| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất cây ăn quả

Thứ Ba 25/02/2014 , 11:02 (GMT+7)

Mặc dù có quỹ đất khá lớn để phát triển cây ăn quả đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao, song thống kê cho thấy, Thanh Hóa mới chỉ trồng được hơn 14.000 ha cây truyền thống...

Mặc dù có quỹ đất khá lớn để phát triển cây ăn quả đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao, song thống kê cho thấy, Thanh Hóa mới chỉ trồng được hơn 14.000 ha cây truyền thống như dứa, cam, xoài, nhãn, chuối… Trong đó, diện tích dứa giảm mạnh từ 3.789 ha (2005) xuống 1.910 ha (2011) do thị trường tiêu thụ không ổn định.

Để phát huy hết tiềm năng đất đai, tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Hội Làm vườn & trang trại của tỉnh xây dựng một số mô hình trồng cây ăn quả mới như bưởi da xanh, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ... để nhân ra diện rộng. Đồng thời, tổ chức các buổi tạo đàm liên kết SX cây ăn quả với các chuyên gia khu vực phía Nam, nhằm từng bước hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật kết hợp các loài cây đặc sản.


Mở rộng diện tích trồng bưởi là định hướng phát triển hàng đầu của SX cây ăn quả ở Thanh Hóa

Ông Lê Xuân Len, Chủ tịch Hội Làm vườn & trang trại Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha đất phù hợp phát triển cây ăn quả. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thọ Xuân, Yên Định, Hà Trung, Tĩnh Gia, Nga Sơn… Việc liên kết với doanh nghiệp và các chuyên gia miền Nam để đưa các giống cây ăn quả mới, đặc sản vào SX là rất cần thiết.

Theo phân tích của ông Len, từ nay đến năm 2020, Thanh Hóa chủ yếu tập trung phát triển cây cam, nhãn, vải, chuối, dứa và một số cây ăn quả khác. Tuy nhiên những cây trồng trên hầu hết là cây truyền thống, chất lượng và sản lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Vì thế, vừa qua Hội phối hợp với Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã mời các chuyên gia chuyên về cây ăn quả ở miền Nam ra cùng phối hợp với các hộ dân định hướng phát triển trong thời gian tới.

Một chuyên gia đến từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Qua một vài mô hình trồng thí điểm cho kết quả khá tốt, tôi nghĩ bưởi da xanh có thể trở thành cây trồng chủ lực ở Thanh Hóa. Sắp tới đây nếu hộ dân nào muốn phát triển loại cây này tôi sẵn sàng cung ứng giống và ra Thanh Hóa để hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật”.

Cũng theo chuyên gia này, việc trồng bưởi da xanh thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn giống. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc cũng phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật từ chọn đất, trồng, chăm sóc, bao chụp chùm hoa…

Ngoài du nhập, phát triển các loài cây ăn quả mới từ miền Nam, Thanh Hóa cũng đã và đang tập trung liên kết từ SX đến bao tiêu sản phẩm bưởi Diễn. Nông dân Đỗ Công Bưu, xã Yên Ninh, huyện Yên Định nhận định: “Việc phát triển, nhân rộng diện tích trồng bưởi Diễn ở Yên Ninh nói riêng, Yên Định nói chung là rất phù hợp bởi loài cây đặc sản này có thị trường tiêu thụ rất ổn định sẽ góp phần giúp nông dân chúng tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng”.

Gia đình ông Bưu có 2 sào bưởi Diễn với hơn 60 gốc, được trồng từ năm 1993. Quá trình theo dõi cho thấy đây là loại cây phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở xã Yên Ninh. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch 80 quả, trọng lượng 1,2 kg (quả lớn nhất 1,5 kg).

“1 sào bưởi đầu tư hết khoảng 4 - 5 triệu đồng, đến kỳ thu hoạch thương lái từ Hà Nội về mua tại vườn với giá 35.000 đ/quả. Tính sơ sơ thì tổng thu nhập cũng đạt trên dưới 40 triệu đồng/sào, cao gấp hàng chục lần trồng các cây trồng khác”, ông Bưu chia sẻ. Được biết, xã Yên Ninh hiện có khoảng 20 hộ dân trồng bưởi Diễn, trong đó có 10 hộ trồng với số lượng lớn, một số hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ loại cây ăn quả này.

Tại buổi tọa đàm liên kết SX cây ăn quả được tổ chức gần đây, ý kiến của hầu hết các địa phương và nông dân đều mong muốn Thanh Hóa sẽ sớm chủ động được các sản phẩm cây ăn quả đặc sản như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, nhãn chín muộn, bưởi Diễn, mít Thái, chuối tiêu hồng… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hồng Phong, TGĐ Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông:

Để SX cây ăn quả trở thành cây mũi nhọn ở Thanh Hóa thì Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng vào cuộc làm "bà đỡ" cho nông dân. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp; xây dựng quy hoạch và quy trình cho từng cây ở từng vùng. Còn doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm và khâu chế biến sau thu hoạch.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm