| Hotline: 0983.970.780

Linh hồn của đồ vật Trần Đức Tiến

Chủ Nhật 19/11/2017 , 14:05 (GMT+7)

Georges Perec, nhà văn Pháp, bỏ ra 5 năm trời để viết cuốn tiểu thuyết chưa đầy 200 trang, bản dịch ra tiếng Việt có nhan đề là “Đồ vật” (Les choses). 

Một cuốn tiểu thuyết, theo lời giới thiệu: “không sự kiện, không đối thoại, tràn ngập các trang sách là sự liệt kê, miêu tả tỉ mỉ, dài dòng lắm khi phát mệt các đồ vật một cách có vẻ khách quan chủ nghĩa… Chính từ đó tác giả vẽ nên một cách chân xác phong cảnh tâm trí của nhân vật, những người mê mải đuổi theo không phải bản thân sự sống mà hình ảnh bên ngoài của sự sống, mong muốn các đồ vật kia mang lại cho mình một căn cước”.

08-49-04_trng_32

Đắm đuối với tiện nghi sang trọng, đinh ninh giá trị con người phụ thuộc vào giá trị đồ vật, cũng có nghĩa là chấp nhận thân phận nô lệ cho đồ vật! May thay, mình chưa bao giờ có đủ điều kiện để có thể… tha hóa đến cỡ đó, hi hi. Những thứ đồ tầm tầm thuộc sở hữu của mình, còn lâu mới tiềm tàng nguy cơ biến chủ nhân của chúng thành hư hỏng. Chúng gần gũi, thân thiện và hữu dụng. Ở với nhau lâu, cảm nhận được mối tương tác tinh thần giữa mình với chúng. Có lần mình viết một cái truyện cho trẻ con.

Truyện kể về lũ đồ chơi của bé – cô búp bê, chú cún bông, anh lật đật, bác lính nhựa – nửa đêm rủ nhau sang phòng bé, lúc bé ngủ say. Lũ đồ chơi ấy cùng chiếc trực thăng gỗ ban ngày câm lặng xếp hàng ngay ngắn trên nóc tủ, nhưng chúng âm thầm yêu cô bé. Bay sang phòng cô bằng chiếc trực thăng, chỉ để ngắm cô ngủ, và hôn lên đôi má cô, đôi má thơm mùi quả dâu chín – điều mà ban ngày lũ đồ chơi rất muốn nhưng không làm được. Mình viết ra cái truyện ấy một cách tự nhiên, rồi quên cũng nhanh. Đến khi chứng kiến cô cháu ngoại 4 tuổi chơi với con thú nhồi bông mới giật mình nhớ lại. Con bé gọi món đồ chơi của nó là “em Chuột”.

Thú thật, mình không biết gọi con thú bông xinh xinh ấy là con gì cho thật chính xác? Nhang nhác thỏ, nhang nhác gấu, nhang nhác chuột. Giống như các nhân vật trong phim hoạt hình mà đa số người lớn chúng ta, vốn quá nặng về định kiến, phải loay hoay mãi để nhận dạng. Nhưng trẻ con thì khác. Bằng trực giác, chúng gọi ra ngay đó là cái gì, con gì… Cô cháu mình quả quyết: đây là con chuột, một con chuột thật dễ thương, và nó âu yếm đặt tên “em Chuột”.

Một hôm hai ông cháu đi chơi công viên. Con bé rất mê đi công viên thành phố, vì ở đấy có nhiều trò chơi và nhiều trẻ con. Bãi cỏ xanh. Hàng cây rợp mát. Những lối đi nho nhỏ uốn lượn duyên dáng. Cháu nắm tay ông, hào hứng kéo ông đi hết chỗ này qua chỗ khác. Nhưng chỉ được một lát, nó bất ngờ nhớ ra chuyện gì. - Về nhà đi ông! - Còn sớm mà, con? Con không muốn chơi đu quay nữa à? Con bé lắc đầu, nhất quyết đòi về. Về đến nhà, nó chạy vội đến cuối giường, nhấc chiếc khăn bông đắp cho em Chuột ra, bế em ra hè, rồi… “xi” cho em tè! Thoạt tiên mình phì cười về cái hành động của cô cháu nhỏ. Nhưng khi nhìn vẻ mặt ái ngại và nghe những lời dỗ dành của nó với con thú nhồi bông, mình hết cười. Nó xin lỗi “em Chuột”, vì đã quên không bế em đi cùng, mải chơi để em ngủ quá lâu mà không “xi” tè cho em…

Nhớ lại cái truyện viết cho trẻ con trên kia, mình thấy mình có lý. Lũ đồ chơi trong truyện hoàn toàn có thể đáp lại cô chủ bằng chính thứ tình yêu mà cô đã dành cho chúng. Và, vì là đồ vật, nên chúng ý tứ hơn con người – chúng chọn thời điểm thuận lợi nhất để bộc lộ tình cảm của mình: nửa đêm, khi mọi người yên giấc. Đôi khi con trẻ dạy lại cho người lớn chúng ta những bài học về sự trẻ hóa tâm hồn, trẻ hóa khả năng cảm nhận những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Từ chuyện “em Chuột”, mình lờ mờ hiểu ra vì sao lâu nay, mình vẫn có xu hướng yêu thích những món đồ quen dùng – bộ quần áo cũ, cái xe máy cũ… Có lẽ vì chúng sống lâu với mình và trở nên quá thân thuộc. Mặc bộ quần áo ấy, đi chiếc xe ấy, mình thấy thoải mái, không cần phải giữ gìn ý tứ gì cả. Chúng giống như những người bạn cũ. Ở bên bạn cũ, mình mới thật là mình…

Đầu năm 1986, anh T đi Liên Xô về, có quà cho mình là một chiếc đồng hồ để bàn. Chiếc đồng hồ vỏ nhựa màu đỏ, có chuông báo thức hẳn hoi. Sau này nghe nói bên ấy người ta chế ra loại đồng hồ này chủ yếu dành cho thiếu nhi, để bọn trẻ thoải mái tháo ra lắp vào, làm quen với cơ khí. Tức là giá trị của nó không cao. Chẳng biết có đúng không, nhưng với bọn mình lúc bấy giờ - lũ công chức độc thân sống trong khu tập thể giữa thời bao cấp - có một cái đồng hồ báo thức để đầu giường là oách lắm.

Anh T về nước ít lâu thì lăn ra bệnh. Bệnh hiểm nghèo: suy tuỷ. Hồng cầu trong máu anh tụt xuống mức thê thảm. Anh vào nằm bệnh viện, phải tiếp máu thường xuyên. Đầu tiên nửa tháng tiếp một lần, rồi hạ xuống một tuần, cuối cùng cứ vài ba ngày lại phải tiếp. Mỗi lần tiếp, mình nhớ là một phần tư lít máu tươi. Máu tươi ngày ấy thì… hiếm kinh khủng! Đâu đâu cũng thiếu ăn. Bọn cán bộ như mình, đang tuổi thanh xuân, thằng nào thằng nấy mặt xanh nanh vàng. Đã có thằng đang ngồi làm việc, mót tiểu, chui vào toa lét rồi ngất xỉu, gục mặt vào bồn cầu. Có thằng buổi chiều đi làm về, vừa kịp bưng bát cơm lên miệng thì lăn đùng ra nhà, phải gọi xe cấp cứu…

Thế mà có những lần, để có máu tiếp cho anh T, công đoàn cơ quan vẫn phải đứng ra vận động mọi người đi thử máu, hiến máu. Nhưng cái công đoàn thiếu máu kinh niên ấy làm sao cứu nổi anh! Cuối năm mình chuyển vào Nam. Trước khi đi đến thăm anh ở bệnh viện. Anh “bệt” lắm rồi. Nằm như dán xuống giường bệnh. Mắt kéo màng, lờ đờ. Da vàng như đất sét, nổi lên vô số đốm bã chè. Mình ứa nước mắt, nắm lấy bàn tay khô lủng củng những xương của anh lần cuối cùng. Mình vào Nam, mang theo chiếc đồng hồ. Được ít ngày thì nghe tin anh T mất. Mình giữ gìn chiếc đồng hồ như giữ gìn kỷ vật thiêng. 

Chuyện về anh T và chiếc đồng hồ - đúng hơn là chuyện về tụi mình thời ấy - mình đã kể lại ít nhiều trong truyện ngắn “Đồng hồ báo tử”. Truyện này được in đi in lại khá nhiều lần, có lần được chọn làm tên tập “truyện ngắn kinh dị” của nhiều tác giả, mặc dù nó chả phải là truyện kinh dị. Nhà mình có tới 3 đồng hồ treo tường chạy pin, một ở phòng khách, một ở phòng làm việc của mình, một dưới bếp. Không kể đồng hồ đeo tay, đồng hồ điện thoại, đồng hồ máy tính… Nhưng sáng nào mình cũng lên dây cót cho chiếc đồng hồ báo thức vỏ đỏ cũ kỹ. Những năm đầu nó chạy tốt, chính xác từng phút.

Cứ đúng 7 giờ sáng thì mình lên dây. Vặn 7 vòng thì nó chạy đến đúng 7 giờ sáng hôm sau. Vặn 9 vòng thì “sống” lâu hơn mấy tiếng, nhưng những phút cuối cùng bị chậm lại chút ít so với đồng hồ chạy pin.  Dùng lâu mình phát hiện ra: để chiếc đồng hồ này chạy “chuẩn không cần chỉnh”, mùa mưa mình vặn 7 vòng, cuối năm sang mùa khô vặn 9 vòng. Thực ra sai lệch, hơn kém nhau vài phút chả chết ai, nhưng mình vẫn muốn nhìn tất cả những chiếc kim đồng hồ có trong nhà cùng lúc phải đến đích đều tăm tắp. Một thói quen hơi… “khỉ”, nhưng không bỏ được. 

Đã có lúc mình nghĩ chiếc đồng hồ này không biết hỏng là gì. Trông cũ kỹ, bụi bám dày, lại chưa một lần lau dầu, vậy mà có khi nó còn sống lâu hơn cả mình. Nghĩ đến đấy tự dưng thấy hơi buồn buồn. Nó mà sống lâu hơn mình thì không biết ai sẽ lên dây cót cho nó nhỉ? Mà có biết mùa nào vặn 7 vòng, mùa nào vặn 9 vòng hay không? Nhưng rồi cũng đến lúc đồng hồ thiêng giở chứng. Đầu tiên là chuông báo thức.

08-49-04_trng_34

Đang reng reng vui tai, bỗng đổi thành lạch xạch. Mà cũng chỉ lạch xạch được vài tiếng rồi tắt ngóm. Rồi đến lúc vặn cót xong, bỗng nhiên đứng ì ra, không chịu chạy. Phải lắc mấy cái, vỗ mấy cái, mới nghe tiếng tích tắc lười nhác. Có lần chạy được năm, bảy tiếng thì nó… nghỉ khoẻ. 7 giờ sáng hôm sau ngó đến, thấy kim chỉ 12 giờ, mới biết cu cậu ngoẻo từ nửa đêm, thậm chí từ trưa hôm trước. Gõ cho một phát, lại chạy. Thế là chỉ phải vặn cót thêm ba, bốn vòng. Đến cuối mùa khô năm nay chiếc đồng hồ đứng hẳn. Tha hồ gõ, tha hồ lắc, nhất định không nhúc nhích.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thời tiết, môi trường, đất đai, sông suối và đương nhiên là đời sống muôn loài, trong đó, chưa biết chừng có cả sức khỏe của đồ vật. Không ai xui, tự nhiên mình đem chiếc đồng hồ vỏ đỏ ra phơi nắng giữa trưa. Quả nhiên nghe có tiếng giở mình, rồi tiếng tích tắc đều đều, khe khẽ. Chiếc kim giây nhúc nhích. Tưởng “bệnh nhân” được sưởi ấm đã gượng dậy được, nhưng hóa ra vẫn bất động khi đem vào nhà. Chán. Thôi mặc kệ, muốn ra sao thì ra. Không ai hơi đâu chốc chốc lại gõ với lắc. Nhưng khi để đồng hồ lên chỗ cũ, sơ ý thế nào khiến cu cậu đổ chổng kềnh. Ngay lập tức, tiếng tích tắc vang lên giòn giã. Mình đứng lặng nghe ngóng. Đích thị nó lại chạy. Chạy ngon lành. 

Một tuần trôi qua. Nhiều tuần trôi qua. Chiếc đồng hồ oái oăm ấy bây giờ dứt khoát chỉ chạy khi nằm ngửa. Thì ra đồ vật cũng đến lúc già cũ, bệnh tật, trái tính trái nết. Khác gì mình bây giờ? Có sáng ngủ dậy, thò chân xuống đất, chợt thấy mình hôm nay đã không còn là mình hôm qua…

(Kiến thức gia đình số 45)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.