| Hotline: 0983.970.780

Lấy tiền từ tay vợ khó quá chị ơi

Thứ Tư 02/04/2014 , 10:41 (GMT+7)

Tôi không chữa được bệnh cho vợ mình. Cô ấy cũng trung niên, đã thành cố tật.

Chị kính mến!

Tôi là một công chức khá nhàn rỗi, đa số công chức lương thấp bây giờ đều như thế mà chị. Tôi thích lướt Internet nhưng không mê game. Tôi cũng thích những chuyên mục gỡ rối, trong đó có chuyên mục của chị.

Chắc chị cũng đoán biết tôi không còn trẻ nữa qua cách xưng hô, đúng thế không? Vâng tôi đã ngoài năm mươi, con cái đủ đôi và cũng đã trưởng thành. Không bao lâu nữa tôi cũng “về vườn” dù nhà không có tí đất nào cả.

Chị ạ, tôi là người Nam tiến bằng con đường binh nghiệp, chấm dứt nghĩa vụ quốc tế thì ra quân và ở lại. Vợ tôi là một người miền Nam, nếu tôi nhớ không nhầm thì chị cũng là người miền Tây, đúng không chị?

Một quân nhân giải ngũ, là trai Bắc nên tôi căn cơ có thừa. Tôi biết rõ ưu điểm và nhược điểm của mình. Thời thơ ấu gian khổ thiếu thốn, đi nghĩa vụ quân sự và chiến tranh biên giới, tôi vừa có phẩm chất của người nông dân vừa có sự tháo vát, kiên định của người lính.

Từ khi lấy vợ, nuôi lần lượt hai con nhỏ, một tay tôi sửa sang từ cái cửa, cây đinh, ống nước, đoạn dây điện… Tôi làm không phải vì bản tính siêng năng mà còn vì tiết kiệm. Tiết kiệm là quốc sách, bây giờ người ta quên nhưng tôi thì tôi không quên, tiết kiệm bao giờ cũng cao quý. Tôi phải tiết kiệm là vì gia tộc tôi ở xa, bố mẹ già, mồ mả tổ tiên mỗi năm đều phải đi về hoặc đóng góp.

Chị có nghĩ là tôi sắp kêu rằng vợ tôi hoang phí, theo quy luật bù trừ không? Ngược lại chị ạ, là người miền Nam cô ấy không phóng khoáng như người ta tổng kết về tính cách người miền trong này đâu.

Nhiều lúc tôi còn phải ngạc nhiên, cô ấy tiết kiệm còn hơn cả tôi nữa. Tiết kiệm đến mức đong đo, tính toán, lúc nào cũng có bài toán trong đầu dù cô ấy đi làm không phải nghề kế toán.

Nhất là trong chuyện đối xử với nhà chồng. Tôi thu xếp gia đình theo mẫu cũ, chồng vợ chung một túi tiền, vợ là thủ quỹ, nhưng lấy tiền từ tay vợ quá khó chị ơi. Không phải cô ấy ki kẹt để tiêu riêng gì đâu. Như cái khăn bông cũng phải tàn cái vòng đời của nó thì làm giẻ lau cũng không đáng nữa. Như cái tấm ga, cái áo gối hay mọi thứ…

Có khi nào vợ tôi bệnh tâm lý trong chi xài không chị? Cái bếp là vương quốc của cô ấy thì ôi thôi, không có thứ gì là vứt đi, đến mức các con tôi chúng đều muốn xa lánh.

Tôi không chữa được bệnh cho vợ mình. Cô ấy cũng trung niên, đã thành cố tật. Nhưng tôi muốn nghe chị lý giải và may ra, tôi tìm được khe hở để tôi chen vào, điều chỉnh vợ cho cuộc sống của tôi thông thoáng. Thực sự tôi thấy tuổi già của chúng tôi sẽ rối rắm, bức bối vì vợ tôi không giống ai chị ạ.

Chị giữ kín email hộ tôi.

--------------------

Bạn thân mến!

Tôi không những nghĩ bạn là người viết thư hay, đứng tuổi mà còn là người kỹ tính và rất sâu sắc. Một người đàn ông như bạn, tôi hình dung được. Căn cơ là thuộc tính do đặc điểm địa lý, vùng miền.

Phẩm chất quân nhân cộng vào, tôi nhớ những người lính buộc phải “viễn chinh” mà xưa ta gọi là làm nghĩa vụ quốc tế: Trong ba lô bao giờ cũng có hạt rau, chọn điểm xong, hạ trại là đào luống, dựng nhà vệ sinh, tích nước tiểu để trồng lấy rau ăn. Vậy đó, khi người lính trở về thành người đàn ông trong nhà, họ vừa giỏi và vừa hay nữa.

Nhưng người như bạn mà phải kêu vợ bạn là ki kẹt thì chắc cô ấy cũng thuộc loại “hiếm quý” của Nam bộ rồi. Tôi cũng có vài nguyên mẫu như vậy trong quá trình quan sát thực tế của người viết văn.

Một người thì không quen thay khăn tay ở chỗ la-va-bô mỗi tuần hay mỗi khi có khách. Một người thì cục xà phòng rửa tay cũng cắt làm đôi ra chứ không để nguyên mà xài. Một người thì có nguyên một mặt tiền nhà để cho thuê nhưng cái khay trà trong phòng khách của mình thì lôm côm đủ thứ loại ly cốc từ đời nảo đời nào mỗi thứ một kiểu như một đội quân lê dương vậy.

Một người thì tủ lạnh không bao giờ dọn, các cháu đến nhà không dám mở ra vì nó hôi hám mùi lưu cữu của bao nhiêu là đồ ăn thừa. Một người thì già mà vẫn ham làm tổ dân phố để tích cóp ít tiền nữa dù người đó có mấy căn nhà cho thuê. Vân vân và vân vân.

Ở đâu cũng có người này người khác. Tôi từng quen nhiều người miền ngoài hào phóng, dễ chịu lắm. Ngược lại, như đã nói, trong gia tộc, bạn bè, lối phố của tôi cũng không ít người miền Nam nói chung và miền Tây nói riêng ki bo, hà tiện, không biết sĩ diện là gì.

Làm sao điều chỉnh vợ của bạn thành người vợ lý tưởng được? Không chừng cô ấy bênh hoạn về mặt chi li tiêu xài rồi đó. Chỉ hy vọng là bạn kiếm được thêm tiền rồi dành riêng cho việc của họ mạc mình ngoài Bắc. Hơi muộn chăng trong việc tích lũy riêng để phòng cho việc trọng bên nhà mình? Đúng là sẽ rất khó chịu khi vợ mình quá khó khăn mỗi lần mình lấy tiền ra để đối ngoại, và xử thế.

Tôi thấy nhiều ông chồng tự xắn tay lên dọn nhà, dẹp bếp, nấu ăn vì vợ quá luộm thuộm và vụng tính. Bạn sẽ “về vườn” như bạn nói, rồi sẽ nhiều thời gian mà sức trai vẫn còn, chất lính hằn nguyên, bạn hãy chuẩn bị là mình sẽ là nội tướng luôn đi. Vợ hoang phí dễ điều chỉnh hơn vợ ki cẳn, họ cho là họ không có lỗi, vì vậy mà nói cũng không nghe, góp cũng không sửa.

An tâm tự an ủi rằng, cô ta không phá của, không tiêu hoang, không lâm nợ, không làm khổ chồng và con là tạm được rồi. Chỉ dám mong như vậy và cũng chỉ có thể khuyên như vậy.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất