| Hotline: 0983.970.780

Lập làng thủy sản nước ngọt

Thứ Năm 21/11/2013 , 10:20 (GMT+7)

Việc chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản trên diện rộng ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang được tiến hành từ năm 2004.

Việc chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản trên diện rộng ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang được tiến hành từ năm 2004. Tuy nhiên chỉ chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả và vùng đó phải được quy hoạch. Điều đó thực sự mang lại hiệu quả kinh tế vượt bậc so với trồng lúa.

Đảng viên đi trước

Ông Trần Xuân Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Châu và ông Lê Văn Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã An Dương là một trong những người đi đầu. Theo tính toán của các ông thì trồng lúa những năm 2004 đã kịch trần năng suất rồi. Mặc dù lúa năm nào cũng được mùa nhưng đời sống vẫn chật vật.

Theo như lời ông Luyện thì đồng lương công chức không đủ để trang trải cuộc sống. “Mình còn có đồng lương chứ hàng ngàn hộ nông dân khác họ không biết bấu víu vào đâu ngoài hạt lúa, trong khi chi phí cho cuộc sống ngày càng nhiều”, ông Luyện cho hay.

Từ suy nghĩ đó, ông Luyện chỉ để 3 sào ruộng cấy lấy thóc ăn quanh năm, 5 sào còn lại chuyển sang nuôi cá nước ngọt. Một phép tính mà ông Luyện thực hiện chẳng cần đến giấy bút nhưng khi nói ra thì cả cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Tân Yên đi cùng chúng tôi cũng thừa nhận là đúng thế thật.

Cách mà ông Luyện làm là dưới ao nuôi cá, trên bờ nuôi lợn. Đàn lợn của gia đình ông chỉ duy trì 20 con. Mỗi năm ông cho xuất chuồng 4 lứa, mỗi lứa được 2 tấn thịt lợn hơi. Với giá hiện tại, gia đình ông cũng thu gần 300 triệu đ/năm từ lợn.

Riêng đàn cá dưới ao, mỗi năm gia đình ông cũng thu 2 lứa, mỗi lứa được 2 tấn. Nếu bán với giá bình quân 30.000 đ/kg thì cũng được 120 triệu đồng. Hơn 400 triệu là số tiền mà gia đình ông Luyện thu được trong 1 năm SX. Con số đó, nếu làm lúa thì thu được 12 triệu đ/2 vụ.

So sánh giữa làm lúa và nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi lợn, ông Luyện cho hay: “Làm cái gì thì cũng có được, có mất. Nhưng có một sự thật là trong 1 năm, nuôi 4 lứa lợn và 2 lứa cá thì không phải lứa nào cũng mất cả, như thế là được rồi".

Từ lợi nhuận của nuôi cá, nhiều hộ đã trở nên giàu có, nhà cửa xây dựng khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Vợ chồng anh Thân Văn Việt ở thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu là một điển hình. Nhà anh ở đối diện với cánh đồng lúa của xã. Để có được ao cá rộng 1,5 mẫu đất, anh đã đổi ruộng của mình cho những gia đình khác để dồn ruộng về gần nhà.


Anh Thân Văn Việt bên ao cá

Với quyết tâm không để đói nghèo mãi, anh Việt bàn với vợ vay vốn đào ao, làm bê tông bờ ao một cách kiên cố. Lứa cá đầu tiên coi như là bước thử nghiệm nên không nghĩ gì đến lỗ lãi. Sau một vài năm, thấy đàn cá thực sự là nguồn thu chủ lực của gia đình, anh tiếp tục bàn với vợ nuôi lợn trên bờ, nuôi cá dưới nước. “Cách làm đó đã góp phần giúp cho gia đình có doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng”, anh Việt chia sẻ.

Từ cuộc sống khó khăn, anh đã vực dậy để trở nên giàu có. Căn nhà vừa xây dựng gần 800 triệu đồng ở làng quê Ngọc Châu chính là từ lợi nhuận nuôi cá mà vợ chồng anh tích cóp được.

Lập làng thủy sản

Xã Ngọc Châu có 98 ha NTTS, trong đó 70 ha đất lúa được người dân chuyển sang đào ao nuôi cá. Theo ông Trần Xuân Đỉnh, Chủ tịch UBND xã thì nguồn lợi từ NTTS hàng năm của người dân là rất lớn. Bình quân mỗi năm doanh thu từ thủy sản của toàn xã đạt trên 61 tỷ đồng. “Con số đó chắc chắn sẽ không thể có nếu như làm lúa. So với trồng lúa thì hiệu quả sau chuyển đổi cao gấp 8 lần”, ông Đỉnh khẳng định.

"Mong ước của chúng tôi là xây dựng thành một làng thủy sản có sản phẩm thương hiệu trên thị trường. Phải làm được các phân khu tập trung như thế thì người dân vừa gắn bó với làng, vừa mạnh dạn đầu tư, phát huy hiệu quả và điều tiết được thị trường”, ông Dương tin tưởng.

Được biết, tháng 8/2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên đã nghe UBND huyện trình bày đề án thí điểm xây dựng làng thủy sản ở Ngọc Châu. Theo đề án này, Ngọc Châu sẽ được quy hoạch 49,3 ha làm hạ tầng phục vụ phát triển NTTS.

Trong đó dành 2,06 ha khu dân cư; 1,8 ha chăn nuôi tập trung; 32,7 ha nuôi cá; 0,9 ha nhà văn hóa; 1,6 ha đất thương mại; 6,18 ha hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Dự kiến sẽ có 60 hộ dân tham gia vào làng thủy sản.

Theo ông Lê Ánh Dương, Bí thư Huyện ủy Tân Yên thì có rất nhiều người dân muốn mở rộng diện tích NTTS song cái khó của cả cấp ủy, chính quyền là do quy định giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, đó không có nghĩa là cứng nhắc trong việc phân vùng SX để phát huy giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Quan điểm của ông Dương là cần chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang canh tác loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn.

"Việc thí điểm xây dựng làng thủy sản sẽ gặp một số khó khăn, nhưng từ thực tiễn đặt ra nên chúng tôi vẫn quyết tâm làm thí điểm trong phạm vi hẹp để rút kinh nghiệm. Tôi tin mô hình thí điểm này sẽ thành công bởi nơi đây có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển thủy sản hơn trồng lúa”, ông Dương quả quyết.

Thực tế, nhiều năm nay ở Tân Yên, người dân cũng đã chủ động với việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn, vải và NTTS có hiệu quả kinh tế cao gấp 8 - 10 lần so với trồng lúa. Việc thí điểm xây dựng làng thủy sản sẽ khắc phục được nhiều hạn chế trong đầu tư làm ăn của nông dân.

Mặc dù Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tân Yên đặt ra đến năm 2015 sẽ có 1.000 ha mặt nước NTTS nhưng tại thời điểm này đã vượt 56 ha. Riêng xã Ngọc Châu, lượng thủy sản chiếm 1/3 toàn huyện.

Không chỉ Ngọc Châu mà nhiều xã như Liên Chung, Việt Lập, An Dương, Quế Nham, Ngọc Vân đều có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế thủy sản. Nếu mô hình thí điểm làng thủy sản Ngọc Châu thành công sẽ là bước đi đột phá, mở ra cú hích cho các xã khác mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất