| Hotline: 0983.970.780

Lão nông đào tạo bóng đá nữ

Thứ Năm 30/06/2011 , 11:07 (GMT+7)

Gần 20 năm nay, lão nông Dương Khắc Kiểm làm một việc không liên quan đến lúa má, ngô, khoai, ấy là... huấn luyện viên bóng đá...

Gần 20 năm nay, lão nông Dương Khắc Kiểm làm một việc không liên quan đến lúa má, ngô, khoai, ấy là... huấn luyện viên bóng đá. Bóng đá nhí mà lại toàn là nữ, thế mới lạ chứ. Câu lạc bộ ấy mang tên Tuổi Trẻ, ở làng Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín, Hà Nội).

Duyên phận phải chiều

Câu chuyện của ông Kiểm trở thành huấn luyện viên của đội bóng nhí, ươm mầm nhiều tài năng cho đội tuyển bóng đá tỉnh Hà Tây cũ (Hà Nội ngày nay), đội tuyển bóng đá quốc gia, nghe kể cũng lắm gian nan.

Trở về từ chiến tranh, anh lính lái xe Trường Sơn năm xưa mang theo ký ức những lần bị bom vùi, bắt đầu một cuộc sống hòa bình ở làng quê nghèo Nghiêm Xá. Hồi đó vào năm 1986, khi lần đầu tiên xem giải bóng đá vô địch thế giới, ông Kiểm đã bắt đầu nghĩ đến ước mơ Việt Nam có một đội tuyển bóng đá, mà là bóng đá nữ.

Vì lý do cơm áo, đến gần 10 năm sau, ông Kiểm mới bước đầu thực hiện được hoài bão của mình. Vào dịp hội làng năm 1993, nhân buổi lễ đình làng đón nhận danh hiệu di tích lịch sử, mọi người nghĩ cần phải có trò chơi nào đó để khuấy động phong trào. Là người lính bao năm trận mạc, gắn bó với đồng đội keo sơn, ông Kiểm nghĩ ra môn thể thao đậm tinh thần đồng đội: Bóng đá. Và lại là trận cầu nữ.

Nhưng để có được đội bóng với những cầu thủ nữ, ông không tránh khỏi nhiều người can ngăn. Các cụ già trong làng lắc đầu quầy quậy, nghĩ rằng con trai đá bóng còn mệt nhọc, nói gì đến mấy đứa con gái, vẽ vời làm gì cho mệt!

Sau một thời gian hướng dẫn các cháu tập luyện, ông Kiểm cho đá trận đầu tiên, đúng vào dịp hội làng. Ông đặt tên 2 đội, đội Tuổi Trẻ và đội Thanh Xuân, cầu thủ lớn nhất lúc đó 25 tuổi, còn nhỏ nhất là cô con gái ông Kiểm, mới 13 tuổi. Người làng còn nhớ, trong trận đầu tiên gần 20 năm trước đã có tới gần 4 nghìn người dân quanh xã đến xem. Ai cũng cho rằng, đó là sự lạ, ai cũng khen đá hay.

“Sau trận đấu đó, Sở Thể dục thể thao tỉnh Hà Tây (cũ) nhận đội bóng về tỉnh. Họ cấp quần áo, lưới, bóng cho các cầu thủ. Bấy giờ, nông dân chân chất chúng tôi mới biết thế nào là cái lưới bóng đá”, ông Kiểm nhớ lại.

Hết lễ hội là thời kỳ cực khó khăn của thầy trò ông, không biết đi đâu về đâu để duy trì sự tồn tại của đội bóng, vì nếu theo cơ chế lúc đó thì cả xã, huyện và tỉnh đều rất nghèo. Ông Kiểm nghĩ ra cách nhờ bà con trong làng quyên góp gạo, rồi đưa đi bán, lấy số tiền đó duy trì CLB hoạt động.

Trời không phụ người

Ông Kiểm kể, ông sinh ra trong gia đình Nho học, ông tự dặn mình và răn trò, rằng: Miệt mài, kiên trì, tất có ngày thành đạt. Nhưng suy đi rồi tính lại, hoạt động của CLB trong bao lâu vẫn khó khăn vô cùng, tất cả cũng vì lý do kinh tế. Ông Kiểm cùng mấy người trong làng cân nhắc từng bước, làm gì để duy trì sự tồn tại CLB cũng là niềm đam mê của thầy trò ông, của dân làng gửi gắm? Trang phục đã có, còn vấn đề y tế cho cầu thủ?

 “Rất may có một bác bộ đội quân y phục viên, đã ngoài 80 tuổi nhưng bác ấy vẫn nhiệt tình giúp đỡ thầy trò. Cháu nào ra sân bị ngã, sưng, trật khớp, bác đều chữa cho mà không lấy tiền. Thầy trò lại đỡ một khoản về y tế”.

"Thời bấy giờ xã cấp cho 5 nghìn đồng mỗi tháng, chỉ đủ mua gói chè. Nhưng tôi lại tự an ủi mình, phải như thế nào mới được nhận đồng tiền đó chứ?". Làng quê vùng chiêm trũng, nhiều người đi chợ bán hàng xáo mưu sinh. Thời ấy giá vàng còn rẻ, ông đi chợ mỗi tháng kiếm chỉ vàng dễ như bỡn nhưng vẫn có hôm bỏ buôn bán chỉ để ra sân dạy các cháu tập bóng. Nhiều người bảo ông hâm nhưng ông chỉ bảo, làng Nghiêm Xá và các làng lân cận có nghề thêu, mỗi chiều, dành thời gian mà ngồi thêu, mỗi cháu cũng kiếm được chừng 30 nghìn, nhưng các cháu mê bóng đá quá, chẳng chiều nào bỏ. Tất cả cũng chỉ vì đam mê đó thôi.

Không phụ công thầy Kiểm, năm 1996, đội bóng đá nữ do ông làm chủ nhiệm được đi dự Giải bóng đá nữ Hà Tây, rồi giải Phù Đổng toàn quốc và đều được giải nhì. Đến năm 1998, Sở Thể dục thể thao tỉnh Hà Tây mới bắt đầu tuyển chọn đội bóng đá đầu tiên đại diện cho tỉnh, và Nghiêm Xá trở thành cái nôi của bóng đá nữ Hà Tây (cũ) từ bấy giờ.

Học đá bóng để làm người

Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập đội bóng, sự nghiêm khắc của người thầy bao giờ cũng rất cần thiết. Bên cạnh đó, vì là bóng đá nữ, nhiều cầu thủ mang tính tự ái cá nhân vào sân nên phải luôn dùng đến “kỷ luật thép”. Và cũng nhờ sự cứng rắn của người thầy, nhiều em sau đó được Sở Thể dục thể thao về chọn và cử đi học bóng đá chuyên nghiệp. Rất nhiều trong số đó đã trưởng thành trong đội tuyển bóng đá nữ quốc gia như: Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Nga, Dương Khánh Ly, Phạm Thu Trang…

Bao thế hệ học trò đi qua, ông huấn luyện viên làng tự nhận mình “chỉ có bằng cấp trường đời” này vẫn không nguôi với những dự định đào tạo thế hệ trẻ, ông vẫn còn đau đáu nhiều, ước ao nhiều đối với tương lai bóng đá của những học trò của mình, của nền bóng đá nước nhà, đặc biệt là bóng đá nữ.

Hỏi về những kỷ niệm, ông Kiểm có thể kể cả ngày: “Cũng trên sân bóng, lần đầu tiên tôi phải chịu đau đớn. Con gái tôi 13 tuổi, nặng có 29 kg, chơi vị trí tiền đạo nên bị chặt chém tơi bời. Tôi xót ruột lắm nhưng vẫn để chúng thỏa sức với trận cầu của mình. Con gái tôi bị đau, đứng dậy định gây hấn trên sân; là một huấn luyện viên, tôi đuổi cháu ra khỏi sân. Con bé gầy guộc lặng lẽ lội qua đồng về nhà, bèo bám đầy người. Cũng từ đó, tôi có thêm bài học, muốn dạy trò, trước hết phải tự răn mình, dạy con mình. Thất bại nhiều, nhưng tôi nghĩ đến lời răn của người xưa: "Quân tử ngã xuống mà không đứng lên là tiểu nhân. Tiểu nhân ngã xuống mà đứng lên là quân tử”. Bài học về những cú ngã trong trận bóng, cũng dạy thầy trò tôi nhiều về đạo làm người”.

Có đứng trên sân nhìn “lão phù thủy” quát trò, mới thấy sợ cái mệnh lệnh nghiêm khắc trong một trận cầu. Ông bảo, tất cả cũng vì thương, muốn trò thành tài, cuộc đời này không có chỗ cho kẻ biếng lười, nhất là với bóng đá. Ông Kiểm kể một câu chuyện: “Trước đây, trong lớp học tôi dạy, có cô bé Phạm Hải Y rất nghịch ngợm, có phần hơi hỗn, dù cháu đá bóng rất cừ. Nhiều người hỏi tôi sao không có cách nào xử lý trường hợp đó. Tôi ngẫm nghĩ đến câu chuyện của một thầy đồ Nghệ khi xưa. Trong lớp có 1 anh ăn cắp, người ta bảo ông thầy đuổi trò này đi. Nhưng ông thầy đã nói rằng: Các anh giỏi giang, các anh không học nơi này, sẽ học nơi khác. Còn tôi, nếu tôi không dạy người này, người này sẽ không biết chữ, không thể làm người…Giờ cháu đã vào đội tuyển quốc gia và thành danh lắm".

Học trò của ông gồm các em nữ từ lớp 4 trở lên. Cứ 2 giờ đến 6 rưỡi chiều hàng ngày, ông Kiểm mang bóng, lưới, cờ và nước ra sân và… đợi trò đến. Vì lịch học các em ngày càng dày hơn, nên có em vào sân tập luyện được chừng 30 phút, lại phải đến trường. Có những hôm đến sân tập, thấy có cô trò mặt nhợt nhạt, xanh ngắt, hỏi ra ông mới biết trò đói, nhà nghèo nên bữa trưa chưa có gì bỏ vào bụng. Thương trò, ông bỏ số tiền túi ít ỏi để mua đồ ăn cho các em.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất