| Hotline: 0983.970.780

Láo nháo chốn thiêng

Thứ Hai 18/02/2013 , 10:12 (GMT+7)

Mỗi năm, có hàng triệu lượt khách viếng thăm Miếu Bà chúa Xứ, tọa lạc dưới chân núi Sam (P.Núi Sam, TX Châu Đốc, An Giang). Thế nhưng, nơi đây đang mất dần sự tôn nghiêm bởi hàng ngàn người vì mưu sinh mà bất chấp những thủ đoạn gian dối.

Miếu Bà chúa Xứ, tọa lạc dưới chân núi Sam (P.Núi Sam, TX Châu Đốc, An Giang). Đây là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng nhất vùng ĐBSCL. Mỗi năm, có hàng triệu lượt khách viếng thăm. Thế nhưng, nơi đây đang mất dần sự tôn nghiêm bởi hàng ngàn người vì mưu sinh mà bất chấp những thủ đoạn gian dối.

1. Đúng 5 giờ sáng mùng 2 tết, khi tôi có mặt tại điểm hẹn đã thấy chiếc xe nổ máy chờ sẵn. Anh Hải, tài xế và cũng là bạn tôi cười bảo: “Ông là người chủ xướng chuyến đi này mà lại chậm nhất. Anh em phê bình nãy giờ. Nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm nha”. Rồi, chiếc xe lăn bánh trong làn gió sớm mát rượi. Có lẽ do còn sớm và hàng ngàn người đã về quê ăn tết, khiến con đường trở nên rộng thênh thang.

Đến thành phố Long Xuyên, nhân lúc đợi người bạn người địa phương đi cùng, anh Hải bảo: "Có mua đồ gì thì ghé chợ Long Xuyên mua đi. Đến miếu Bà đừng mua gì cả, vừa mắc vừa kém chất lượng, không khéo còn bị đòn nữa đấy. Đặc biệt, đừng bao giờ móc tiền mua chim phóng sinh”.

Hơn 9 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở TX Châu Đốc. Khác hẳn sự yên tĩnh, vắng lặng lúc sáng sớm ở thành phố, không khí ở đây vô cùng náo nhiệt. Xe chúng tôi vừa đến ngã ba trước mặt chùa Tây An, đã bị hàng chục người vây lại giới thiệu nhà trọ, chỗ gửi xe, ăn uống. Số khác lại níu tay, níu áo chúng tôi mời mua vé số, nhang đèn, bông hoa, các loại vật phẩm cúng tế.


Bà Chúa Xứ

Có lẽ, từ chối được tất cả họ là điều không dễ nếu trên tay chưa có một thứ gì. Nghĩ thế nên tôi mua một bó nhang nhỏ với giá 20 ngàn đồng. Ngay trước cổng chùa, cổng miếu Bà và lăng Thoại Ngọc Hầu, có vô số quầy, gánh hàng rong bày bán, tràn ra giữa lòng đường, cảnh tượng hết sức xô bồ.

Vào chính điện miếu Bà, tôi thấy cả một biển người đang chen chúc vái lạy. Khói hương nghi ngút. Trên bàn thờ, cả chục con heo quay đỏ au, xếp hàng ngay ngắn, xung quanh, cơ man là hoa quả, đồ lễ vật… mắt tôi cay xè vì khói nhang.

Cứ vài phút, chiếc loa phóng thanh treo đâu đó lại oang oang: “Hiện nay lượng du khách đến viếng miếu Bà quá đông nên quý vị vui lòng quản lý kỹ tư trang đề phòng kẻ xấu móc túi… Quý vị không mua bất cứ thứ gì bán dạo mà hãy đến các cửa hàng uy tín, có bảng hiệu để mua đề phòng kẻ xấu…”.

2. Khó khăn lắm tôi mới lách được ra khỏi khu chính điện trong tình trạng nước mắt nước mũi lòng thòng vì khói nhang. Chưa kịp hoàn hồn thì một người phụ nữ chừng 50 tuổi đến níu tay tôi mời chào: “Chú thuê heo vào cúng lấy hên đi, chứ cúng không vậy Bà không chứng cho đâu. Một con nhỏ chỉ 5 trăm ngàn hà, khỏi cần bỏ mấy triệu mua làm gì cho tốn tiền”.

Tôi chưa kịp trả lời thì anh bạn đứng cạnh đã từ chối khéo rồi kéo tôi đi, vừa đi anh vừa giải thích: “Anh bỏ ra 5 trăm ngàn thuê, họ bưng heo vào cúng giùm. Thậm chí mình chưa kịp nhìn rõ con heo đó màu gì, chưa kịp chắp tay vái họ đã bưng đi mất rồi”.

Trong khoảng 15 phút, tôi đếm có trên mười con heo quay được bưng vào trong. Anh bạn người địa phương cho biết, những người cúng heo đa phần là dân làm ăn, buôn chuyến hoặc dân đánh đề. Họ đến lễ bà cầu xin bà phù hộ cho những chuyến buôn của họ trót lọt, qua mặt được quản lí thị trường. Cũng có người đến vay lộc làm ăn, bây giờ đến lúc trả nợ và vay thêm lộc khác. Có người trúng số đề nên thuê hẳn một chiếc xe với dàn đồ lễ trang trọng đến tạ ơn.

Cứ thế, người ta nối đuôi nhau rồng rắn chờ đến lượt mình vào dâng lễ. Mấy con heo quay vừa đặt xuống, nhang chỉ vừa cắm vào chiếc lư khổng lồ phía trước điện thờ, người chưa kịp khấn xong thì bị xua đi cho kẻ khác vào dâng tiếp.


Hàng ngàn người đang chen chúc đến cầu xin Bà Chúa Xứ ban ơn

“Ngày nào cũng có chuyện cự cãi giữa khách hành hương và dân buôn bán dạo. Và phần thiệt thường thuộc về người mua. Bởi vì, ở đây họ hoạt động theo kiểu băng nhóm, nếu khách phản ứng, không chịu trả tiền là chúng kéo cả nhóm đến, sẵn sàng dùng vũ lực với khách ngay...”, anh bạn ở TX Châu Đốc nói.

3. Tại khu vực cổng miếu, hàng chục người trong đội ngũ bán chim phóng sinh đang hoạt động hết công suất, thấy bất kỳ người khách nào họ cũng xô lại mời chào. Và, tôi đã tận mắt chứng kiến một người phụ nữ vừa bị “móc túi” mất mấy trăm ngàn. “Thấy thằng bé chỉ đáng tuổi con tôi, lại năn nỉ tôi mua chim với giá 7 ngàn đồng/con. Tôi thấy tội nên đồng ý mua 10 cặp. Chẳng hiểu nó nghe thế nào mà mở hết cửa lồng rồi dốc cho chim bay tuột ra hết rồi đòi tôi trả 560 ngàn!”, chị ấm ức nói.

Tại lối phụ vào trung tâm miếu, tôi tiếp tục chứng kiến hai người phụ nữ khác được một anh bảo vệ bênh vực sau khi bị người bán chim phóng sinh “gài bẫy” và may mắn “thoát”, người bán chim đã chấp nhận số tiền 200 ngàn đồng người mua đưa ra để trả cho 10 cặp chim.

“Thấy loa nhắc nhở suốt mà sao nhiều người vẫn không chịu nghe thế hổng biết. Mua chim ở đây là giết chúng chứ phóng sinh nỗi gì. Mấy con chim đó đã bị họ cắt bớt lông cánh rồi, thả ra chúng bay chút xíu là lại rớt xuống, hành hạ như thế, vài ngày là chết hết. Năm ngoái, mấy người bạn tôi từ Sài Gòn xuống cũng bị nhà nghỉ “gài bẫy” mất mấy trăm ngàn. Họ thấy bảng giá nhà nghỉ ghi 40.000 đồng/người (nghỉ lưng, tắm rửa) nên ghé vào. Đến lúc tính tiền, họ bị tính 400 ngàn/người. khi họ thắc mắc thì họ bảo: “40.000 đồng là ngả lưng trên ghế bố ngoài hiên”, anh bảo vệ này nói.


Cơ man lễ vật được mang đến cúng lễ

Theo số liệu báo cáo của UBND phường Núi Sam, tại khu vực miếu Bà Chúa Xứ, có khoảng 400 hộ chuyên bán hàng rong, gần 300 hộ chuyên bán dạo những vật phẩm cúng tế như hoa, nhang đèn, muối gạo, chim phóng sinh, vé số. Phần nhiều từ nơi khác đến tạm trú mua bán thời vụ. Tình hình an ninh trật tự khá phức tạp bởi một lượng lớn các đối tượng móc túi, trộm cắp vặt hoành hành.

Chúng tôi lên xe, tiếp tục hành trình về Thất Sơn, trên đường đi, anh bạn “thổ địa” kể câu chuyện về sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ khiến tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến những người đang ngày đêm sống bằng đồng tiền bất chính ở quanh núi Sam.

Chuyện kể về một đoàn người từ phương xa tới đây hành lễ. Khi đến nơi, mọi người bắt đầu gom tiền công đức với mục đích trùng tu, giữ gìn ngôi miếu. Số tiền góp được lên tới 100 triệu đồng. Rồi đoàn người đi thẳng xuống Cần Thơ. Đến đây họ mới sự nhớ quên lấy chút "lộc Bà". Nên cả đoàn quyết định quay lại.

Vào miếu Bà, họ tìm mãi trong sổ sách mà không thấy đoàn công đức 100 triệu đồng mà trong sổ chỉ ghi đoàn công đức 1 triệu đồng! Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện người đại diện đoàn công đức đã đút túi 99 triệu đồng. Và hậu quả kẻ ăn bớt kia bị khởi tố trước pháp luật. Có lẽ, đây cũng là một bài học đáng giá với những kẻ kiếm ăn bất chính ở chốn cửa đến, chùa, miếu mạo linh thiêng.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.