| Hotline: 0983.970.780

Lò đào tạo ngôi sao: Mặt trái của thành công

Thứ Năm 11/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Có rất nhiều bằng chứng thể hiện sức mạnh của lò La Masia. Nhưng chính vì nó hoạt động quá năng suất nên đã sinh ra vô vàn những mặt trái./ 30 năm mới được thừa nhận

Có rất nhiều bằng chứng thể hiện sức mạnh của lò La Masia như số lượng cầu thủ đóng góp cho các đội tuyển của Tây Ban Nha hay số cầu thủ trẻ hàng năm được đôn lên đội một, nhưng chính vì nó hoạt động quá năng suất nên sinh ra vô vàn những mặt trái.

Phận cừu đen

Nhắc tới những mất mát của lò La Masia, khó ai có thể quên được Ivan de la Pena. Cầu thủ được gọi là "Tiểu Phật" vì mái đầu ít tóc từ khi còn rất trẻ, nổi danh từ rất sớm. 19 tuổi De la Pena có chân trong đội một, sát cánh cùng đàn anh Pep Guardiola ở hàng tiền vệ.

Ngay mùa đầu tiên 1995-1996, De la Pena làm nổ tung cả châu Âu với 9 pha lập công. Mùa thứ hai, anh hợp với cạ cứng Ronaldo tạo thành một "máy chém" khủng khiếp bậc nhất lục địa già. "Tiểu Phật" được rất nhiều HLV của lò La Masia đánh giá là tiền vệ ưu tú nhất trong lịch sử học viện, thậm chí hơn cả Xavi và Iniesta sau này.

Tuy nhiên, con người tài hoa này sớm bạc mệnh khi Louis van Gaal xuất hiện với chính sách "Hà Lan hoá" khó hiểu. Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất châu Âu 2 năm liền 1995, 1996 phải nhường chỗ cho Cocu, Ronald de Boer, Zenden và buộc lòng bán xới khỏi Nou Camp.

Hay như mới đây là trường hợp của Gerard Deulofeu. Cầu thủ từng khiến cả giải Ngoại hạng phải xếp hàng để chờ xin chữ ký, giờ phải lưu lạc tận Sevilla khi không thể cạnh tranh nổi vị trí với bộ ba tấn công đắt giá Messi - Suarez - Neymar.

Với tài năng đã được thừa nhận trong 1 năm khoác áo Everton, dĩ nhiên Deulofeu không thể chấp nhận làm kẻ đóng thế. Anh sẵn sàng sắm vai “cừu đen” của lò La Masia, để được ra sân nhiều hơn, để được sống với đúng cảm xúc thực sự bên trái bóng tròn.

Bằng tuổi Deulofeu, Messi đã giành Quả bóng đồng thế giới. Và bản thân cầu thủ từng mất gần 10 năm ăn tập ở lò La Masia hiểu rằng quỹ thời gian dành cho anh không nhiều. Anh không thể chờ đến khi bộ ba M.S.N ở bên kia sự nghiệp để chiếm lấy một suất đá chính. Mà kể cả nếu chờ được, chưa chắc Deulofeu đã lọt vào mắt xanh của HLV bởi quá thiếu thực tiễn thi đấu.

Thế hệ của De la Pena và Deulofeu cách nhau 20 năm nhưng giữa họ đều có một điểm chung: bị ruồng bỏ bởi Barcelona. Trong quãng thời gian bằng đúng sự nghiệp chơi bóng của một cầu thủ, La Masia còn có vô vàn những “cừu đen” khác không thể vượt qua rào cản cuối cùng để đi đến thành công.

Bojan Krkic, người từng phá kỷ lục ghi bàn của Messi ở mọi cấp độ trẻ và hiện vẫn đang giữ kỷ lục là cầu thủ trẻ nhất từng chơi bóng ở đội một, giờ đang kiếm cơm ở đội bóng hạng trung Stoke. Ở tuổi 25, giấc mơ vươn đến một ngôi sao của anh gần như chấm hết.

Giovani dos Santos, thần đồng bóng đá người Mexico, từng vô địch World Cup U17 thế giới năm 2005 và được xem là “Messi mới” của lò La Masia, chấp nhận xuống hạng cùng Villarreal chứ không muốn quay về nơi từng nuôi dưỡng anh trưởng thành. Lý do rất đơn giản: Dos Santos muốn chơi bóng đỉnh cao - điều Barcelona không thể làm cho anh.

Với những người như Deulofeu, Bojan hay Dos Santos, có trận ra mắt đội một là điều chẳng phải suy nghĩ nhưng trụ lại và tỏa sáng mới là thử thách thực sự. Một mùa giải không danh hiệu luôn là thảm họa thực sự với CLB, và họ luôn sẵn sàng gạt bỏ những cầu thủ trẻ chưa đạt tới đẳng cấp ngôi sao. Thay vì chờ đợi, đội bóng sẽ chi tiêu mạnh tay để mang về những bản hợp đồng đắt giá như Neymar, Suarez hay trước đó là David Villa, Ibrahimovic.

Tự làm khó bản thân

Thời Pep Guardiola nắm quyền, ông đã cho khoảng 25 cầu thủ trẻ có trận ra mắt đội một Barcelona. Đó là một con số khủng khiếp: 25 người trong vòng 4 năm, số lượng đủ để tạo ra một đội hình mới hoàn toàn cho chính đội bóng sọc xanh - đỏ.

Tốc độ “sản xuất” khủng khiếp ấy, tự nó đã làm khó chính La Masia và Barcelona. Không thể nói lò đào tạo ngôi sao đã cho ra những “sản phẩm” đại trà. Những ai tốt nghiệp La Masia đều có quyền tự hào, họ đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất của một học viện đào tạo bóng đá trẻ. Chỉ có điều, những người có trách nhiệm của cả La Masia và Barcelona không thể tìm ra được một tiếng nói chung.

Hãy lấy trung vệ trẻ Marc Bartra làm ví dụ. Cùng với Gerard Pique, anh nằm trong số của hiếm La Masia khi có thể chơi ở trung vệ - vị trí mà đội bóng xứ Catalan luôn rất khao khát. Nhưng trong cả mùa này, cầu thủ từng đến La Masia năm 11 tuổi chỉ có 25 lần ra sân (phần lớn từ ghế dự bị), ít hơn cả mùa trước (30 lần). Bartra thậm chí còn không thể cạnh tranh được với “ông già” Mascherano - người có vị trí sở trường là tiền vệ phòng ngự.

Hoặc đã có những biến chuyển ở kiến trúc thượng tầng của Barcelona khi họ không còn tin dùng cầu thủ trẻ, hoặc những sản phẩm mang nhãn hiệu La Masia không đáp ứng được cho nhu cầu Barcelona. Nhưng dù có thể nào thì cũng có thể khẳng định, lò đào tạo hàng đầu thế giới này đang lâm vào cuộc khủng hoảng thừa, sau khi phát triển với tốc độ chóng mặt trong vòng hơn 30 năm qua.

Đời cầu thủ kéo dài khoảng 15 năm, trong khi chỉ cần 4 năm, La Masia đã dư sức “tống cổ” cả đội hình hiện tại ra đường. Họ buộc lòng phải lãng phí 2-3 thế hệ học viên bởi “chỉ có ai điên mới đi thay thế Messi vào lúc này” (lời một quan chức Barcelona).

Thế hệ Messi, Xavi, Iniesta cách thế hệ Guardiola, Sergi, Ferrer chừng 10 năm. Và đó cũng là khoảng thời gian cần thiết để một thế hệ mới tiếp bước những gì mà “Dream Team” hiện tại của Barcelona đã làm được.

Đừng hỏi vì sao La Masia chưa cho ra lò thêm những siêu sao mới tầm cỡ Messi, bởi đơn giản thành công luôn mang tính chu kỳ.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.