| Hotline: 0983.970.780

Liên kết giữa DN thủy sản và người nuôi: Cần được “luật hóa”

Thứ Năm 23/09/2010 , 10:01 (GMT+7)

Cần phải có những chế tài thỏa đáng đối với hành vi tranh mua tranh bán, lật kèo, ép giá giữa DN chế biến và người nuôi trồng thủy sản là một trong những nội dung được các đại biểu đề cập nhiều trong buổi hội thảo về mối liên kết giữa nhà cung cấp nguyên liệu và chế biến XK thủy sản được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Cần Thơ.

Liên kết lỏng lẻo

Mỗi năm nhu cầu nhập tôm của thị trường Mĩ, EU, Nhật Bản khoảng 1,3 triệu tấn, trong đó lượng tôm Việt Nam cung cấp vào khu vực này khoảng trên 100.000 tấn. Do nhu cầu thị trường có hạn mức ổn định nên chúng ta phải cạnh tranh quyết liệt với các nước khác như Thái lan, TQ, Bangladesh, Greenland và Argentina. Hai năm gần đây lượng tôm xuất khẩu của Thái Lan tăng trưởng rất mạnh, tăng gần 88% so với 2009 tại thị trường Eu, 30% ở thị trường Nhật Bản và 10% thị trường Mĩ. Điều đó đồng nghĩa với việc mỗi con tôm Thái Lan nhập thêm vào thị trường Mĩ sẽ đẩy ra một con tôm khác của Việt Nam. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản VN trên thị trường thế giới đang suy giảm. Nguyên nhân là mối liên kết giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu còn lỏng lẻo dẫn tới tình trạng chất lượng không đồng đều, trong khi các nước ra sức bảo hộ ngành nuôi trồng thủy sản của họ bằng rào cản thương mại, biện pháp truy xuất nguồn gốc... Vì vậy, để thủy sản VN được nâng cao sức cạnh tranh đòi hỏi chúng ta phải “kết dính” mối liên hệ giữa người nuôi trồng thủy sản với các doanh nghiệp.

Từ năm 2002, sau quyết định 80/TTg của Thủ tướng CP, các DN đã tiến hành các hợp đồng tiêu thụ thủy sản với ngư dân, nhà máy thủy sản ký hợp đồng bao tiêu với chủ trại nuôi cá… thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản DN  bắt đầu gắn trách nhiệm với người sản xuất, ngư dân được hỗ trợ đầu tư, kĩ thuật thu nhập dần nâng cao. Tuy nhiên vẫn tồn tại tình trạng DN cung ứng vật tư không đúng chất lượng cho nông dân mà vẫn đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm khi thu mua dẫn tới mâu thuẫn về lợi ích.

Theo ông Nguyễn Quang Linh – Sở NN-PTNT tỉnh An Giang hiện việc liên kết tiêu thụ thủy sản giữa DN  và hộ nuôi được thực hiện thông qua các hình thức: Hợp đồng nguyên tắc (kí kết từ đầu vụ, giá thỏa thuận theo thời điểm), Hợp đồng nuôi gia công, Hợp đồng tiêu thụ có đặt cọc trước, Hợp đồng tiêu thụ ứng vốn nuôi trồng. Nhưng nhìn chung việc thực hiện hợp đồng vẫn còn thiếu chặt chẽ và chưa thực sự gắn kết. Về phía hộ nuôi vẫn còn tình trạng “lật kèo” khi thị trường giá cả biến động, nhất là các hợp đồng tiêu thụ các theo hình thức ứng vốn trước. Về phía DN, hiện tượng cấu kết ngầm trong thu mua nguyên liệu cá tra, chi phối thi trường, chèn ép giá khá phổ biến. Đặc biệt, các hợp đồng liên kết với hộ nuôi đều do DN biên soạn nên chủ yếu chỉ ràng buộc các hộ nuôi mà không có sự ràng buộc DN. Thông thường DN chậm trả tiền 3-4 tháng, có hộ nuôi tới 6 tháng chưa nhận được tiền mua cá nhưng đành cam chịu vì không biết xử lý thế nào khi hợp đồng bị vi phạm.

Phải có chế tài

Thứ trưởng Lương Lê Phương:

Hiện Bộ NN-PTNT đang thực hiện dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi bổ sung, quá trình sửa đổi này sẽ đưa Luật Thủy sản gắn với thực tiễn,  nhằm hỗ trợ các hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản. Tuy nhiên vấn đề mối liên kết giữa người cung cấp nguyên liêu với doanh nghiệp chế biến đang đặt ra cũng cần sớm có giải pháp. Nếu cần sẽ xây dựng một Nghị định, tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ này.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần có hỗ trợ về mặt pháp lý cho mối liên hệ giữa các nhà cung cấp nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Cho đến nay, hệ thống pháp luật trực tiếp điều chỉnh về mối quan hệ này không nhiều. Mặc dù, Luật Thủy sản 2003 đã đưa ra những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, tạo cơ sở cho các ngư dân, DN  thực hiện nhưng không quy định trực tiếp mối quan hệ này. Bà Kim Anh – Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ NN-PTNT cho rằng cần có những quy định điều chỉnh mối quan hệ giữa DN và người nuôi trồng. Trong trường hợp người sản xuất phá vỡ hợp đồng, không hoàn trả vốn đầu tư ứng trước cho DN  thì phải có quy định cho phép được cưỡng chế, thu hồi vốn.

Còn nếu DN lạm dung thế độc quyền để ép cấp, ép giá trong thu mua thủy sản, chậm thanh toán cũng phải có chế tài xử phạt. Như vậy mới nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các bên khi thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa những tranh chấp hợp đồng chúng ta nên có quy chuẩn cụ thể về chất lượng sản phẩm. Luật hóa các hoạt động cần thiết của DN như đăng kí chất lượng về giống, thức ăn sẽ khiến DN có trách nhiệm hơn, quyền lợi của hai bên được đảm bảo hơn. Ngoài ra, để khuyến khích người sản xuât thủy sản giao dịch trên hợp đồng Chính phủ cũng nên xây dựng một chế độ bảo hiểm hợp đồng phòng khi bị thiệt hại do những nguyên nhân khách quan.

Thực tiễn cho thấy ngành thủy sản đang rất cần vai trò quản lý Nhà nước trong các chuỗi hợp tác dọc (DN và người nuôi trồng thủy sản) và ngang (các DN chế biến với nhau, các hiệp hội với nhau) thông qua việc ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến cả hệ thống cung ứng, sản xuất, chế biến, thương mại, quản lý kiểm soát an toàn thực phẩm. Có ý kiến cho rằng để tạo mối quan hệ bền vững giữa DN với người nuôi Chính phủ có thể giao cho các tổ chức trung gian thực hiện hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm, quy định mức giá sàn cho các mặt hàng thủy sản.

Ví dụ như tại Na Uy, toàn bộ giao dịch mua bán thủy sản đều bắt buộc phải thông qua 6 tổ chức bán hàng tại gốc. Các tổ chức bán hàng có quyền được dừng hoạt động khai thác thủy sản hoặc hạn chế các hoạt động khi được cho là cần thiết vì lý do thị trường, có quyền chỉ đạo việc đưa thủy sản đến các vùng khác nhau để đảm bảo việc bán hàng tại gốc phù hợp với nhu cầu tiêu thụ và được quyết định giá bán tại gốc tối thiểu. Tuy rằng việc xây dựng hệ thống những tổ chức bán hàng, giao quyền hoạt động độc lập như Na Uy không đơn giản nhưng trước mắt có thể học tập kinh nghiệm bằng cách sử dụng các tổ chức hội, Hiệp hội nghề nghiệp để quản lý các tổ chức cá nhân hành nghề, cộng đồng nghề cá qui mô nhỏ.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm