| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai ảnh hưởng dư chấn động đất ở Vân Nam

Thứ Năm 21/04/2011 , 08:44 (GMT+7)

Đêm 19/4, tại khu vực Tây Bắc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có xảy ra trận động đất mạnh 4,5 độ Richter...

Một góc thành phố Lào Cai
Vào lúc 23 giờ 27 phút đêm 19/4, trên địa phận thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã có nhiều người dân cảm nhận được dư chấn của động đất với cảm giác như một xe tải chạy qua.

Sáng 20/4, ông Trần Phúc Thạnh, Giám đốc Đài Vật lý địa cầu Sa Pa xác nhận đêm 19/4, tại khu vực Tây Bắc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có xảy ra trận động đất mạnh 4,5 độ Richter, tâm chấn ở độ sâu 23km.

Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 24/3, từ phía Vân Nam, Trung Quốc, cũng có trận động đất nhỏ, dư chấn tác động đến Lào Cai ở cấp 3, nên rất ít người cảm nhận được.

Cả hai đợt dư chấn này cường độ nhẹ và không gây thiệt hại về vật chất, nhưng ít nhiều đã có ảnh hưởng đến tâm lý của người dân Lào Cai.

Để giải thích rõ cho người dân, ông Nguyễn Phúc Thạch, Giám đốc Đài Vật lý địa cầu Sa Pa cho biết sau trận động đất ở Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua, nhiều nơi trên thế giới đã xảy ra động đất với cường độ khác nhau, trong khi đó Lào Cai nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra động đất và ảnh hưởng của động đất từ các vùng lân cận.

Từ trước đến nay, mặc dù chưa ghi nhận được chấn tâm động đất ở Lào Cai, nhưng nhiều vùng lân cận đã xảy ra và Lào Cai đã có một số lần bị ảnh hưởng. Trận động đất tại khu Tây Nam Trung Quốc tối 24/3 và 19/4 có thể do chuỗi các trận động đất tại Nhật Bản đã “kích hoạt” gây nên.

Cũng theo ông Trần Phúc Thạnh, khu vực Tây Bắc Việt Nam giới hạn từ sông Hồng đến sông Mã là vùng đã và đang trong quá trình hoạt động kiến tạo mạnh mẽ, có cấu trúc địa chất phức tạp. Lào Cai nằm trên đới đứt gãy sông Hồng-sông Chảy, là đới đứt gãy lớn, hoạt động mạnh nhất trên lãnh thổ Việt Nam.

Tại những đới đứt gãy, hoạt động kiến tạo diễn ra thường xuyên và đây là nguyên nhân cơ bản xảy ra động đất, lở núi… Vấn đề đặt ra là phòng, chống động đất như thế nào, chứ không phải là vấn đề có xảy ra hay không.

Từ năm 1983 đến 2010, Đài Vật lý địa cầu Sa Pa đã ghi nhận được gần 500 trận động đất có M (độ lớn) = 3.0-6.8 xảy ra ở vùng Tây Bắc và lân cận. Tại Tuần Giáo, Lai Châu, năm 1983 từng xảy ra động đất M 6.7, gần đây nhất là động đất ở Điện Biên có độ lớn M 5.3 ngày 19/2/2001 gây thiệt hại lớn. Các trận động đất trên đã gây chấn động cấp 6, cấp 7, cấp 8 trên diện tích rộng. Tất cả các trận động đất trên đều gây chấn động cấp 6 ở Lào Cai.

Theo các nhà địa chất, việc phòng, chống động đất không giống với phòng, chống lụt bão hàng năm, không thể hàng ngày dự trữ sẵn dụng cụ phòng chống. Đã đến lúc cần thiết đặt tiêu chuẩn kháng chấn cho các công trình xây dựng, công trình giao thông, quốc phòng.

Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài ở Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung là làm cho mỗi người dân hiểu biết về các biện pháp phòng, chống động đất, tức là đưa kiến thức phổ thông về động đất đến với từng người.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.