| Hotline: 0983.970.780

Lên "dây cót" thủy lợi Cửa Đạt

Thứ Ba 30/12/2014 , 08:13 (GMT+7)

Gần 3 năm qua hồ chứa nước Cửa Đạt được tập thể lãnh đạo, CNV Cty TNHH MTV sông Chu vận hành đảm bảo an toàn vào mùa mưa và chống hạn hiệu quả vào mùa khô.

Với tổng sức chứa 1,5 tỷ m3 nước, nhiều năm qua đại công trình hồ Cửa Đạt, xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã góp phần đắc lực cắt lũ hạ lưu sông Chu và phục vụ nước tưới tiêu cho hàng chục nghìn ha đất SXNN.

Năm 2010, hồ chứa nước Cửa Đạt được Bộ NN-PTNT bàn giao cho Trung tâm Quản lý thủy nông (BQL Đầu tư & xây dựng thủy lợi 3) quản lý, khai thác. Đầu năm 2012, sau khi Bộ bàn giao công trình cho UBND tỉnh Thanh Hóa thì đơn vị đảm nhận trọng trách quản lý, bảo vệ hồ là Cty TNHH MTV sông Chu.

Bằng kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm, tâm huyết, gần 3 năm qua hồ chứa nước Cửa Đạt được tập thể lãnh đạo, CNV Cty vận hành đảm bảo an toàn vào mùa mưa và chống hạn hiệu quả vào mùa khô.

Ông Lê Văn Thủy, GĐ Cty sông Chu cho biết, hiện tại phần đầu mối của hồ đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên kênh chính Bắc và kênh chính Nam đang trong giai đoạn thi công nên mới chỉ tưới được 54.000/86.500 ha. Việc cắt lũ sông Chu tương đối tốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê.

Nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt ổn định; phát điện đúng thiết kế với tổng doanh thu bình quân đạt 300 tỷ đồng/năm. Riêng nhiệm vụ đẩy mặn cho sông Chu, có thể nói hồ Cửa Đạt đã phát huy tối đa hiệu quả.

“Trước năm 2009 mặn dâng lên tới nhà máy nước xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa khiến nhà máy này không thể hoạt động nhưng mấy năm nay mặn đã được đẩy xuống hàng km, đảm bảo ổn định nguồn nước ngọt trên sông”, ông Thủy nói.

Trên hồ Cửa Đạt còn có thêm hồ chứa nước Hủa Na (Nghệ An) nên việc quản lý cụm công trình này mang tính chất đặc thù.

18-47-38_2

Hồ Cửa Đạt là công trình thủy lợi, thủy điện trọng điểm lớn nhất Thanh Hóa, có nhiệm vụ cắt giảm lũ sông Chu; phục vụ tưới tiêu cho 86.500 ha đất SXNN thuộc các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hoá, Quảng Xương, một phần diện tích huyện Cẩm Thuỷ và TP Thanh Hoá; cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 7.715 m3/s. Đồng thời, xả mặn cho sông Chu vào mùa kiệt và phát điện với công suất 97 MW.

“Chúng tôi phải “lên dây cót” cho anh em để họ chuyên tâm làm việc ở mức cao nhất. Đồng thời, ký quy chế phối hợp vận hành liên hồ chứa với Cty thủy điện Hủa Na, tránh tình trạng mùa mưa hồ Hủa Na xả quá lớn đe dọa hồ Cửa Đạt hoặc mùa kiệt không xả ảnh hưởng tới nhiệm vụ tưới”, ông Thủy nhấn mạnh.

Được biết, gần 3 năm qua Cty sông Chu đã chọn lọc 55 cán bộ kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm trực 24/24h kiểm tra, vận hành hồ và 3 đập phụ Hón Can, Dốc Cáy và Bản Chát.

Mùa mưa, Cty tích nước theo đúng quy trình, trường hợp nước trong hồ vượt quá thiết kế thì chủ động xả dàn trải, không xả đột ngột gây ngập lụt. Còn mùa kiệt, theo dõi sát sao dự báo thời tiết để vận hành theo hình thức tưới tiết kiệm.

Ông Lê Văn Thủy cũng cho biết thêm, Cty đặt nhiệm vụ thủy lợi là số 1 nên lợi ích nguồn nước được khai thác tối đa. “Trước đây đơn vị quản lý, vận hành tưới nhưng không phát điện nên nước không xuống được đồng ruộng, cũng có thời điểm phát điện khi bà con không cần nước tưới dẫn đến lãng phí nguồn nước.

Khi chúng tôi tiếp quản, vận hành công trình thì hạn chế này được khắc phục tuyệt đối. Bây giờ “phát điện phải phụ thuộc nước chứ không phải nước phụ thuộc phát điện” như trước nữa”, ông Thủy nói.

Ngoài các giải pháp quản lý, vận hành thủ công trên, Cty sông Chu còn giám sát công trình thông qua hơn chục chiếc camera lắp đặt tại khu vực hồ. Mỗi ngày cán bộ kỹ thuật có nhiệm vụ đo mực nước 3 lần, đồng thời, nhắn tin vào điện thoại của GĐ Cty và hệ thống email của đơn vị.

“Đã từng có một số chuyên gia quan ngại về tình trạng mất an toàn của hồ Cửa Đạt, nhưng sau gần 3 năm quản lý, vận hành tôi khẳng định hồ đảm bảo an toàn và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân”, ông Thủy nói.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất