| Hotline: 0983.970.780

Lò đào tạo ngôi sao: Từ trận thua một Cty bia

Thứ Hai 08/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ý tưởng thành lập lò đào tạo ngôi sao La Masia của Barca không ngờ lại bắt đầu từ một trận thua tai hại trước... một hãng bia./ Đánh bại Juventus, Barca lần thứ 5 đăng quang Champions League

Khi trọng tài chính Cuneyt Cakir thổi hồi còi kết thúc trận chung kết Champions League năm 2015, Barcelona lần thứ 4 trong vòng 10 năm bước lên ngôi vị cao nhất của bóng đá châu Âu, điều không CLB nào khác làm được trong cùng khoảng thời gian này.

Tất nhiên, thành tích ấy có thể bị đánh bại trong tương lai bởi một siêu đội hình nào đó, giống Barcelona bây giờ. Nhưng nếu thắng theo cách của người Catalan - luôn ra sân với phần lớn cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của CLB - thì e rằng, chiến tích của Messi cùng các đồng đội là cực kỳ khó đánh bại.

Để đánh bại Juventus đêm 6/6, Luis Enrique sử dụng 6 cầu thủ “cây nhà lá vườn”. Trước đó trong 2 trận chung kết với Manchester United vào các năm 2009 và 2011, Pep Guardiola thậm chí còn cho ra sân tới… 8 người từng ăn tập ở lò La Masia.

"Ta phải làm cái gì đó!"

Để có kỳ tích ấy, người Catalan đã phải chờ tới 40 năm. Tính từ thời điểm Johan Cruyff đặt những viên gạch đầu tiên khi thuyết phục thành công Chủ tịch Barcelona Josep Nuzez mở Học viện bóng đá tương tự như Ajax Amsterdam vào tháng 10/1979, các lứa cầu thủ tài năng cứ thế nối tiếp nhau ra đời ở Nou Camp.

Ngay trong 10 năm đầu tiên, thế hệ đầu tiên của Guilermo Amor, Carles Busquets, Pep Guardiola và Sergi Barjuan đã trình làng bóng đá thế giới.

Sau đó lần lượt là Ivan de la Pena, Xavi Hernandez, Carles Puyol, Mikel Arteta, Andres Iniesta, Pepe Reina, Victor Valdes, Ces Fabregas, Gerard Pique, Lionel Messi và mới nhất là Munir El Haddadi.

Người Catalan đang khiến mọi người phải tin rằng, dòng chảy ấy sẽ không bao giờ chấm dứt.

Tuy nhiên ít ai biết rằng, những ý tưởng về việc cho cầu thủ trẻ ăn tập cùng nhau từ sớm, chơi cùng một lối đá với đàn anh ở đội một, ưu tiên phát triển kỹ thuật của cầu thủ (chứ không phải thể lực) đã manh nha tại Barcelona từ trước khi Johan Cruyff xuất hiện.

Nó bắt nguồn từ một trận thua tai hại của đội bóng mặc áo xanh - đỏ trước… một hãng bia.

Câu chuyện cổ tích ấy xảy ra vào năm 1972, khi đội Juvenil A (U18 Barcelona) thi đấu trận chung kết Copa Catalan với CF Damm, đội bóng lấy tên từ một hãng bia.

Vào thời bấy giờ, đội trẻ Barcelona dĩ nhiên là không đá đâu thắng đó như bây giờ. Họ đã trải qua nhiều năm liên tiếp không biết đến danh hiệu và rất mong chờ vào một chiến thắng để xốc lại tinh thần.

Mặc dù vậy, bất chấp sự cổ vũ của 15.000 CĐV trên khán đài cùng sự hiện diện của Chủ tịch Agusti Montal và HLV trưởng đội một Rinus Michels, Juvenil A bại trận đau đớn 2-3.

Trận thua nhanh chóng bị coi là thảm họa, đến mức Chủ tịch Montal phải bực tức thốt lên: “Ta phải làm gì đó! Không thể chấp nhận được! Tôi có thể chịu đựng trận thua trước một đội bóng, chứ không phải một Cty bia!”.

Kỹ thuật + trí tuệ

Laureano Ruiz là giải pháp được CLB lựa chọn. Khi người đàn ông sinh năm 1937 này được đưa về, ông được giao nhiệm vụ đưa Juvenil A lên một tầm cao mới, đồng thời giúp 3 đội trẻ khác của Barcelona phải có những chuyển biến tích cực.

Một năm sau ngày Ruiz ra đi, Barcelona mở Học viện đào tạo trẻ theo lời gợi ý của Johan Cruyff. Thêm 9 năm nữa (năm 1988), mô hình các cầu thủ chơi cùng một thứ bóng đá và ưu tiên sử dụng những cầu thủ kỹ thuật mới chính thức được xác lập tại Nou Camp, khi “Thánh Johan” làm HLV trưởng.
Tất cả những điều ấy, Barcelona có thể đã sở hữu từ sớm hơn nếu họ vẫn tin dùng Laureano Ruiz.

Cựu HLV của đội trẻ Racing Santander nhanh chóng khẳng định được tài năng khi liên tục vô địch cúp Catalan và cúp Quốc gia. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, Laureano Ruiz thuyết phục CLB rằng tất cả các đội trẻ nên chơi giống nhau, để luôn tạo ra sự kế thừa trong từng độ tuổi.

Năm 1974, Ruiz trở thành cố vấn chính của cả cả hệ thống đào tạo trẻ Barcelona. Không mất nhiều thời gian để ông nhận ra sự bất cập của các đội trẻ nơi đây, đó là cầu thủ không biết làm gì khác ngoài việc chơi bóng.

Khi ông hỏi các cầu thủ rằng họ làm gì khi không tập luyện, tất cả đều đồng thanh: "Thưa ngài, tôi chơi bóng đá". Ruiz cảm thấy không ổn bởi chỉ có khoảng 20-30% những đứa trẻ trong số ấy có thể đi đến cùng con đường của một cầu thủ chuyên nghiệp.

Lập tức, ông đề ra chính sách, những cầu thủ dưới 16 tuổi chỉ được phép tập bóng đá sau giờ học. Ruiz hiểu rằng, so với việc trở thành một cầu thủ, trở thành một công dân có ích còn quan trọng hơn gấp nhiều lần.

Laureano Ruiz lập tức bắt tay vào làm những điều ông cho là đúng. Chẳng mấy khó khăn, ông nhận ra ngay sự khác biệt giữa các chú nhóc.

Giữa những đứa trẻ chăm chỉ rèn luyện kỹ năng cơ bản và những đứa trẻ chăm tập thể lực, nhóm đầu tiên tỏ rõ sự vượt trội mỗi khi thi đấu đối kháng.

Nên biết thời bấy giờ, bóng đá Tây Ban Nha nói riêng và bóng đá châu Âu nói chung rất chuộng các cầu thủ to khỏe. Các nhà tuyển trạch ưa chuộng những cầu thủ cao lớn và không đánh giá cao những người nhỏ bé, bất kể khả năng chơi bóng của họ tốt đến mức nào.

Thậm chí, trước cổng văn phòng CLB còn treo một tấm biển lớn: "Hãy quay về nếu bạn giới thiệu cầu thủ trẻ thấp hơn 1m80".

Từ thực tiễn trên sân tập, Laureano Ruiz ý thức được, triết lý ấy thật sai lầm. Ông trở thành người đi tiên phong trong việc đưa kỹ thuật, khả năng chạm bóng và trí tuệ sân cỏ lên hàng đầu.

Đáng tiếc là tiếng nói của Laureano Ruiz tại CLB khi ấy không thực sự được coi trọng, ngay cả khi ông trở thành HLV đội một vào năm 1976. Những mâu thuẫn lớn dần trong lòng CLB bởi các HLV đội trẻ không đồng tình với cách dạy cầu thủ “không chạy” như của Ruiz.

Nhà cách mạng của Barcelona phải rời sân Nou Camp vào năm 1978 khi không thể giúp CLB tìm được những danh hiệu. Bất chấp điều ấy, di sản của ông để lại vẫn vô cùng to lớn.

Ngoài việc phát hiện ra hậu vệ phải Albert Ferrer, ông còn khiến đội bóng xứ Catalan thay đổi cách nhìn với cầu thủ trẻ. Họ cần những người khéo léo chứ không cần những gã khổng lồ ở trên sân. (Còn nữa)

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.