| Hotline: 0983.970.780

Lo lắng lũ quét, sạt lở đất

Thứ Năm 21/08/2014 , 09:06 (GMT+7)

“Chúng ta có hàng triệu ngư dân ven biển nhưng không mấy ai chết vì bão, nhưng cứ sau một cơn bão lại khiến nhiều chục người ở vùng núi thiệt mạng vì lũ quét, sạt lở đất” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lo lắng.

Tổng hợp của BCĐ PCLB Trung ương cho thấy từ năm 2000 đến nay, đã có tới 250 vụ lũ quét, sạt lở đất, chủ yếu xảy ra tại vùng núi, đặc biệt là vùng MNPB trong các đợt bão, mưa lớn, làm chết và mất tích gần 650 người cùng khoảng 350 người bị thương.

Một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người có thể kể ra như trận lũ quét kèm sạt lở đất do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và số 6 năm 2008 tại Lào Cai và Yên Bái, làm chết và mất tích tới 120 người, trận lũ quét ngày 28/9/2005 tại Văn Chấn, Yên Bái làm 50 người chết và mất tích.

Gần đây nhất, do ảnh hưởng của cơn bão số 2/2014, lũ quét và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 24 người thuộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La..., trong đó có 2 gia đình tại thị trấn Tam Đường và huyện Hoàng Su Phì của tỉnh Lai Châu bị thiệt mạng tới 5 người trong một nhà.

Các vụ lũ quét và sạt lở cũng gây thiệt hại to lớn về tài sản và SX, với hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi, hơn 100 nghìn căn nhà bị ngập và hư hại, hơn 75 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hàng trăm ha đất nông nghiệp bị vùi lấp... tính từ năm 2000 đến nay, tổng thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 3.300 tỷ đồng.

Các tỉnh thường xuyên xảy ra những vụ sạt lở và lũ quét kinh hoàng nhất đa số là các tỉnh MNPB như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng...

Nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về người do các vụ lở đất và lũ quét có muôn vàn, nhưng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đúc kết, tới 50-70% các vụ thiệt mạng xuất phát từ sự lơ là, bất cẩn của người dân.

Ông Lê Trọng Quảng – PCT UBND tỉnh Lai Châu chỉ ra rằng, không ít vụ sạt lở đất gần đây còn có nguyên nhân từ “nhân tai” gây ra như tình trạng người dân ngày càng mở rộng nhiều ao hồ dọc các triền núi để nuôi thủy sản, hay đôi khi các khu ruộng bậc thang cũng trở thành những túi nước đè nặng lên nền đất yếu, khiến chúng đổ ập xuống khi gặp mưa lớn.

Thậm chí theo ông Quảng, một số vụ sạt lở đất còn xảy ra do tình trạng làm đường giao thông chặn ngang dòng chảy, hay đất đá làm đường gạt xuống phía dưới nhưng không được khơi thông dòng chảy... Tại Sơn La, UBND tỉnh này cho biết, ngay cả việc xả lũ Thủy điện Sơn La về hồ Hòa Bình cũng chưa có cảnh báo sớm, nhiều trường hợp gây ngập lụt nghiêm trọng cho khu vực ven sông...

Một nguyên nhân khác được đa số địa phương đưa ra, đó là rất nhiều khu dân cư hiện đang sống ven các sông suối có nguy cơ bị cuốn trôi khi có lũ, nhưng việc cảnh báo, dự báo, thông tin không đến được với người dân nên tình trạng chủ quan còn phổ biến, nhiều trường hợp phải cưỡng chế dân mới chịu di dời. Nguy hiểm hơn, đa số trong số này lại đều là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn nên không có khả năng xây nhà kiên cố hoặc tự di chuyển tới nơi ở mới.

Trong khi đó, báo cáo của các địa phương MNPB cho thấy những năm qua, đã có hàng loạt các chương trình di dời dân tại các vùng núi xung yếu có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tới vùng an toàn, tuy nhiên, tiến độ còn rất chậm, phần lớn do thiếu kinh phí.

Tại Nghệ An, UBND tỉnh này cho biết nhiều dự án di dời dân khỏi các vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất rất chậm chạp. Cụ thể từ năm 2008 đến nay, đã có trên 940 hộ dân tại Nghệ An được di dời khỏi các vùng nguy hiểm, nhưng nhiều nơi dân vừa đến nơi ở mới, lại quay về chỗ cũ.

Được biết mới đây, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT triển khai đề án điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi.

Theo đó, tổng hợp của Bộ này cho thấy các tỉnh miền núi phía Bắc đang có tới trên 10 nghìn điểm có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét, trong đó có tới hơn 2.100 điểm có nguy cơ cực kỳ nguy hiểm, trong đó có các khu vực gắn liền với các khu dân cư đông đúc.

Trước tình hình này, tại cuộc họp hôm qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ TN-MT gấp rút hoàn thiện việc điều tra, thống kê các điểm dân cư có nguy cơ cao, đồng thời tăng cường các thiết bị và nhân lực phục vụ việc cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét và sạt lở đất để người dân và các địa phương chủ động phòng chống các sự cố.

“Trong khi chưa bố trí được ngân sách để di dời dân, sẽ phải xác định làm sao để dân an toàn, bằng việc xây dựng các cảnh báo sớm, đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức. Tuyên truyền cho khu vực miền núi sẽ rất khó khăn, nhưng không bao giờ là đủ, không ai thay thế được chính người dân, có tuyên truyền họ mới biết họ đang sống ở khu vực có nguy cơ nguy hiểm ra sao để tự giác phòng tránh” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.

“Trước đây, mỗi năm chúng ta có hơn 500 người chết vì thiên tai bão lụt, nhưng chủ yếu ở ven biển. Bây giờ việc phòng chống bão ven biển, sơ tán dân, đưa ngư dân vào bờ... chúng ta đã làm rất tốt, theo đó số người chết vì thiên tai mỗi năm đã thấp chỉ còn dưới một nửa so với trước đây. 

Thế nhưng nguy hiểm là hiện nay, số người thiệt mạng lại không phải do bão, mà chủ yếu do lũ quét, sạt lở đất ở miền núi, với số người chết vì nguyên nhân này lên tới trung bình 50 người/năm. Chỉ nguyên ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, lũ quét và sạt lở đất đã làm chết tới gần 30 người, đây là con số rất lớn, rất sốt ruột.

Về các giải pháp, yêu cầu Bộ TN-MT phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan tập trung đầu tư kỹ thuật, nhân lực phục vụ cho hệ thống quan trắc dự báo, sớm đưa bản đồ cảnh báo sạt lở đất, lũ quét về các địa phương để địa phương triển khai và hoàn thiện thêm, tránh tình trạng nghiên cứu xong rồi bỏ đó. 

Phải biết được khu vực nào khi xảy ra mưa bao nhiêu thì có nguy cơ gây nguy hiểm, chỗ nào phải sơ tán dân, sơ tán đi đâu... để địa phương biết trước nhằm chủ động phòng chống. Việc xây dựng các thông tin cảnh báo cần hết sức để ý gắn với nguy cơ lở đất do biến động địa chất. Bởi từ đầu năm đến nay, tại Sơn La đã có tới 9 cơn động đất nhỏ, có thể gây nguy cơ lở đất rất nguy hiểm. 

Đối với các khu vực dân cư có nguy cơ cao, đề nghị các địa phương phối hợp Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan sớm ưu tiên ngân sách, có phương án di dân, tái định cư đến khu vực an toàn. Hiện nay, tình trạng người dân sau khi phải dời đi vì sạt lở đất nhưng lại thiếu nơi ở mới ổn định còn lớn...

Về hồ chứa, yêu cầu các địa phương rà soát tới từng hồ, quyết định tích hay không tích nước trước mùa mưa lũ. Về tình trạng nhiều công trình, đặc biệt là công trình giao thông khi quy hoạch, xây dựng không tính tới việc ảnh hưởng tới dòng chảy sông suối, gây đổi dòng chảy, cản trở tiêu thoát nước, gây ra nhiều sự cố lũ ống, lũ quét và sạt lở rất nguy hiểm, yêu cầu ngành Công thương, GT-VT và địa phương khi xây dựng công trình, phải xin ý kiến của Bộ NN-PTNT để nghiên cứu các giải pháp điều tiết dòng chảy, không thể cứ làm cho xong việc của ngành mình”.

(Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải)

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.