| Hotline: 0983.970.780

Làng vặt lá tìm... cơm

Thứ Sáu 14/01/2011 , 09:51 (GMT+7)

Ở đây rừng hào phóng lắm, bao đời người dân Dạ Lê (xã Thủy Phương, Hương Thủy, TT- Huế) nhờ lá thuốc mà có cơm ăn áo mặc...

Những ngày “nhớ” nắng, về làng Dạ Lê (xã Thủy Phương, Hương Thủy, TT- Huế) nhấp ngụm nước lá rừng nóng hổi đậm đà hương vị thôn quê, chợt nghe đầu lưỡi vị thanh ngọt hào phóng của núi rừng pha lẫn những nhọc nhằn mặn chát mồ hôi của người dân làng vặt lá tìm… cơm.

Băng rừng hái lá

Dạ Lê trong cái tiết trời se lạnh cuối năm, từ trong những căn nhà, khoảng sân nhỏ nhoi được người dân tận dụng chất đầy lá rừng đã đóng sẵn trong bao; các con đường thôn cũng dậy hương mùi thuốc quý. Cánh tay thoăn thoắt, hốt nắm lá thuốc giữa sân nhà, mệ Dương Thị Hội (80 tuổi), nhìn ra dãy đồi trước mặt nhà phấn khởi: “Năm hết tết đến rồi, mấy đứa con tui đang tranh thủ mấy ngày ni lên rừng kiếm lá thuốc về phơi khô, đóng bao mang ra chợ bán. Hôm rồi có thương lái lên tận nhà hỏi mua mấy tạ mà chưa hái về kịp nên đành hẹn họ tuần sau. Ở đây rừng hào phóng lắm, bao đời người dân Dạ Lê nhờ lá thuốc mà có cơm ăn áo mặc”. 

Với người dân Dạ Lê, lá thuốc quý là đặc ân của núi rừng hào phóng, đã cho người dân nghèo cơm áo no đủ

Một ngày với những người bứt lá rừng được bắt đầu từ 4-5 giờ sáng. Cứ 3 đến 4 người dân trong làng họp nhau, vai mang rựa, liềm, bao tải, đòn gánh đi xe máy đến bìa rừng, cất xe rồi cùng nhau đi “săn” lá. Hôm nào hái được nhiều, trở ra phải thuê xe tải nhỏ lên tới bìa rừng mới chở về hết được. Cơm đùm gạo bới vì phải đi nhiều ngày, ăn ngủ với cây rừng mới trở về.

Nghề làm lá thuốc cũng lắm gian nan nguy hiểm, đòi hỏi người “thợ” phải có sức khỏe bền bỉ, băng đèo lội suối cả tuần liền. Cũng có người phải bỏ nghề vì đi rừng vấp phải rắn rết, bom đạn, bẫy thú rừng… Ông Nguyễn Đình Ưu (50 tuổi), một “thợ” hái lá rừng có tuổi đời ngót 30 năm, cho biết: “Không biết cái nghề ni có từ bao giờ nữa, có lẽ do mấy người đi rừng thời chiến tranh bị đói, họ ăn liều lá cây, thấy có vị thanh, người khỏe hẳn ra nên từ đó nhớ mặt lá cây. Trở về thời bình, chỉ một vài người ở Dạ Lê biết lên rừng hái lá thuốc về uống, sau người dân làng thấy lá rừng có nhiều tác dụng nên cả làng đi hái. Dần dần nó trở thành một cái nghề cơm áo của người dân nghèo nơi đây”.

Với 30 năm trong tuổi nghề, không nơi nào vùng bán sơn địa Hương Thủy mà ông Ưu không đặt chân đến. Theo bố đi tìm lá rừng từ thuở tuổi còn là một thanh niên, đến nay, ông đã thuộc lòng vùng đất này. Xưa lá thuốc như hà thủ ô, bướm bạc, mắm nêm, ngũ gia bì, thạch xương bồ, lá đông, là vằng…ở vùng đất Hương Thủy nhiều vô kể. Chỉ quanh vườn nhà người dân làng Dạ Lê đều có. Khi phong trào hái lá thuốc rộ lên, cũng lá lúc những lá thuốc hiếm dần, phải đi xa vào động rệ, động chuối, động cao mới có. Theo ông Ưu, động cao là điểm xa nhất mà người hái lá thuốc phải tìm đến. Vùng đất này được núi rừng ban tặng dày đặc hà thủ ô, cây hoàng đằng là những lá thuốc quý, chữa được nhiều bệnh. Dừng chân nghỉ bên đường, ông Ưu bảo: “Tuy lá thuốc bữa nay phải đi xa mới có nhưng người dân Dạ Lê vẫn không bỏ nghề. So với mấy sào ruộng, thu nhập bấp bênh, nghề hái lá thuốc cũng đong đầy bát gạo cho người dân nơi đây”. 

Niềm vui của những mẹ, những chị bên gánh thuốc ''đặc sản'' quê nhà

Vùng đất trời phú

Tiếng lành về công dụng của lá thuốc Dạ Lê ngày một vang xa. Không chỉ người dân trong tỉnh tìm về làng quê này mua lá thuốc quý mà có cả những thương lái, khách hàng ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Sài Gòn.

Mệ Nguyễn Thị Hói (70 tuổi) người dân làng Dạ Lê, rót bát nước thuốc vàng quánh, giới thiệu: “Đặc sản của quê tui đó, nước lá đông, mắm nêm, uống vào ngủ ngon, hỗ trợ tiêu hóa, chữa viêm loét dạ dày; hà thu ô bổ máu, chữa tóc bạc, lá vằng dùng cho phụ nữ mới sinh… Vùng đất ni được trời phú cho được nhiều loại thuốc quý, dân làng xưa nay uống nước lá rừng quanh năm nên nước da ai cũng đẹp, sức khỏe dồi dào cả”. Hàng ngày, người nhà mệ Hói hái thuốc về phơi khô, đóng vào bao để mệ mang ra chợ bán. Hôm nay trời rét, mệ không ra chợ vẫn có người vào tận nhà hỏi mua.  

Mệ Nguyễn Thị Hói, một đời làm thợ hái lá thuốc giới thiệu ''đặc sản'' thuốc lá rừng Dạ Lê

Dẫn chúng tôi vào kho, mệ Hói kể rành rọi về những thứ lá thuốc, mỗi lá đều có một công dụng riêng. Đến nay, mệ Hói đã trữ được gần 20 loại lá thuốc trong nhà, khách đến hỏi vua vài cân đến cả tạ cũng có. Suốt một đời đi tìm cây lá thuốc mưu sinh, đến khi tuổi đã xế chiều, ngồi kể chuyện nghề, cứ tưởng như mệ Hói là nhà sưu tầm thuốc dân gian chữa bệnh cho đời. Dừng tay ở cây lá vằng, mệ Hói bảo: “Lá vằng không phải ở vùng đất mô cũng có, nó có nhiều tác dụng quý lắm, có thể nấu lá uống hoặc rửa sạch, lấy cả rể cô cao, vừa bảo quản được lâu, vừa phát huy được tác dụng của thuốc.

Với người dân Dạ Lê, rừng hào phóng đã đong bát gạo đầy cho vùng quê nghèo nhưng không vì thế mà người dân nơi đây quên đi chữ tâm trong nghề. “Tìm lá thuốc gian nan, có khi đi cả tuần liền thà về tay không chứ chưa bao giờ mình hái lá không biết tên, lá nhiễm thuốc diệt cỏ trên rừng về đóng bao mang bán cả"- ông Nguyễn Đình Ưu, bộc bạch.

Giá bán lá thuốc ở Dạ Lê cũng phải chăng (chỉ 10-20 nghìn đồng/kg tùy theo từng loại thuốc) nên không chỉ những gia đình có điều kiện ở thành phố mà ngay cả người dân ở các vùng nông thôn cũng mua về nấu, uống thay nước trong hàng ngày. Lá rừng Dạ Lê không chỉ dùng để uống bồi bổ sức khỏe mà còn để nấu xông chữa các loại bệnh như viêm khớp, đau lưng, cảm hàn…Với những người con Dạ Lê xa xứ, vào Nam ra Bắc lập nghiệp, có dịp trở về quê hương, vẫn không quên mua vài cân lá thuốc mang làm qua hay để dành uống.

Những ngày cuối năm, trong cái tiết trời se lạnh của vùng đất Cố đô, được thưởng thức bát nước chè vằng dân dã, chợt thấm hương vị nồng nàn của nắng gió, của những nhọc nhằn chốn thôn quê…

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.