| Hotline: 0983.970.780

Lặng thầm canh "sóng" trên núi

Thứ Năm 16/08/2012 , 10:17 (GMT+7)

Vào những ngày đẹp trời, nhìn lên đỉnh núi Bà Đen, thấy thấp thoáng ngọn tháp ăng ten của Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh lẩn khuất trong mây.

Vào những ngày đẹp trời, nhìn lên đỉnh núi Bà Đen, thấy thấp thoáng ngọn tháp ăng ten của Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh lẩn khuất trong mây. Ít ai biết, để hàng ngàn gia đình có thể quây quần trước màn hình tivi mỗi tối, những kỹ thuật viên (KTV) đã phải ngày đêm làm nhiệm vụ ở nơi bốn mùa gió hú, không một bóng người này.


Tháp ăng - ten trên đỉnh núi Bà, nhìn từ xa

CHINH PHỤC ĐỈNH NÚI

Mất mấy lần “canh me”, tôi mới được anh Trần Thành Vũ, một KTV trực trạm phát sóng trên đỉnh núi Bà cho đi theo lên trạm. “Trạm phát sóng là khu vực cấm, không cho ai đến gần ngoài lực lượng làm nhiệm vụ. Cho nên, các bạn lên không được chụp hình, quay phim. Nếu không tôi sẽ bị kỷ luật đấy”, anh Vũ nhắc nhở như vậy trước khi dẫn tôi đi theo con đường nhỏ bên hông núi.

Đây gần như là con đường dành riêng cho các anh KTV trên trạm lên xuống. Con đường nhỏ khúc khuỷu, len lỏi giữa những khoảng rừng. Để tránh lạc đường, các anh công an gác mục tiêu trên đỉnh núi đã vẽ những mũi tên chỉ đường trên các phiến đá. Chúng tôi cứ theo dấu mũi tên ấy mà đi.

Nhìn từ xa, ngọn núi Bà xanh thẫm một màu, lên núi, thiên nhiên mở ra nhiều cảnh đẹp say đắm lòng người. Lên được lưng chừng núi, chúng tôi gặp một khoảng rừng ngợp ngời màu đỏ của hoa vông núi. Lên cao một chút nữa, lại gặp những đường trúc quanh co, lao xao đẹp như tranh vẽ. Từ trên cao nhìn xuống, thấy đồng bằng dưới chân núi như phủ một lớp sương mờ, chạy dài tít tắp đến tận chân trời.

Lên đến một cái dốc cao, dựng đứng, anh Vũ giới thiệu: “Dốc này có tên là Trời Ơi”. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, anh giải thích: “Có lẽ vì dốc quá cao, leo đến đây ai cũng phải kêu trời nên không biết từ bao giờ, dốc đã có tên như vậy”. Đến lúc này, tôi mới thấy chiếc ba lô sau lưng mình hôm nay sao nặng quá, cứ “đè” tôi xuống sát đất. Còn đôi chân, cảm giác như không phải của mình.


Đường lên đỉnh núi vô cùng gian nan

Anh bạn đồng nghiệp đi cùng là người địa phương, lúc đầu leo rất hăng, thường xuyên dẫn đầu. Nhưng đến dốc Trời Ơi, anh cũng chẳng hơn gì tôi, bước được vài bước lại…ôm cột điện thở dốc. “Mấy hôm nay trời nắng, khô ráo nên tôi mới để các anh đi, chứ nếu mưa thì các anh đi không nổi đâu. Trời mưa, đường dốc lại trơn, nguy hiểm lắm”, anh Vũ nói.

Núi Bà Đen cao 986 mét so với mực nước biển, nhưng để lên đến đỉnh, phải leo, trèo và lắm khi phải bò trên con đường dài gấp 3 lần chiều cao của núi. Trên con đường dốc ngoằn ngoèo ấy, có tổng cộng 117 cây cột điện, nhìn vào số cột, có thể biết chiều dài đoạn đường mình đã đi. Vừa leo dốc núi, mọi người vừa đếm “…cột tám mươi, tám mốt… tám hai…”. Đến cột điện thứ 86, tôi ngước nhìn lên và thở phào, như vừa trút được chiếc ba lô sau lưng mình xuống khi thấy bóng cây cột ăng ten của trạm phát sóng thấp thoáng hiện ra. Đỉnh tháp ăng ten nhọn hoắt như muốn chọc thủng màu xanh ngắt của bầu trời.

Đến trưa, chúng tôi mới “bò” lên tới đỉnh. Do đã được báo trước nên chúng tôi được hai anh KTV trực trạm là Trần Quang Điện và Trần Long Biển đợi sẵn. Mọi người đều thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại. Do đã được “quán triệt” từ trước là nước ở trên núi rất quí nên chúng tôi chỉ đến vòi nước nhúng tay cho ướt rồi vuốt mặt qua loa.

Nhìn khuôn mặt lem luốc của tôi, anh Điện cười, tuyên bố: “Giờ cũng có mưa rồi, không phải tiết kiệm như mùa khô nữa”. Nói rồi anh hứng đầy 1 ca nhúng chiếc khăn đưa cho tôi. “Trên núi không có nguồn nước nào ngoài nước mưa, nên trạm phải tiết kiệm tối đa để dùng trong cả năm. Vào mùa khô, nước chảy ra từ máy lạnh chúng tôi cũng hứng lại để dùng”, anh Điện nói tiếp.

NƠI ĐẠI NGÀN GIÓ HÚ

Bước vào phòng khách, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy bữa trưa đã được dọn sẵn. Trên mâm cơm, ngoài món thịt heo mới chuyển từ “trần gian” lên và món su su do các anh trồng, còn lại đều là “đặc sản” từ rừng: cà rừng kho, rau tàu bay luộc, canh chua nấu lõi chuối rừng, măng rừng… Quả thật, trình độ nội trợ của các anh khiến ai cũng phải xuýt xoa khen ngon.


Các anh KTV trên trạm đều là những tay nội trợ rất giỏi

Giữa trưa, không khí trên đỉnh núi khá mát mẻ dù trời đang nắng gắt. Anh Biển cho biết, ban đêm rất lạnh. Buổi sáng, sương trên đỉnh núi phủ dày, tầm nhìn chỉ chừng vài mét. Vào mùa mưa, thời tiết khá lạnh, sáng ra thấy mây vương vấn quyện ngay dưới chân mình. Mùa mưa cũng là khoảng thời gian các anh gặp nhiều khó khăn nhất. Đường lên núi khó đi và trơn trợt, những đôi chân đã quen leo núi cũng phải mất cả buổi mới tới được trạm.

Nhưng nỗi vất vả ấy chưa thấm vào đâu so với nỗi lo thời tiết xấu, các thiết bị trên núi dễ bị sét đánh. Dù hệ thống chống sét, lọc sét của trạm rất hiện đại, nhưng thỉnh thoảng các bình điện vẫn bị sét đánh hỏng, việc khắc phục thiệt hại mất rất nhiều công sức. Nếu là người chưa có kinh nghiệm, ắt hẳn sẽ “đứng tim” khi đứng trong nhà mà chứng kiến những lưỡi sét “quét” ngay dưới chân mình. Rồi những đêm gió thổi mạnh, dội vào khe núi tạo ra những âm thanh nghe rùng rợn… Anh Biển đùa: “Luyện thành kungfu trên đỉnh, xuống núi không biết sợ là gì nữa”.

Trên đỉnh núi, “khách” hay viếng thăm các anh nhất là lũ khỉ. Anh Điện kể: “Tụi nó sống loanh quanh gần trạm, lâu ngày thành quen. Riết rồi chúng không sợ người mà chúng tôi còn phải cảnh giác, canh chừng tụi nó vào phá phách nữa”. Nhiều hôm nấu ăn xong, anh vào buồng máy kiểm tra máy móc. Lúc quay ra nhà bếp thì thấy cả lũ khỉ đang chí chóe vần nồi cơm ra ăn vụng. Anh đuổi, chúng ôm cả nồi bỏ chạy, vừa chạy vừa quay lại “khẹc khẹc” như trêu ngươi.


Những chú khỉ quanh trạm sẵn sàng “cướp” đồ ăn trên tay người

Chia tay các anh kỹ thuật viên và ngọn tháp cao chọc trời, chúng tôi “lết” xuống đến chân núi thì cũng là lúc đôi chân tôi tê cứng. Ngoái đầu nhìn lên đỉnh núi, bóng tối đã trùm lên tất cả, chỉ còn ngọn đèn trên đỉnh tháp nhấp nháy như một ngôi sao giữa trời đêm.

Từ đó, mỗi khi đi ra ngoài là phải khóa cửa bếp cẩn thận, không để chúng vào ăn vụng, phá phách. Nhưng chúng quan sát và bắt chước rất giỏi, có hôm vào bếp, anh Điện vẫn “hú hồn” khi thấy một chú khỉ đang…lục cục cạy cửa.

Anh Điện cho biết, mỗi chuyến đi lên trạm, các anh phải “cõng” theo gạo, thức ăn, đồ dùng đủ trong một tuần mới giao ca xuống núi. Các KTV trực trạm khi mới vào nghề, lên núi là một thử thách rất lớn vì chân sẽ tê cứng, cả tuần chưa chắc đi lại được. Rồi phải tự nấu ăn, phải thích nghi với một khí hậu khác hẳn không khí khô, nóng như rang ở dưới mặt đất. Nhưng khi đã thích nghi với môi trường mới này, sức khỏe tăng lên rất nhiều.

Nhờ có trạm phát sóng đặt trên đỉnh núi cao mà sóng của Đài PTTH Tây Ninh khá mạnh, phủ sóng trên địa bàn rộng. Không chỉ các xã vùng biên giới xa nhất của tỉnh dễ dàng bắt sóng của Đài, mà các tỉnh lân cận cũng có thể xem được đài Tây Ninh rất rõ. Mỗi khi ngọn đèn trên cột ăng-ten sáng lên, cũng là lúc các anh nhìn xuống phía thị xã lung linh ánh đèn và…nhớ nhà.

Anh Đặng Long Biển tâm sự: “Chúng tôi thay phiên nhau lên đây làm việc, mỗi chuyến chỉ dài 1 tuần thôi đã thấy nhớ nhà. Thế mới biết, sự hy sinh của những người lính nơi đảo xa lớn đến mức nào”.

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL đạt hơn 10,8 triệu tấn

Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, tổng sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL ước đạt hơn 10,8 triệu tấn, năng suất đạt trên 7,24 tấn/ha.

Robot diệt cỏ, giảm ốc bươu vàng, giảm khí metan nhưng không giảm năng suất lúa

Aigamorobo được Công ty New Green của Nhật Bản giới thiệu có khả năng diệt cỏ, đẩy lùi ốc bươu vàng không cần thuốc hóa học, không sử dụng pin, thân thiện với môi trường.

Đồ Sơn sắp có du lịch sinh thái rừng ngập mặn đậm chất 'miền Tây'

HẢI PHÒNG Ngày 12/4, UBND quận Đồ Sơn tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về những nét mới của liên hoan du lịch năm 2024.