| Hotline: 0983.970.780

Lem nhem KCN Xuyên Á

Thứ Sáu 08/03/2013 , 10:45 (GMT+7)

KCN bỏ hoang là vấn đề cũ, rất cũ. Nhưng, nỗi bức xúc của người nông dân khi nhìn "bờ xôi ruộng mật" của mình trơ gan cùng tuế nguyệt thì luôn mới, luôn đau đớn. Có giải pháp gì không? Câu hỏi cũng đã được đặt ra nhiều lần nhưng xem chừng câu trả lời thì vẫn còn ở nơi đâu xa lắm!

KCN bỏ hoang là vấn đề cũ, rất cũ. Nhưng, nỗi bức xúc của người nông dân khi nhìn "bờ xôi ruộng mật" của mình trơ gan cùng tuế nguyệt thì luôn mới, luôn đau đớn. Có giải pháp gì không? Câu hỏi cũng đã được đặt ra nhiều lần nhưng xem chừng câu trả lời thì vẫn còn ở nơi đâu xa lắm! 

Lem nhem KCN Xuyên Á

Vào đầu tháng 3, chúng tôi về xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tại đây có Khu công nghiệp (KCN) mang tên Xuyên Á, trùng với tên con đường Xuyên Á từ TP HCM đi Phnom Penh (Campuchia).

Ra đời cách đây 12 năm với tổng diện tích quy hoạch lên đến 400 ha đất nông nghiệp trồng lúa, bàng cói. Lúc mới xuất hiện, nó được xem là KCN “kiểu mẫu” đầu tiên của Long An do ông Đại Miên Huê, một Việt kiều Mỹ, TGĐ Cty CP Ngọc Phong làm chủ đầu tư. Đến nay, những tưởng đây là 1 KCN hoành tráng nhưng sự thật không phải vậy.

300 HA ĐẤT TRƠ GAN CÙNG TUẾ NGUYỆT

Nhờ sự hướng dẫn của anh Nguyễn Văn Tuấn (UBND xã Mỹ Hạnh Bắc), chúng tôi trực tiếp thị sát KCN mới té ngửa ở đây đang làm ăn quá bầy hầy. Tại một ngã ba con lộ trước khi vào KCN với tấm biển “KCN Xuyên Á” to đùng là mấy tiệm tạp hóa nhếch nhác, trong đó có 1 sòng bài tiến lên với khoảng chục người khum lưng đứng quanh để xem.

Bà Nguyễn Thị Nhe (ấp Tràm Lạc) cho biết, từ hôm KCN Xuyên Á lấy 400 ha đất của ấp này thì sinh ra cả một đội quân thất nghiệp, già trẻ, gái trai hàng trăm lao động không biết làm gì để sống.

“Vùng này đặc biệt là trồng cây bàng cói “đặc sản” nên kinh tế khá lắm. Cứ 1 ha bàng trong 6 tháng bán ra cũng có thu nhập 100 triệu đồng trở lên. Còn nay “ông” KCN lấy hết, họ xây dựng bờ tường bảo vệ dài hàng cây số, bên trong có làm nham nhở, da beo, dân tụi tui cũng không “leo” vào kiểm tra được!”, bà Nhe bức xúc.

Quả thật, nào ai biết đã 12 năm rồi mà bên trong KCN dù đã xây dựng đủ thứ đường, từ đường chính, đường ngang, đường chéo đặt số thứ tự hẳn hoi, nhưng xem ra còn rất ngổn ngang, hai bên đường vào KCN hầu hết là đất bỏ hoang. Chỉ tay vào một công trình đang xây dựng nằm bên trong KCN, ông Vũ Nguyên Thảo, một cư dân địa phương nói oang oang: “Đất trồng bàng trước đây đó, họ đền bù 1 ha có 25 triệu đồng, trong khi bán lại 1 nền tái định cư cho dân trong vùng quy hoạch giá 96 triệu đồng, tức nông dân phải bán 4 ha bàng mới đủ mua 1 cái nền đất. Tuy nhiên, cái đó cũng chưa thấm tháp gì đâu khi hiện nay họ bán lại cho các DN ở TP.HCM 1 ha đến 7 tỉ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy, “ăn đậm” chưa?”.

Theo số liệu mới nhất của chúng tôi, đến nay tại KCN Xuyên Á thu hút khoảng 80 DN trong các lĩnh vực chế tạo lắp ráp cơ khí, điện tử, công nghiệp SX hàng tiêu dùng, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt nhuộm và công nghiệp giấy. Nếu tính 1 DN thuê 1 ha đất, tức chỉ có 80 ha được san lấp mặt bằng, cộng thêm 20 ha làm hạ tầng đường sá thì cũng chỉ có 100 ha chính thức đưa vào KCN, còn lại 300 ha là bỏ hoang. Với diện tích khủng “trơ gan cùng tuế nguyệt” này, mỗi năm nông dân thất thu số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.

DÂN QUYẾT GIỮ ĐẤT ĐẾN CÙNG

Thế nhưng, nhờ vào việc tạo vỏ bọc KCN bên ngoài chắc chắn hoành tráng, xây dựng bờ rào, bờ bao bài bản kiểu “nội bất xuất ngoại bất nhập” nên có biết vẫn khó mà xử lý. Thế nên, một hình ảnh khá khôi hài là bên ngoài KCN có bảo vệ gác cổng hẳn hoi nhưng bên trong lại có một vài hộ dân còn “bám trụ” sinh sống do không chịu bàn giao đất cho KCN.

Đây có lẽ là hình ảnh hiếm có nhất từ trước đến nay đối với các KCN trong cả nước.

Điển hình là vợ chồng bà Trần Lê Chang, một cư dân của ấp Tràm Lạc, có 4 ha đất lúa bị thu hồi đã được san bằng, nhưng bà vẫn kiên quyết cất chòi bên cạnh giữ đất bằng được. “Trước đây họ đền bù tui 1 ha đất lúa có 80 triệu đồng (tức 8.000 đ/m2) sau khi san lấp họ bán đất cho DN đến KCN đầu tư 6-7 tỉ đồng/ha nên tui khiếu kiện mấy năm nay không ai giải quyết. Bây giờ tui đi làm thuê, nhất quyết không đi đâu hết, mấy ông bảo vệ ngoài KCN nhẵn mặt hết rồi, nhưng đố làm được gì tui nè!”, bà Chang nói vẻ thách thức.


Đất trồng bàng cói bỏ hoang chưa được san lấp từ hơn chục năm nay 
nằm chình ình trong KCN

Không chỉ dân kêu KCN nhếch nhác mà ngay các DN thuê KCN cũng kêu như vạc, bởi đến nay các hạng mục tối thiểu như trục đường, hệ thống cấp thoát nước của KCN Xuyên Á vẫn là... con số không.

"Chúng tôi cũng đã làm kiến nghị nhiều lần đề nghị huyện, tỉnh xem xét lại hiệu quả sử dụng đất thực hiện dự án KCN Xuyên Á của Cty CP Ngọc Phong để có hướng xử lý. Tuy nhiên, đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, tỉnh bảo việc này phải có ý kiến của Trung ương”, ông Trần Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Bắc.

“Nghe nói KCN có hệ thống thoát nước nhưng chúng tôi thấy toàn xả thẳng ra môi trường. Chưa kể, cứ mưa xuống khoảng 20 phút là cống thoát không kịp, nước ngập nhiều tuyến đường nên phương tiện vào ra nhà máy phải nằm chờ nước rút”, anh Khanh, GĐ một DN may mặc tại đây cho biết.

Điều đáng nói, dù đi vào hoạt động hơn chục năm, nhưng đến nay các DN ở KCN Xuyên Á vẫn chưa có nước sạch để dùng. Do đó, DN nào SX kinh doanh được thì mua nước đóng bình mỗi tháng mất vài chục triệu đồng, DN nào tiết kiệm thì khoan giếng, lóng phèn xài tạm.

“Dù lóng phèn nhưng nước để uống, nấu ăn vẫn phải mua rất tốn kém. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư là Cty Ngọc Phong nhưng đến nay vẫn không thấy tăm hơi gì”, ông Nguyễn Thanh Trí, GĐ DNTN A Đông Nguyên nói bức xúc.

Trong khi chụp ảnh văn phòng Cty CP Ngọc Phong (đường tỉnh 824, xã Mỹ Hạnh Bắc), PV NNVN đã bị bảo vệ DN này quyết liệt ngăn cản, thậm chí đòi hành hung. Tuy nhiên, sau khi nghe PV nói rằng, văn phòng Cty không hề có biển “cấm quay phim chụp hình”, đồng thời yêu cầu cùng nhau về Công an xã Mỹ Hạnh Bắc (cách hiện trường khoảng 5 km) để giải quyết thì bảo vệ Cty đã tự bỏ đi.

Điều mà các DN tại đây hết sức lo ngại nữa là do chưa có hệ thống cấp nước, trong khi KCN cũng không có hệ thống họng nước cứu hỏa nên nếu xảy ra hỏa hoạn thì không biết phải làm sao.

Chính vì KCN quá bầy hầy nên đến nay đã có 31 hộ nông dân viết đơn khởi kiện Cty Ngọc Phong xung quanh việc đền bù giải tỏa không công bằng, thiếu dân chủ, làm giả các hợp đồng chuyển nhượng và mua bán đất trong KCN trái pháp luật, gây ô nhiễm môi trường tại KCN…

Việc khởi kiện này đã được TAND huyện Đức Hòa ra thông báo thụ lý từ cuối năm 2012, nhiều trường hợp đã đóng án phí và hiện đang chờ tòa án địa phương giải quyết. Tuy nhiên, cái gốc vấn đề vẫn là đất đai, liệu chính quyền địa phương có đủ “can đảm” thu hồi lại hàng trăm ha đất đã giao cho Cty Ngọc Phong sử dụng không có hiệu quả nhằm trả về đúng giá trị thực của nó hay không? (còn nữa)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.