| Hotline: 0983.970.780

Lò đào tạo ngôi sao: Khắc nghiệt hơn 'chín chó một ngao'

Thứ Ba 09/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Người Tây Tạng (Trung Quốc) có câu nói nổi tiếng “chín chó một ngao” để nói về mức độ khốc liệt trong việc lựa chọn một chú ngao thuần chủng, nhưng so với lò La Masia thì chừng đó vẫn chưa thấm vào đâu./ Từ trận thua một Cty bia

Xa nhà 10 tháng/năm

Nằm ngay cạnh sân Nou Camp, La Masia de Can Planes - hay vẫn được gọi tắt là La Masia - trông giống như một tòa lâu đài cổ kính.

Được xây dựng từ năm 1702 nhưng mãi đến tận năm 1979, nơi đây mới được Barcelona trưng dụng thành Học viện bóng đá trẻ. Với xuất phát điểm là mong muốn các cầu thủ trẻ được tập luyện và sinh hoạt trong một không gian chung, lò La Masia đi ngược lại tất cả những quy tắc trước đó trong việc tuyển chọn và đào tạo cầu thủ trẻ.

Những đứa trẻ bỏ gia đình đến La Masia từ rất sớm, thường là vào tầm 10-11 tuổi, cá biệt có trường hợp 6 tuổi. Nó khác hẳn với tiêu chuẩn phát triển thể thao trẻ kiểu Mỹ, luôn lấy trường học làm chỗ dựa, và cũng không giống với những mô hình khác của châu Âu - những nơi luôn bắt lũ trẻ phải bỏ học khi bước sang tuổi 15.

Ở La Masia, lũ trẻ được chở đi học vào 8h sáng, trở về “nhà” vào đầu giờ chiều, rồi xỏ giày ra sân lúc 16h. Vào buổi tối, những cầu thủ nhí được nghỉ ngơi. Chúng có thể đọc sách, chơi điện tử hoặc tham gia các hoạt động tập thể. Tuy nhiên, điều bắt buộc là phải lên giường trước 22h.

Hoạt động theo mô hình khép kín như vậy nhưng mỗi đứa trẻ theo học ở lò La Masia không phải trả bất cứ một chi phí nào. Đổi lại, chúng phải xa nhà 10 tháng/năm và nếu được đôn lên đội một Barcelona, có một luật bất thành văn là phải cống hiến cho CLB từ 3-5 năm, trước khi chuyển đi nơi khác.

Nghiêm ngặt là vậy nhưng hiếm có chú nhóc nào cảm thấy xa lạ khi đặt chân vào La Masia. Những bức tường được trang trí bằng các tấm ảnh vui tươi, nghịch ngợm của rất nhiều tài năng trẻ khiến các chú nhóc rất dễ “bắt sóng” nhau.

Bên cạnh đó, như Giám đốc Học viện Carles Folguera chia sẻ: "Các chàng trai trẻ được dạy hai phẩm chất quan trọng nhất: tình bạn và đức tính khiêm nhường”. Chính nhờ điều này mà La Masia luôn duy trì được không khí như một gia đình.

Không chỉ tuyển quân tại lò, Barcelona còn có mạng lưới tuyển trạch rộng khắp trên thế giới. Ý tưởng này xuất phát từ Johan Cruyff, khi ông cho rằng cánh cửa La Masia nên được mở rộng với mọi cầu thủ, thay vì chỉ chú trọng vào những chú nhóc bản địa.

Thời kỳ hoàng kim, lò đào tạo ngôi sao này luôn duy trì 15 tuyển trạch viên tỏa đi khắp Tây Ban Nha, 15 người nữa ở châu Âu và thêm 10 người “cắm chốt” ở những miền đất giàu tiềm năng (thường là châu Mỹ).

Những đứa trẻ từ mọi nơi trên thế giới được giới thiệu về La Masia, miễn là chúng có tài năng. Messi là một trường hợp như vậy khi anh được phát hiện năm 13 tuổi ở Argentina.

Khốc liệt

Bất cứ chú nhóc nào khi đến La Masia đều mơ có một ngày trở thành Messi. Tuy nhiên để có được thành công ấy, quá trình rèn luyện là cực kỳ khắc nghiệt.

Hằng năm, có khoảng 1.000 cầu thủ nhí từ khắp mọi nơi đổ về Barcelona thi tuyển, nhưng thông thường chỉ 1/5 trong số đó được nhận vào các lớp năng khiếu.

Có 13 lớp như vậy, được phân chia theo độ tuổi từ 6-18. Điều đáng nói, thành viên ở mỗi lớp có thể bị trả về nhà bất cứ lúc nào, nếu họ không cho thấy sự phát triển.

Sau giai đoạn ban đầu kể trên, các cầu thủ được chia làm hai dạng: tài năng nở muộn và tài năng trẻ. Các “bông hoa nở muộn” được dự báo sẽ phát triển hết tiềm năng trong độ tuổi từ 21 đến 25. Thông thường, họ sẽ tìm kiếm cơ hội ở đội Barca B hoặc thử thách ở một CLB nhỏ, trước khi nghĩ đến vận may được Barcelona để mắt đến.

Các tài năng trẻ lại được chia tiếp thành hai loại: đã định hình rõ ràng về vị trí, lối chơi; và chưa được định hình hoàn chỉnh. Tuy nhiên tất cả đều sẽ bị “bón thúc” để “chín ép” trong thời gian nhanh nhất. Quá trình ấy gồm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài từ 6 đến 9 tháng, trước khi đội ngũ HLV xác định xem có đủ khả năng lên đội một hay không.

Trong từng giai đoạn, sự cạnh tranh là rất lớn, bởi nếu không vượt qua giai đoạn 1, các học viên sẽ lập tức bị loại. Giai đoạn 3 có ý nghĩa quyết định khi từng cầu thủ đều được trao cơ hội ở đội B, và giới hạn cuối cùng cho họ là tuổi 21. Vượt qua độ tuổi này, những học viên của La Masia chỉ còn 2 lựa chọn: hoặc lên đội một, hoặc phải bán xới sang CLB khác.

Khốc liệt là vậy nên trong hơn 30 năm tồn tại, Barcelona chỉ giữ lại chưa đến 10% số cầu thủ “xuất xưởng” từ lò La Masia (trong tổng số gần 500 người). Khoảng 30% số học viên lập nghiệp ở nơi khác, phần còn lại gần như buộc phải đổi nghề.

Không phải ngẫu nhiên mà những gương mặt xuất hiện trong đội 1 Barcelona, có xuất thân từ lò La Masia, như Messi, Xavi, Iniesta, Pique... đều là ngôi sao. Đó là bởi trước đó, họ đã trải qua một quy trình tuyển chọn vô cùng ngặt nghèo.

Thêm một thuận lợi nữa cho những học viên lò La Masia, đó là họ luôn nhận được sự ủng hộ tối đa từ các HLV Barcelona. Ngoại trừ thời Louis van Gaal, Johan Cruyff, Pep Guardiola hay hiện tại là Luis Enrique đều tạo điều kiện để những cầu thủ ưu tú của lò đào tạo ngôi sao thể hiện khả năng.

Rất nhiều đại diện của Arsenal, Chelsea, Manchester United, Tottenham, Stuttgart và Bordeaux đã đến thăm La Masia và nghiên cứu về mô hình của học viện này vài năm trở lại đây. Chỉ riêng điều đó thôi cũng chứng tỏ, chất lượng lò La Masia tốt đến nhường nào. (Còn nữa)

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.