| Hotline: 0983.970.780

Lạnh giá búp non

Thứ Sáu 16/12/2011 , 11:52 (GMT+7)

Cao nguyên đá đói nghèo, khắc nghiệt, nhưng người Mông trên này đẻ rất giỏi. Họ xem đẻ là cách... thoát nghèo.

Cao nguyên đá đói nghèo, khắc nghiệt, nhưng người Mông trên này đẻ rất giỏi. Họ xem đẻ là cách thoát nghèo vì có thêm người đi nương, đi gánh nước chứ chẳng mấy khi lo được chuyện ăn uống, học hành. Chứng kiến những thân phận trẻ thơ vùng cao vừa xót xa vừa lo lắng.

Những đứa trẻ trên đỉnh Mã Pì Lèng

“Trưởng thành” từ thuở lên 5

Ở 12 thôn bản xã Cán Su Phìn (huyện Mèo Vạc) có 912 hộ nhưng lên tới 6.212 khẩu. Tức bình quân mỗi hộ người Mông trên cao nguyên đá này có 7 thành viên.

Thào Mý Chơ, Chủ  tịch UBND xã Cán Su Phìn, lấy độ tuổi đi học mầm non ở dưới xuôi để làm mốc đánh dấu tuổi “trưởng thành” của những đứa trẻ người Mông trên địa bàn xã mình. Ông Chơ bảo rằng, ở đây trẻ em 4-5 tuổi đã có thể tính như một lao động của gia đình. Chúng cũng vất vả, nhiều việc lắm. Nhẹ thì trông em, nặng thì đi cắt cỏ, lấy củi, thậm chí có nhiều đứa ở tuổi ấy đã theo bố mẹ lên nương.

Trẻ con vùng cao như đất đá, như cây cỏ chẳng mấy ai quan tâm. Đói thì tự xay mèn mén mà ăn, rét thì tự nhóm bếp lên mà sưởi. Mùa đông ở Cán Su Phìn cũng là mùa trẻ em dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Ông Chớ bảo: Bệnh tật thường xuyên nhưng ở đây đứa nào khỏi được thì khỏi, không khỏi cũng phải chịu chứ chẳng mấy khi thấy bà con đưa chúng đến trạm y tế cả.

Phải làm việc từ tuổi đi mẫu giáo

Trên đường vào bản Sán Sì Lủng, chúng tôi gặp rất nhiều trẻ em đi nương, đi gùi nước, đi khuân đá về làm hàng rào. Nhìn chúng hì hục gùi ngô, khuân đá xem chừng đã dạn dày lắm rồi. Vậy mà khi đưa máy ảnh lên chụp nhiều đứa còn khóc thét vì sợ hãi.

7 đứa con nhà Thò Mý Nhì ở Sán Sì Lủng, đứa đầu cách đứa út chỉ có 10 tuổi mà thôi. Ngoại trừ đứa nhỏ nhất mới biết đi thì 6 đứa còn lại đứa nào cũng được tính là lao động của gia đình rồi. Rét căm căm nhưng khi gọi cả 7 đứa đứng cạnh nhau thì trên người gom lại chưa được 6 bộ quần áo. Đứa có quần thì không có áo, đứa có áo thì cũng rách lỗ chỗ vì phải mặc lại từ 2-3 “đời” anh chị của mình. Chúng giống nhau như đúc: bẩn, đói, rét và gầy như que củi.

Mỗi ngày gia đình Nhì ăn hai bữa. Sáng ăn mèn mén lên nương, tối về lại ăn mèn mén rồi đi ngủ. Thò Thị Dính, đứa thứ 5 nhà Nhì đang bị ốm. Nước mũi chảy ròng ròng nên được bố mẹ “ưu tiên” không phải đi nương mà ở nhà trông em. Hỏi sao không đưa con đi khám, Nhì thản nhiên: Xa quá. Vợ chồng Nhì sợ nhất là con mình phải đi học. Cứ tưởng ông bố bà mẹ này thương con mình phải cuốc bộ đường núi đá 7 km ra trường ở trung tâm xã, nhưng không. Nhì sợ chúng đi học thì không có ai trông em, không có ai đi lấy nước, đi gùi ngô cả.

Mấy lần cán bộ Chơ và giáo viên cắm bản vào vận động, khảo sát học sinh đi học ở bản, Nhì uống rượu vào rồi cãi lý: Học không làm ra ngô, học không lấy được nước về uống thì học làm gì. Cán bộ thương thì đừng bắt con tôi đi học nữa. Cũng vì “trưởng thành” quá sớm nên trẻ em vùng cao nguyên đá chẳng thích đến trường.

Đỉnh Mã Pì Lèng nằm giữa Mèo Vạc và Đồng Văn thực chất là một bản người Mông thuộc xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc). Nằm trên 2.000m so với mực nước biển nên bản Mã Pì Lèng là nơi cao nhất vùng cao nguyên đá. Trưởng bản Lầu Chứ Mun bảo rằng vì địa hình trắc trở thế này nên mấy năm trước trẻ em trong bản chỉ học cách đi lấy nước dưới dòng Nho Quế, học cách lên nương trồng ngô chứ chẳng bao giờ biết đến cái chữ. Bản có gần 30 hộ, còn mấy khẩu, bao nhiêu trẻ em thì trưởng bản Mun chịu cứng.  

Đang ốm nên đứa con nhà nhì được ưu tiên ở nhà làm việc vặt

Điều kiện quá cách trở nên người ta dựng ngay tại đỉnh đèo một điểm trường cấp 1 khá khang trang. Trường to, nhưng mấy lần tôi vào chẳng thấy thầy giáo đâu dù đang là ngày đến lớp. Còn học sinh, đứa nào đứa nấy nhem nhuốc, ăn mặc phong phanh dù thời tiết trên này lúc nào cũng gió rét căm căm. Không học, chúng bày ra đủ trò chơi để vận động người cho ấm. Lắm lúc bọn trẻ vật nhau lăn lốc hàng chục mét, người lấm đầy đất đá, đứng dậy phủi qua rồi lại vật tiếp. Trưởng bản Mun xếp những đứa trẻ tiểu học ở điểm trường này vào diện “vừa học vừa làm” bởi ngoài những buổi đến lớp thì chúng lên nương, gùi nước chẳng khác nào một lao động chính của gia đình.

Thân trong lớp, hồn trên nương

Mấy năm nay, mô hình trường học bán trú dân nuôi đã kéo được nhiều hơn trẻ em vùng cao đến lớp. Đi khắp cao nguyên đá hầu như xã nào cũng có mô hình trường học bán trú dân nuôi. Chủ tịch Chứ thống kê thế này: Một học sinh học theo mô hình này mỗi tháng nhận tổng cộng 160 ngàn. Tiền ấy bao gồm dân, cán bộ xã góp lại, chỉ đủ để mua gạo, rau ăn. Còn sinh hoạt, cách chống rét phổ biến của học sinh thường là nhóm bếp. Chứng kiến những cảnh ấy tôi mới hiểu vì sao cái chữ với trẻ em vùng cao lại khó khăn đến thế.

Dãy phòng ở của học sinh Trường trung học cơ sở xã Xín Cái (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc) từ mái cho đến tường đều làm bằng tôn. Cán bộ xã này giải thích làm như thế để bớt rét vì ở đây gió thổi suốt ngày. Thứ hai, ngày đi học đầu tuần nhưng cả khu trọ học này học sinh đến chưa đầy một nửa. Lý do? Nửa còn lại đang về nhà đi nương với gia đình chưa lên “nhập học” kịp.

Học sinh bán trú vùng cao đốt lửa sưởi ấm

Ở nhiều nơi, nghèo làm cho người ta mất hết tự tin, nhưng trên đỉnh Mã Pì Lèng, đói nghèo lại thúc những đứa trẻ như Dếnh trở nên dạn dĩ. Gặp người lạ chúng luôn miệng “cho tiền đi, cho kẹo đi”.

Đưa cho chúng một tờ 10 ngàn và một tờ 2 ngàn đứa nào cũng giành tờ 2 ngàn vì “tờ này dễ gấp lại hơn”. “Vừa học vừa làm” nên những đứa trẻ này xem chuyện ngã, tai nạn thành chuyện nhỏ.

Trường hợp Sùng Thị May là một ví dụ. Mới học lớp 4, hết buổi đến trường May phải đi gùi nước rồi quay máy nghiền ngô làm mèn mén. Trong một lần tự quay, chiếc máy nghiền luôn bàn tay phải của May.

Gia đình đi nương hết, một mình May tự cầm máu bằng cách lấy cái áo đang mặc dính đầy bùn đất quấn vào. Chẳng đi viện, chẳng thuốc men gì nhưng ơn trời rồi cũng khỏi. Sau bận ấy, lấy cớ con mình bị tai nạn, không đủ sức khỏe, gia đình xin thầy giáo cho May ở nhà hẳn. Nhưng nghỉ được vài ngày lại thấy May tiếp tục…nghiền ngô.

Mô hình trường bán trú dân nuôi ở Xín Cái, mỗi học sinh cũng được đài thọ 160 ngàn một tháng. Tức bình quân hơn 5 ngàn một ngày. Tiền ăn, tiền sinh hoạt đều gói gọn trong 5 ngàn ấy.

Học lớp 6, Xỉ Nhì Lử là một trong số ít trẻ em người Mông “học cao” ở bản Thìa Chớ. Một tuần Lử đi bộ gần 5 tiếng đồng hồ để về nhà giúp bố mẹ lên nương, đi lấy nước. Nhiều hôm Lử về như thế nhưng đầu tuần chẳng thấy ra học nữa. Thầy giáo phải chạy vào tận bản để tìm thì thấy Lử đang đi nương với gia đình. Hỏi ra mới biết, học xong lớp 5 gia đình không muốn cho Lử lên lớp 6. “Suất” ấy phải để dành cho những đứa em, còn Lử học lên đến đó là tốt lắm rồi. Lử ham học lắm, nhưng cũng không hẳn là vì mê con chữ. Nếu đến trường, Lử sẽ đỡ phải đi nương, đỡ phải ăn mèn mén. Lử được ăn cơm dù bữa cơm chỉ toàn canh cải.

 Cứ cuối tuần Lử phải về nhưng chẳng biết đầu tuần có ra học tiếp được không. Xín Cái có 19 bản, con số thống kê trẻ em đến trường năm nay cũng trên 90%. Nhưng gần như thành luật, đứa quyết tâm lắm chỉ theo đến lớp 5 rồi nhường suất học cho đứa khác. Có đi học cấp 3 không? Tất cả những đứa trẻ ở trường Xín Cái khi nghe tôi hỏi như thế đều lắc đầu không biết.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm