| Hotline: 0983.970.780

Lão “Hiệp gàn”

Thứ Hai 02/01/2012 , 08:59 (GMT+7)

Ông Phan Công Hảo - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã mách: “Ông này làm nhiều chuyện, chuyện nào cũng ra ngô ra khoai, nhưng gàn lắm..."

Hối hận vì khi gọi điện liên lạc để xin ông cuộc hẹn gặp, vì xưng mình là nhà báo nên tôi bị nhận ngay lời từ chối thẳng thừng: “Việc tôi làm có đáng gì mà lên báo lên chí. Gặp nhau làm ly “rịu” (rượu) thì được”. Dẫu sao tôi cũng còn cơ hội về “ly rịu”.

Khi giới thiệu nhân vật này, ông Phan Công Hảo - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã mách: “Ông này làm nhiều chuyện, chuyện nào cũng ra ngô ra khoai, nhưng gàn lắm. Ông không bao giờ nói về mình và những chuyện mình làm”.

Cuộc đàm thoại ngắn ngủi với lời từ chối thẳng thừng cùng cái chất gàn trong ông dẫn dụ tôi về thôn 4, xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ - Bình Định) để được làm ly “rịu” với nhân vật này. Chặng đường xa 60km với cơn mưa cuối mùa tầm tã không ngăn được lòng háo hức, tôi quyết định dong xe đi. Gương mặt đôn hậu và nụ cười hiền lành dường như chẳng “ăn nhập” gì với cái chất gàn trong ông. Gặp nhau, ông chẳng nhắc gì đến chuyện làm kinh tế của mình mà giới thiệu ngay với tôi ngôi nhà thờ ông bà với nội thất cổ kính.  

Ông Hiệp đang cho xây thêm trại gà chọi để mở rộng SX

Trong ngôi nhà thờ này, điều tôi quan tâm không phải là những câu liễn, câu đối, bàn thờ khảm xà cừ tuyệt đẹp mà là vô số những bằng khen, giấy chứng nhận các loại huân huy chương mà 3 thế hệ gia đình ông được Nhà nước tặng thưởng trong 3 cuộc kháng chiến. Phần ông có trong ấy không ít. Hóa ra ông là hậu duệ của 1 gia đình đi tiên phong trong phong trào cách mạng ở địa phương này.

Công trạng bề bề là vậy mà sau ngày giải phóng ông không màng đến quan trường, về quê nhận nhiệm vụ trưởng trạm y tế xã. “Là lính quân y, trong chiến tranh ngày ngày tiếp xúc với thương bệnh binh đã quen, về quê làm nghề cũ cho đỡ nhớ nghề”, ông nói đơn giản. Bên ly “rịu”, chuyện này dắt chuyện kia, cuối cùng tôi cũng có với ông cuộc trò chuyện ra trò.

Không biết cái tên ông - Phan Kiếm Hiệp có vận vào cuộc đời ông không mà ngay cả trong chuyện làm ăn ông cũng “tả xung, hữu đột” ghê hồn. Ngay từ những ngày đầu giải phóng, trong đầu ông đã manh nha ý tưởng làm kinh tế trang trại. Nhà ở quê có vườn rộng rãi, sau những giờ làm việc tại trạm xá, ông về nhà lập chuồng phát triển chăn nuôi. Những ngày đầu giải phóng mà trong chuồng nhà ông đã có đến 20 heo nái, heo con đẻ ra lứa nào để lại nuôi hết lứa ấy. Chuồng gà cũng có hàng trăm con. Cả thịt heo lẫn thịt gà, gia đình ông là nguồn cung cho nhu cầu của người dân toàn huyện.

Đến đầu thập niên 90, trong khi người dân vùng quê biển này chưa hề có khái niệm nuôi tôm trên cát là như thế nào thì ông đã vác đơn lên xã xin đất để làm. Nghe chuyện ông “nuôi tôm trên cát”, mà nuôi đến những 10 ha, có không ít người đã cười cợt “Tôm ở dưới nước mang lên cát nuôi thì chỉ có đốt tiền”.

Ông không màng, mặc ai nói ngả nói nghiêng, lòng ông vẫn vững như kiềng 3 chân. “Chưa biết làm thì học. Học những người làm trước. Ngày ấy tui đi Quảng Ngãi học nghề “dày” như đi chợ. Rồi học thêm ở báo chí. Tui là độc giả trường kỳ của báo Nông nghiệp VN từ ấy đến giờ và đã học hỏi được nhiều trong chuyện làm ăn”, ông Hiệp bộc bạch. Thuở ấy, môi trường còn trong lành, chuyện nuôi tôm trên cát của ông thắng lợi giòn giã. Tiền vào như nước. Những người từng dè bỉu ông sau đó cứ trố mắt khâm phục.

Đang gắn bó với con tôm ở những vùng đất cát ven biển, bỗng dưng cách đây 5 năm ông “nhảy tót” lên rừng. Đó là thời điểm người trồng rừng sản xuất đang lâm cảnh long đong vì giá gỗ nguyên liệu giấy tuột thấp. Ấy vậy mà ông lại vác đơn xin chính quyền địa phương 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (Phù Mỹ) cấp đất trồng rừng. Dường như “máu lính” trong ông vẫn còn, đã làm gì là làm ra trò, ông trồng 1 lèo 10 ha.

Tai ông lại nghe lời ra tiếng vào. “Không biết sao đang làm ăn ngon lành với con tôm giờ ông Hiệp đi vào “chỗ chết”, gỗ rừng trồng bán không ai mua, ông trồng để làm củi chắc!”. Ông thì nghĩ khác: “Đọc báo, theo dõi thị trường, tui đoán sẽ có ngày gỗ rừng trồng thăng hoa nên mạnh dạn đi tắt đón đầu. Với lại trong thời chiến tranh, sống mãi trong rừng đâm ra yêu rừng nên khi có điều kiện là tui đến với rừng ngay”.

Quả nhiên ông đúng. Đến khi 10 ha rừng của ông cho thu hoạch thì gỗ rừng trồng “đắt như tôm tươi”, giá cao vun vút, tiền lại vào nhà ông ào ào. Những ai “tin” ông, làm theo ông giờ đã là những điển hình nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp trung ương. Ông thì vẫn lặng lờ với công việc mỗi ngày.

Nuôi tôm trên cát, thành công. Trồng rừng sản xuất, hốt bạc. Cứ ngỡ ông đã mãn nguyện trong công cuộc làm ăn. Nhưng không, ông lại mở hướng làm ăn khác, lại là 1 kiểu làm chẳng giống ai. Ông mở trang trại gà chọi. Ông lấy chuyện chơi để làm chuyện kiếm tiền. Dù đã nhiều lần thán phục ông trong chuyện làm ăn nhưng lần này người làng vẫn không khỏi hồ nghi: “Ai đời gà chọi mà đi nuôi trang trại. Chả lẽ đi nuôi gà chọi bán thịt chứ ai rỗi thời gian mà chơi lắm vậy?”. Ông lại nghĩ khác: “Chỉ sợ không có gà hay chứ gà đá hay thì không sợ không có người mua”.

Nhắc đến ông Phan Kiếm Hiệp, người ta không chỉ khâm phục ở ông trong chuyện làm ăn mà còn nói nhiều về ông chuyện làm từ thiện. Ông vẫn đang hành nghề y tại địa phương, nhà mở cửa hiệu thuốc Tây. Với những bệnh nhân nghèo, tật nguyền, ông chữa bệnh và bán thuốc miễn phí. Hỏi về chi phí cho khoản này hằng năm, ông chỉ lắc đầu cười: “Làm sao tính được”. Ông chỉ nhớ là mỗi năm ông “xin” vợ khoản tiền 30 triệu đồng để làm công tác khuyến học cho con em nhà nghèo học giỏi tại địa phương.

Với cái đích ấy cộng với những kiến thức cơ bản về nghề chơi gà chọi hàng chục năm qua, ông rong ruổi lên tận huyện Tây Sơn, tìm nguồn giống gà có lai lịch từ thời Tây Sơn Tam kiệt, ra đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, về tận Gò Bồi (Tuy Phước - Bình Định) tìm giống gà mái độc, chân xanh. Gà cồ thì tới trường gà chọn những con gà chiến về đúc. Cuối cùng ông có trong tay giống gà “Vừa hay, vừa bền, mặt hiền mà đòn dữ, nếu có thất trận nó chỉ chết tại chỗ chứ không bao giờ bỏ chạy”, ông Hiệp cho biết.

Ông Hiệp đang chăm sóc con gà chọi chiến

Với những tố chất trên, gà chọi của ông Hiệp nhanh chóng nổi tiếng trong làng chơi gà chọi khắp cả nước. Ban đầu, người tìm về mua gà chọi của ông Hiệp chỉ để chơi. Về sau, nhiều thương lái đến đặt vấn đề mua số nhiều. Nhu cầu tăng, ông liền mở rộng nguồn cung. Trang trại gà chọi Phan Kiếm Hiệp ra đời. Hiện ông Hiệp đang sở hữu 200 gà mái giống, 400 gà cồ. Lần này người làng lại 1 lần nữa phải “ngả mũ” khâm phục cái kiểu làm ăn “gàn gàn” của ông Hiệp, vì nguồn thu từ trang trại gà chọi của ông chẳng kém cạnh nguồn thu từ tôm trên cát và 10 ha rừng nguyên liệu giấy.

Mỗi năm, ông Hiệp xuất bán khoảng hơn 200 con gà đã ốp giỏ với giá hơn 2 triệu đồng/con, ngoài ra còn xuất bán khoảng 400 con loại nhỏ hơn, gà vừa cắt tích với giá gần 1 triệu đồng/con. “Hiện gà chọi từ trang trại của tui đã có mặt tại Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM. Hà Nội ăn mạnh loại gà có trọng lượng thấp, từ 2,8-3,1kg/con, còn Tây Nguyên và miền Nam ăn loại gà từ 3,1-3,4kg/con. Tui đang xây thêm trại để mở rộng SX mỗi năm xuất bán 2.000 con gà”, ông Hiệp cho biết.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất