kì lạ này khiến các nhà khoa học Trung Quốc một phen vất vả nghiên cứu.

Độ tuổi trung bình của những cặp song sinh ở đây là từ 5 - 30, cặp già nhất là 54 tuổi, còn nhiều cặp song sinh mới chỉ được vài tháng tuổi. Trong khi giới khoa học chưa tìm ra lời giải đáp thuyết phục, báo chí Trung Quốc gọi nơi này là Trung Quốc đệ nhất song sinh thôn.

Những huyền thoại kì bí

Lạc Sơn là ngôi làng rộng chưa tới 2 km2 nằm trên núi cao 1.700 m so với mực nước biển, ba mặt dựa vào núi. Điều lạ là nếu nhìn từ xa, dãy núi này có hai ngọn cao nhất nhô lên dường như cũng… song sinh. Những gia đình sống giữa hai ngọn núi này cũng có tỉ lệ sinh đôi cao nhất ở Lạc Sơn.

Người già trong thôn kể rằng, điều kì lạ này bắt nguồn từ một truyền thuyết cổ xưa. Năm ấy, Lạc Sơn gặp một trận hạn hán khủng khiếp, cây cỏ chết khô, gia súc chết hàng loạt, phơi xương trắng trên nền đất nứt nẻ.

Trong cảnh khắc nghiệt như thế, nhiều người trong làng cũng lần lượt gục xuống khi thức ăn, nước uống cạn kiệt.

Không còn cách nào khác, trưởng thôn dẫn những người còn sống gom chút sức tàn tới cầu mưa ở miếu Long Vương. Trong đoàn người lê lết tới miếu Long Vương hôm đó, có một phụ nữ mới sinh đôi. Lúc tranh thủ uống vài giọt nước còn sót lại trong giếng gần miếu, một giọt sữa của cô rơi xuống lòng giếng.

Bỗng nhiên, nước trong lòng giếng dâng lên cuồn cuộn, mau chóng biến thành một con sông nhỏ mang nước tới mọi nhà trong làng. Nước sông còn chảy ra đồng ruộng, nước tới đâu, cây cối đang khô héo cũng xanh lại tới đó.

Nhưng câu chuyện thần bí này bị cán bộ thôn - ông Vương Sinh gạt bỏ: “Có rất nhiều người không uống nước ở giếng trong miếu Long Vương cũng sinh đôi. Điều này chỉ là truyền thuyết, không có cơ sở”.

Nước nhiễm Asen sẽ sinh đôi?

Nhiều người nghi ngờ, do cấu tạo địa chất dẫn đến việc nước ở Lạc Sơn chứa nhiều Asen - điều được cho là gây ra hiện tượng sinh đôi cao bất thường ở đây.

Thoạt đầu, lý do này tỏ ra thuyết phục bởi trữ lượng mỏ Asen ở khu vực xung quanh Lạc Sơn là cao nhất Trung Quốc. Tại đây, người ta cũng xây dựng mỏ khai thác quặng Asen lớn nhất tỉnh Hồ Nam.

Thế nhưng, các chuyên gia y tế cho biết, chuyện sinh đôi và nước có chứa Asen không hề liên quan tới nhau. Theo khảo sát khoáng chất, lượng phốt-pho trong đất ở Lạc Sơn cũng rất cao. Khu vực này cũng được biết tới là chứa khá nhiều quặng kim loại.

Một chuyên gia y tế tỉnh Hồ Nam từng nói rằng, việc sống ở vùng đất có nhiều khoáng chất kim loại có thể có tác động tới cơ chế sinh sản của con người. Tuy nhiên, điều này không được giới khoa học quốc tế công nhận. Cho tới nay, các công trình nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc cũng chưa chứng minh được cơ chế liên quan giữa khoáng chất và sinh sản ở con người.

Nước, rau, và những loại lương thực ở Lạc Sơn cũng được đem đi kiểm nghiệm nhằm tìm lời giải đáp cho hiện tượng bí ẩn nơi đây. Nhiều nhà khoa học nông nghiệp thậm chí còn được cử về khảo sát và sống cùng người dân để xem họ có cho "thần dược" gì vào thức ăn hay không.

Nhưng năm này qua năm khác, các nhà khoa học không phát hiện được điều gì bất thường, trong khi những cặp song sinh cứ nối tiếp nhau ra đời.

Tiến sĩ di truyền học Lưu Bân của tỉnh Hồ Nam cho biết: “Đúng là có một số loại thuốc Đông y và Tây y có thể làm tăng khả năng rụng trứng, thụ thai. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của nó rất phức tạp và chưa ai chứng minh được những loại thuốc đó sẽ khiến tỉ lệ song sinh tăng lên tới mức như ở Lạc Sơn”.

Hơn nữa, theo ông Lưu, thuốc này khi uống vào phải có sự kiểm tra chặt chẽ của bác sĩ và các phương tiện y học hiện đại bởi nó gây nhiều tác dụng phụ như: phụ nữ kinh nguyệt không đều, ung thư buồng trứng v.v.

Nước giếng miếu Long Vương, nơi được không ít người già cho là nguyên nhân cũng được các nhà khoa học kiểm tra kỹ. Kết quả là nước giếng ở đây bị nhiễm phốt-pho nặng, uống nhiều chỉ gây hại với con người.

Khoa học chưa lời giải

Tại Trung Quốc, còn có một ngôi làng nổi tiếng có nhiều cặp sinh đôi tại làng Mặc Giang, tỉnh Vân Nam. Người ta cũng nói rằng nước giếng ở đây có tác dụng thần kỳ khiến vợ chồng uống vào sẽ có con sinh đôi. Tuy thế, cũng giống như ở Lạc Sơn, các nhà khoa học chưa thể tìm ra cơ chế sinh đôi tại đây.

Theo Chinanews, có một số cặp vợ chồng bắt đầu tìm cách đến Lạc Sơn hoặc Mặc Giang ở với hy vọng sinh đôi do luật pháp nước này quy định mỗi gia đình chỉ có một con.

Trong khi đó, tờ Chinadaily đưa tin Bộ Y tế Trung Quốc đang đau đầu trước hiện tượng bất thường là nhiều phụ nữ đã tìm cách sinh đôi, sinh ba hay nhiều hơn theo mong muốn để “lách luật”.

Bệnh viện nhi lớn phía đông thành phố Nam Kinh đã thống kê có 90 cặp song sinh hoặc sinh ba trong năm vừa qua, tăng trung bình 20 cặp so với những năm trước.

Khảo sát của Chinadaily cho rằng những phụ nữ thuốc tầng lớp giàu có ở thành phố hoặc những người có quan niệm phong kiến, bảo thủ ở nông thôn còn mong muốn được sinh đôi, sinh ba.

Để giúp họ sinh theo ý muốn, trên “chợ đen” ở Trung Quốc có bán những viên thuốc nhập khẩu tại các hiệu thuốc hoặc bệnh viện tư nhân.

Bộ Y tế nước này đã ban lệnh cấm bán loại thuốc này để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ nhưng vẫn có những người tin vào công hiệu của loại thuốc chưa rõ nguồn gốc. (Hết)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm