| Hotline: 0983.970.780

Lập gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng

Thứ Tư 16/04/2014 , 09:13 (GMT+7)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cam kết "sẽ thành lập gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng trong thời gian tới", đồng thời thí điểm nhiều chính sách tín dụng khác.

* Ngân hàng Nhà nước cam kết gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng

Ngày 15/4, tại TP Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ NN-PTNT cùng các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức hội nghị “Về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị

Đây là hội nghị chuyên đề giữa Chính phủ và các địa phương có biển, có hoạt động nghề cá để cùng nhau bàn các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thủy sản nhằm nâng cao đời sống ngư dân, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

THỦY SẢN VEN BỜ SUY KIỆT

Theo số liệu mới nhất, hiện cả nước có 117.998 tàu cá tham gia khai thác thủy sản, sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn/năm. Cả nước có 3.750 tổ đội SX trên biển với khoảng 22.000 tàu cá tham gia/145 nghìn lao động và 50 nghiệp đoàn đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Nói về những khó khăn trong lĩnh vực thủy sản, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, tàu cá hiện nay hầu hết (99%) đóng từ vật liệu gỗ; 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ. Ngoài ra trên các tàu cá thì hệ thống trang thiết bị bảo quản thô sơ, do vậy tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao (từ 25-30%). Bên cạnh đó, trình độ ngư dân chưa qua đào tạo, số thuyền trưởng, máy trưởng mới được tập huấn 30%.

“Tàu cá công suất thấp nên chủ yếu khai thác ven bờ còn nhiều (chiếm 76%), trong khi đó nguồn lợi hải sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm, còn khai thác xa bờ cũng xấp xỉ ngưỡng khai thác bền vững theo dự báo. Không những thế, về tổ chức SX do thiếu chính sách hỗ trợ nên mức độ liên kết chưa thực sự chặt chẽ, ngư dân SX đơn lẻ, thiếu vốn, không được hỗ trợ kinh phí khi gặp nạn. Đặc biệt, cảng cá, khu neo đậu trú tránh bão cho tàu cá một thời gian sử dụng đã xuống cấp, thế nhưng thiếu kinh phí nâng cấp, sửa chữa”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; nguồn nước phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi phục vụ cho SXNN khiến môi trường nuôi không đảm bảo, phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, vấn đề con giống ở các địa phương còn hạn chế, đơn cử như tôm giống SX ra chất lượng chưa đảm bảo hoặc giống cá tra thì cá bố mẹ không được thay thế nên chất lượng không cao.

Liên quan đến những tồn tại của ngành thủy sản, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay: Quảng Ninh là tỉnh có lợi thế về nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên đang còn gặp khó khăn về nguồn giống, trên địa bàn tỉnh giống thủy sản rất hiếm. “Riêng lĩnh vực khai thác đánh bắt thì ngư dân Quảng Ninh chủ yếu đánh bắt gần bờ. Còn đánh bắt xa bờ dịch vụ hậu cần kém, do đó sản lượng khai thác được đội tàu hậu cần các nước bạn thu mua hết dẫn đến các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn xây dựng lên thiếu nguyên liệu chế biến”, ông Hậu tâm sự.

Bình Định là tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ thuộc tốp đầu cả nước, hiện nay ngư dân đánh bắt sản lượng cá ngừ tương đối lớn. Giải quyết đầu ra cho bà con ngư dân, lãnh đạo Bình Định đã nhiều lần tìm kiếm thị trường nước ngoài. “Nhật Bản có nhu cầu về nhập cá ngừ, khi chúng tôi đưa cá sang kiểm định chất lượng thì không đạt. Bởi quá trình đánh bắt ngư dân Bình Định chưa có phương tiện để bảo quản tốt, do đó không đáp ứng được yêu cầu đối tác đề ra”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ.

NGƯ DÂN SẼ ĐƯỢC VAY VỐN ƯU ĐÃI

Để nâng cao hiệu quả kinh tế biển, gồm cả khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, Bộ NN-PTNT và các địa phương kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác trên các vùng biển xa; hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển; hỗ trợ việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong thủy sản. Đặc biệt ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương vay không có lãi suất để đầu tư hạ tầng SX…


Thuyền của ngư dân đảo Lý Sơn chuẩn bị ra khơi đánh cá

Bên cạnh đó, Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi để tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả của một số chính sách về tín dụng để ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá; hỗ trợ trang thiết bị thông tin và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển…

“Cần gói tín dụng 3.000 tỷ đồng vay ngắn hạn phục vụ SX đối với ngư dân cho 28.000 tàu đánh bắt xa bờ với mức vay trung bình 200 triệu đồng/chuyến biển, thực hiện trong 10 năm. Đồng thời hỗ trợ bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên tàu cá; hỗ trợ đào tạo nhân lực nghề cá; xem xét miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên ngành khai thác để khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho khai thác và quản lý khai thác thủy sản”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị.

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ thành lập gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm chính sách tín dụng hỗ trợ các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và SX theo chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu”.

Chỉ đạo tại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Tốc độ phát triển ngành thủy sản 10 năm qua là khá mạnh, đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đời sống ngư dân tăng lên. Nước ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu cá tra, tôm.

Ngoài ra, tàu đánh bắt xa bờ tăng lên đáng kể, hiện mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt tàu đánh bắt ở ngư trường quần đảo Trường Sa, bà con ngư dân đã thành lập những tổ đoàn kết, nghiệp đoàn để yên tâm bám biển. Giờ bà con vươn khơi đã có hệ thống liên lạc với đất liền, những lúc gặp nạn thông báo về sẽ có lực lượng Hải quân, Biên phòng ứng cứu kịp thời.

Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện rà soát lại các chính sách không còn phù hợp, chính sách chưa sát, chưa đáp ứng với thực tế để bổ sung. Những nghị định, quyết định nào có vướng mắc thì sớm tháo gỡ và nghiên cứu ban hành những nghị định phù hợp với thực tiễn.

“Phải đưa khoa học công nghệ vào tăng năng suất, chất lượng. Ngoài ra, chúng ta mà không hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ thì ngư dân làm ra sản phẩm bán với giá thấp, do đó phải liên kết SX để nâng cao hiệu quả, bền vững hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về chính sách vay vốn cho ngư dân vươn khơi bám biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Việc người dân đóng tàu công suất lớn, cải hoán đánh bắt xa bờ; tàu hậu cận cho nghề cá; nuôi trồng thủy sản… sẽ áp dụng vay 5%/năm, thời hạn cho vay 10 năm. Ngoài nguồn hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương cần hỗ trợ thêm cho ngư dân để làm sao mức vay của ngư dân chỉ còn khoảng 3 - 4% là tốt nhất”.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất