| Hotline: 0983.970.780

Liên Mạc hướng tầm nhìn dài hạn

Thứ Hai 14/02/2011 , 11:19 (GMT+7)

Xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội tuy đời sống khó khăn song lại có những định hướng rất táo bạo khi triển khai xây dựng NTM.

Truyền thống và hiện đại là mục tiêu xã Liên Mạc hướng tới trong công cuộc xây dựng NTM

Theo Bí thứ Đảng ủy kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Liên Mạc Tạ Quang Đáp, Chương trình Xây dựng NTM hướng tới mục tiêu to lớn tạo ra bộ mặt làng quê hiện đại, tiên tiến, văn minh đậm đà bản sắc dân tộc...

Từ định hướng đó, ông Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, thay vì chỉnh sửa những làng quê hiện tại chúng ta nên xây dựng hẳn một khu dân cư hoàn toàn mới theo đúng tiêu chí NTM đề ra để làm mẫu.

Mới đạt chuẩn 1 tiêu chí

Chúng tôi quyết định chọn xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội để xông đất đầu năm vì biết đây là một trong những địa phương khó khăn nhất của Hà Nội song lại có những định hướng rất táo bạo khi triển khai mô hình xây dựng NTM. Đầu xuân năm mới nên ông Bí thư Đảng ủy xã Tạ Quang Đáp không ngần ngại bộc bạch rằng, khi xã Liên Mạc được huyện và thành phố chọn xây dựng thí điểm mô hình NTM, bản thân ông cũng như lãnh đạo địa phương chưa hiểu và hình dung được hết NTM nó như thế nào, cái gì làm trước, cái gì làm sau... Hơn nữa, đem so sánh 19 tiêu chí vào hiện trạng của xã mới thấy gánh nặng trách nhiệm trên vai là vô cùng nặng nề. Phải mất một thời gian khá dài cộng với sự giúp đỡ của huyện và thành phố, địa phương mới thành lập được Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã.

Tính đến thời điểm hiện tại, xã Liên Mạc mới có duy nhất một tiêu chí đạt theo tiêu chuẩn NTM, đó là hệ thống an ninh, trật tự được giữ vững, còn lại hầu hết đều chưa đạt. Nhưng cái khó khăn và cũng là bức tường thành lớn nhất ngăn cản quá trình xây dựng NTM tại xã Liên Mạc hiện nay lại nằm ở nguồn vốn. Với trên 90% dân số làm nông nghiệp, không có khu công nghiệp, không có làng nghề thủ công, nghề phụ cùng chẳng có nên ngân sách của Liên Mạc bao năm qua chỉ trông chờ ở vài chục triệu đồng tiền đấu thầu quỹ đất 5% của xã. Trong khí đó, đề án quy hoạch xây dựng NTM xã Liên Mạc được thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 11/2010 vừa qua có tổng kinh phí trên 192 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ cơ bản hoàn thành. Năm 2011 này, xã Liên Mạc dự tính giải ngân khoảng 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã đóng góp 55 tỷ đồng.

Nhưng theo lời ông Bí thư Tạ Quang Đáp thì xã Liên Mạc đang “bí như gà mắc tóc” vì chưa biết huy động ở đâu ra số tiền lớn như vậy để triển khai các hạng mục công trình trong bộ 19 tiêu chí. Quanh đi quẩn lại căng mắt ra nhìn vẫn chỉ thấy có duy nhất nguồn quỹ đất xen, kẹt. Nhưng đất xen, kẹt là những khu thùng đào thùng đấu, méo mó lồi lõm nên có bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Mặt khác, chủ trương bán đất xây dựng NTM hiện vẫn còn có nhiều tranh cãi, thủ tục lại rườm rà, nếu có bán được thì thời gian làm giấy tờ, chờ đợi chữ ký đã choán gần hết thời gian triển khai xây dựng NTM nên không thể trông chờ vào đó được.

Ý tưởng của ông Bí thư

Ông Bí thư xã Liên Mạc mạnh dạn hiến kế và đề nghị với chúng tôi một giải pháp xây dựng NTM của mình. Như lời chia sẻ của ông Đáp thì bộ mặt làng quê lôm nhôm như hiện nay là do xa xưa chúng ta phát triển tự phát, manh mún không có tầm nhìn chiến lược. Chính vì thế mới dẫn tới hệ lụy đường làng, ngõ xóm... chật hẹp chỉ vừa hai chiếc xe máy tránh nhau. “Ngày xưa người ta nghĩ làm đường chỉ để cho người và trâu, bò đi chứ có ai dám mơ ước đến chiếc ôtô. Ấy vậy mà ở quê người có ôtô con bây giờ nhan nhản nhưng toàn phải đỗ ở tít ngoài đầu làng mỗi khi về nhà. Việc xây dựng NTM hiện nay cũng vậy, phải có một tầm nhìn chiến lược dài hạn nếu không đến một ngày nào đó chúng ta lại phải tiến hành Chương trình “tu sửa”, “điều chỉnh” mô hình NTM”. Ông Đáp thẳng thắn tâm sự.

“Mô hình NTM mà chúng tôi đang định triển khai này không phải là dành cho ngày một, ngày hai, mà nó hướng tới tầm thế kỷ. Có nghĩa, ít nhất một trăm năm nữa mô hình đó vẫn chưa bị lạc hậu và không phải điều chỉnh gì to lớn mang tầm vĩ mô. Như vậy, xét ngọn ngành gốc rễ đó mới là cách xây dựng NTM tiết kiệm và bền vũng nhất”. Ông Đáp nhấn mạnh.

Sở dĩ Bí thư Tạ Quang Đáp mạnh dạn góp ý như vậy bởi vì trong đầu ông đang ấp ủ dự định hết sức lớn lao cho mô hình NTM tại xã Liên Mạc quê ông. Điều ông mong muốn hiện nay là sự đồng tình, ủng hộ của huyện, thành phố cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. 

Ông Đáp mở tấm lòng giãi bày điều ấp ủ trong nhiệm kỳ làm cán bộ cuối cùng mình: Theo đó, xã Liên Mạc có ba thôn là Bồng Mạc, Yên Mạc và Xa Mạc; mỗi thôn sẽ dành một quỹ đất khoảng 6  - 7 ha để xây dựng thành một khu NTM hoàn toàn. Tại khu NTM này sẽ có đầy đủ các cơ sở hạ tầng từ nước, điện, đường, trường, trạm, thậm chí có cả vỉa hè, bến nước, cây đa, bãi đỗ xe ôtô... Ngoài quỹ đất dành cho việc xây dựng các công trình hạ tầng, công cộng, số còn lại sẽ được chia lô bán đấu thầu cho người dân. Số tiền thu được đó sẽ được dùng để quay trở lại đầu tư cơ sở hạ tầng cho thôn “gốc” và một số hạng mục khác của khu NTM.

Theo lời ông Đáp thì mô hình ông đưa ra rất có thể nhiều người sẽ nghĩ nó giống thành phố, thị trấn mất rồi mà chúng ta lại xây dựng mô hình NTM. Nhưng ông cho biết trong quá trình xây dựng luôn luôn phải kết hợp giữa hiện đại và truyền thống hài hòa với nhau. Cái gì là nét đẹp, bản sắc, linh hồn của làng quê thì phải giữ lại, không có cũng phải nhân tạo nên. Còn những gì nó là tiên tiến, văn minh chúng ta cũng phải thẳng thắn đón nhận. Việc hình thành nên các khu NTM này có thể là sẽ tốn kém hơn một chút nên đòi hỏi phải có sự đầu tư ban đầu của huyện và thành phố làm bàn đạp khởi động. Khi khu NTM đã hình thành rồi, từ tiền bán đấu giá đất sẽ có vốn để tái đầu tư trở lại.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.