| Hotline: 0983.970.780

Liên kết tiêu thụ vải thiều ở Nam bộ

Thứ Ba 17/06/2014 , 09:10 (GMT+7)

TP.HCM được các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang coi là đầu mối quan trọng nhất để đưa vải vào tiêu thụ ở Nam Bộ.

Để đẩy mạnh tiêu thụ trái vải thiều ở các tỉnh Nam bộ, ngày 16/6, tại TP.HCM, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, cùng UBND TP.HCM và các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã tổ chức Hội nghị bàn những giải pháp cho vấn đề này.

Tiêu thụ vải phía Nam tăng mạnh 

Trước khi vào tham dự Hội nghị, tôi tranh thủ ghé qua đường Nguyễn Văn Cừ - là ranh giới giữa quận 1 và quận 5. Đây là con đường luôn tập trung nhiều người bán trái cây dạo. Từ đầu tháng 5 âm lịch trở lại đây, hầu hết những người bán trái cây dạo trên con đường này đều chỉ bán vải thiều. Điểm bán trái vải nào cũng bận rộn bán mua.

Tranh thủ lúc khách hàng vừa rời khỏi, chị Nguyễn Thị Thanh, quê ở Quảng Nam, vào TP.HCM bán trái cây dạo đã hơn 10 năm nay, cho tôi biết, từ khi vào thành phố kiếm sống, chị đã bắt đầu bán trái vải khi vào mùa vụ của loại trái cây này. Năm nay người dân TP.HCM ăn trái vải nhiều hơn năm ngoái và cả những năm trước đây.

Ngày trước, vào mùa vải được đưa từ miền Bắc vào TP.HCM, mỗi ngày chị Thanh chỉ bán được chừng 20-30 kg. Năm nay, bình quân mỗi ngày chị bán được 50 kg vải. Mỗi kg vải bán dạo ở TP.HCM hiện đang có giá 30.000 đồng.

Khảo sát một số điểm bán trái vải dạo trên đường Nguyễn Văn Cừ, tôi đều thu nhận được những thông tin tương tự. Người bán vải nào cũng khẳng định năm nay lượng vải mà họ bán được nhiều hơn những năm trước.

Lượng vải thiều được đưa từ Hải Dương, Bắc Giang vào TP.HCM mỗi ngày, hiện chưa có những thống kê cụ thể. Nhưng theo đại diện của các chợ đầu mối, vải thiều đang được đưa vào với số lượng lớn và tăng nhiều so với năm ngoái.

Bà Nguyễn Thanh Hà, PGĐ Cty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết, trái vải ở Hải Dương, Bắc Giang vào chợ này qua 2 đường: xe container và đi máy bay. Riêng đường xe container, mỗi tháng trên 200 xe chở trái vải vào chợ.

Đại diện Ban quản lý Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết vào thời điểm này năm ngoái chỉ khoảng 5-6 xe container chở trái vải về chợ mỗi ngày. Còn nay tăng lên tới 8-9 xe container/ngày. Dự tính từ nay đến cuối tháng 7, sẽ có khoảng 4.000-5.000 tấn trái vải được tiêu thụ ở chợ đầu mối Hóc Môn.

Liên kết tiêu thụ

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, năm nay, diện tích vải thiều vào khoảng trên 50 ngàn ha, sản lượng thống kê chưa đầy đủ là trên 200 ngàn tấn, còn nếu thống kê đầy đủ, chắc chắn phải trên 300 ngàn tấn.

Mới chỉ khoảng 10% trái vải được đưa vào chế biến, còn lại tới 90% vẫn đang tiêu thụ tươi, trong đó có khoảng 50% là xuất khẩu đi Trung Quốc. Bởi vậy, có thể nói trái vải Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, mà đáng ngại là phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường nội địa lại gần như đang bị bỏ ngỏ.

Về lâu dài, để tăng cường tiêu thụ trái vải trên thị trường nội địa, nhiều ý kiến cho rằng cần phải hình thành hệ thống tiêu thụ vải từ Bắc vào Nam, phải sớm có những công nghệ bảo quản cho trái vải được tươi lâu, có những chính sách phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến vải...

Chính vì thế, việc củng cố, tổ chức, phát triển thị trường nội địa cho trái vải đang là vấn đề cần thiết, nhất là để phòng khi thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu. Trong đó, thị trường phía Nam được đặc biệt coi trọng.

Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm nay, tỉnh này có 32 ngàn ha, sản lượng ước tính 140 ngàn tấn trái vải tươi (tăng 10 ngàn tấn so năm 2013). Có tới khoảng 60% sản lượng vải Bắc Giang được tiêu thụ nội địa. Các tỉnh, TP Nam Bộ chiếm tới 1 nửa lượng vải tiêu thụ nội địa của Bắc Giang.

Vải thiều từ Bắc Giang được chuyển vào TP.HCM bằng container bảo ôn lạnh và xe nóng, thường đi thẳng vào các chợ đầu mối nông sản như Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền. Trong đó, chợ Thủ Đức có sản lượng tiêu thụ nhiều nhất, ngày cao điểm có tới gần 200 xe các loại chở vải thiều về đổ cho các vựa.

Chính vì thế, TP.HCM được các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang coi là đầu mối quan trọng nhất để đưa vải vào tiêu thụ ở Nam Bộ. Bởi theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trên địa bàn TP có nhiều hệ thống siêu thị. Những hệ thống này không chỉ đứng chân trên địa bàn TP mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, TP khác. Do đó, khi đưa vào các hệ thống này, trái vải sẽ không chỉ được tiêu thụ ở TP.HCM mà còn ở các các tỉnh, TP Nam Bộ.

Với lợi thế ấy, để giúp nông dân các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tiêu thụ tốt trái vải khi mùa vụ đang rộ, trong khuôn khổ Hội nghị này, đã diễn ra một số hoạt động liên kết để tiêu thụ trái vải, gồm ký kết biên bản hỗ trợ tiêu thụ trái vải giữa các Sở Công thương, hay ký kết biên bản thỏa thuận tiêu thụ trái vải giữa đại diện các huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà và Chí Linh (Hải Dương) với các đầu mối tiêu thụ ở TP.HCM (siêu thị, chợ đầu mối).

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm