| Hotline: 0983.970.780

Lẽ ra không tốn nhiều chỉ thị, nghị quyết

Thứ Ba 23/05/2017 , 14:05 (GMT+7)

Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, nghị định, nghị quyết trong đó có nội hàm việc chỉ thanh tra doanh nghiệp 1 lần/năm nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển nhưng thực tế nó đã không xảy ra như vậy.

Ngày 17/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 20 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Chỉ thị nêu rõ: Không để xảy ra tình trạng kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm. “Trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì thống nhất phương án xử lý đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán”, chỉ thị nêu rõ.

17-46-30_ttg-trong-ln-doi-thoi-voi-cong-nhn-mien-trung
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc đối thoại với công nhân lao động miền Trung

Vấn đề đặt ra ở đây là nếu phép nước nghiêm minh, việc tuân thủ pháp luật được thực thi đảm bảo thì Chính phủ sẽ không phải ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, chỉ thị có nội dung “thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm”.
 

Vì sao lâu vậy?

Cách đây gần 20 năm, tại Điều 3 Nghị định 61 ngày 15/8/1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ký nêu rõ: Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá 1 lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường).

Tại Điều 2 của Nghị định này viết: Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp.

3 năm sau đó, ngày 11/9/2001, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 22 về chấn chỉnh công tác thanh tra tra, kiểm tra doanh nghiệp. Chỉ thị này nhấn mạnh: Loại bỏ sự trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra ngay từ khâu xây dựng chương trình, kế hoạch. Việc thanh tra, kiểm tra không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường).

18 năm sau, tại Mục 5 Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm.

Vậy là sau 1 năm triển khai Nghị quyết 35 và gần 20 năm thực thi Nghị định 61 của Chính phủ, hôm 17/5 vừa qua, Thủ tướng lại phải ban hành thêm một chỉ thị với nội dung tương tự. Nghĩa là ròng rà gần 20 năm qua, một vấn đề có tính nguyên tắc vì sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của doanh nghiệp nhưng chúng ta thực thi không nghiêm túc. Nói như một số doanh nhân tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp hôm 17/5 rằng, nhiều cán bộ nhà nước chỉ giỏi hạnh họe doanh nghiệp mà thôi.
 

Doanh nghiệp lên tiếng

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, hiện nay việc thanh tra, kiểm tra DN chưa có dấu hiệu giảm bớt. Còn ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, một số cán bộ vẫn thích “hành”, thích “quản lý” doanh nghiệp, không coi trọng ý thức phục vụ doanh nghiệp như Thủ tướng đã nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất. Điều này thể hiện ở sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Theo ông Thân, chính vì sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến nếu doanh nghiệp muốn được việc thì phải “chung chi” theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”, đây là vấn đề tương đối phổ biến.

Còn nhớ vào khoảng năm 2015, lãnh đạo một doanh nghiệp ở miền Trung báo cáo rằng, doanh nghiệp này từng phải tiếp 43 đoàn thanh tra, kiểm tra (bình quân 3,6 đoàn thanh tra/tháng) trong 1 năm. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thốt lên rằng, thanh tra, kiểm tra như thế thì doanh nghiệp còn đâu thời gian mà làm ăn nữa, trong khi đó doanh nghiệp này đóng thuế cho tỉnh nhiều nhất, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn người dân trong tỉnh.

Mới đây nhất (hôm 16/4), Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo UBND tỉnh về việc thi hành kỷ luật một số cán bộ thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa do có hành vi vòi tiền doanh nghiệp. Cụ thể, đầu năm 2017, đoàn kiểm tra của Chi cục do bà Nguyễn Thị Vy, Chi cục phó làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Cty TNHH MS Vina (chuyên sản xuất hàng may mặc) đóng tại huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).

Sau khi kiểm tra, ông Long lái xe của Chi cục đã nhắn tin điện thoại cho ông Mai Đình Tiến (phiên dịch của công ty này) với nội dung phải đưa cho đoàn 6 triệu đồng, nếu không sẽ đưa mẫu vào phân tích, kiểm tra và phạt nặng. Kết quả bà Vy, Chi cục phó (Trưởng đoàn thanh tra) bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm; còn ông lái xe bị “giáng chức” xuống làm nhân viên bảo vệ.

Rõ ràng là, việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nhà nước hạnh họe và vòi tiền doanh nghiệp như vậy thì liệu còn cần đến bao nhiêu nghị định, nghị quyết và chỉ thị nữa mới đủ sức răn đe?

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, để khắc phục hiện tượng này phải xuất phát từ cả hai phía là cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải tạo thói quen ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, với sứ mệnh phát triển SXKD làm giàu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động tăng cường năng lực quản trị, chung tay cùng với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.