| Hotline: 0983.970.780

Lò đào tạo ngôi sao: 30 năm mới được thừa nhận

Thứ Tư 10/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ra đời từ năm 1979 nhưng phải đến khi Barcelona giành cú ăn 6 lịch sử vào năm 2009 thì chất lượng đào tạo của lò La Masia mới được thừa nhận./ Khắc nghiệt hơn 'chín chó một ngao'

Hạn chế chiều cao

Kể từ khi La Masia mở cửa với tất cả trẻ em trên toàn thế giới, lò đào tạo ngôi sao này luôn trong tình trạng chật cứng học viên. Tuy nhiên, phần lớn những cầu thủ nhí vẫn là người Tây Ban Nha.

Đặc điểm chung của những đứa trẻ xứ bò tót là có chiều cao không thực sự tốt. Theo thống kê chưa đầy đủ, 80% số cầu thủ khi rời học viện bóng đá xứ Catalan có chiều cao chưa đến 1m80 - con số chuẩn dành cho một cầu thủ bóng đá.

Cần nói thêm rằng, do đặc biệt chú trọng vào kỹ thuật nên bản thân lò La Masia cũng tự “làm” học viên lùn đi.

Những cầu thủ nhỏ bé luôn có cảm giác bóng và kỹ năng xử lý trong phạm vi hẹp tốt hơn hẳn những chàng trai cao lớn.

Không phải tự nhiên mà những gương mặt ưu tú nhất của La Masia đều thiếu thước tấc. Messi, Xavi, Iniesta cao chưa đến 1m70, trong khi Guardiola, Puyol, Fabregas cũng chẳng đạt “chuẩn” 1m80.

Giám đốc Học viện Gulliermo Amor cũng thừa nhận điều này. Thành viên thuộc thế hệ đầu tiên của lò La Masia cho biết, những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của lò đào tạo đa số đều chơi ở hàng tiền vệ. Messi, Pique và Busquets gần như là những sản phẩm chục năm có một của học viện.

Nên biết, bóng đá trong giai đoạn thập niên 80, 90 luôn phân biệt rất rõ ràng vị trí cũng như vai trò của từng cầu thủ trên sân.

Mỗi đội bóng luôn có một máy làm bàn - một cầu thủ chơi cá nhân và có khả năng dứt điểm tốt, một tiền vệ đánh chặn giàu thể lực và một trung vệ cao to đủ sức chống lại lối đá cánh của sơ đồ 4-4-2 cực thịnh thời bấy giờ.

Tất cả những điều ấy Barcelona không tìm thấy được ở lò La Masia.

Ngay cả khi Johan Cruyff, một người chủ trương sử dụng các cầu thủ "cây nhà lá vườn", tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng Barcelona vào năm 1988, dấu ấn của lò La Masia lên lối chơi của Barcelona cũng không thực sự rõ ràng.

Những cầu thủ trẻ như Pep Guardiola, Albert Ferrer, Guillermo Amor... vẫn xuất hiện, nhưng họ tỏ ra nhạt nhòa so với những ngôi sao ngoài La Masia như Ronald Koeman, Michael Laudrup, Romario, Hagi hay Stoichkov.

Sự quá giống nhau của các sản phẩm mang thương hiệu La Masia vô hình trung lại làm hại chính họ. Một cầu thủ chơi được nhiều vị trí vẫn chẳng thể mang lại ấn tượng bằng một ngôi sao chỉ biết đá “một màu”.

Cho đến đỉnh cao nhất của thời Johan Cruyff, trận chung kết Champions League năm 1992, La Masia cũng chỉ đóng góp 2 cầu thủ là Albert Ferrer và Pep Guardiola, quá ít so với 6 của năm 2015, hay 8 của năm 2009 và 2011.

Bệnh thành tích

Trong một bài phát biểu thời mới nhậm chức ở Bayern Munich, Pep Guardiola tiết lộ rằng đội bóng cũ của ông thực tế đã chơi tiki-taka từ rất lâu, trước khi bộ ba Messi - Xavi - Iniesta xuất hiện.

Những cầu thủ làm chủ trái bóng, kiểm soát trận đấu bằng những đường ban bật liên tục và có ý thức di chuyển không bóng cực tốt.

Với nền tảng như vậy, Barcelona hoàn toàn có thể giương danh châu lục nếu những cầu thủ trẻ được trao niềm tin. Bản thân Johan Cruyff, HLV tiếp nhận lứa cầu thủ đầu tiên của La Masia cũng khẳng định, không ai hiểu triết lý CLB hơn những chú nhóc đã bỏ gia đình, ăn tập 5-10 năm cùng nhau.

Tuy nhiên, Barcelona của ngày Cruyff mới về đang trong cơn khát danh hiệu cùng cực. Họ có 3 năm trắng tay ở La Liga, chưa từng giành danh hiệu Champions League nào trong lịch sử.

Luis Aragones, người đặt nền móng thành công cho ĐT Tây Ban Nha giai đoạn 2008-2012, cũng bị Chủ tịch Josep Nunez “đá” không thương tiếc chỉ sau 1 năm ngồi ghế nóng.

Trước đó, HLV huyền thoại Rinus Michel, người từng giúp ĐT Hà Lan giành á quân World Cup 1974 và vô địch Euro 1988, cũng phải ra đi không kèn không trống vì thiếu danh hiệu.

Chừng đó đủ để nói lên kỳ vọng dành cho Johan Cruyff lớn đến mức nào. Người Catalan chẳng cho “Thánh Johan” nhiều thời gian như Sir Alex Ferguson hay Arsene Wenger, và sau một năm tay trắng, nhà phát minh của lối đá tổng lực buộc phải hành động.

Ông vẫn sử dụng một cách có chừng mực những mầm non trưởng thành từ La Masia, nhưng xương sống của Barcelona lại thuộc về những ngoại binh.

Việc một cầu thủ trẻ “lên đồng” trận trước, trận sau ngồi dự bị là chuyện hết sức bình thường. Chính những điều ấy đã tạo nên hệ lụy khôn lường trong tương lai.

Laudrup, Koeman được mua về năm 1989. Sau đó lần lượt là Hagi, Stoichkov và Romario. Chính những người này đã giúp đội chủ sân Nou Camp giành 4 chức vô địch La Liga và 1 danh hiệu Champions League.

Khi Cruyff ra đi năm 1996, những người thay thế ông đều chẳng hoàn thành nhiệm vụ dìu dắt La Masia. Bobby Robson nâng cánh cho “người ngoài hành tinh” Ronaldo, còn Louis van Gaal triệt để “Hà Lan hóa”.

Mục tiêu của họ, không gì khác ngoài mang những chiếc cúp về Nou Camp - điều mà Messi thừa nhận là chưa từng được dậy khi theo học ở La Masia.

Mãi đến khi Frank Rijkaard lên nắm quyền vào năm 2003, La Masia mới được “khai quật” trở lại. Nhà cầm quân người Hà Lan phát hiện ra Iniesta, kéo Puyol vào trung lộ, rút Xavi xuống dưới 10m.

Tất cả điều chỉnh ấy đã đưa những người con ưu tú của La Masia vào đúng bệ phóng, trước khi thăng hoa rực rỡ dưới thời Pep Guardiola.

Lò đào tạo ngôi sao xuất sắc bậc nhất thế giới vẫn đều đặn sản sinh ra những Messi, Xavi tương lai hằng ngày. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu của họ trên con đường đi tới bóng đá đỉnh cao.

Khi lên đội một, họ phải được tin dùng, được đặt vào đúng vị trí và quan trọng nhất là không bị sức ép về thành tích.

Đáng tiếc là những điều ấy đã trở thành thứ xa xỉ trong bóng đá hiện đại.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.