| Hotline: 0983.970.780

Lão ngư mù và tài đánh cá bằng… tai

Thứ Ba 13/07/2010 , 13:57 (GMT+7)

Chốc chốc ngước sang phía người hóng chuyện, lão ngư Lê Hận đằng hắng: “Mà e thiệt hè. Người như tui mà làm ngư dân ra khơi vô lộng thì cũng chỉ một đó thôi hè”.

Ăn xong bữa cơm trưa, lão ngư Lê Hận ngồi bệt trước hiên nhà đan lưới. Mặt ông ngước lên như chìm vào cõi mông lung, còn đôi tay thì thoăn thoắt đưa con dệt. Chốc chốc ngước sang phía người hóng chuyện, ông đằng hắng: “Mà e thiệt hè. Người như tui mà làm ngư dân ra khơi vô lộng thì cũng chỉ một đó thôi hè”.  

Ngồi vá lưới, ông Hận nói vui: “Chắc tui là lão ngư độc nhất vô nhị đó hè...”

Đánh cá bằng... tai 

Khoảng năm ông học lớp 3 trường làng thì bị đau mắt đỏ. Căn bệnh ở vùng quê biển nghèo này coi như chuyện thường ngày. Vậy mà di chứng để lại sau lần đó là đôi mắt cậu bé Lê Hận (Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình) cứ mờ dần và không còn nhìn thấy gì nữa. Đang học khá nhất lớp, cậu bé phải nghỉ học trong sự tiếc nuối của thầy cô, bạn bè. Không nản lòng với số phận éo le của mình, cậu bé ngày ngày vẫn lần hồi ra đường cái, đi theo tiếng trò chuyện của bạn bè để kết nối lại những gì xung quanh ngôi làng.

Dần dần, cái tai, cái mũi của cậu bé bỗng tinh hẳn ra. Nghe bước chân biết là chân bố mẹ hay đám bạn quanh xóm; ngửi thấy trong mùi gió biến thuyền đánh cá đưa được con cá thu hay cá ngừ về. Rồi khi đã chững chạc thành cậu con trai 15 tuổi thì Lê Hận mong có được chuyến ra biển.  

“Hồi đó học sinh chỉ học một buổi thôi, buổi còn lại chúng nó cứ lấy thuyền thúng ra khơi, buông lưới ven bờ kiếm thức ăn cho gia đình. Tui nằn nì mãi mới được đám học trò cho lên thuyền ra biển”, ông Hận nhớ lại cảm giác lần đầu tiên được cảm giác bằng tai, bằng mũi vị mặn mòi của biển.  

Từ việc lên thuyền ngồi cho vững, ông lần hồi tập đi lại, đón hướng gió bằng bằng tai, thả lưới, gỡ cá và dạn dần với sóng gió. Niềm đam mê cháy khát trong lòng ông như tạo sức mạnh. Hầu như ngày nào ông cũng đi biển. Đám học trò thấy ông dần dần làm được việc nên cũng khoái rủ đi. Ông đi với chúng như để học việc chứ không chịu lấy cá hay công cán gì. 

Mấy năm lặn lội ven biển với đám trẻ rồi ông cũng được người lớn để mắt. Dân làng thương cậu thanh niên có chí khí nên đồng ý cho xuống thuyền góp vốn ra khơi. Từ ven bờ ra khơi có bao chuyện lạ. Chuyến đầu tiên, ông chỉ ngồi tựa mạn thuyền nôn thốc vì say sóng. Chuyến thứ hai đã đi lại được và chuyến thứ ba thì ông đã tự thả lưới, gỡ cá như một ngư phủ thực thụ. Bưng rổ cá được chia từ chuyến đi khơi đầu tiên ông thần cả người: “Rứa là mình không ăn bám bố mẹ rồi. Có nguồn hy vọng sống tốt rồi”. Ông thành lao động chính trên thuyền sau hơn một năm đi khơi. Cũng từ đó ăn chia trên tàu bằng nhau cả. 

Biển vẫn gọi ông Hận ra khơi

Năm tháng qua đi, ông tích luỹ cho mình được nhiều kinh nghiệm. Đôi tai của ông và cái mũi biết được lúc nào con nước ròng, con nước nào có cá chạy, hay biết được động tĩnh của biển để kêu anh em. Ông Lê Văn Đảm, bạn đi biển và sau này là sui gia với gia đình ông Hận, không giấu nổi sự thán phục: “Lên thuyền, ông Hận rành rẽ hết mọi công việc đánh cá trên tàu như buông neo, thả, kéo lưới, lấy neo. Đường đi lối lại trên tàu như xuống khoang máy, tới trụ tời, cột buộc dây lưới... ông thuộc hết. Thêm nữa, ông còn có biệt tài ngóng gió để đoán thời tiết trên biển”.  

Ông Đảm còn kể, một hôm ông sang rủ ông Hận đi biển. Hai người đi một thuyền một vàng lưới, 4 giờ sáng là ra khơi. Đến vùng biển sâu trời mờ sương chưa rõ mặt người, ông Hận hô thả lưới vì nghe tiếng cá táp nước. Thả lưới xong, ông Đảm thiu thiu ngủ. Một lát, ông Hận đánh thức ông Đảm dậy, giọng tỉnh rụi: "Kéo đi ông, tui nghe cá táp mắc lưới nhiều lắm, mà toàn là cá hố (một loài cá ngon xuất khẩu có giá trị cao)". Quả không sai, kéo được nửa tay lưới thì con thuyền đã đầy cá.

Ông Hận cứ giục kéo nhanh nhưng ông Đảm chần chừ vì sợ thuyền chở nhiều quá sẽ chìm. May sao, lúc đó có thuyền đánh cá ở xã Nhân Trạch đi qua, ông Hận giục ông Đảm gọi bạn đến nhờ kéo lưới gỡ lấy cá để ông còn mang lưới về. Hay tin ông Hận trúng cá, bà con kéo ra biển mừng, ông vui lắm, cứ nhà ai ra mừng là ông biếu một con cá to tươi giãy.  

Ông Hận… yêu đời 

“Hồi thanh niên, ông nớ cũng lắm nguời yêu đó”, bà Long - vợ ông Hận, rót nước mời khách góp chuyện. Tôi thấy mặt ông như chợt sáng lên bởi những cảm xúc một thời trai trẻ đang ùa về. Hồi đó chàng thanh niên Lê Hận có giọng hát hay trong vùng và thêm cái giỏi ăn nói, ứng khẩu nhanh như sóng biển vỗ rì rào.

Tuổi đôi mươi, nghe bạn bè giới thiệu, ông cùng bạn sang tận xã Quảng Thanh (cách xa hơn 10 cây số) để đi tìm vợ. Cưa cẩm rồi cũng đến hồi cô gái đồng ý. Một hôm, ông anh trai cô gái đến tìm nhà ông Hận nói toạc là không gả em cho ông Hận vì vậy sẽ khổ lây cho em. Ông Hận không nói gì, chỉ buồn rồi chầm chậm quay bước, mặc cho vạt áo toạc ra vì cô gái cứ nắm chặt lấy không rời.

Vợ chồng ông Hận trong ngôi nhà ấm cúng của mình

Năm 1982, ông đưa gia đình vào Bình Thuận để lập nghiệp. 10 năm tảo tần với biển Bình Thuận, ông tích cóp được một số tiền và tính chuyện mở một trại chăn nuôi bò lớn. Năm 1993, ba ông mất; mấy người con đòi ra quê sống. Bán hết nhà cửa, bò me gom góp được mấy chục triệu đồng, ông và gia đình về quê đầu tư mua tàu lớn cho con ra khơi. Bây giờ 3 cậu con trai của ông đáng ra biển bằng con tàu mới của gia đình mình đầu tư.
Cô gái đầu không thành, ông buồn một chút rồi lại hăm hở đi tìm vợ cùng đám bạn. Cô gái thứ hai cũng đã xiêu lòng. Nhưng rồi, ông anh rể cô gái vờ sang hỏi thăm để “đánh giá” cậu em cọc chèo tương lai ra sao rồi kể với gia đình. Bà mẹ cô gái nghe anh con rể kể lại nên cũng không muốn gả con. Đến mấy tháng sau, bên nhà gái hay tin ông Hận bị mù nhưng cái chi cũng tài nên xiêu lòng bắn tin mời bố mẹ ông Hận sang gặp mặt. Ông Hận từ chối với lý do đã trục trặc từ đầu rồi thì thôi.

Không để “quá tam ba bận”, đám này ông “nhắm” ngay cô Long cùng làng. Hồi đó, cô Long đang đi làm nghề chế biến thủy sản, vốn cũng xinh gái nên nhiều người tán tỉnh. Rứa mà ông Hận lại được mới lạ. Bà Long cười hiền: “Thì tui thấy ông bị khiếm tật mà lại nói hay nên thương khi mô không biết nữa”. Ông Hận kể lại hồi đó cũng có anh ở cơ quan nhà nước về “tán” cô Long, may mà gia đình bên cô Long thương cậu con trai tật nguyền nhưng có hoa tay và tốt tính nên kiên quyết gả con gái cho, nếu không thì e chưa chắc xong. Nghe vậy, bà Long cười ngặt nghẽo: “Ông nói chi lạ, quyết tâm là ở tui chớ. Không thương ông thì răng tui sinh cho ông đến 5 đứa con, đứa mô đứa nấy như con cá nục biển đó”.

Lúc trẻ, ông Hận hay hát hò, trước hò duyên hò phận, sau hò kể hò lể. Một hôm anh bạn thân đi “cưa” gái bên xã trên. Cô gái cũng đã có người cưa tán nên hay hò đối đáp rất mạnh miệng. Bữa đó, ăn tối xong là đám bạn kè ông lên đường. Giáp mặt cô gái đã buông câu hò: “Cây cao có quả chín muồi/ Có thèm thì quẹt miệng, chớ của người chớ trêu”. Người hay hò nên ông hiểu ngụ ý sâu xa cô gái muốn nói bạn ông có thèm thì nhịn chớ đừng mơ tưởng vì cô gái đã có người đến “cưa” rồi. Ông tức lắm, xuất hò luôn: “Khen đê khéo giữ nước tràn (Đê là tên người yêu cô gái)/ Bom bi hắn bỏ cả ngàn nước băng (bạn ông tên Bi)”.

Ông cười như mình thời còn trẻ: “Rứa đó, phải vận vào hoàn cảnh thực tế mà nói lời sâu xa thì mới chịu lời nhau”. Xem chừng ý cô gái đã xiêu lòng, ông dấn tới: “Gần chùa chẳng được ăn xôi/ Gần em mà chẳng được ngồi bên em”. Rồi sau đó, thêm thời gian nữa, nhờ tài hò của ông đã giúp bạn ông là người chiến thắng.  

Bây giờ vào tuổi 60, không còn ra khơi xa, thi thoảng ông  Hận vác lưới xuống thuyền nhỏ ra vùng rạn nước buông kiếm thức ăn hàng ngày. Nhẹ nhàng đưa ngư cụ lên vai, ông chầm chậm theo con đường ra bãi. Ngó quá nắng, bà Long vội chạy theo: “Trời còn nắng nôi lắm, ông cầm theo cái mê nón kẻo nóng hung trên đầu...”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm