| Hotline: 0983.970.780

Làng vắng... thanh niên

Thứ Sáu 10/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Đang mùa thu hoạch vụ đông xuân, trong khi hầu hết những làng quê khác đang rộn rã thì ở làng Vĩnh Đức, xã Ân Tín (Hoài Ân, Bình Định) vắng lặng lạ thường. 

Trên những con đường làng, thi thoảng mới có bóng người, mà toàn là người già và trẻ con, không một bóng thanh niên…

Tha phương cầu thực

Anh Huỳnh Hữu Trường, Phó Bí thư Chi bộ làng Vĩnh Đức, giải thích: “Thanh niên trong làng đi hết vào Nam làm ăn rồi, hầu hết đi bán vé số, ở làng bây giờ chỉ còn người già và con nít.

Người già không còn sức làm ruộng nên ruộng nương trong nhà cho người làng bên thuê làm hết, mỗi mùa đóng cho chủ ruộng 50 kg/sào. Do đó, dù đang mùa thu hoạch mà làng Vĩnh Đức lặng lờ như thế này”.

Vĩnh Đức là làng đông dân nhất xã Ân Tín, có gần 600 hộ mà giờ nhìn đâu cũng thấy những ngôi nhà cổng đóng then cài.

Hỏi ra thì biết, làm ruộng khó kiếm ăn quá, cách đây hơn chục năm, trong làng có vài ba người vào miền Nam hành nghề bán vé số. Không ngờ cái nghề chẳng ra nghề này lại cho thu nhập khá, lôi kéo thanh niên trong làng lũ lượt vào Nam.

“Phong trào vào Nam bán vé số mạnh lên từ năm 2002 đến nay, hầu như gia đình nào cũng có người đi. Hộ đi nhiều nhất là 4 người, hộ ít cũng 2 người. Những cặp vợ chồng trẻ gửi con lại cho ông bà nội, ngoại trông coi, dắt díu nhau đi tất”, anh Trường cho hay.

Cả làng Vĩnh Đức hiện có đến hàng trăm trường hợp người già chăm con trẻ để cha mẹ chúng tha hương mưu sinh.

Ví như vợ chồng anh Trương Quang Đức ở xóm 5, có 2 đứa con, đứa lớn học lớp 4, đứa nhỏ mới vào mẫu giáo lớn nhưng gửi hết ở nhà cho ông bà ngoại ở xóm 1 chăm nom để 2 vợ chồng vào Nam bán vé số.

Có khi đến tết vợ chồng anh Đức cũng không về, vì ngày tết bán vé số rất đắt, chỉ mười mấy ngày mà kiếm đến cả chục triệu nên bám trụ, sang tháng Giêng mới về thắp hương cho ông bà. Nhưng chỉ về thoáng cái là đi, bởi không bán vé số 1 ngày là mất khoản thu nhập lớn.

Chẳng nói đâu xa, như gia đình anh Huỳnh Hữu Trường, nhà có 4 anh em thì giờ vì tham gia công tác địa phương nên chỉ có anh Trường ở nhà, còn lại đều đi Nam. Thậm chí có những cặp vợ chồng đã 40-50 tuổi mà vẫn kéo nhau vào Sài Gòn bán vé số.

“Ở xóm 5 có đến 8 cặp như vậy. Ví như vợ chồng ông Phạm Văn Minh, dù nay đã gần 60 tuổi nhưng mỗi năm cặp vợ chồng già này chỉ về nhà 1 lần, tích góp được đến cả trăm triệu. Thấy người già làm được vậy nên thanh niên kéo nhau đi đến rỗng làng”, anh Trường cho biết thêm.

“Bán vé số kiếm tiền được nhiều hơn làm ruộng. Công làm ruộng ở quê cật lực mới kiếm được 100.000 đồng/ngày, trong khi đó, thu nhập từ bán vé số cao gấp ba, gấp bốn lần. Nhờ bán vé số mà dân quê ở đây xây nhà, mua xe, có tiền lo cho con ăn học. Như tui, bán vé số mấy năm mới có tiền lo cho 2 đứa con học đại học ở Sài Gòn”, ông Võ Văn Đoàn (40 tuổi), một người có thâm niên 7 năm bán vé số ở Sài Gòn, nói.

Diện mạo của vùng quê Vĩnh Đức được sáng sủa như hôm nay phần lớn nhờ những khoản thu nhập từ miền Nam mang về xây dựng nhà cửa. Ở miền Trung, ít có ngôi làng nào có nhà cửa bề thế, khang trang đều tăm tắp như ở Vĩnh Đức. Khi có của ăn của để, các bậc cha mẹ quan tâm đến chuyện học hành của con cái được nhiều hơn.

Phó Bí thư làng Vĩnh Đức khoe: “Như ở xóm 5 có 60 hộ dân, xóm có nhiều người đi Nam bán vé số nhất hiện có 10 cháu đang học đại học, hơn 10 cháu đang học cao đẳng và 20 cháu học trung cấp.

Phong trào học hành ở địa phương mạnh lên từ năm 2009 đến nay, chung quy cũng nhờ nhà ai cũng làm ăn nên ngoài xây dựng nhà cửa khang trang, họ còn có điều kiện đầu tư cho con cái đi học.

Ngoài ra, dù ít về quê nhưng mỗi khi về là gia đình nào cũng đóng góp cho địa phương. Cách đây hơn 10 năm, làng Vĩnh Đức nghèo bao nhiêu thì giờ diện mạo nông thôn đã thay đổi hẳn. Dân làng còn góp tiền xây dựng hệ thống điện đường bài bản”.

Những được mất

Làng mạc khang trang thật đấy nhưng vắng vẻ quá nên trông Vĩnh Đức rất hiu hắt. Anh Huỳnh Hữu Trường chia sẻ: “Nhờ những đồng tiền kiếm được từ phương xa mà cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể, những đứa trẻ không còn chịu cảnh đói ăn, thiếu mặc. Nhưng bên cạnh đó chúng thường trực nỗi buồn thiếu thốn tình cha, tình mẹ. Người già thì chịu cảnh sống đơn độc không người chăm sóc”.

“Quê nghèo, con cái dắt nhau vào Nam làm ăn hết, nhà cửa càng to rộng thì thân già này càng thấy quạnh vắng, lỡ bề đau yếu không biết chúng nó có về kịp hay không”, bà Nguyễn Thị Mười (79 tuổi), ở đội 4, thôn Vĩnh Đức than thở.

"Trước đây, mỗi khi trong làng có người qua đời là gia đình rất lo lắng, vì không còn thanh niên để đưa tang, chỉ toàn mấy ông già nai lưng khiêng quan. Bây giờ có dịch vụ mai táng lo từ đầu đến cuối nên nỗi lo nói trên mới được giải tỏa", anh Huỳnh Hữu Trường trần tình.

Đó là bà Mười chưa bị bệnh tật gì nghiêm trọng, chứ như bà Phạm Thị Nguyệt (65 tuổi) ở đội 2, có 4 đứa con đổ hết vào Sài Gòn bán vé số, bỗng dưng bà lâm bệnh nặng khi chẳng có đứa con nào bên cạnh, lũ cháu nhỏ quá chẳng giúp được gì, may nhờ bà con họ hàng trợ giúp nên vượt qua nguy cấp. Hoảng quá, đứa con trai lớn đành từ giã Sài Gòn về hẳn quê làm nông để chăm mẹ, chăm con.

“Mấy năm trước, vợ chồng mấy đứa con trai đều vào Nam kiếm sống. Đứa làm công nhân, đứa bán vé số dạo, 5 đứa cháu cả nội, cả ngoại để hết ở nhà cho tui trông nom. Hai năm nay tui bệnh nặng quá nên con trai lớn là Nguyễn Hữu Luân để vợ lại Sài Gòn tiếp tục nghề bán vé số, còn nó về nhà làm rẫy để gần gũi gia đình phòng bất trắc”.

Càng đi sâu vào hoàn cảnh từng gia đình của người dân làng Vĩnh Đức, chúng tôi còn được biết thêm nhiều bi cảnh khác. Như trường hợp gia đình ông Lê Văn Chở (70 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Chín (65 tuổi) ở xóm 1. Hai vợ chồng ông Chở dù tuổi già sức yếu nhưng hiện vẫn đang phải cưu mang 2 đứa cháu nội, trong đó có 1 đứa bị bệnh tâm thần.

11-07-21_3
Ngoài chăm đứa cháu lớn bị bệnh động kinh, bà Chín còn phải chăm đứa cháu nhỏ học lớp 1

Bà Chín kể: Theo bạn theo bè, con trai lớn của tui là Lê Văn Thiệt vào Sài Gòn bán vé số. Thấy làm ăn được, khi vợ Thiệt vừa sinh đứa con đầu lòng mới 3 tháng tuổi, cô ấy cũng theo chồng vào Nam bán vé số, để cháu ở nhà cho bà Chín chăm, mỗi năm chỉ về thăm nhà 1 lần vào dịp tết. Sau đó vợ chồng Thiệt sinh thêm đứa con thứ 2, cũng mang về nhà cho ông bà nội chăm. Năm đứa con đầu của Thiệt lên lớp 5, bỗng dưng cháu bị bệnh động kinh phải bỏ học.

“Bây giờ vợ chồng già tui dù có việc cũng không thể bỏ cháu ở nhà 1 mình, lỡ cơn động kinh lên bất thường không có người lớn bên cạnh nguy hiểm lắm”, bà Chín nói.

Đã vậy, đứa con thứ 2 của anh Thiệt giờ đã học lớp 1, thêm cho vợ chồng già một mối bận tâm. Đáng buồn hơn, trong thời gian ở Gài Gòn bán vé số, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, vợ anh Thiệt đã đem lòng yêu người khác.

“Lúc con dâu tui dan díu với người đàn ông kia, người trong làng cũng bán vé số ở Sài Gòn biết, mách với vợ chồng tui, tui có nói lại với con trai nhưng nó cứ im im, không nói gì.

Cách đây 1 năm, vợ thằng Thiệt bỏ hẳn chồng và 2 đứa con để đi với người đàn ông kia. Mất vợ, con trai tui chán nản lắm nhưng nó vẫn phải bám việc để kiếm tiền gửi về nuôi con. Từ một thanh niên trai tráng, giờ nó gầy rộc gầy rạc như ông già”, bà Chín bộc bạch.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất