| Hotline: 0983.970.780

Lên Bát Mọt xem giảm nghèo

Thứ Hai 10/06/2013 , 11:45 (GMT+7)

Nếu so với dăm năm về trước, xã vùng cao biên giới Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) gần như khoác lên mình một màu áo mới...

Nếu so với dăm năm về trước, xã vùng cao biên giới Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) gần như khoác lên mình một màu áo mới với những con đường trải rộng thênh thang, điện lưới vào đến tận các thôn bản xa xôi...

Từ TP Thanh Hóa, ngược về Tây khoảng 120 km theo cung đường 45, sau một ngày đi dưới cái nóng của mùa hè oi ả trên chuyến xe khách cũ kĩ, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Bát Mọt.

Ở đây 100% đều là người Thái, diện tích tự nhiên toàn xã hơn 20,5 nghìn ha, nhưng chỉ có gần 4.000 người sinh sống men theo các sườn đồi, khe suối. Bát Mọt còn rất nhiều khó khăn. Những ngày ở đây chúng tôi càng thấm thía nỗi vất vả khó khăn thiếu thốn của đồng bào miền núi.

Ông Lang Văn Quý, Trưởng thôn Chiềng, kể lại: Nếu lên Bát Mọt vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước, người ta không thể tưởng tượng nổi cái đói ở chốn thâm sơn cùng cốc này. Cả xã có 9 bản, chừng vài trăm hộ dân, tất cả đều sống dựa vào nguồn trợ cấp của Chính phủ.


So với dăm năm về trước Bát Mọt nay đã có nhiều nhà cao tầng, đường sá rộng mở, điện lưới kéo vào tận hộ gia đình

Mỗi năm không tính được bao nhiêu chuyến hàng chở gạo cứu đói vào cho đồng bào Bát Mọt, nhưng đói vẫn hoàn đói. Đời sống người dân đều mang tính tự cung tự cấp, vì thế cái gì cũng thiếu thốn, chỉ duy nhất một thứ ở Bát Mọt ngày đó không thiếu là thuốc phiện, người ta dùng thuốc phiện để hút nhiều như hút… thuốc lào bây giờ. Vì vậy mà đến ngày nay, nhiều người vẫn còn mệnh danh cho Bát Mọt là xứ sở một thời của hoa anh túc.

“Trước kia, người Thái ở Bát Mọt khổ lắm, đàn ông thì uống rượu, hút thuốc, còn đàn bà thì nai lưng vất vả trên những đồi nương. Lũ trẻ chẳng biết mặt con chữ, suốt ngày mò mẫm trong rừng kiếm củ mài, săn con thú. Tối đến, màn đêm kéo theo giấc ngủ vùi giăng kín cả đại ngàn. Cuộc sống cứ thế trôi theo 2 khoảng thời gian sáng - tối”, ông Quý nhớ lại.

Nay đến Bát Mọt không còn hoa anh túc và thuốc phiện nữa, đường rộng thênh thang nối vào tận thôn. Cán bộ đi vận động bà con làm kinh tế chẳng phải cuốc bộ hàng cây số như trước kia. Điện lưới thắp sáng từng nóc nhà, học sinh có đủ ánh sáng để tìm con chữ...

Ông Lương Thanh Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Mọt, cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 75% (năm 2009) xuống còn trên 46% (bình quân mỗi năm giảm trên 10%). Bình quân thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/năm".

So với trước đây, con số này đã là một bước tiến đáng kể ở nơi thâm sơn cùng cốc này. Cả xã có 743 hộ dân, chỉ dựa vào hơn 318 ha đất lúa và trên 18 nghìn ha đất rừng cằn cỗi. Sự vươn lên của người Thái nơi đây thật đáng khích lệ.

Rời Bát Mọt về xuôi, cả đoàn không ai nói với nhau câu gì, hình ảnh lũ trẻ cứ ám ảnh chúng tôi. Hi vọng rằng, Bát Mọt sẽ sớm thoát nghèo, kịp thời chung tay cùng huyện Thường Xuân xây dựng NTM.

Ông Nguyễn cho biết thêm: “Ở trên này, nhà nào khá giả, làm lúa, làm ngô nhiều cũng chỉ đủ ăn qua ngày, những hộ khó khăn, ít đất sản xuất khi đến mùa giáp hạt vẫn dựa vào gạo cứu đói của Chính phủ. Bây giờ muốn giàu lên chỉ có trồng rừng, nhưng đến thời điểm này, đồng bào chỉ mới dừng lại ở việc cải tạo vườn tạp, khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, thu nhập chẳng đáng là bao, cho nên dù giảm tỷ lệ hộ nghèo nhưng dân vẫn còn khổ lắm”.

Được biết, thôn Chiềng là một trong những thôn khá giả nhất ở Bát Mọt nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tới trên 46%.

Ghé thăm gia đình anh Lang Văn Án, thôn Chiềng, hai vợ chồng cùng 5 đứa con tá túc trong túp lều xập xệ chừng 20 m2. Căn lều trống huơ trống hoác, vợ chồng anh Án đi rừng từ sáng tinh mơ, để lại 5 đứa trẻ tự trông coi lẫn nhau, đứa lớn nhất 13, đứa bé chỉ mới 2 tuổi. Nhìn lũ trẻ nheo nhóc, chúng tôi chỉ còn biết ngồi lặng thầm xót xa, không biết chiều nay bố mẹ có mang về thứ gì cho chúng ăn.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất