| Hotline: 0983.970.780

Lên đỉnh núi Rồng

Thứ Tư 25/01/2012 , 10:15 (GMT+7)

Ngày 25/9/2010 cột cờ Lũng Cú cao 33,5 mét, điểm cực Bắc của Tổ quốc được khánh thành trên đỉnh núi Rồng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Một mốc son mới về điểm cực Bắc của Tổ quốc đánh dấu một chặng đường mới cuộc hành trình của dân tộc Việt Nam lên đỉnh núi Rồng.

Ngày 25/9/2010 cột cờ Lũng Cú cao 33,5 mét, điểm cực Bắc của Tổ quốc được khánh thành trên đỉnh núi Rồng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Một mốc son mới về điểm cực Bắc của Tổ quốc đánh dấu một chặng đường mới cuộc hành trình của dân tộc Việt Nam lên đỉnh núi Rồng. Cuộc hành trình mà không ít người ví von là một cuộc thập tự chinh của lòng người thi gan với đá. 

Cột cờ nhìn từ trung tâm xã Lũng Cú

1. Hành trình đi lên điểm cực Bắc của Tổ quốc dù bằng bất cứ phương tiện gì cũng để lại quá nhiều cảm xúc. Cảm xúc từ con đường mang tên Hạnh Phúc nối TP Hà Giang với cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc. Cảm xúc từ con đường lên cột cờ Lũng Cú dài 13km do chính đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá tự nghĩ ra rồi góp sức xẻ đá làm nên. Cảm xúc từ núi non hùng vĩ qua bức tranh bạt ngàn những đá là đá... Không phải bàn cãi, đường lên Lũng Cú là con đường gian khổ bậc nhất đất nước, nhưng cũng chính vì sự gian khổ ấy mà niềm tự hào dân tộc, biểu tượng của tình đoàn kết toát lên mạnh mẽ. Nhiều người đã nói: Hành trình lên đỉnh núi Rồng là một khúc tráng ca của sức người, một trang sử bằng đá hào hùng của Tổ quốc.

Hãy bắt đầu khúc tráng ca ấy từ con đường Hạnh Phúc. Rời khỏi TP Hà Giang qua khỏi cổng trời Quản Bạ thì cao nguyên cực Bắc Tổ quốc đã nhuốm màu của đá. Đá từ đỉnh đồi len lỏi vào tận góc nhà, xó bếp của người Mông, người Pu Péo, người Giấy, người Lô Lô… Đá từ lòng suối xếp chồng xếp lớp leo lên tận đỉnh những ngọn núi cao nhất. Tôi đồ rằng, nếu đá là tài sản thì chắc chắn chẳng nơi nào giàu có bằng cao nguyên Đồng Văn. Tiếc thay đá trên này chỉ để khoanh vườn, để nghiên cứu mà thôi.

Loại đá này gần như vô dụng với đời sống bà con các dân tộc, nhưng những khó khăn mà nó mang lại cho cao nguyên thì có thừa. Sự gian khổ mà lịch sử đã minh chứng, hiện tại đang hiện hữu và chắc chắn sẽ rất lâu nữa mới có thể thoát ra. Xin được trích nguyên văn bia ghi công trên đỉnh Mã Pì Lèng nói về gian khổ của con đường Hạnh Phúc: “Đường Hạnh Phúc Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Trung ương Đảng, Khu ủy Việt Bắc quyết định: Mở đường Hà Giang - Đồng văn - Mèo Vạc. Ngày khởi công 10/9/1959. Ngày hoàn thành 15/6/1963. Thành phần mở đường gồm 16 dân tộc ở các tỉnh Cao Bắc Lạng - Hà Tuyên Thái – Hải Hưng – Nam Định. Riêng dốc Mã Pì Lèng công nhân treo mình 11 tháng để mở đường”.

Không chỉ đỉnh Mã Pì Lèng, dọc đường lên cao nguyên đá hiện còn lưu giữ rất nhiều tài liệu về con đường Hạnh Phúc. Những tài liệu ấy ghi rằng, sau 6 năm xây dựng với hơn 2 triệu lượt ngày công đục đẽo gần 3 triệu mét khối đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc. Khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên "đường công vụ" rộng khoảng 40 cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), thì 17 thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là Đội Cơ dũng) phải treo mình bằng dây buộc vào một cây nghiến cổ thụ trên đỉnh núi, ròng từ trên xuống, bám vào các vách đá, ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng tay và dụng cụ thủ công. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc.

Cũng chuyện đường lên cực Bắc của Tổ quốc, trong bài ký “Mỏm Lũng Cú tột Bắc”, nhà văn Nguyễn Tuân từng viết: “Núi Hà Giang hùng vĩ nhiều cổng trời, ngựa Hà Giang thon vó và mượt mã… Tôi tới Hà Giang nhiều lần, và mỗi lần tới là lại được đi trên những khúc đường, những con đường mới mở. Hình như lúc nào Hà Giang cũng nắn đường, nối đường, mở đường (…). Phải gọt đá đi mà tiến vào phía trước. Phải đục đá mà tiến tới”.

Lời của nhà văn Nguyễn Tuân, những con số từ thống kê trên đỉnh Mã Pì Lèng không nói hết được công lao, xương máu các bậc tiền nhân đổ xuống để mở đường lên cao nguyên đá. Nhưng đó là phần ít ỏi để các thế hệ bày tỏ lòng biết ơn về một con đường đúng như tên gọi của nó: Đường Hạnh Phúc.  

Mắt rồng - hồ nước không bao giờ cạn ở bản Lô Lô Chải

2. Những sự hi sinh, những chiến công qua từng thời kỳ cuối cùng cũng “nối” được Lũng Cú với miền xuôi. Nhưng Lũng Cú, xã cực Bắc của đất nước bây giờ vẫn còn nghèo lắm.

Ngoại trừ cơ sở vật chất, hạ tầng đã được đầu tư khá bài bản thì đời sống người dân vẫn chưa thoát nổi cái nghèo đường như ăn sâu vào đất đá. Số liệu của ông Trần Đức Trung, Chủ tịch UBND xã cho thấy số hộ nghèo của xã vẫn còn 498 trên tổng số 793 hộ. Như bao nơi khác ở trên cao nguyên này, đồng bào ở Lũng Cú thiếu đủ thứ nhưng có thừa sự gian khổ. Nhiều người khi lên đây đều có chung quan điểm với tôi rằng: Cái nghèo, cái khổ ấy tuy còn day dứt nhưng cũng rất đáng để mà tự hào. Không nghèo sao được khi diện tích đất có thể sản xuất vỏn vẹn 900ha. Không khổ sao được khi mùa đông trên này chẳng có năm nào vắng tuyết rơi, sương muối buốt vào xương tủy. Nhưng cái đáng tự hào là bởi vì gian khổ ấy, khắc nghiệt ấy càng khiến cho đôi chân người Mông dẻo dai hơn, đôi tay người Lô Lô rắn rỏi hơn. Để từ đời này qua thế hệ khác họ vững vàng trước thiên nhiên, để bám trụ ở vùng phên dậu của Tổ quốc.

Ừ thì còn khó khăn, nhưng trong từng ánh mắt, nụ cười, họ ánh lên niềm tự hào vì mình là cư dân sống dưới chân cột cờ Lũng Cú, sống ở điểm cực Bắc của Tổ quốc. Nhìn đồng bào Mông, Lô Lô cần mẫn xếp đá kè hàng rào bao bọc quanh nhà, kè ruộng bậc thang, để có thêm thước đất gieo trồng. Có ai đo được cái giá phải trả cho sự sống nơi này? Không đo được. Chỉ biết rằng, để có được miếng ăn, cái mặc, cho dù còn đạm bạc, đơn sơ... thì đồng bào Lô Lô, Mông có khi tính thời gian bằng thế hệ, bằng một đời người chứ chẳng tính năm. Dường như, trong ý nghĩ của người dân Lũng Cú, họ sinh ra là để chống chọi với khắc nghiệt của tự nhiên, để chế ngự mảnh đất này.

Những người già ở cực Bắc của Tổ quốc lấy thời điểm cách đây hơn 30 năm làm cột mốc khi nhắc đến cột cờ Lũng Cú. Đó là khi cột cờ nằm trên đỉnh núi Rồng còn làm bằng sa mộc. Loài cây cứng nhất, kiên cường nhất trên cao nguyên đá. Loài cây biểu tượng cho ý chí, sự kiên cường của người Mông, người Lô Lô ở nơi khởi đầu Tổ quốc. 30 năm ấy lại là một cuộc trường chinh để cột cờ Lũng Cú to đẹp, hùng vĩ như ngày hôm nay.

Bản Lô Lô Chải gồm 86 hộ đồng bào Lô Lô sinh sống. Nằm dưới chân núi Rồng nên Lô Lô Chải mặc nhiên là bản cực Bắc của Tổ quốc. Ngoài trống đồng Lô Lô “có họ” với trống đồng Đông Sơn, ngoài những bộ váy áo truyền thống kỳ công đến mức phải mất tới 3 năm mới may xong thì người Lô Lô ở Lô Lô Chải còn tự hào bởi họ là dân tộc đóng góp rất nhiều từ thuở mở đường lên Lũng Cú.

Người Lô Lô quý khách bất kể người quen hay người lạ. Một chén rượu ngô, một bát mèn mén và một bếp lửa thôi cũng đủ để họ trò chuyện thâu đêm với bất cứ ai nếu chủ đề câu chuyện là cột cờ Lũng Cú, là mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc. Tôi đến nhà cụ Lờ Giàng Say, người mà 30 năm trước nằm trong số hai mươi thanh niên vác cột cờ bằng cây thông lên đỉnh núi Rồng để cắm. Cụ Say bảo rằng, chuyện của cụ cũng là chuyện của những dân tộc sống trên cao nguyên đá trong cuộc hành trình lên đỉnh núi Rồng. Theo cụ Say, Lũng Cú tên gọi theo tiếng Lô Lô là Long Cư, nghĩa là nơi rồng ở. Còn người Mông lại gọi là Lũng ngô, vì rồng thiêng ban cho họ hồ nước để cây ngô có thể mọc trên núi đá.

Cả người Lô Lô lẫn người Mông đều có chung một sự tích về núi Rồng. Ngày xưa, có con rồng từ trên trời bay xuống và đậu ở ngọn núi cao nhất của khu vực hình chóp nón trên bản đồ Việt Nam. Rồng say sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ, trước khi về trời đã để lại đôi mắt cho dân làng như một đặc ân cho cuộc sống sinh sôi nảy nở. Ngọn núi trong câu chuyện cổ tích năm xưa nay gọi là núi Rồng và đôi mắt của rồng để lại chính là hai hồ bán nguyệt nằm đối xứng nhau qua ngọn núi không bao giờ khô cạn. Một hồ nằm trước mặt bản Lô Lô Chải, còn một hồ nằm bên bản Sẻo Lủng của người Mông.

Người Lô Lô gọi rồng là ngài. Người Mông gọi là ông. Cũng chính vì ân đức ấy nên khi Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Đồng Văn họp lại để đề ra chủ trương làm một con đường lên Lũng Cú năm 1977 thì người Lô Lô và người Mông hăng hái nhất. Họ cùng với nhân dân 19 xã trong huyện nô nức ra quân khuân đá mở 13 km đường núi từ xã Ma Lé đến chân núi Rồng. Cũng giống như vai trò của đường Hạnh Phúc, vai trò con đường dân sinh này nối Lũng Cú với thế giới bên ngoài. Huyện giao định mức cho mỗi xã làm 800m đường, xã giao định mức cho mỗi hộ dân làm từ hai đến bốn mét.

“Toàn dân Ðồng Văn đổ lên Ma Lé. Mỗi gia đình chỉ để lại người già và trẻ con ở lại giữ nhà, còn tất cả đều gùi cuốc xẻng, quần áo, lương thực ra bám đường. Từng nhà dựng một chòi tạm ngay sát khu vực đường mà mình được phân công, làm ngày làm đêm không nghỉ. Khúc đường của gia đình này dần nối với khúc đường của gia đình kia. Ai nấy cũng cố gắng làm sao để khúc đường nhà mình làm không thua kém người bên cạnh. Miệt mài suốt gần hai tháng ròng như thế con đường cuối cùng cũng đã hoàn thành”, già Say hồi tưởng.

Có đường rồi, các đồng bào lại nghĩ đến cột cờ. Núi Rồng là điểm cao cực Bắc đầu tiên giáp với nước bạn Trung Quốc, cho nên trước đây chính quyền huyện đã cho cắm một cột cờ trên đó. Tuy nhiên cột cờ này rất bé, phải đi lên tận đỉnh núi mới có thể thấy. Ðể có cột cờ to đẹp hơn, huyện đã chỉ đạo xã Lũng Cú chọn ra hai mươi thanh niên khỏe mạnh nhất vào rừng tìm chặt một cây thông cao gần mười hai mét để làm cột cờ. Cụ Say nói rằng việc lựa chọn cũng vô cùng khó khăn bởi ai cũng muốn góp chút sức mình cho non sông, đất nước. Sau thế hệ cụ Say, đến cái đợt Nhà nước có chính sách xây cột cờ bằng bê tông, lớp lớp thanh niên Lô Lô Chải lại làm cái việc gùi đá leo núi Rồng góp sức xây cột cờ. Năm ngoái, cả bản Lô Lô Chải thường trực gùi đá. Đã có lúc chính quyền cấp chế độ mỗi chuyến 2 ngàn đồng nhưng tuyệt nhiên người dân chẳng ai nhận cả. Họ gùi miễn phí bởi họ xem đấy là nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc Việt Nam. Và quả thật, hành động ấy có lẽ không nên tính bằng tiền.

Dẫn tôi leo 604 bậc thang lên đỉnh cột cờ, cụ Say vẫn thấy bồi hồi dù không biết đã bao lần cụ đã đặt chân đến đây. Bây giờ người ta có thể chọn cách leo cột cờ bằng ô tô đến lưng chừng núi Rồng nhưng với cụ Say thì lần nào cũng đi bộ. Đi để nhớ thời gian khổ, để thử lòng mình với khó khăn. Bởi đường lên cột cờ Lũng Cú cũng là con đường để đồng bào trên này về với miền xuôi. Cụ bảo vậy.

Đứng trên nóc cột cờ phóng tầm mắt quan sát cao nguyên đá Đồng Văn, người con ưu tú của dân tộc Lô Lô đã đi qua gần trọn đời người với mảnh đất này vẫn còn rưng rưng nước mắt. Trong tầm mắt ấy, giữa bạt ngàn núi đá là chòm xóm, bản làng các đồng bào tựa những tổ chim đang đeo bám để chế ngự thiên nhiên, đất đá. Là hai hồ nước “mắt Rồng” không bao giờ cạn. Là bộ mặt trung tâm xã Lũng Cú đang khang trang, đổi mới. Là trường học, trạm y tế, đồn biên phòng, chợ dân sinh… Cuộc đời cụ, cuộc đời đồng bào Lô Lô, đồng bào Mông và nhiều dân tộc khác đã dành hết cho mảnh đất cực Bắc bất chấp khó khăn, gian khổ.

3. Mấy chục năm trước nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết “Hà Giang lúc nào cũng mở đường, nối đường, nắn đường” và bây giờ vẫn vậy. Sau con đường lên đỉnh núi Rồng, người dân ở cực Bắc lại mở thêm một con đường mới từ chân cột cờ đến bản Sẻo Lủng. Lại một cuộc trường chinh khác nữa. Vẫn theo kiểu thủ công, vẫn theo hình thức “bổ đầu” cho từng gia đình thi công, nhưng có sao đâu, khi mà trong tiềm thức mỗi người dân nơi này gặp tôi đều tâm niệm bằng lời của nhà văn Nguyễn Tuân: “Đỉnh núi Rồng đã được đất nước, ông bà giao cho cái trọng trách đặt một chiếc nón lá lên đầu người khổng lồ Tổ quốc... Lũng Cú là chóp nón. Chóp nón bài thơ muôn đời”. Từ tâm niệm đến hành động, các dân tộc trên cao nguyên đá này phải làm sao cho chóp nón ngày càng đẹp hơn. Với họ, với cao nguyên đá, với địa hình cực Bắc, tất cả đều bắt đầu từ những con đường.

Tôi đến núi Rồng vào thời điểm khắc nghiệt nhất trong năm: mùa đông. Mùa đông năm nay cái rét rẻo cao đã xấp xỉ cán mốc 0 độ C, đồng bào, bộ đội biên phòng, giáo viên cắm bản đều bảo rằng mùa đông ở điểm cực Bắc của Tổ quốc kinh khủng lắm. Thiếu nước, thiếu ăn, thiếu mặc…Nhưng bao năm qua vẫn vậy rồi, họ chịu đựng, khắc phục để đợi ngày mai, bởi rằng cũng chính trong mùa đông, đào rừng bắt đầu hé nụ. Người dân vẫn ngày ngày lật từng viên đá để trảy ngô, giáo viên cắm bản miệt mài gieo chữ, bộ đội biên phòng thường trực công việc thay cờ và tuần hành giữ biên cương…. Mùa đông đi qua, mùa xuân lại về. Vòng tuần hoàn của tự nhiên cũng như tấm lòng, tinh thần của đồng bào nơi biên ải: Vẫn luôn vẹn tròn.

Cột cờ Lũng Cú nằm ở kinh độ 105°18’58,22’’ Đông và vĩ độ 23°21’48,706’’ Bắc, cao 1.468,73 m so với mực nước biển.

Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Đến thời Pháp thuộc (năm 1887) tiếp tục được dựng lại khi có chiến tranh biên giới. Những năm 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002, cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Năm 2002, cột cờ được dựng mới bằng bê tông với chân, bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Để cột cờ Lũng Cú xứng đáng là niềm kiêu hãnh của quân dân cả nước, năm 2010 khởi công xây dựng và nâng cấp cột cờ với kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng, mô phỏng theo mô hình Cột cờ Hà Nội.

Sau gần 200 ngày thi công, ngày 25/9/2010 cột cờ Lũng Cú đã khánh thành với tổng chiều cao 33,15 m (trong đó phần thân cột cao 20,25 m, phần cán cờ cao 12,9 m, đường kính ngoài thân cột là 3,8 m). Thiết kế theo hình bát giác, cấu tạo 3 cấp, phía Nam là cửa ra vào cột có lối vào rộng 1,8 m, phần bệ cột hình chóp cụt có 8 mặt gắn phù điêu đá cao 3,45 m, minh họa trên đó là những giai đoạn, thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Phần thân cột hình trụ, được se khe lấy ánh sáng từ 8 hướng, bề mặt ốp đá xanh tự nhiên chế tác tại địa phương; phần dưới có dải băng đồng treo trống đồng Đông Sơn đúc theo 8 hướng. Phía trên là sàn công tác có lan can bảo vệ cao 1,2 m. Chính trên sàn này là chỗ để cán bộ, chiến sĩ biên phòng thao tác mỗi khi thay cờ. Ngoài ra, quần thể cột cờ Lũng Cú còn có các hạng mục kiến trúc khác gồm: Nhà lưu niệm được thiết kế như nhà sàn. Ðường lên xuống đi bộ từ nhà khách lên nhà lưu niệm với tổng 425 bậc thang và đường đi bộ từ nhà lưu niệm đến cột cờ với tổng số 279 bậc thang có hệ thống tay vịn và đèn chiếu sáng.

  • Mua bán rùa quý tràn lan từ 'chợ ảo' đến đời thực
    Phóng sự 27/03/2024 - 08:15

    Thời gian qua, hoạt động mua bán rùa diễn ra công khai tại các cửa hàng thú cưng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thách thức các cơ quan chức năng.

  • [Bài 3] Bài toán hóc búa ở tỉnh Khánh Hòa
    Phóng sự 27/03/2024 - 06:02

    Tính toán sơ bộ, muốn ra được Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa phải “vượt ải” tới... 9 bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

  • [Bài 2] 'Cuộc cách mạng' giữa trùng khơi ở Vân Đồn
    Phóng sự 26/03/2024 - 06:00

    Phong trào thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đang là trào lưu ở Quảng Ninh để đón nhận chính sách giao biển lâu dài, từ đó ổn định kế sách nuôi biển.

  • Nan giải vấn nạn mua, bán rùa trên Internet
    Phóng sự 25/03/2024 - 13:15

    Năm 2023 ghi nhận gia tăng các vụ liên quan đến mua, bán rùa qua mạng xã hội. Do vậy các cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý vi phạm.

  • [Bài 1] 7 năm trời vật vã xin giấy phép nuôi biển
    Phóng sự 25/03/2024 - 07:30

    'Khát vọng lớn, quyết tâm cao, tuy nhiên những rào cản cơ chế chính sách đang giống như chiếc vòng kim cô siết chặt giấc mơ nuôi biển của chúng tôi vậy', Hải Bình nói.

  • Chuyện ở 'thiên đường đá cỏ' Tân Lập
    Phóng sự 24/03/2024 - 16:40

    Nhắc đến thầy cúng Vàng A Chứ (còn gọi là ông Chứ cúng) thì không chỉ ở Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc mà mãi tận bên Lào cũng có người biết.

  • Tinh hoa nghề đậu bạc Định Công
    Phóng sự 22/03/2024 - 11:09

    Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, đến nay làng nghề đậu bạc Định Công đang chuyển mình nhằm níu giữ lại cái hồn cốt của nghề tinh hoa truyền thống.

  • Rủ nhau đi hái lộc rừng
    Phóng sự 18/03/2024 - 06:00

    Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.

  • Mùa hoa mộc miên
    Phóng sự 15/03/2024 - 06:00

    Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…

  • Hang Táu - miền cổ tích còn phong kín
    Phóng sự 12/03/2024 - 06:05

    Hang Táu là một thung lũng được giấu kín giữa bốn bề núi. Trời đất như chừa ra một khoảng đất tương đối bằng phẳng chỉ để cỏ cây khoe sắc...

  • Chuyện giữ rừng giữa biển
    Phóng sự 11/03/2024 - 06:15

    Qua Tết Nguyên đán, vùng đảo Tây Nam Tổ quốc bước vào cao điểm mùa khô, lực lượng chức năng bắt đầu ‘mướt mồ hôi’ với công tác giữ rừng trên các hòn đảo…

  • Bà Xuân 'hủi'
    Phóng sự 08/03/2024 - 08:45

    Từng là giáo viên mầm non nhưng đến nay nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã có gần 40 năm đồng hành cùng những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm - Bắc Ninh.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hiệu trưởng bắt học sinh đi lao động nếu không dự hội trại có thu phí

THỪA THIÊN - HUẾ Yêu cầu học sinh phải đi lao động nếu không dự hội trại là chưa khoa học, không phù hợp với mục tiêu của hoạt động giáo dục, dễ nảy sinh suy nghĩ nhạy cảm.

Bình luận mới nhất