| Hotline: 0983.970.780

Lebanon chật vật đối phó rác thải ngập bãi biển

Thứ Sáu 13/04/2018 , 11:05 (GMT+7)

Lebanon loay hoay xử lý khủng hoảng rác thải từ năm 2015. Ba năm qua, những gì người ta nhìn thấy ở bờ biển nước này vẫn là rác và rác.

Rác tràn ngập

Sophia Smith Galer, phóng viên của BBC có chuyến thăm bờ biển Lebanon, bên bờ Địa Trung Hải hồi cuối tháng 3. Cô kể lại, những gì được nhìn thấy, ngửi thấy ở bờ biển là… rác.

16-30-20_1
Công nhân dọn dẹp rác thải ở thị trấn ven biển Zouk Mosbeh, Lebanon. Ảnh: Getty.

“Tôi đứng cách bờ Địa Trung Hải khoảng 5m, bên phải, ông khói nhà máy điện Zouk Mosbeh phụt từng đợt khói màu xám lên bầu trời. Sau lưng tôi là các tòa tháp ở thung lũng Jounieh, một đô thị đầy rẫy khách sạn và điểm giải trí bên ngoài thủ đô Beirut. Bên trái tôi là hàng loạt khu nghỉ dưỡng. Nhưng mọi thứ có thể ngửi thấy, nhìn thấy xung quanh, chỉ là rác”, Galer viết.

Trước khi Galer đặt chân lên bãi biển này, nó đã được làm sạch 16 lần. Một tuần trước khi cô tới đây cùng Joslin Kehdy, nhà sáng lập Quỹ rác thải Lebanon, bãi biển cũng đã được dọn dẹp một lần. Song dường như rác thải là thứ vô tận tại đây. Nhựa, túi nilon, không phải là thứ ít thấy ở vô vàn bãi biển trên thế giới, nhưng điều khác biệt ở Lebanon là rác thải được xả trực tiếp xuống biển và thảm họa rác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái bờ biển, sức khỏe cộng đồng.

Năm 2015, Lebanon “ngập chìm” trong rác, khi một bãi chôn rác bị đóng cửa, chính phủ không chuẩn bị kế hoạch dự phòng. Rác mới đổ và rác đang phân hủy tràn ngập đường phố. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khi đó gọi đây là “cuộc khủng hoảng sức khỏe mang tầm quốc gia”.

Tuy nhiên, điều này lại khiến các tổ chức bảo vệ môi trường tìm ra giải pháp đáng ngạc nhiên và cần thiết khi đối mặt với tình trạng phản ứng chậm chạp từ chính quyền. Họ đã chứng minh rằng một đất nước chỉ có diện tích rộng bằng bang Connecticut, Mỹ (14.357 km2), có thể trở thành một trong những sân chơi hoàn hảo cho các sáng kiến bảo vệ môi trường.

16-30-20_4
“Sông rác” bao vây một con đường ở thủ đô Beirut, Lebanon, năm 2015. Ảnh: Getty.

Joslin Kehdy, nhà sáng lập Quỹ rác thải Lebanon, cho biết bà và các nhà hoạt động khác tin rằng hệ thống xử lý rác thải tập trung của nước này rất thiếu hụt khả năng phân loại. Trong khi đó, Lebanon bị xếp thứ 143 trên 175 đất nước có tình trạng tham nhũng tệ hại nhất, theo thống kê của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (NTI). Khi thảm họa rác bắt đầu xảy ra, nó khơi mào cho một phong trào dân sự, nhiều người biểu tình mang băng rôn phản đối việc chính phủ phản ứng kém cỏi trước sự việc.

Phong trào này dẫn đến sự thành lập một đảng phái chính trị mới mang tên Beirut Madinati, và Liên minh Quản lý Rác thải, những đơn vị đang thực hiện chiến dịch phản đối đề xuất của chính phủ về việc mua lò đốt rác.
 

Giải pháp

“Vấn đề là các lò đốt không phù hợp với những loại rác thải của chúng tôi. Khoảng 70% rác thải ở Lebanon là dạng hữu cơ. Nó quá ẩm ướt để cho vào lò đốt. Thứ hai là giống như hầu hết các biện pháp xử lý rác thải, việc đốt cũng cần quá trình phân loại nghiêm ngặt”, Kehdy nói.

16-30-20_3
Người tị nạn Syria làm việc trong một xưởng tái chế rác ở Lebanon. Ảnh: BBC.

Khoảng 2.000 người dân đã tham gia chương trình làm sạch bãi biển cùng Quỹ Rác thải Lebanon. Đối với họ, không có loại rác nào vô dụng, thậm chí mặt nạ đồ chơi mà mọi người thích dùng, cũng có thể tái chế. “Chúng tôi lập ra những khu vực không rác thải, dọn dẹp, và cung cấp cho mọi người kiến thức về các loại rác, quá trình xử lý nó, nơi tái chế và hướng dẫn mọi người về cách thay đổi những sản phẩm mà họ đang sử dụng”, Kehdy cho biết.

Tình hình được cải thiện đáng kể sau ba năm qua. Thói quen của người dân dần thay đổi. Đơn cử như các ly cà phê ở Lebanon, vốn được ví là “quá nhanh, quá nguy hiểm”, bởi người dân thường dùng ly nhựa, uống xong là vứt. Ly biến thành rác, ném thẳng ra bãi biển. Trong khi ở phương Tây, có nhiều cuộc trò chuyện, giáo dục ý thức cộng đồng về xử lý và tái chế đồ nhựa.

Người Lebanon có ý thức hơn khi được Kehdy và cộng sự giải thích, kêu gọi cùng tham gia dọn rác, phân loại. Một số loại rác khác mà nhóm của Kehdy không thể xử lý, như rác thải y tế, quần áo, thủy tinh, được gửi tới Tổ chức Môi trường Cedar. Đơn vị này xây dựng các cơ sở tái chế nguyên liệu từ rác thải trên khắp Lebanon. Họ cũng có lắp đặt các thùng rác đựng thủy tinh phế thải tại thị trấn Sarafand, miền nam Lebanon, nơi những người thợ thổi thủy tinh gắn bó với nghề này từ thời nền văn minh Phoenician (1550 TCN tới năm 300 TCN).

16-30-20_2
Nghề thổi thủy tinh truyền thống từ thời nền văn minh Phonecian. Ảnh: BBC.

Doanh nghiệp cũng tham gia xử lý rác, đó là công ty Tái chế Beirut, họ sẽ đến từng gia đình khi được gọi điện tới đề nghị. Rác được mang về xưởng, phân loại, tái chế. Tiền bán nguyên liệu tái chế đủ duy trì hoạt động, trả lương công nhân, là các lao động người Syria tị nạn tới Lebanon. “Hầu hết công nhân của chung tôi là dân tị nạn Syria và Palestine. Họ không cảm thấy vấn đề gì khi làm trong ngành công nghiệp này”, Sam Kazak, chủ công ty Tái chế Beirut, cho biết.  Tiến sĩ hóa học Najat Saliba, thuộc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên, Đại học Mỹ ở Beirut, người khởi xướng hành động không khói thuốc lá trong khuôn viên trường này, cho biết bà tin rằng môi trường có thể được cải thiện, ngay từ việc nhỏ như không hút thuốc lá.

“Có người bảo tôi là kẻ mộng mơ. Nhưng tôi mơ về đất nước thiên đường với không khí trong lành nhờ xử lý tốt rác thải. Tôi tin đất nước tôi sẽ đổi thay”, Saliba nói. Ba năm qua, ngôi trường nơi bà làm việc không có khói thuốc lá, thùng rác cũng được đặt ở nhiều nơi trong trường.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.