| Hotline: 0983.970.780

Lang thang thợ mía

Thứ Năm 16/02/2012 , 14:30 (GMT+7)

Mỗi vụ thu hoạch mía ở Nam Bộ kéo dài 7-8 tháng. Đó là quãng thời gian mà những người chuyên làm nghề thu hoạch mía liên tục lang bạt...

Mỗi vụ thu hoạch mía ở Nam Bộ kéo dài 7-8 tháng. Đó là quãng thời gian mà những người chuyên làm nghề thu hoạch mía lang bạt qua hết cánh đồng này sang cánh đồng khác. Mọi chuyện ăn ngủ, sinh hoạt, làm lụng đều diễn ra ngay trên ruộng mía…

1. Mới 9 giờ sáng mà trên cánh đồng mía ở ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An, nắng đã gay gắt. Trên nhiều ruộng mía, khói đang bốc lên nghi ngút bởi chủ ruộng vừa cho phóng hỏa nhằm đốt bớt lá mía già để giúp cho việc thu hoạch được dễ dàng hơn. Ở những ruộng mía mà khói đã tắt và mía đang được thu hoạch, nhìn thấy rõ nền đất đen kịt bởi tro than và những thân mía cũng xạm đen vì lửa. Tất cả hòa cùng cái nắng gắt từ trên trời cao dội xuống, càng làm cho cánh đồng mía thêm phần nóng nực, oi bức hơn.

Thế nhưng, bất chấp cái nóng, cái bức ấy, những người thợ mía vẫn cần mẫn làm việc. Tôi bước xuống ruộng mía, đến bên một đống mía sát bên bờ ruộng. Vừa lúc ấy, một thanh niên vâm váp, mặt mày đen nhẻm, vác một bó mía lớn đến đặt phịch xuống bên đống mía ấy. Tôi lẹ tay đỡ bó mía rồi thử nhấc lên. Bó mía khá nặng, dễ đến năm sáu chục ký. Chàng trai nhìn tôi, nhoẻn một nụ cười. “Mỗi ngày em vác được bao nhiêu mía?”, tôi hỏi. “Khoảng trên 1 tấn thôi. Mỗi bó mía này nặng tới năm bảy chục ký đấy”.

Người thanh niên ấy là Nguyễn Văn Một, người xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, Long An. Nhà nghèo, chẳng có ruộng rẫy gì nên từ khi bước vào tuổi vị thành niên, Một đã lăn lộn, bươn chải đi làm thuê làm mướn ở nhiều nơi, với nhiều công việc khác nhau. Trước khi đi làm thợ vác mía, Một làm thợ hồ. “Làm thợ hồ, cơm nuôi, mỗi ngày lãnh 90 ngàn. Kể ra thì cũng không đến nỗi nào, nhưng vẫn chưa ăn thua. Vì thế, đến mùa mía, khi có người quen rủ đi vác mía, em gật đầu liền”, Một kể.

So với thợ hồ, làm thợ vác mía cực hơn nhiều. Mỗi ngày vác hơn 1 tấn mía, Một bỏ túi trên 200 ngàn đồng. Mỗi vụ mía kéo dài chừng 7-8 tháng. Gần như ngày nào cũng đi vác mía, hết ruộng này qua ruộng khác, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, tính ra mỗi vụ mía, gã trai này có khoản thu nhập trên dưới 50 triệu đồng. “Hết vụ mía thì làm gì?”, tôi hỏi. Một cười: “Thì lại đi làm hồ để chờ vụ mía tới. Dân làm thuê chuyên nghiệp mà anh. Ở đâu chẳng kiếm ra việc để làm”.

2. Làm mía tuy cực nhưng lại có thu nhập khá hơn so với nhiều công việc lao động chân tay khác, nên cứ vào mỗi vụ mía, có không ít gia đình ở ĐBSCL, cả vợ chồng cùng rủ nhau đi làm mía. Điểm chung của những gia đình này là không có ruộng đất để sản xuất, nên kế sinh nhai chủ yếu là làm thuê làm mướn.

 Bởi vậy, chiếm phần lớn trong số thợ làm mía hiện nay là dân Bến Tre, Trà Vinh, là những nơi đang có nhiều hộ nông dân thiếu ruộng đất. Và cũng chính họ là những người làm mía có tay nghề, có năng suất luôn vào hàng cao nhất khi so với dân làm mía đến từ các tỉnh khác.

Ngay trên ruộng mía mà Một đang làm việc, có một cặp vợ chồng trẻ đến từ Trà Vinh, luôn nhận được sự thán phục của cánh thợ cùng làm. Một bảo: “Hai vợ chồng ấy làm bằng 4 người khác đấy. Mỗi ngày tới 4 tấn chứ không ít”.

Tôi lân la đến hỏi chuyện cặp vợ chồng Trà Vinh ấy. Cả hai đều là người Khmer, chị vợ là Thạch Thị Hiền, còn anh chồng là Thạch Sơn. Chị Hiền bảo hai vợ chồng người ấp Ba Da, xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú. Không ruộng rẫy, quanh năm suốt tháng, vợ chồng Hiền gửi đứa con trai 6 tuổi nhờ ông bà nội nuôi dùm, cùng nhau đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Nhưng công việc mà họ gắn bó nhất từ nhiều năm nay vẫn là làm mía.

Vợ chồng Hiền đã đi làm mía gần như khắp các tỉnh ĐBSCL, từ những cánh đồng mía ở quê nhà Trà Vinh, rồi xuống Sóc Trăng, Hậu Giang, và vụ mía này thì rủ nhau lên tận Long An, cách nhà tới trên 200 cây số. “Nhớ con lắm, nhiều đêm nhớ không ngủ được, nhưng phải nén lòng lại vì mỗi lần về quê là phải bỏ mất mấy ngày công, tốn tiền xe cộ. Cứ vài tháng mới dám về thăm con một lần. Về hôm trước, hôm sau lại tất tả đi liền, vì mỗi ngày nghỉ, mất đứt mấy trăm ngàn”, Hiền tâm sự. 

“Ban ngày đi làm, tối hai vợ chồng nghỉ ở đâu? Thuê nhà trọ à?”, tôi thắc mắc. Hiền chỉ về một góc ruộng sát bờ đê, nơi có mấy cái lều bằng vải vàng, vải đỏ…, được căng lên khá lộn xộn, cái ngược, cái xuôi: "Dân làm mía nay đây mai đó, thuê nhà trọ làm gì, hả anh. Tụi em dựng lều ở nghỉ ngay trên ruộng mía thôi".

Tôi đi tới chỗ mấy cái lều đó. Lều nào cũng thấp nhỏ. Dưới từng mái lều là những cái võng nhỏ hoặc trải những tấm bạt để lấy chỗ nằm. Đồ đạc khác chỉ có vài cái nồi niêu, chén bát cùng ít quần áo. “Cả ngày làm quần quật, tối về lều ai cũng mệt, cơm nước xong là lăn ra ngủ luôn nên đồ đạc chỉ đơn giản vậy thôi”, một người đàn ông tuổi chừng ngoại 50, dáng người thấp đậm, đang ngồi nghỉ trên một chiếc võng, mau mắn giải thích với tôi như vậy. Đó là ông Bé Ba, người ấp Thuận, xã Vĩnh Điềm, huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Ông Bé Ba cùng vợ và một cậu con trai tham gia vào đội quân làm mía đã vài năm nay. Ngày ngày, mẹ đốn mía rồi bó thành từng bó, cha và con chia nhau vác mía lên bờ. Mỗi ngày như thế, cả nhà kiếm được chừng 500 ngàn đồng. “Hơn làm tràm, chú à”, ông Bé Ba khoe rồi nói tiếp: “Trước đây cả nhà tôi đi làm tràm, ăn công nhật, nên không được nhiều. Từ khi đi làm mía, ăn theo sản phẩm, thành ra thu nhập cao hơn hẳn. Nhưng làm mía phải chấp nhận chịu cực hơn. May mà cả 3 người nhà tôi, ai cũng chịu đựng được”.

Từ cái lều bên cạnh, bỗng thò ra một gương mặt trẻ thơ, rụt rè nhìn tôi. Ông Bé Ba bảo: “Con gái của một cặp vợ chồng người Đồng Tháp đấy. Tội nghiệp, con còn nhỏ, chưa đến tuổi đi học tiểu học, lại chẳng gửi được ai, nên 2 vợ chồng phải mang theo hết vùng mía này sang vùng mía khác. Khi cha mẹ làm mía thì con tự lê la chơi quanh quẩn ở khu lều hay bên bờ ruộng. Ở đây có mấy đứa trẻ như thế”.

Kể cho tôi nghe về những chuyện vợ chồng thời vụ như thế, ông Bé Ba chép miệng: “Mấy năm tôi đi làm mía, cũng mới chỉ gặp vài ba cặp vậy thôi. Có cặp thỉnh thoảng tôi còn gặp trên cánh đồng nào đó, có cặp thì chẳng gặp nữa. Chẳng biết rồi cuộc đời họ, gia đình họ ra sao?”.

Tôi băn khoăn: “Trẻ tự chơi bên bờ ruộng, có sao không chú?”. “Nếu cha mẹ vừa làm, vừa để mắt đến con cái thì chắc cũng không sao. Được cái ở đây các chủ ruộng thường dùng lửa để đốt bớt lá mía trước khi thu hoạch nên cũng khiến cho chuột bọ, rắn rết phải bỏ đi, thành ra tụi nhỏ cũng có phần an toàn. Nhưng với người lớn, tối về ngủ trong những cái lều đơn sơ như thế này, cũng có chỗ phức tạp …”

3. Chuyện phức tạp mà ông Bé Ba nói là chuyện vợ chồng… thời vụ. Một số người do hoàn cảnh gia đình nên không thể cùng chồng hay cùng vợ đi làm mía. Ban ngày họ tạm ghép với nhau, nữ đốn mía, nam vác mía. Tối về mỗi người một lều. Hôm nào làm mệt quá, thì khi đã lên võng, là họ lăn ra ngủ liền. Nhưng cũng có những đêm, người này kẻ kia cùng thao thức, thèm hơi đàn ông, đàn bà khi mà người đàn ông, đàn bà của họ đang ở nơi xa. Thế rồi, đã có những cặp không chịu nổi sự đơn chiếc, lần tìm đến nhau, làm thành cặp vợ chồng… thời vụ.

Cứ mỗi vụ mía, họ lại hẹn nhau cùng đến làm ở một cánh đồng nào đó, và chung lều với nhau suốt cả vụ. Cũng ăn ngủ, cũng… ghen tuông như những cặp vợ chồng thứ thiệt. Khi hết mùa thu hoạch mía, họ lại chia tay nhau, ai trở về nhà nấy.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm