| Hotline: 0983.970.780

Liên kết hỗ trợ cải tiến quy trình chăn nuôi!

Thứ Ba 19/11/2013 , 15:58 (GMT+7)

Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất chăn nuôi gia cầm theo hướng chuyên nghiệp có kiểm soát để đảm bảo an toàn sinh học, bền vững.

Hội thảo “Vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gia cầm” do Cục Chăn nuôi, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm VN phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa tổ chức tại TP.HCM đã thực sự thu hút sự quan tâm của các DN và người chăn nuôi trong nước.

Hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm liên kết phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm gia cầm của Hoa Kỳ…

PHẢI CHĂN NUÔI KHÉP KÍN

Theo báo cáo của Cục chăn nuôi, lượng thịt tiêu thụ bình quân một người Việt Nam tăng từ 5,3 kg (năm 2008) lên 8,3 kg (năm 2012), tương ứng lượng trứng tăng từ 58 quả/người/năm lên 83 quả/người/năm.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi cho biết: “Chăn nuôi gia cầm là một nghề truyền thống, gắn bó với nông dân Việt Nam từ rất lâu đời nay. Những năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, thị trường thiếu ổn định, khủng hoảng kinh tế…, nhưng ngành chăn nuôi vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 5-6%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước”.

Năm 2012 VN đã được xếp thứ 21 về các quốc gia sản xuất thịt gia cầm nhiều trên thế giới và được quốc tế đánh giá cao về các sản phầm gia cầm đạt chất lượng. Trong gần 10 năm qua, tính tổng đầu con và sản lượng gia cầm đều tăng hàng năm.

Tuy vậy, mức sản xuất gia cầm của Việt Nam còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 50% so với mức trung bình thế giới. Ở trong nước, thịt gia cầm cũng mới chiếm chưa tới 20% trong tổng sản lượng thịt tiêu thụ các loại (không tính thủy sản). Ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Hiện, tỷ lệ thịt gia cầm ở nước ta mới chỉ chiếm khoảng 15%/tổng số thịt gia súc gia cầm, còn ở các nước Đông Nam Á là 43%, Châu Á là 29% và thế giới là 34%. Hơn nữa, chăn nuôi gia cầm ở nước ta hiện vẫn chủ yếu nuôi theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ (chiếm từ 65-70% đầu con), còn quy mô trang trại rất ít. Các giống gia cầm đang được người dân nuôi theo phương thức truyền thống như gà Mía, gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Móng, gà Ri, gà Tàu Vàng, gà Chọi (đá, nòi)…


Nhiều nông dân đang phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại

Thực trạng quản lý dịch bệnh, vật tư chăn nuôi, nhất là chất lượng giống, môi trường và ATVSTP trong chăn nuôi cũng được các đại biểu nêu ra hàng loạt bất cập. Theo GS.TS Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, việc tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm có ý nghĩa nhằm bảo đảm người tiêu dùng không bị nhiễm bệnh từ gia cầm lây sang người và ngăn chặn lây lan bệnh truyền nhiễm trong chăn nuôi.

Hiện có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến VSATTP đối với sản phẩm gia cầm như: các mối nguy sinh học, chất độc hóa học, yếu tố vật lý. Vì thế, để bảo đảm được sản phẩm chăn nuôi gia cầm an toàn thì phải kiểm soát được toàn bộ chuỗi khép kín từ trang trại tới bàn ăn, gồm: kiểm soát nguồn thức ăn, nước uống, dịch bệnh; kiểm soát quá trình trước và sau giết mổ, quy trình vận chuyển và bán lẻ…

TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Theo ông Hoàng Kim Giao, nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững; nâng cao tỷ trọng chăn nuôi gia cầm từ 17-18% hiện nay lên 25-30% vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Vì vậy, cần phải tổ chức sản xuất chăn nuôi gia cầm theo hướng chuyên nghiệp có kiểm soát đảm bảo an toàn sinh học, bền vững. Trong đó, duy trì chăn nuôi nông hộ, HTX kiểu mới theo qui trình VietGAP và liên kết, hỗ trợ nhau nhằm đáp ứng như cầu thực phẩm trong nước là giải pháp quan trọng. Đồng thời, phát triển chăn nuôi trang trại (đạt 50% vào năm 2020) nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho các TP lớn và khu công nghiệp góp phần hạn chế nhập khẩu.

Ông James Sumner, Chủ tịch Hội đồng xuất khẩu trứng và gia cầm Hoa Kỳ (USAPEEC) cũng chia sẻ: “Chương trình phát triển gia cầm của chúng tôi vừa tập trung vào sản xuất chăn nuôi, đồng thời tăng cường sự hợp tác cùng phát triển và tiêu thụ sản phẩm gia cầm với các nước có tiềm năng. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng Hội đồng gia cầm quốc tế nhằm liên kết đảm bảo tiêu thụ thịt và trứng gia cầm trên toàn cầu!”.

Theo ông James Sumner, đầu năm 2005 dịch cúm đang xảy ra khiến người tiêu dùng VN rất lo ngại nguồn thực phẩm thịt gia cầm nội địa. Do vậy, USAPEEC đã kịp thời viện trợ nhập khẩu thịt gà và gà tây từ Hoa Kỳ giúp người tiêu dùng VN vẫn có nguồn thực phẩm an toàn trong các bữa ăn hàng ngày. Sau đó, thói quen tiêu thụ nguồn thực phẩm gia cầm ở thị trường VN vẫn tiếp tục tăng không bị gián đoạn.

Cũng theo nhận định của ông James Sumner, trong vòng 10 năm tới nhu cầu chăn nuôi gia cầm trên toàn cầu vẫn tăng vì gia cầm có hệ số chuyển đổi thức ăn hiệu quả nhất. “Chúng tôi sẽ tăng cường liên kết giữa nhiều quốc gia sản xuất gia cầm lớn, cùng hỗ trợ cải tiến qui trình kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến; đồng thời sẽ cố gắng cung cấp nhiều thông tin hơn nữa cho người tiêu dùng VN hiểu rõ và sử dụng sản phẩm gia cầm được an toàn”, ông James Sumner nói.

“Hiện những tiến bộ tiên tiến nhất đang được áp dụng trong ngành chăn nuôi ở VN cũng không thua kém so với trên thế giới.

Tuy nhiên, đến nay ta vẫn đang phải nhập khẩu trên 50% lượng thức ăn gia cầm, để phát triển tốt chăn nuôi thì cần phải quản lý, khiểm soát chặt chẽ dịch bệnh; đồng thời đầu tư tốt nguồn giống, qui trình chăn nuôi, sản xuất thức ăn để giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm mới hy vọng người dân có lời”, ông Hoàng Kim Giao nhấn mạnh.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất