| Hotline: 0983.970.780

Lão nghệ nhân xứ bưởi Tân Triều

Thứ Sáu 01/04/2011 , 08:15 (GMT+7)

Ở Tân Triều - Vĩnh Cửu, tiếng tăm của lão nghệ nhân Năm Huệ đã nổi như cồn bởi ông là người đầu tiên làm mô hình du lịch sinh thái nơi vùng quê yên tĩnh ven sông Đồng Nai.

Tân Triều (nay là xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), mảnh đất trù phú “Chao nghiêng bến bãi - sông ngoài sông trong” từ bao đời nay đã nổi tiếng bởi những trái bưởi thơm ngon.

Hôm nay, thương hiệu bưởi Tân Triều càng bay xa, càng nức tiếng hơn bởi bàn tay và tấm lòng của một nghệ nhân già, ông Năm Huệ. Một sáng tháng 3, chúng tôi về làng bưởi Năm Huệ để thưởng thức những món ăn được chế biến từ bưởi. Đặc biệt, để nhấp thử ly rượu bưởi do chính ông mất nhiều năm mày mò chưng cất.

“Người tình trăm năm” của bưởi

Từ trung tâm thành phố Biên Hoà, chúng tôi đi 10 cây số theo quốc lộ 24, qua khu du lịch Bửu Long không xa, đến ngã ba Bến Cá thấy bảng chỉ đường vào Làng bưởi Năm Huệ. Rẽ trái qua cầu Tân Triều, dọc hai bên con đường duy nhất vào làng là những vườn bưởi mênh mông. Tân Triều là một trong những ngôi làng cổ xưa nhất ở Đồng Nai, nằm trên một cù lao nhỏ được bao bọc xung quanh là nước. Hàng năm, cù lao này được bồi đắp bởi phù sa sông Đồng Nai.

Có lẽ do thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên trái bưởi Tân Triều rất ngon, mùi vị có đặc trưng riêng không thể lẫn với bưởi vùng khác được. Như lời ông Năm nói: “Một kỹ sư và một nông dân ít học cùng trồng bưởi trên đất này thì chất lượng trái không khác nhau là bao”. Ông chủ vườn bưởi Năm Huệ đón chúng tôi ngay cổng với nét mặt rạng rỡ: “Biết tụi con xuống nên chú ở nhà đợi từ sáng đấy. Giờ vô nhà uống miếng nước rồi chú dẫn đi tham quan vườn, vừa đi mình vừa nói chuyện”.

Lão nông, lão nghệ nhân bưởi Năm Huệ năm nay đã ở tuổi “thất thập”, nhưng dáng dấp nhanh nhẹn, nét mặt đầy sinh khí, giọng nói sang sảng. Dưới tán những gốc bưởi tỏa bóng mát và mùi thơm dịu của hoa, ông Năm kể: ông là đời thứ 6 lập nghiệp ở đây. Chính vì vậy, ông không chỉ gắn bó máu thịt mà còn hiểu rất rõ vùng đất Tân Triều này. Theo ông Năm thì vùng đất Tân Triều xưa chủ yếu trồng trầu, năm 1869, khi xây xong nhà thờ Tân Triều, một trong những nhà thờ cổ nhất ở Nam bộ, vị cha xứ đã mang về hai cây bưởi giống từ Braxin trồng trước sân. Đó chính là bưởi đường lá cam và bưởi đường cao núm, hai giống bưởi làm nên thương hiệu bưởi Tân Triều ngày nay.

Mấy năm sau, hai cây bưởi không những ra trái trĩu cành mà ăn rất ngon. Bà con trong giáo xứ thấy vậy xin chiết nhánh về trồng và cứ thế nhân rộng ra. Năm Nhâm Thìn (1952) xảy ra một trận lụt lớn khiến dây trầu gần như bị “khai tử”. Từ đó, người ta bắt đầu chuyển qua trồng bưởi và trái bưởi Tân Triều ngày càng nổi tiếng.

Trên diện tích 15.000 m2, ông Năm trồng 500 gốc bưởi, khoảng cách các cây rất đều. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy những cây bưởi của ông Năm không mỡ màng, không tươi tốt sum suê, nhưng vẫn khỏe khoắn chứ không èo uột. Điều đó chứng tỏ chủ nhân của khu vườn là một lão nông có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc nuôi trồng cây. “Muốn tuổi đời cây lâu phải hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc kích thích. Sử dụng các chất này nhiều thì cây sẽ cho trái nhanh, nhiều, nhưng tuổi đời của cây sẽ giảm đi khoảng 1/3. Cây bưởi trồng đến năm thứ 3 đã bắt đầu cho trái, nhưng kinh nghiệm nhà vườn là 2, 3 vụ đầu không lấy mà hái bỏ. Từ vụ thứ 6 trở đi mới dưỡng trái để thu hoạch. Nếu tiếc mà dưỡng trái ngay từ những vụ đầu thì trái không ngon đã đành, vòng đời cây cũng rất ngắn. Điều quan trọng là kinh nghiệm cho bưởi ra trái nhiều mà tuổi thọ cây vẫn đảm bảo”, ông Năm chia sẻ kinh nghiệm.

Đến làng bưởi Tân Triều mới thấy, trồng bưởi không khó. Nếu chăm sóc đúng cách, một cây bưởi có thể cho năng suất trung bình từ 150 đến 200 trái/vụ. Với giá bán từ 25-30 ngàn đồng/trái (ngày Tết giá đội lên 50-60 ngàn đồng/trái), một cây bưởi có thể mang về cho người trồng 4-5 triệu đồng/vụ. Nếu có 100 gốc bưởi, thì một vụ có thể thu về vài trăm triệu đồng- một con số khá ấn tượng.

Những tác phẩm nghệ thuật

Ở Tân Triều - Vĩnh Cửu, tiếng tăm của lão nghệ nhân Năm Huệ đã nổi như cồn bởi ông là người đầu tiên làm mô hình du lịch sinh thái nơi vùng quê yên tĩnh ven sông Đồng Nai. Tuyệt vời hơn nữa khi thưởng ngoạn, thư giãn dưới vườn bưởi và ăn hàng chục món ăn có liên quan tới bưởi cùng thức uống là rượu bưởi. “Hôm nay chú sẽ mời tụi con ăn vài món chế biến từ bưởi hoặc liên quan đến bưởi do chú tự tay làm và uống rượu bưởi Tân Triều”, ông Năm nói với chúng tôi.

Trong căn chòi lá bên bờ con kênh nhỏ, mọi thứ để ông biểu diễn làm món bưởi đã được chuẩn bị đầy đủ. Vừa thoăn thoắt gọt bưởi, ông Năm vừa giới thiệu: Tất cả nguyên liệu để làm món gỏi đều là “cây nhà lá vườn”, rất đơn giản, dễ tìm. Đó là bưởi thanh (cùi ít nước, giòn, vừa chua lại hơi ngọt), tép bạc bắt trên sông Đồng Nai. Vài loại rau thơm, lá bưởi non, đậu phộng, bánh tráng tán nhuyễn. Nhìn đôi tay ông Năm múa trên bàn, chúng tôi không khỏi trầm trồ thán phục. Chưa đến 15 phút, món gỏi đã làm xong.

"Bưởi Tân Triều không những đã được phục hồi trên vùng đất cổ phù sa ven sông Đồng Nai mà còn đang phát triển khá tốt trên các vùng đất đồi ở trong huyện và đang thực sự trở thành mặt hàng trái cây có giá trị cạnh tranh mạnh trên thị trường. Huyện Vĩnh Cửu cũng đang thực hiện dự án 2.000 hécta bưởi”, ông Nguyễn Phan Biên, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Vĩnh Cửu cho biết.

Theo anh Nguyễn Văn Chúc, nguyên cán bộ Sở NN- PTNT Đồng Nai thì các loại bưởi khác mang đi đâu trồng cũng được. Riêng bưởi đường lá cam và đường cao núm là hai loại bưởi ngon, được thị trường rất ưa chuộng, lại chỉ thích hợp với thổ nhưỡng ở Tân Triều, nếu mang đi trồng ở nơi khác thì chất lượng rất kém. Đây là ưu thế cạnh tranh của địa phương. Tân Triều không nên trồng các loại bưởi khác.

Ông Năm lột đôi găng tay, ngắm nhìn sản phẩm mình vừa làm xong, niềm vui hiện rõ trong ánh mắt: “Xong rồi, mấy con thử đi”. “Tác phẩm” ông Năm vừa hoàn thành có đủ màu xanh, đỏ, trắng, hồng mới nhìn không thôi đã thấy ngon mắt. Cảm nhận trong đầu lưỡi khi ăn món gỏi là một chút chua, một chút the, một chút ngọt thanh, một chút cay nồng của lá bưởi non, vị bùi của đậu phộng, chút hương vị của bánh tráng và cái ngọt của tôm sông… Thật đặc biệt.

“Thực ra, món gỏi bưởi cũng nhiều nơi làm rồi. Nhưng hương vị của gỏi bưởi Tân Triều thì chú cam đoan là không thể lẫn với chỗ khác được. Chú cũng phải có bí quyết riêng chứ”, ông Năm nháy mắt cười. Chúng tôi ngồi vừa thưởng thức món gỏi, “tác phẩm” nghệ thuật của ông Năm, vừa nhâm nhi ly rượu bưởi và nghe ông kể lại những gian nan trong việc làm ra sản phẩm rượu bưởi. “Chú cứ trăn trở hoài một điều là tại sao các loại trái cây khác như nho, mơ làm rượu được mà bưởi thì lại không? Vậy là năm 2002, sau khi quán khai trương, chú bắt đầu mày mò ủ, lên men bưởi. Mỗi lần ra sản phẩm chú lại mời bạn bè đến dùng thử và nhờ họ nhận xét, góp ý. Sau mỗi như vậy, mình lại có thêm chút kinh nghiệm. Mất mấy năm trời mày mò với đủ lời khen chê và một số tiền không nhỏ, cuối cùng, năm 2004, rượu bưởi Tân Triều cũng đã chính thức được đăng ký thương hiệu, mẫu mã với Cục Sở hữu trí tuệ với chất lượng như tụi con thấy”.

Rượu bưởi Năm Huệ được đóng trong bình gốm hình trái bưởi dung lượng 0,75ml, hương vị rất đặc trưng và chỉ có 15 độ cồn. Khi uống vào, chúng tôi có chung cảm giác là múi bưởi đang tan trong đầu lưỡi, rất thơm, hơi tê tê và có vị ngọt, cay.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.